Home Chuyên Đề Nhận Biết Ý Muốn Chúa

Nhận Biết Ý Muốn Chúa

by Crosswalk.com
30 đọc

Làm sao nhận biết ý muốn Chúa cho cuộc đời mình?

Tôi biết có những người tin Chúa cả đời vẫn còn vật lộn với câu hỏi này. Cách tốt nhất là bắt đầu với những gì bạn đã biết về ý muốn của Đức Chúa  Trời. Ví dụ, tôi biết Chúa muốn tôi yêu mến Ngài và đặt Ngài lên hàng đầu, sau đó là yêu người lân cận như chính bản thân mình. Những mệnh lệnh nghe có vẻ đơn giản này không thể đạt được nếu không có Chúa. Chúng ta có thể đọc thuộc lòng những mệnh lệnh này mà không có vấn đề gì, nhưng hiểu ý nghĩa của chúng và tuân theo lại là một việc hoàn toàn khác.

Một chủ đề cơ bản của toàn bộ Kinh Thánh là chúng ta cần Chúa. Ngài muốn chúng ta cần Ngài, và Ngài hài lòng khi chúng ta nhận ra điều đó và phó thác mọi sự trong tay Ngài. Theo kinh nghiệm của tôi, hành động phó thác này không chỉ xảy ra một lần. Khi bạn nhận ra mình đã hết cách, và cuối cùng bạn chọn buông bỏ và tin cậy Chúa. Sau khi thấy sự thành tín của Ngài, bạn bắt đầu phó thác nhiều hơn, điều này khiến bạn tin cậy Ngài nhiều hơn.  

Trong hành trình theo Chúa, tôi đã học được câu trả lời là: ít tập trung vào bản thân mà tập trung nhiều hơn vào Ngài, tìm kiếm cơ hội để tham gia vào những động thái của Ngài. Linh hồn tôi đồng ý với tuyên bố này, nhưng tôi cũng nhận ra sự tranh chiến trong xác thịt. Để tập trung vào những gì Chúa đang làm và để bản thân được Ngài sử dụng đòi hỏi xác thịt của tôi phải chết nhiều hơn, giống như Phao-lô viết trong Rô-ma 6:11 và Ga-la-ti 5:24.

Những người trong chúng ta tìm kiếm Chúa với mong muốn mãnh liệt được bước đi theo đường lối của Ngài, khao khát một kế hoạch chi tiết cho cuộc đời mình. Bản thân tôi thường bị cuốn vào những điều nhỏ nhặt. Ví dụ, ngay khi thức dậy, tâm trí tôi sẽ lướt qua thứ tự các hoạt động cần thiết để biến ngày hôm nay thành một ngày tốt đẹp. Bước 1: Chạy bộ. Bước 2: Cầu nguyện trong khi chạy bộ—“Lạy Chúa, con xin dâng ngày hôm nay lên cho Ngài. Con dự định sẽ dắt chó đi dạo, học Kinh Thánh, chuẩn bị đi làm, rồi đến Grindhouse trước khi đi làm (Grindhouse là một trong những quán cà phê yêu thích của tôi. Tôi rất thích chủ quán và đồ uống của cô ấy rất ngon…) Khoan đã, tôi có nên đến Grindhouse không? “Chúa ơi? Đó có phải là cách Ngài muốn con tiêu tiền?” Và rồi tôi nhận ra mình lại làm thế nữa—tôi đang nhấn mạnh vào bản thân mình.

Tôi đang tập trung lên kế hoạch xem mình có thể thực hiện những động thái nào để một ngày trở nên hoàn hảo và tôi không gặp rắc rối gì; đó là sự tập trung sai lầm. Tôi vẫn đang cố gắng sống một cuộc sống hoàn hảo mặc dù tôi đã học đi học lại rằng mục tiêu đó là bất khả thi. Mục tiêu đúng là ở trong Đấng Christ và tin cậy Ngài sẽ hướng dẫn các bước tôi đi: “Các bước của người thuộc về Đức Giê-hô-va được vững chãi, Ngài ưa thích đường lối người ấy.” (Thi thiên 37:23)

Tôi biết gì về ý muốn của Chúa?

Khi ngày mới bắt đầu, tôi tự hỏi, “Tôi biết gì về ngày hôm nay?” Tôi biết rằng Chúa đã lên kế hoạch cho ngày này từ rất lâu trước khi tôi sinh ra. Tôi không cần phải đoán xem Ngài muốn tôi làm gì. Ngài đã ban cho tôi Mười Điều Răn và Bài Giảng Trên Núi. Có vẻ như chúng ta thích bỏ qua những chỉ dẫn mà Chúa đã đặt ra cho chúng ta; thay vào đó chuyển sang một kế hoạch chi tiết và cá nhân hơn. Nhưng nếu đó là một bước không cần thiết thì sao? Trong suốt Cựu Ước và Tân Ước, Ngài đã dạy tôi bước đi khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Ngài cũng cho tôi thấy rằng Ngài yêu mến tôi và muốn tôi có mối quan hệ cá nhân với Ngài chứ không phải kiểu chủ nghĩa luật pháp.

Mặc dù đây là bản tóm tắt ngắn gọn về những gì Chúa đã dạy tôi, tôi nghĩ bạn đã hiểu được bức tranh toàn cảnh. Chúa không muốn tôi tìm kiếm những cách sáng tạo của riêng mình để làm theo ý muốn của Ngài, và Ngài không muốn tôi tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt mà không có bất kỳ sự kết nối nào với Ngài. Ngài muốn tôi vâng phục những gì Ngài đã hoạch định. Tôi có thể làm điều này bằng cách tin rằng đường lối của Ngài cao hơn và tốt hơn đường lối của tôi.

Vấn đề lớn nhất của chúng ta không phải là chúng ta không thể giải mã ý muốn của Chúa dành cho mình; mà là chúng ta không chắc mình có muốn tuân theo ý muốn đó không. Chúng ta sẽ mất gì nếu từ bỏ quyền kiểm soát cuộc đời mình? Thật buồn cười khi chúng ta nghĩ theo cách đó, vì chúng ta biết rằng cách thức của chúng ta không bao giờ có thể qua mặt được Chúa và đường lối của chúng ta thực sự không đưa chúng ta đến nơi có sự bình an tuyệt đối. Chúng ta đấu tranh ngày này qua ngày khác nhưng thường quá sợ hãi để phó thác hoàn toàn cuộc đời mình cho Đức Chúa Trời hoàn hảo của chúng ta.

Hiểu được ý muốn Chúa

Tôi đã nói trước đó, và tôi sẽ nói lại lần nữa: Mười Điều Răn không hề lỗi thời. Chúa vẫn muốn chúng ta tuân theo đó vì lợi ích của chúng ta và vì sự vinh hiển của Ngài, nhưng đúng là Ngài đã mang đến cho chúng ta một giao ước mới thông qua Chúa Giê-xu. Nhiều người tập trung vào giao ước “mới” như thể nó dễ dàng hơn và khác biệt hoàn toàn so với giao ước cũ, nhưng tôi có một bí mật dành cho bạn. Chúng giống nhau. Chúa Giê-xu đã nói như vậy (lưu ý câu 40 trong phân đoạn dưới đây).

Đức Chúa Giê-xu đáp: “‘Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.’ Ấy là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn hết. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình.’ Tất cả luật pháp và lời tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều nầy.” (Ma-thi-ơ 22:37-40)

Ngay cả câu 37 cũng là một điều răn đã được ban trước đó. Chúa Giê-xu đã lặp lại cùng một mệnh lệnh được đưa ra trong Phục-truyền 6:5-9: “Anh em phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực mà kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Hãy ghi lòng tạc dạ những lời mà tôi truyền cho anh em ngày nay. Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy. Hãy buộc những lời ấy vào tay làm dấu, đeo lên trán làm hiệu, và viết các lời đó lên khung cửa nhà và trước cổng.

Tôi chia sẻ phân đoạn này trong Phục-truyền vì nó giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực là thể nào. Chúng ta phải kết ước trong mối quan hệ yêu thương này với Đức Chúa Trời mình.

Hiểu về sự kết ước

Kết ước bao gồm việc liên tục nhắc lại các mạng lệnh của Ngài cho chính chúng ta và con cái chúng ta. Ngài thậm chí còn bảo chúng ta buộc những lời ấy vào tay làm dấu, đeo lên trán làm hiệu, và viết các lời đó lên khung cửa nhà và trước cổng như lời nhắc nhở. Tại sao? Bởi vì con người hay quên! Chúa biết nếu chúng ta không toàn tâm toàn ý kết ước trong việc bước đi theo đường lối của Ngài, chúng ta sẽ không thực hiện được những gì chúng ta cam kết ngay từ đầu. Chúng ta sẽ quên những lời dạy của Chúa cũng như dân Y-sơ-ra-ên. Tôi không nói chúng ta sẽ cố gắng giữ các điều răn của Ngài bằng sức riêng của mình, nhưng mong muốn sống theo đường lối của Chúa là điều bắt buộc.

Bạn có thể nhận thấy tôi không đề cập đến điều răn thứ hai về việc yêu người lân cận như chính mình, và đó là cố ý. Tôi không đề cập đến điều răn thứ hai vì cho đến khi chúng ta có thể thực hành điều răn thứ nhất, chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện được điều răn thứ hai. Thế giới ngày nay tràn ngập những Cơ Đốc Nhân rao giảng tình yêu là sự khoan dung, nhưng định nghĩa của họ về tình yêu lại cực kỳ méo mó, khác xa với tình yêu của Chúa. Khoan dung và yêu thương không giống nhau.

Đức Thánh Linh là Đấng giúp đỡ chúng ta và sẽ phán trực tiếp với tấm lòng chúng ta. Ngài hướng dẫn chúng ta phục vụ, gần gũi hơn với Chúa và tránh xa tội lỗi, nhưng chúng ta là những người phải tuân theo sự dẫn dắt của Ngài. Nếu chúng ta đi chệch hướng, Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta quay trở lại, nhưng chúng ta phải để Ngài làm vậy. Nếu chúng ta chống lại sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, chúng ta đang chọn làm theo ý mình, chúng ta muốn làm “chúa” làm “chủ” cuộc đời mình; đó là một dạng thờ hình tượng, điều này phá vỡ điều răn đầu tiên của giao ước mới là yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực của chúng ta.

Để biết ý muốn Chúa cho cuộc đời bạn, bạn phải biết Chúa. Không có lối tắt nào khác. Biết Chúa đòi hỏi sự kết ước và phó thác mỗi ngày. Điều đó đòi hỏi phải biết Lời Ngài vì Thánh Linh hướng dẫn chúng ta thông qua Lời Chúa. Lời Chúa là nền tảng chân lý của chúng ta.

Chúa muốn chúng ta sống theo lẽ thật và tình yêu thương của Ngài ngày hôm nay. Cho dù ở nhà, ở nơi làm việc, khi đang làm việc vặt, hay nghe điện thoại, chúng ta nên nói sự thật trong tình yêu hoàn hảo của Ngài để nhiều người có thể biết Ngài và đến gần Ngài hơn.

Tất cả đều phụ thuộc vào Chúa. Bất cứ điều gì chúng ta làm trong ngày, trong cuộc sống của chúng ta, nếu điều đó không hướng người khác đến với Chúa, nếu điều đó không thể tôn vinh Ngài, thì đó không phải là ý muốn của Ngài.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like