Home Dưỡng Linh Tình Yêu Của Chúa – Phần 6: Tình Yêu Thương & Đức Tin

Tình Yêu Của Chúa – Phần 6: Tình Yêu Thương & Đức Tin

by AdrianChua
30 đọc

Đức tin về cơ bản là mối quan hệ tin cậy lẫn nhau chứ không chỉ là một nguyên tắc. Đó là mối quan hệ với Đấng là cội rễ và cuối cùng của đức tin trong chúng ta. Mối quan hệ này là cốt lõi của hành trình đức tin mà chúng ta tiến bước.

Trong Phúc Âm, nhờ đức tin, chúng ta được hiệp nhất với Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Từ đầu đến cuối, sự hiệp nhất này là công việc xuất phát từ lòng nhân từ của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.  Sự hiệp nhất của chúng ta với Đức Chúa Trời được khởi xướng bởi Đức Chúa Cha, được bảo đảm bằng sự hy sinh của Đức Chúa Giê-xu tại đồi Gô-gô-tha và được thi hành bởi Đức Thánh Linh đang ngự trị bên trong chúng ta. Tất cả những điều đó là ân điển.

Điều này dẫn đến sự hiệp thông với Đức Chúa Trời – một mối quan hệ hai chiều mà trong đó sự tham gia của chúng ta là rất quan trọng. Sự cứu rỗi không chỉ là việc chúng ta được tha tội và thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chúa không chỉ cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết; Ngài cứu chúng ta vì một điều gì đó còn lớn lao hơn thế nữa – đó là mối quan hệ với Ngài. Sự lựa chọn và quyết định của chúng ta tạo ra sự khác biệt lớn trong trải nghiệm của chúng ta về mối quan hệ này. Chúng ta có thể theo đuổi và tận hưởng một mối quan hệ yêu thương sâu sắc hơn hoặc thờ ơ với nó.

Đức tin thể hiện qua tình yêu thương

Ga-la-ti 5:6 – “Vì trong Đấng Christ Giê-xu, điều có giá trị không phải là cắt bì hay không cắt bì, nhưng là đức tin thể hiện qua tình yêu thương.

Có một sự cộng tác tuyệt vời giữa tình yêu thương và đức tin vì chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì đức tin được thêm sức bởi tình yêu thương (từ ‘thể hiện‘ ở  đây có nghĩa là ‘thêm sức/ thêm năng lực‘ trong tiếng Hy Lạp). Đức tin không phải là một công thức – nếu chúng ta có mối quan hệ thực sự với Chúa, thì chúng ta sẽ có đức tin.

Tất cả những gì Chúa Giê-xu đã hy sinh và chuộc mua cho chúng ta trên đồi Gô-gô-tha, chúng ta đều có thể nhận được bằng đức tin. Điều này bao gồm sự cứu rỗi, sự chữa lành, sự đầy dẫy Thánh Linh, những ân tứ của Thánh Linh, bông trái của Thánh Linh, và chiến thắng trên thế gian, xác thịt và ma quỷ cũng như mọi quyền lực của bóng tối.

Tất cả những điều này đến với chúng ta bởi đức tin. Tuy nhiên, đức tin này phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương, nghĩa là chúng ta có thể yên nghỉ trong tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.

Đức tin cũng không phải là việc chọn lấy một câu Kinh Thánh rồi tuyên bố lặp đi lặp lại và ra lệnh cho Chúa phải thực hiện nó cho đời sống của mình như thể Đức Chúa Trời là ‘ông thần đèn’ của chúng ta vậy. Đức tin chân chính và đích thực là sự đồng ý và vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Bước đi theo đức tin là việc chúng ta “làm chết đi bản ngã của mình” mỗi ngày, xem ý muốn của Đức Chúa Trời là ý muốn của chúng ta, chấp nhận những gì Ngài muốn làm trong chúng ta bởi ân điển của Ngài, và sau đó tìm cách theo đuổi nó bằng đức tin.

Đức tin thể hiện qua tình yêu thương, bởi vì đức tin hoạt động khi chúng ta xác tín không chút nghi ngờ rằng Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta và Ngài muốn sử dụng chúng ta vì sự vinh hiển của Ngài. Chính vì tình yêu thương không ngừng nghỉ của Đức Chúa Trời đối cùng chúng ta mà chúng ta sẵn sàng chết đi bản ngã của mình, chúng ta chấp nhận ý muốn của Ngài thay vì ý muốn của riêng mình, và chúng ta cố gắng thực hiện ý muốn của Ngài bằng đức tin.

Chúa Giê-xu biết chắc rằng Đức Chúa Cha yêu thương Ngài rất nhiều, đến nỗi Ngài đủ tin cậy để nói với Cha rằng, “Không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.” (Ma-thi-ơ 26:39

Khi chúng ta xác tín về những gì Đức Chúa Trời muốn làm trong đời sống của chúng ta bởi vì Ngài yêu thương chúng ta, chúng ta có thể giải phóng đức tin và theo đuổi ý muốn của Ngài với sự xác quyết không sợ hãi. Nếu đức tin là phương tiện đưa chúng ta đi từ điểm A đến điểm B, thì tình yêu thương chính là chất xăng truyền sức mạnh cho phương tiện di chuyển.

Tình yêu thương cho phép chúng ta bước đi trong đức tin

1 Giăng 4:18 – “Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi. Vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt, và ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu thương.” 

Chúng ta sợ hãi vì chúng ta chưa hiểu hết tình yêu thương của Cha dành cho chúng ta. Nếu chúng ta thực sự được trọn vẹn trong tình yêu thương, chúng ta sẽ có thể bước đi trong đức tin trọn vẹn.

Khả năng bước đi trong đức tin và ân điển lớn lao của chúng ta tùy thuộc vào sự tin tưởng lớn lao của chúng ta vào tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúng ta càng hiểu được tình yêu của Ngài dành cho chúng ta và sự hiện diện của Ngài trong đời sống của chúng ta bao nhiêu, thì chúng ta càng có đức tin lớn hơn bấy nhiêu.

Có giải pháp nào để cứu chữa khi đức tin của chúng ta không hoạt động chăng? Chỉ đơn giản là đắm mình trong tình yêu của Chúa. Đức tin hoạt động một cách tự nhiên khi chúng ta nhận ra mình được Chúa yêu. Nói một cách đơn giản, đức tin là sản phẩm phụ của việc hiểu và nắm lấy tình yêu của Đức Chúa Trời.

Rô-ma 8:31– “Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta?” 

Khi suy ngẫm về việc Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào, chúng ta nhận ra rằng bất kể chúng ta phải trải qua điều gì, cho dù hoàn cảnh của chúng ta có thử thách đến đâu, không gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương vô điều kiện của Chúa.

Quyền năng của lời cầu nguyện qua tình yêu thương

Phi-líp 4:6-7 – “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Giê-xu.

Nhiều người trong chúng ta lo lắng trước khi cầu nguyện, trong khi cầu nguyện và thậm chí là sau khi cầu nguyện. Tuy nhiên, theo Kinh Thánh, khi chúng ta chuyển sự lo lắng của mình thành lời cầu nguyện, thì điều đó sẽ dẫn đến sự bình an trong tấm lòng và tâm trí của chúng ta. Nếu chúng ta không kinh nghiệm được sự bình an, thì đơn giản là chúng ta chưa hoàn toàn phó thác mọi vấn đề của mình cho Chúa và hoàn toàn yên nghỉ trong tình yêu của Ngài.

2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:5 – “Cầu xin Chúa hướng dẫn lòng anh em đến với tình yêu của Đức Chúa Trời và sự kiên nhẫn của Đấng Christ!

Từ được dịch là “hướng dẫn” hay “dẫn dắt” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “loại bỏ chướng ngại vật” hoặc “dẫn đường”.  Do đó, Phao-lô đang cầu xin Chúa xóa bỏ những rào cản đang trở thành mối đe dọa cho sự phát triển thuộc linh của chúng ta để chúng ta có thể hiểu một cách trọn vẹn tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Việc yêu mến thế gian cùng những thứ không thuộc linh của đời này và đồng thời cũng đánh giá đúng tình yêu của Đức Chúa Trời là một việc bất khả thi.

1 Giăng 2:15 – “Chớ yêu thế gian cùng những gì trong thế gian. Nếu ai yêu thế gian thì sự kính yêu Đức Chúa Cha không ở trong người ấy.

Chỉ có một tấm lòng lớn lên trong sự biết ơn Đức Chúa Trời vì tình yêu của Ngài mới giúp chúng ta đi đúng hướng trên hành trình thuộc linh của mình.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like