Home Dưỡng Linh Kính Sợ Chúa – Phần 19: Hiệp Một Trong Thân Thể Đấng Christ

Kính Sợ Chúa – Phần 19: Hiệp Một Trong Thân Thể Đấng Christ

by AdrianChua
30 đọc

Ê-phê-sô 5:18-20 có chép “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh. Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau.”

Phân đoạn Kinh Thánh này đưa ra những bí quyết để giải quyết các xung đột trong mọi mối quan hệ giữa con người với nhau. Thật vậy, thiếu đi sự kính sợ Đức Chúa Trời là cội rễ của nhiều mối xung đột và chia rẽ với anh em mình trong chi thể Đấng Christ. Lẽ thường, chúng ta quá chăm về lợi riêng mình mà mất đi khả năng nhạy cảm với lợi ích của những người khác, vì thế mà dẫn đến việc gây tổn thương nhau và những tổn thương ấy trở nên vật cản giữa mọi người với nhau. Cơ đốc nhân đừng bao giờ quên rằng những mối quan hệ ta có được trong đời là một món quà và người đó là tặng phẩm Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Khi chúng ta cư xử không phải lẽ với người khác cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang đối xử không tốt với con cái của Chúa, những anh chị em trong Chúa của mình.

Tuy nhiên, vì vậy mà một số nhà bình luận hiểu câu 21 như một lời kêu gọi “vâng phục lẫn nhau,” vì vậy mà cả hai vơ chồng đều phải đặt mình dưới thẩm quyền của người kia. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Ê-phê-sô 5:21 thật sự có ý kêu gọi Cơ đốc nhân nhận biết và tôn trọng các thẩm quyền được Chúa kêu gọi vì chúng ta kính sợ Ngài.  Không ngoại lệ, trong nguyên ngữ Hy Lạp từ “vâng phục”, hupotassõ, thường chỉ về sự vâng phục thẩm quyền được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Vì vậy, “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau” có thể được diễn giải “những người ‘ở dưới uy quyền’ nên vâng phục những người có thẩm quyền đối với họ vì sự kính sợ Đức Chúa Trời”. Phân đoạn này được hiểu theo ngữ cảnh dưới đây:

Ê-phê-sô 5:22“Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa”

Ê-phê-sô 6:1 “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm”

Ê-phê-sô 6:5“Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy run sợ, lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, như vâng phục Đấng Christ…”

Một nguyên tắc tiên quyết của sự vâng phục ở mỗi cấp độ không phải nằm ở việc liệu chúng ta có thể tin cậy người chúng ta đang chịu phục nhưng chúng ta có thể tin cậy Đức Chúa Trời để Ngài hành động qua người mà Chúa muốn chúng ta vâng phục ấy chăng.

Đầy dẫy Đức Thánh Linh là nền tảng của sự vâng phục nhau.

Đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là ở dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Câu 21 là kết quả kết nối từ câu 18, “hãy đầy dẫy Đức Thánh Linh…

Chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh khi Thánh Linh chiếm hữu và ngự trị lòng chúng ta và chúng ta đang sống với cảm xúc và cảm nhận trong Ngài. Ở đây, sứ đồ Phao-lô so sánh sự đầy dẫy Đức Thánh Linh với việc say rượu. Theo cách nào đó, một người đầy dẫy Đức Thánh Linh cũng tương tự với việc một người say rượu vì rượu làm say đắm cơ thể bạn, chi phối suy nghĩ và kiểm soát phản ứng của bạn. Mở rộng ra, khi bạn không được Đức Thánh Linh dẫn dắt thì bạn mới là người đang lèo lái cuộc đời mình. Nếu chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh thì các mối liên hệ của chúng ta cũng sẽ được đổ đầy sự vui mừng vì chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời mà vâng phục lẫn nhau. Và sự vâng phục ấy cũng sinh ra sự vui mừng bởi vì chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự tốt lành tối thượng trong tâm trí chúng ta và sự vâng phục thẩm quyền theo ý muốn Chúa là sự vâng phục chính Ngài.

Nhưng đáng buồn thay, bản chất của con người sa ngã trong mỗi chúng ta lại không chịu lụy sự vâng phục. Thực tế, bản năng tự nhiên của chúng ta thường nổi loạn và kiểm soát. Cả những Cơ đốc nhân chúng ta cũng có thiên hướng mạnh mẽ chống lại thẩm quyền. Vì vậy, trước hết chúng ta phải học biết đầu phục Chúa hoàn toàn. Khi chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có thể học biết vâng phục những thế lực thẩm quyền khác nhau nơi con người được Ngài trao quyền cho vì ích lợi cho chúng ta.

Cũng vậy, những người nắm giữ thẩm quyền sống trong sự kính sợ Đức Chúa Trời sẽ không dám lạm dụng quyền lực mình có để làm theo tư lợi và ý riêng mình. Họ sẽ thực thi thẩm quyền mình được ban cho bởi tình yêu thương và khát khao mang lại ích lợi cao nhất cho những người sống dưới thẩm quyền của mình và biết rằng đến một ngày họ cần phải trình dâng mọi điều với Đấng uy quyền tể trị mọi sự. Vì vậy, chúng ta hãy nên luôn luôn nhìn nhận vai trò lãnh đạo không phải là cơ hội để làm lợi cho cá nhân nào nhưng là trọng trách lớn lao Đức Chúa Trời ban cho được thực thi dưới sự kính sợ Ngài.

Chúa ban phước cho bạn,

Dịch: Annie Nhỏ

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like