Một từ đơn giản để định nghĩa chánh niệm là “sự nhận thức” [hay “tỉnh thức”]. Trong nền văn hóa hiện nay của chúng ta, nhiều người trong chúng ta có xu hướng lao vào cuộc sống hàng ngày của mình với một tốc độ nhanh đến khó thở, thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc với bộ não quá tải. Chúng ta có xu hướng sống một đời sống bị kích thích quá độ và thường xuyên rối trí. Và thay vì quản trị suy nghĩ của mình, chúng ta trở thành tù nhân của suy nghĩ vì chúng ta không nhận thức một cách tỉnh táo về những gì đang chi phối đời sống tư tưởng của chúng ta.
Chúng ta thường đánh mất bản thân trong cơn nghiện của sự bận rộn vì nó cho chúng ta một cảm giác sai lầm về giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của bản thân. Khoảng thời gian yên lặng một mình đã trở thành một thử thách lớn và điều mà nhiều người sợ hãi. Chúng ta đã quên làm thế nào để sống có ý nghĩa và sâu sắc cũng như tận hưởng sự sống dư dật mà Đấng Christ đã đến để ban cho chúng ta. Thay vì sống theo đúng mục đích của Đức Chúa Trời, chúng ta bị định hướng một cách vô thức và sống thiếu suy xét bởi các giá trị cùng tiêu chuẩn của thế gian, sống trong sự mệt mỏi với một lịch trình bận rộn, phân tán và rời rạc.
Lời dạy của Chúa Giê-xu về sự nhận thức
Trong suốt Kinh Thánh, chúng ta được khuyên giục là hãy tỉnh táo để nhận thức được những gì Chúa đang làm ở giữa chúng ta.
Mác 4:9 – “Ngài lại phán: “Ai có tai để nghe, hãy nghe!””
Ma-thi-ơ 13:16 – “Nhưng phước cho mắt các con vì thấy được; phước cho tai các con vì nghe được…”
Trong sách Khải-huyền, Chúa Giê-xu một lần nữa lặp lại khái niệm này bảy lần (Khải-huyền 2:7,11,17,29; 3:6,13,22) “Ai có tai, hãy nghe lời Thánh Linh phán với các Hội Thánh…”
Thật không may, chúng ta thường chỉ nhận thức phần bề nổi của Lời Ngài và những gì Thánh Linh Ngài đang hành động ở giữa chúng ta. Trong sự bận rộn của mình, chúng ta có xu hướng mơ màng bước qua cuộc đời này như người say, không bao giờ thực sự chú ý cũng như không tỉnh thức trong cuộc sống hàng ngày của mình. Do đó, một cách vô tình và thiếu suy xét, chúng ta đã từng chút từng chút một thích nghi với thế giới quan của thế gian mà không nhận ra.
Chánh niệm có chủ đích của Cơ-đốc nhân giúp làm chậm quá trình suy nghĩ của chúng ta để tập trung vào những gì thực sự quan trọng, để neo giữ và nuôi dưỡng chúng ta trong các mục đích của Đức Chúa Trời. Đời sống của chúng ta sẽ là một đời sống đâm rễ và lập nền trên tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, không phải lo lắng và sợ hãi. Chúng ta không phải là vô âu vô lo hoặc thậm chí là tránh được mọi lo lắng, nhưng chúng ta nhận thức được nỗi âu lo. Điều này có nghĩa là sự lo âu là một thực tế nhưng không phải là một lối sống. Một cuộc đời được kết nối với những người mà chúng ta yêu thương, và điều quan trọng, là không dễ bị tách rời và phân tâm bởi tính cấp bách của những điều khẩn cấp. Chánh niệm Cơ-đốc cho phép chúng ta sống một cuộc sống đồng đi với Chúa vì nó liên tục đưa chúng ta trở lại trạng thái “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 46:10).
Điều này kỷ luật chúng ta ngừng sống với tâm lý bệnh thành tích và bắt đầu đời sống phù hợp với thánh linh của Đức Chúa Trời. Nó làm giảm cảm giác bị chia làm nhiều mảnh và khốn khổ của chúng ta trong một thế giới ngày càng tan vỡ. Nó ngăn chúng ta có những suy nghĩ tự thu mình, và giúp chúng ta phân biệt cũng như cắt bỏ những phiền nhiễu từ sự thiếu hiểu biết của chúng ta, để tập trung vào những điều thực sự quan trọng, từ đó, huấn luyện chúng ta chăm sóc tốt cho phần hồn của mình trong quá trình này. Chánh niệm đánh thức chúng ta đến sự sống phục sinh và kết nối chúng ta với sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở cốt lõi là sự vui mừng khi biết bản thân mình là ai ở trong Ngài.
Tự nhận thức về bản thân
Cô-lô-se 1:27 – “Vì Đức Chúa Trời muốn họ bày tỏ sự phong phú và vinh quang của màu nhiệm này giữa dân ngoại như thế nào, ấy là Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hy vọng vinh quang.”
Sự tự nhận thức thực sự được phát triển trong mối quan hệ sâu sắc của chúng ta với Đức Chúa Trời. Một trong những mục đích của việc thực hành chánh niệm Cơ-đốc là xây dựng các cơ bắp tinh thần để tập trung vào Đức Chúa Trời, niềm hy vọng vinh quang, để chúng ta không dễ bị phân tâm bởi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
Khi chúng ta dâng khả năng nhận thức của mình cho Đức Thánh Linh, điều đó tạo điều kiện cho chúng ta “nhờ Thánh Linh đổi mới tâm trí” mình (Ê-phê-sô 4:23). Khi buông bỏ những suy nghĩ và cảm xúc có khả năng hủy hoại, điều đó tạo điều kiện cho chúng ta nuôi dưỡng thái độ và tâm trí của Đấng Christ bên trong mình. Nhận thức thuộc linh của chúng ta mở ra con đường hướng về Đấng Christ, để kinh nghiệm một cuộc gặp gỡ lớn hơn với thực tế Đức Chúa Trời là ai, và quyền năng biến đổi của Đấng Christ từ bên trong. Chúng ta có thể nhận thức rõ hơn về Đấng đã đến sống trong chúng ta và cùng chúng ta đi qua mọi hành trình của cuộc đời. Điều đó giúp chúng ta ý thức một cách tỉnh táo về sự toàn năng của Ngài trong thời khắc hiện tại!
Nhận thức về sự cám dỗ
“Bạn không thể ngăn lũ chim bay qua đầu, nhưng bạn có thể ngăn chúng làm tổ trên đầu bạn” – Martin Luther
Thông qua chánh niệm, chúng ta có thể phân biệt và quan sát sự cám dỗ đầu tiên qua ý nghĩ rồi nhìn nó đến và đi qua sự nhận thức. Chúng ta không giả vờ như cám dỗ không có ở đó, nhưng chúng ta không để cho ý nghĩ đi xa hơn để nuôi dưỡng một khuôn mẫu phá hoại. Trong thuật ngữ tâm lý học, có thể châm ngòi hoặc tháo ngòi cho những suy nghĩ tiêu cực hoặc phá hoại. Một là xác định một cách chặt chẽ hơn và đi đến thống nhất với những suy nghĩ này rồi cho phép một khuôn mẫu được trau dồi và chấp nhận trong tâm trí. Hai là lùi lại phía sau, quan sát những suy nghĩ hoặc cảm xúc, rồi nhìn chúng đến và đi.
Chánh niệm không phải là tình trạng sống tách rời với thực tại mà là sự chấp nhận thực tại, giúp chúng ta kết nối với chính mình. Điều này tạo ra một điểm tiếp cận của nhận thức, nơi chúng ta có thể mang nỗi đau cảm xúc và lối suy nghĩ sai lầm của mình ra ánh sáng của Đức Chúa Trời, để chúng ta nhận được sự chữa lành và trọn vẹn trong Đấng Christ. Sự chấp nhận, theo nghĩa này, cho phép tâm trí nắm lấy sự hiểu biết thực sự và sâu sắc về cách mà vạn vật thực sự tồn tại. Nó cũng giúp chúng ta nhận ra yếu tố kích hoạt, do đó chúng ta ít có khả năng phản ứng thiếu suy nghĩ trong bất kỳ tình huống nào và nó khuyến khích chúng ta khám phá các phản ứng thay thế để mang lại kết quả đáng mong muốn hơn.
1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17 – “Cầu nguyện không thôi…”
Điều này có nghĩa là sự nhận thức liên tục về Đức Chúa Trời trong mỗi một ngày. Mục tiêu sự nhận thức của Cơ-đốc nhân là nhận thức về Chúa, nó cho phép chúng ta sống sâu sắc hơn trong sự hiện diện của Chúa và sống có trách nhiệm với sứ mệnh của Đức Chúa Trời trong thế giới bên ngoài các tổ chức và nhà thờ của mình. Điều này cho phép chúng ta sống một cách có chủ ý và bày tỏ quyền tể trị của Ngài trong đời sống của chúng ta.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com