Chữ “hiếu” được đề cao trong đạo đức ở cả Đông lẫn Tây. Cổ học tinh hoa có “nhị thập tứ hiếu”, và 10 điều răn trong Kinh Thánh có “hãy hiếu kính cha mẹ”. Nhưng chữ “hiếu” nghĩa là gì? Thờ cúng có phải là “hiếu” không? Và làm sao ta bày tỏ lòng hiếu kính cha mẹ?
I. Ý nghĩa chữ hiếu

Ảnh thực tế đời sống của tượng hình chữ hiếu (孝)
Theo từ điển, chữ “hiếu” [1] nghĩa là có lòng biết ơn và phụng dưỡng cha mẹ. Trong tượng hình chữ Hoa, chữ “hiếu” (孝) gồm chữ lão (耂 – già) ở trên và chữ tử (子 – con) ở dưới, vẽ hình ảnh con cõng cha mẹ già. Bức ảnh một người con cõng cha mẹ ở trên là hình ảnh chữ “hiếu” trong thực tế đời sống. Khi mới sinh ra, cha mẹ đã bồng ẵm nuôi nấng ta thể nào, thì khi ta lớn cha mẹ già đi, ta cũng phải bồng ẵm nuôi nấng cha mẹ như thế. Vậy nên “hiếu” là sự phản chiếu và đền đáp lại công sức nuôi dưỡng ta của cha mẹ.
II. Thờ cúng cha mẹ có phải là hiếu?
Theo từ điển thì chữ “hiếu” [1] còn có nghĩa cúng bái, thờ tự. Đây là do niềm tin vật linh [2] của dân gian ngày xưa tin rằng mọi vật đều có linh hồn, khi thể xác chết thì linh hồn vẫn tiếp tục sống. Người Việt tin rằng linh hồn người thân thường ngự trên bàn thờ để gần gũi, giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ họ khi nguy khó, mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi. Và dương sao âm vậy, linh hồn cũng có thể thọ dụng đồ ăn được cúng bái, hay vàng mã đốt cho [3]. Vậy nên người xưa cho rằng cúng bái là một phần quan trọng của chữ hiếu để giữ sự kết nối, cầu vấn, tỏ lòng tôn kính, và chu cấp phụng dưỡng cho người đã khuất.
Nhưng cúng bái chỉ là hiếu nếu niềm tin vật linh là đúng. Đạo Phật theo niềm tin luân hồi, tức người chết rồi sẽ đầu thai sang kiếp khác, chẳng có ở bàn thờ mà ăn. “Kinh sách Phật giáo Bắc tông nói chung đều xác định người chết sau khoảng thời gian tối đa 49 ngày thì theo nghiệp mà tái sinh vào cõi tương ứng trong lục đạo…Cúng kiếng cũng vậy, người Phật tử cũng biết rõ, nếu ông bà tổ tiên tái sinh ngoài cõi ngạ quỷ… thì không thể ăn uống hay thọ dụng những lễ phẩm dâng cúng ấy. Chỉ riêng loài ngạ quỷ – quỷ thần là có thể ăn đồ cúng của loài người… Nếu người thân của chúng ta chết rồi tái sinh làm ngạ quỷ (ma đói) thì cúng kiếng cho họ sẽ thọ dụng được.” [4] Vậy nên nếu niềm tin luân hồi là đúng thì cúng bái là cho quỷ thần ăn, chỉ có ông bà nào nhiều nghiệp ác bị đầu thai thành ngạ quỷ (ma đói) thì mới ăn được. Việc thờ cúng ông bà chỉ là giao thoa với tín ngưỡng bản địa, không phải giáo lý gốc của đạo Phật. [4]
Còn theo Kinh Thánh, khi ta chết, “bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền Đạo 12:7), “theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Linh hồn ta sẽ lía thể xác về gặp Chúa, và chịu phán xét về mọi sai phạm với luật Trời khi sống (là “hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí, hết sức lực mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời… yêu người lân cận như chính mình” – Mác 12:30-31). Việc thờ cúng thì “khi người ta dâng tế là dâng tế ma quỷ, không phải Đức Chúa Trời…” (1 Cô-rinh-tô 10:20). Theo bác sĩ tâm thần Richard Gallagher, giảng viên Đại Học Columbia và Cao Đẳng Y Khoa New York, cũng là người cộng tác lâu năm với Hiệp Hội Đuổi Quỷ Quốc Tế để giúp họ phân biệt ca bệnh tâm thần và ca bị quỷ ám, thì ma quỷ có thể biết nhiều thông tin về người đã khuất và dùng nó để thao túng tâm lý ta. Vậy nên Kinh Thánh cấm con người cầu hỏi đồng bóng hay chiêu hồn (Phục Truyền 18:10-11).[5]
Do đó, việc thờ cúng chỉ là “hiếu” – phụng dưỡng cha mẹ – nếu niềm tin vật linh là đúng, linh hồn cha mẹ thường ở trên bàn thờ. Nhưng nếu niềm tin luân hồi của đạo Phật hay lời Kinh Thánh là đúng thì cúng bái chỉ là dâng tế cho quỷ thần, vô ích với người đã khuất.
Thỉnh thoảng ta nghe chuyện cha mẹ lúc còn sống thì con cái bỏ rơi [6], lúc chết thì chăm chỉ cúng bái. Việc cúng bái tính ra chỉ mất vài phút và vài cây nhang, đồ ăn cúng xong ta cũng ăn. Nếu lỡ có bỏ bê cha mẹ lúc sống thì khi họ mất cúng bái đỡ bị thiên hạ chê trách, đỡ bị lương tâm cắn rứt. Lại còn có hy vọng được linh hồn ông bà gánh vác giúp đỡ, có khi còn được cái nhà để thờ. Công ít lợi nhiều, người ta chăm chỉ cúng bái hơn phụng dưỡng là vậy.
III. Tại sao Chúa muốn chúng ta hiếu kính cha mẹ [9]?

“Hãy hiếu kính cha mẹ của con, để con được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho con.” (Xuất Ai Cập 20:12)
Kinh Thánh nói rõ ràng về cách chúng ta phải đối xử với cha mẹ. Điều răn thứ năm nói rằng: “Hãy hiếu kính cha mẹ của con, để con được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho con.” (Xuất Ai Cập 20:12). Điều răn này, và phước lành kèm theo, được lặp lại trong suốt Cựu Ước và Tân Ước.
Hiếu là biết ơn và phụng dưỡng cha mẹ. Kính, theo từ điển [7], là tôn trọng, thận trọng, nghiêm chỉnh chấp hành. Tượng hình chữ kính 敬 là quỳ gối 茍 giang tay 攵, thể hiện sự hạ mình thuận phục [8]. Như vậy hiếu kính cha mẹ là tôn trọng, hạ mình, nghiêm chỉnh chấp nhận thẩm quyền của họ, tuân theo lễ nghĩa, biết ơn và phụng dưỡng khi cha mẹ già.
Bên cạnh việc hiếu là phụng dưỡng cha mẹ thì Chúa còn muốn ta tôn kính cha mẹ. Thứ nhất là vì Ngài rất coi trọng các mối tương giao. Ngài mong muốn có một mối tương giao với mỗi người chúng ta. Để minh họa cho cấu trúc của mối tương giao, Ngài đã tạo ra gia đình. Cách ta tôn kính cha mẹ nói lên rất nhiều về cách ta thể hiện sự tôn kính đối với Chúa. Việc tôn kính cha mẹ dạy ta cách tôn kính Cha Thiên Thượng của mình.
Hãy nhớ rằng những người khác đang quan sát cách ta tôn kính cha mẹ và Chúa. Anh chị em và bạn bè ta sẽ học hỏi từ tấm gương ta. Và một ngày nào đó, khi ta trở thành cha mẹ, con cái bạn sẽ học cách đối xử với ta bằng cách quan sát cách bạn đối xử với ông bà chúng.
Việc tôn kính cha mẹ không chỉ quan trọng trong việc thể hiện sự tôn kính với Chúa, mà còn dạy chúng ta sự tôn trọng thẩm quyền. Tim Keller nói, “Sự tôn kính cha mẹ là nền tảng cho mọi loại tôn kính và mọi loại thẩm quyền khác”. Tôn kính cha mẹ dạy ta rằng Chúa đã đặt để những người có thẩm quyền đối với ta. Tôn kính họ cũng dạy ta cách tôn trọng thẩm quyền đó, và giúp ta được những người mà ta có thẩm quyền tôn trọng.
Quan trọng nhất, bày tỏ sự tôn kính đối với cha mẹ thể hiện tình yêu của Đấng Christ. Nó tạo nên mối liên kết bền chặt trong gia đình, có thể chữa lành các mối quan hệ tan vỡ, và giúp chúng ta trưởng thành trong vai trò Cơ Đốc nhân. Việc tôn kính cha mẹ của ta có thể là một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ tình yêu thương của Chúa.
IV. 20 Việc Làm Để Bày Tỏ Lòng Hiếu Kính [9]
Bên cạnh việc chu cấp phụng dưỡng cha mẹ khi họ già yếu, ta còn có thể làm những việc khác bày tỏ lòng tôn kính và yêu quý của mình với cha mẹ. Đây là danh sách 20 ý tưởng để bắt đầu, nhưng còn những cách nào khác ta có thể nghĩ ra để hiếu kính cha mẹ?
1. Nói với họ rằng ta yêu quý họ
Một câu đơn giản “Con yêu cha mẹ” có thể có tác động rất lớn!
2. Bày tỏ lòng biết ơn
Hãy cho cha mẹ biết rằng ta hiểu và trân trọng những gì họ làm cho mình và gia đình.
3. Làm việc nhà cho cha mẹ
Nếu có thể, hãy chọn một việc mà họ ghét nhất rồi làm mà không cho họ biết.
4. Bày tỏ tình yêu với anh chị em của ta
Hãy nỗ lực để biết và hiểu nhau, và hòa thuận với nhau thường xuyên nhất có thể.
5. Lên kế hoạch cho một đêm vui chơi hoặc phiêu lưu gia đình
Cha mẹ sẽ đánh giá cao sự sáng tạo của ta và sẽ rất vui khi được dành thời gian cho ta và mọi người trong gia đình.
6. Quan tâm đến sở thích của họ
Bày tỏ sự quan tâm đến thứ mà cha mẹ ta yêu thích. Dành thời gian để học một kỹ năng mới hoặc tham gia làm cùng họ.
7. Lắng nghe câu chuyện của họ
Xin cha mẹ kể cho ta nghe về đời sống thế nào khi họ còn niên thiếu.
8. Chia sẻ các câu chuyện của ta với họ
Hãy nói chuyện với cha mẹ. Kể cho họ nghe về một ngày, các ước mơ, khó khăn, và nguyện vọng của bạn.
9. Hỏi xin ý kiến của họ
Cha mẹ ta có rất nhiều kinh nghiệm và sự khôn ngoan để chia sẻ. Việc xin lời khuyên không chỉ cho họ thấy rằng ta coi trọng những kinh nghiệm của họ mà còn giúp ta trưởng thành hơn.
10. Nói sự thật
Luôn trung thực với cha mẹ. Điều này sẽ xây dựng lòng tin giữa ta và họ.
11. Đừng cãi lại
Khi đang bất đồng với cha mẹ hoặc cảm xúc cao độ, ta rất dễ trở nên thiếu tôn trọng. Hãy cố gắng kiểm soát lời nói và ngôn ngữ cơ thể của mình, và hãy giữ sự tôn kính.
12. Nói tốt về cha mẹ
Dù ở nơi công cộng hay riêng tư, hãy luôn giữ sự tôn quý với cha mẹ trong những điều ta nói về họ. Hãy tôn kính cha mẹ bằng cách chỉ nói tốt về họ.
13. Hỏi họ hôm nay thế nào
Hãy quan tâm đến những sự kiện đã xảy ra với cha mẹ ta vào ngày hôm nay. Nếu có một sự kiện quan trọng, hãy nhớ hỏi họ về nó.
14. Tổ chức một buổi học Kinh Thánh gia đình
Tự mình hoặc cùng với anh chị em của ta, hãy tổ chức một buổi học Kinh Thánh gia đình. Hãy làm cho nó tràn ngập sự thờ phượng, cầu nguyện, và đọc Lời Chúa cùng nhau.
15. Tìm hiểu lịch sử gia đình ta
Việc tìm hiểu lịch sử gia đình ta cùng với cha mẹ có thể là một cách tuyệt vời để học về những người thân và khám phá ra một số câu chuyện đáng kinh ngạc của gia đình.
16. Khen ngợi cha mẹ mình
Hãy khen ngợi cha mẹ một cách chân thành, và hãy nói với họ thường xuyên rằng họ đang làm rất tốt.
17. Giúp đỡ người khác cùng với cha mẹ
Giúp đỡ người khác có thể bao gồm đi mua sắm, làm vườn, hoặc chuẩn bị một gói quà để thể hiện tình yêu thương với người khác.
18. Kiểm soát cách phản ứng của ta
Khi thất vọng, tức giận, hay xúc động, ta rất dễ phản ứng dữ dội. Hãy kiểm soát giọng điệu, âm lượng, và cách hành động của mình khi ta cảm thấy như vậy. Hãy cố gắng cư xử bình tĩnh và tôn trọng khi ta bất đồng với cha mẹ.
19. Hãy dễ dạy và dễ tiếp thu
Hãy nhờ cha mẹ dạy mình một kỹ năng hoặc sở thích mới. Khi họ cho ta lời khuyên, hãy ý thức học hỏi từ câu chuyện của họ.
20. Lên kế hoạch dành thời gian cho cha mẹ
Lên lịch dành thời gian một một với cha hoặc mẹ của bạn. Hãy cất điện thoại và các thiết bị điện tử đi và dành thời gian đó để tìm hiểu nhau, cùng nhau cười đùa và động viên nhau.
Tổng Kết

“Hiếu” nghĩa là có lòng biết ơn và phụng dưỡng cha mẹ, có tượng hình chữ “hiếu” (孝) gồm chữ lão (耂 – già) ở trên và chữ tử (子 – con) ở dưới, vẽ hình ảnh con cõng cha mẹ già. Kính là tôn trọng, thận trọng, nghiêm chỉnh chấp hành, với tượng hình chữ kính 敬 là quỳ gối 茍 giang tay 攵, thể hiện sự hạ mình thuận phục. Hiếu kính cha mẹ là thể hiện sự tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp nhận thẩm quyền của họ, tuân theo lễ nghĩa, biết ơn và phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu như họ đã từng bồng ẵm mình khi xưa.
Người xưa xem việc thờ cúng cha mẹ là một phần của chữ hiếu vì họ tin rằng người chết còn linh hồn cũng cần ăn, nên ba mẹ mất cũng cần phụng dưỡng, vậy nên thờ cúng là hiếu. Nhưng điều này chỉ đúng khi niềm tin vậy linh là đúng. Còn theo niềm tin luân hồi hay theo Kinh Thánh thì linh hồn người mất đã đầu thai sang kiếp khác hay về gặp Chúa để chịu phán xét rồi, chẳng có ở bàn thờ để ăn. Lúc đó việc cúng bái chỉ là cho quỷ thần, vô ích với cha mẹ.
Chúa cho ta điều răn phải hiếu kính cha mẹ, kèm theo phần thưởng sẽ cho ta sống lâu trên đất (Xuất Ai Cập 20:12). Bên cạnh sự đền ơn đáp nghĩa việc họ đã bồng ẵm nuôi ta khi còn bé, việc hiếu kính cha mẹ còn dạy ta tầm quan trọng của các mối quan hệ, tôn kính bề trên, tôn trọng thẩm quyền, và thể hiện tình yêu thương của Chúa.
Bên cạnh việc phụng dưỡng nâng đỡ cha mẹ già, ta còn nên làm những việc thể hiện lòng tôn kính, yêu quý, biết ơn với cha mẹ của mình. Hãy nói với họ ta yêu quý và biết ơn họ. Hãy lắng nghe tìm hiểu chuyện đời, kinh nghiệm đời sống và những lời tư vấn của họ. Và hãy bày những công việc cho họ vui. Hãy chăm sóc vui chơi với họ như họ đã chăm sóc và vui chơi với ta khi còn thơ bé.
Richard Huynh dịch và tổng hợp (bachkhoa.name.vn)
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
Bài Tham Khảo
[1] Chữ “Hiếu” Theo Từ điển
https://hvdic.thivien.net/whv/%E5%AD%9D
[2] Thuyết vật linh
https://vi.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BA%BFt_v%E1%BA%ADt_linh
[3] Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ADn_ng%C6%B0%E1%BB%A1ng_th%E1%BB%9D_c%C3%BAng_t%E1%BB%95_ti%C3%AAn
[4] Ý nghĩa thờ cúng Tổ tiên theo quan điểm Phật giáo
https://m.giacngo.vn/y-nghia-tho-cung-to-tien-theo-quan-diem-phat-giao-post44013.html
[5] Bác Sĩ Tâm Thần Nói Quyền Năng Đấng Christ Tỏa Sáng Cả Trong Ca Đuổi Quỷ Đáng Sợ Nhất
https://bachkhoa.name.vn/2024/03/10/bac-si-tam-than-noi-quyen-nang-dang-christ-toa-sang-ca-trong-ca-duoi-quy-dang-so-nhat/
[6] Bao giờ hết cảnh… người già bị con cái bỏ rơi
https://tuoitre.vn/bao-gio-het-canh%E2%80%A6-nguoi-gia-bi-con-cai-bo-roi-97721.htm
[7] Chữ “kính” theo từ điển
https://hvdic.thivien.net/whv/%E6%95%AC
[8] Tượng hình chữ “kính”
https://mandarintemple.com/dictionary/chinese-to-english/hsk-5/%E6%95%AC-jing4
[9] HONOR YOUR FATHER AND MOTHER
https://www.focusonthefamily.com/live-it-pomst/honor-your-father-and-mother/