Home Chuyên Đề 10 Lẽ Thật Không Phổ Biến Mà Con Cái Cần Được Nghe Từ Cha Mẹ

10 Lẽ Thật Không Phổ Biến Mà Con Cái Cần Được Nghe Từ Cha Mẹ

by ibelieve.com
30 đọc

Hơn bao giờ hết, các con của chúng ta đang bị tấn công bởi những thông điệp từ một thế giới hư mất, bị thao túng, và thậm chí là bị lừa dối. Là cha mẹ chúng ta có thể làm gì để chống lại những thông điệp mà thế gian này đang tiêm vào đầu óc của con cái mình? Là những bậc cha mẹ tin kín, trách nhiệm của chúng ta là giúp con cái mình nhận thức được thực tế về thế giới đen tối này, bằng cách không chỉ nói ra những điều đúng đắn mà còn ủng hộ lẽ thật bằng cách gieo trồng hạt giống của Kinh Thánh vào trong tấm lòng đang dần lớn lên của con trẻ.

Dưới đây là 10 lẽ thật tuy chúng không phổ biến nhưng con trẻ cần được nghe từ chúng ta:

  1. Thứ con muốn không giống thứ con cần

Nhu cầu là những điều chúng ta phải có để tồn tại và phát triển trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự mong muốn là những điều chúng ta muốn nhưng không cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta. Một hộ gia đình trung bình có khoản nợ thẻ tín dụng lên tới trên 16.000 đô la, rõ ràng toàn bộ xã hội đang phải vật lộn với việc chứng minh sự khác biệt qua cuộc sống hào nhoáng.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trẻ em ngày nay có một khoảng thời gian khó khăn để phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn của riêng mình. Mặc dù chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất thực sự không cần thiết cho viêc duy trì sự sống, nhưng bọn trẻ dường như chắc chắn rằng chúng sẽ chết ngay nếu không thể có được nó trong khi điện thoại đời mới chỉ đơn giản là một mong muốn mà thôi. Và mặc dù chúng cảm thấy như thế nào đi nữa về việc không thể có được chiếc điện thoại mà chúng yêu thích, thì chúng thực sự vẫn có thể sống mà không có nó.

Con trẻ cần phải hiểu được sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn để chúng có thể là người quản lý tốt những ơn phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho, đặc biệt là khi chúng có trách nhiệm trong việc tiết kiệm và chi tiêu của mình.

Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” – I Phi-e-rơ 4:10.

 

  1. Nỗ lực không khiến con trở nên hoàn hảo

Tôi tự hỏi liệu có khi nào chúng ta động viên con cái mình khi chúng gặp khó khăn và muốn từ bỏ bằng một câu tục ngữ mang ý nghĩa tích cực, ‘có công mài sắt có ngày nên kim’ hay không? Hãy đối diện với thực tế: cuộc sống không cho chúng ta biết chúng ta cần phải cố gắng bao nhiêu để có thể trở nên hoàn hảo. Nỗ lực của chúng ta để trở nên tốt hơn tất cả mọi người khác — để trở nên hoàn hảo trong mắt thế gian — chính là một phương tiện mà kẻ thù sử dụng để giữ cho chúng ta ở trong trạng thái so sánh và điều đó cướp mất niềm vui trong cuộc sống của chúng ta. Con cái chúng ta cần phải biết rằng không được hoàn hảo cũng không sao. Là cha mẹ, chúng ta cũng có những lúc thất bại và con cái chúng ta cũng cần phải nhìn thấy chúng ta không hoàn hảo nhưng chúng ta vượt qua sự thất bại đó một cách đầy ân điển.

Hãy giúp các con của chúng ta hiểu rằng trở nên hoàn hảo không phải là một thực tế trong thế gian này. Vậy thực tế là gì? Thực tế là chúng hoàn toàn vô giá trong mắt của Đức Chúa Trời.

Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng loài người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.” –  Ga-la-ti 1:10

 

  1. Con không phải là cái rốn của vũ trụ

Trẻ con đặt ham muốn của mình lên trên người khác là chuyện bình thường. Tuy nhiên, về cơ bản, tôi nghĩa hầu hết các bậc cha mẹ Cơ Đốc đều đồng ý rằng chúng ta muốn con trai con gái mình trở thành công cụ của Chúa Giê-xu. Là cha mẹ, chúng ta có thể nuôi dưỡng các con mình thông qua mô hình vai trò này. Chúng ta có thể để bọn trẻ cùng tham gia trong những chuyến thiện nguyện giúp đỡ người khác. Chúng ta trở nên giống Chúa Giê-xu hơn khi chúng ta chúc phước cho người khác. Và giúp đỡ những người thiếu thốn là cách tốt nhất để chống lại tình trạng ich kỷ, chỉ quan tâm đến mình của xã hội ngày nay.

Con cái chúng ta cần những cơ hội để hiểu rằng mặc dù thế giới này không xoay quanh chúng, nhưng chúng vẫn có khả năng tạo ra sự khác biệt tích cực trong thế giới của người khác.

Chớ quên việc lành và lòng bố thí, và sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” – Hê-bơ-rơ 13:16

 

  1. ‘Xóa đi’ không có nghĩa là nó đã thực sự biến mất

Cuộc sống của một đứa trẻ đa phần chỉ tập trung vào thời điểm hiện tại, cho dù chúng ta có muốn thừa nhận điều đó hay không. Không giống như thời trước khi có internet, phần lớn lối sống chỉ biết có hiện tại này sẽ không bị làm ngơ hoặc bị quên lãng trong thế giới ngày nay. Từ những lời chỉ trích bất ngờ không dự tính trước cho đến việc tiết lộ thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội để có thể thực hiện những tin nhắn liên quan đến tình dục (thường là tin nhắn có chứa hình ảnh khỏa thân) , các con của chúng ta không những chỉ có hành vi nguy hiểm mà còn đặt danh tính và sự an toàn của chúng vào vòng nguy hiểm.

Và lý do lớn nhất mà chúng làm điều này là vì chúng đã lầm tưởng và tin rằng những điều bất lợi mà chúng đã đăng trên mạng có thể bị xóa đi. Thực tế là không có gì trên mạng mà có thể xóa được hoàn toàn. Một người nào đó có thể sẽ chụp lại ảnh màn hình và lưu vào điện thoại cá nhân của họ để sử dụng những hình ảnh đó trong tương lai.

Nó phụ thuộc vào việc chúng ta làm thế nào để thảo luận với con cái mình về tầm quan trọng của việc thể hiện hành vi giống như Đấng Christ, suy nghĩ trước khi đăng bất cứ thứ gì lên mạng xã hội và giám sát hành vi trực tuyến của chúng một cách chặt chẽ.

Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào. – Rô-ma 12:1-2

 

  1. Chờ đợi không có gì là sai

Sống trong một thế giới mà khi ta mua sắm thứ gì cũng đòi hỏi phải giao hàng trong ngày, thì liệu chúng ta có thể trách các con của mình về việc chúng dễ dàng nổi cáu lên khi phải chờ đợi lâu được chăng? Những bậc cha mẹ như chúng ta thậm chí cũng không quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta đã quen với cái thế giới mà những đòi hỏi của chúng ta được đáp ứng một cách nhanh chóng và những nhu cầu được thỏa mãn tức thì.

Nhưng cũng có không ít lần chúng ta chờ đợi mà không nổi cáu, đúng không? Đó là thời gian của sự hy vọng và hứng khởi — chỉ đơn giản bởi vì chúng ta phải chờ đợi. Nó dạy chúng ta làm thế nào để thỏa lòng và  tập trung vào những phước hạnh mà mình đang có, chứ không phải là những thứ mình chưa có được. Điều này có gì là sai?

Con trẻ cần nhiều cơ hội để có thể học được sự thỏa lòng và chờ đợi với một tâm thế lường trước được sự việc, chứ không phải là sự bực mình, khó chịu. Sau đó, chúng sẽ được chuẩn bị tốt hơn để có thể chờ đợi một khi Đức Chúa Trời bấm nút tạm dừng trong cuộc sống của chúng.

Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.Ma-thi-ơ 6:32-33

  1. Con không nên lúc nào cũng nghe theo trái tim mình

Trái ngược với niềm tin phổ biến, chỉ vì tôi cảm thấy điều đó là tốt không có nghĩa là nó thật sự tốt. Hơn bao giờ hết, con em của chúng ta đang lớn lên trong một xã hội mà sống-làm-sao-để-ngày-hôm-nay-bạn-thấy-vui-là-được, con người có sức chịu đựng rất kém đối với những tình trạng bất tiện, không được thoải mái.

Nhưng thực tế là những cảm xúc thì thường không kiên định, mãnh liệt, và thoáng qua. Những cảm xúc xuất phát từ tấm lòng của chúng ta không có khả năng dẫn chúng ta đến những gì tốt nhất.

Hãy cảnh báo con cái chúng ta đừng tập trung vào tấm lòng của chúng, nhưng hãy để tấm lòng chúng tập trung vào Chúa, chỉ làm theo những điều trái tim mách bảo khi mà ham muốn của nó phù hợp với Lời đáng tin cậy của Đức Chúa Trời.

Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? – Giê-rê-mi 17:9

 

  1. Giá trị của con không được định giá bởi thế gian này

Giá trị thật sự của một con người không phải được cân đo đong đếm bằng số tiền mà bạn kiếm được, căn nhà của bạn to cỡ nào, hay bạn đang chạy chiếc xe gì. Mặc dù thế giới vật chất này khiến các con chúng ta tin vào điều đó, giá trị của chúng thực sự không phụ thuộc vào tài sản của chúng, cũng không phải tình trạng xã hội hiện tại của chúng

Trở thành nô lệ cho một đời sống trong đó giá trị bản thân được đo bằng những gì mà thế gian gọi là sự thành công chính xác là điều mà kẻ thù muốn cho các con của chúng ta. Điều này bắt buộc chúng ta phải dạy con cái mình về tầm quan trọng của việc xác nhận được chúng là ai trong Đấng Christ và giúp chúng khẳng định điều này như một chân lý.

Hãy làm gương cho con cái mình rằng giá trị của chúng được tìm thấy trong Lời của Ngài, chứ không phải thế gian này. Điều cần thiết ở đây là chúng phải sống cuộc sống mà Đấng Christ đã chết cho chúng có được.

Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại? – Ma-thi-ơ 16:26

 

  1. Không phải ai cũng thích con

Có lẽ chúng ta không phải suy nghĩ quá nhiều về lần cuối cùng mà chúng ta phát hiện ra có ai đó không thích mình và cảm giác của chúng ta lúc đó ra sao. Ngay cả đối với người lớn điều này cũng là một sự thật khó chấp nhận, một thứ cảm giác khó nuốt.

Hơn bao giờ hết, con người chúng ta được kỳ vọng là phải làm hài lòng tất cả mọi người, điều này thúc giục chúng ta phải cố gắng bằng bất cứ giá nào để tránh bị người ta khước từ. Nhưng, chúng ta phải trấn an con trẻ rằng sự bị khước từ là một phần trong cuộc sống và nếu có người không thích chúng thì cũng không sao cả. Bằng cách chấp nhận thực tế không mấy phổ biến này, con cái chúng ta sẽ tránh xa khỏi trạng thái tâm lý muốn làm hài lòng mọi người để hướng tới suy nghĩ muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời.

Con cái chúng ta phải biết rằng ngay cả Chúa Giê-xu cũng bị khước từ, nhưng những người tin Chúa, họ sẽ không bao giờ bị Ngài từ chối—Có được sự chấp nhận của Ngài thì quan trọng hơn nhiều.

Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi. – Ê-sai 41:10

  1. Có những điều không nói ra thì tốt hơn

Tôi nhớ lúc nhỏ tôi bị bắt nạt. Và tôi hồi tưởng lại lần đầu tiên mẹ tôi dạy cho tôi một câu thơ cổ: gậy gộc và gạch đá có thể làm gẫy xương tôi, chứ lời nói thì chẳng bao giờ. Tôi hiểu mẹ tôi có ý tốt, nhưng sự thật là lời nói có sức sát thương tệ hơn bất kỳ gậy gộc hay gạch đá nào.

Thật không may, thời gian đã không thay đổi được sự thật đó — có lẽ còn tồi tệ hơn. Thực tế là thế giới ngày nay lại tán thành xu hướng ‘lời nói gió bay’ — họ cứ nói bất cứ điều gì họ muốn mà không quan tâm đến người khác sẽ cảm thấy như thế nào. Nhưng Lời Chúa cảnh báo chúng ta rằng sống chết ở nơi quyền của lưỡi.

Trách nhiệm của chúng ta là phải nhắc nhở con cái mình rằng lời nói của chúng có sức mạnh để phá hủy hoặc xây dựng. Là cha mẹ chúng ta phải trở thành những tấm gương về sự tự chủ và hiểu rằng tầm quan trọng của lời nói có thể làm cho sống.

Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi, và canh cửa môi tôi. – Thi Thiên 141:3

  1. Bớt đi lại được nhiều hơn

Một trong những điều dối trá lớn nhất mà chúng ta hoàn toàn tin tưởng là chúng ta phải có nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều hơn nữa, gia tăng sự tham lam vô độ của chúng ta, lúc nào chúng ta cũng thèm muốn những thứ lớn hơn và tốt hơn, mới nhất và tuyệt nhất. Câu khẩu hiệu ‘luôn muốn mình theo kịp người khác, có được những thứ họ có, thành công ở mức như họ’ bây giờ đọc thành ‘luôn muốn mình hơn người khác, có được những thứ họ không có, thành công hơn họ, đi trước họ, cho họ ngửi khói.’

Thật ra mà nói, ít đi lại được nhiều hơn. Có tự do trong sự đơn giản. Và có sự  tự do khi chúng ta từ bỏ việc tiếp tục cố gắng gây ấn tượng với những người xung quanh. Có một sự thay đổi to lớn cần phải xảy ra để chúng ta có thể tiến tới việc đặt một giá trị cao hơn vào những điều thuộc về Đức Chúa Trời hơn là những điều của thế gian này.

Chúng ta có thể trở thành hình mẫu về sự tự do cho các con mình bằng cách thực hành lòng biết ơn đối với những gì chúng ta đã có và bám lấy những điều đơn giản — nhưng trường tồn với thời gian.

Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa. – Ga-la-ti 5:1

Eunice dịch

Nguồn: ibelieve.com

Ảnh: Thinkstock.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like