Home Chuyên Đề Martin Luther Nói Về Hôn Nhân Như Ngôi Trường Rèn Luyện Nhân Cách

Martin Luther Nói Về Hôn Nhân Như Ngôi Trường Rèn Luyện Nhân Cách

by Sưu Tầm
30 đọc

“Trước khi tôi kết hôn”, Martin Luther hồi tưởng, “chiếc giường cả năm không được giặt giũ và bốc mùi mồ hôi. Nhưng tôi đã làm việc chăm chỉ và mệt mỏi đến nỗi ngã lưng xuống là ngủ ngay mà không nhận ra.” Tuy nhiên, khi Martin kết hôn với nữ tu cải chánh Katherine Von Bora, người ông gọi là Katie, chiếc giường được dọn thường xuyên, ga trải giường được thay mới, và nhà cửa luôn sạch sẽ! Nhưng cuộc sống hôn nhân không chỉ toàn hoa hồng với Luthern.

Martin nhanh chóng nhận ra rằng hôn nhân có nghĩa là phải hy sinh, không chỉ chăm lo cho nhu cầu bản thân mà còn cho vợ và gia đình mình nữa. “Có rất nhiều thứ phải làm quen trong năm đầu tiên sau khi kết hôn,” ông viết. “Ta thức dậy vào buổi sáng và thấy đôi bím tóc trên gối mà trước đây không có.” Roland Bainton, trong quyển tiểu sử về Martin Luther của mình – Here I stand – nhận định, “[Martin Luther] sớm nhận ra rằng người chồng phải quan tâm đến những mong ước của vợ mình” (226). Lấy một ví dụ, nếu không phải vì Katie, Martin đã tham dự đám cưới của Spalatin, và gặp cảnh bạo lực của cuộc nổi loạn nông dân trên đường đến đó. Martin không thể chỉ nghĩ đến bản thân mình nữa, nhưng giờ ông đã có một người vợ (và sau này còn có thêm con cái) phải chu cấp.

Một Người Phụ Nữ Tháo Vát

Martin chẳng mang gì vào cuộc hôn nhân của mình ngoài vài quyển sách cũ và những bộ quần áo bốc mùi. Gia đình Luther bắt đầu với rất ít lợi thế về tài chính. Trách nhiệm trong nhà cũng không hề nhẹ nhàng. Katie phải chăm lo nhà cửa và canh tác trên mảnh đất họ đang sống để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Martin Luther chăm sóc khu vườn còn Katiechăm sóc vườn cây, ao cá, và chuồng trại. Katie tự tay giết mổ gà, lợn, và cả bò! Martin viết về Katie trong một bức thư năm 1535, Nữ chủ nhân của gia đình tôi Katie chào anh. Cô ấy trồng trọt ngoài đồng, chăn nuôi và bán bò, v.v… [Có bao nhiêu thứ trong cái v.v… đó?]. Trong thời gian rảnh cô ấy đọc Kinh Thánh. Tôi đã hứa cho cô ấy 50 đồng nếu cô hoàn thành vào lễ Phục Sinh. Cô ấy đọc rất chăm chỉ và đã xong 5 quyển sách của Môi-se.”

Cuối cùng Martin có một trang trại ở Zulsdorf, quản lý bởi Katie. Nhà Luther dành thời gian ở trang trại hằng năm. Một cách hài hước, Martin viết về Katie rất yêu dấu của ông: “Gửi đến quý bà giàu có ở Zulsdorf, bà bác sĩ Katherine Luther, người sống trong xác thịt ở Wittenberg nhưng linh hồn ở Zulsdorf.” Và một thời điểm khác, “Tới người vợ yêu dấu của tôi Katherine, bà bác sĩ Luther, bà chủ chợ lợn, phu nhân Zulsdorf, và bất kỳ danh hiệu nào khác xứng đáng với quý bà.” Martin không phải là người dễ chăm sóc. Ông hay bị bệnh và có những lúc (nếu không phải cùng lúc) ông bị bệnh gút, mất ngủ, viêm mũi, trĩ, táo bón, sỏi thận, chóng mặt, và ù tai. Bainton quan sát tình yêu của Martin với Katie giữa những khó khăn đó:

“Katie là bậc thầy về thảo dược, thuốc đắp, và mát-xa. Con trai bà, Paul, người sau này trở thành một bác sĩ, nói rằng mẹ ông giống như một bác sĩ. Bà không cho Luther uống rượu mà cho ông uống bia, thứ giúp an thần chữa mất ngủ và làm tan sỏi thận. Và bà tự ủ bia. Khi xa nhà, Martin rất trân trọng sự chăm sóc của bà! Sau một năm kết hôn, Martin viết cho một người bạn, “Katie của tôi trong mọi việc đều rất chiều chuộng và làm tôi hài lòng đến nỗi tôi sẽ không đánh đổi sự nghèo khó của mình lấy những kho báu của Croesus” (người nổi tiếng giàu có trong thế giới cổ đại). Ông cho bà sự tôn vinh cao nhất khi gọi sách Ga-la-ti của Phao-lô là “Katherine von Bora của tôi…”

Martin và Katie yêu thương nhau, và Martin rất trân trọng Katie vì đã chăm sóc thật tốt cơ thể bệnh tật của ông.

Một Gia Đình Ngày Càng Đông Đúc

Gia đình Luther nhanh chóng có thêm thành viên mới. Katie hạ sinh một bé trai là Hans. Martin viết, Nhờ ân điển của Chúa, hôm qua, lúc 2 giờ, Katie yêu dấu của tôi đã mang đến thế giới này một con trai nhỏ, Hans Luther. Tôi phải ngừng viết. Katie còn yếu đang gọi tôi.” Với khiếu hài hước đặc trưng của mình, Luther quấn Hans trong tã lót rồi nói “Hãy đạp đi người bạn nhỏ. Đây là cách Giáo Hoàng đã làm với ta, nhưng ta đã thoát ra.” Điều tôi đánh giá cao nhất về các trang nhật ký của Luther lúc này là cách những bình luận của ông thật đúng với đời sống thực tế. Dù Hans đáng yêu thế nào, những đêm thức khuya với một em bé gào khóc là mệt mỏi và khó nhọc. “Hans”, Luther nói, “đang mọc răng và bắt đầu tạo ra những rắc rối vui vẻ của chính mình. Đây là những niềm vui trong hôn nhân mà Giáo Hoàng không xứng đáng có được.” Tổng cộng nhà Luther có sáu đứa con: Hans, Elizabeth, Magdalena, Martin, Paul, và Margaretha. Luther nói về Elizabeth khi bé được sanh ra ngày 10 tháng 12 năm 1527, “Chúa đã cho tôi và vợ tôi Katie một kẻ ngoại đạo nhỏ bé.”

Nhưng những tiếng ồn trong nhà Luther không chỉ do những đứa bé mà còn do nhiều bạn bè và sinh viên luôn ở trước cửa nhà. Một trong những ví dụ kỳ quặc nhất xảy ra vào đêm tân hôn của Martin và Katie. Lúc 11 giờ đêm có tiếng gõ cửa. Đó là Carlstadt, người đang chạy trốn khỏi cuộc Chiến Tranh Nông Dân, tìm kiếm chỗ trú. Tất nhiên, nhà Luther đã cho ông vào. Carlstadt không phải là người cuối cùng. Nhà Luther đã nhiều lần tiếp nhận những người bệnh vào nhà trong nhiều trường hợp. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là tình yêu thương mà nhà Luther dành cho cho trẻ mồ côi. Martin và Katie nhận nuôi 4 trẻ mồ côi từ họ hàng mình, khiến tổng cộng có 10 đứa trẻ ở trong nhà Luther. Được biết đến với cảnh cửa luôn rộng mở, có những lúc nhà Luther có tới 25 đứa trẻ và sinh viên nội trú dưới mái nhà của họ. Chẳng cần phải nói, đây là một công việc không nhỏ cho Katie. Ngay cả trong giờ ăn nhà Luther cũng bận rộn. Buổi nói chuyện trên bàn ăn nổi tiếng của Martin diễn ra vào bữa tối. Các sinh viên luôn ngồi lại quanh bàn ăn hỏi ông những câu hỏi đến tận khuya. Nhưng vì lao lực quá độ nên một đêm nọ, Katie đi lên phòng mình và ngất xỉu.

Đời sống khó khăn. Đời sống gia đình khó khăn. Hôn nhân cũng thật khó khăn. Nhưng Martin và Katie yêu nhau vô cùng. Họ xem hôn nhân là trường rèn luyện nhân cách, nơi Đức Chúa Trời dùng những khó khăn vất vả của đời sống gia đình để thánh hóa chúng ta. Bainton nói bất kỳ ai cũng gặp vấn đề giống như vậy:

“Theo nghĩa này, gia đình thay thế tu viện, nơi được Giáo Hội Trung Cổ xem như trường rèn luyện đức hạnh và là con đường chắc chắn nhất đến thiên đàng. Luther khi bác bỏ giáo lý cứu rỗi bởi việc làm đã không bác bỏ việc thực hành sức chịu đựng, lòng nhẫn nhịn, nhân từ, và khiêm nhường. Đời sống gia đình rất đòi hỏi. Người chủ gia đình luôn phải lo về bữa ăn hằng ngày. Người vợ có nghĩa vụ sinh con. Khi mang thai bà bị chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đau răng, và sưng chân. Trong cơn trở dạ, người chồng có thể an ủi bà bằng cách nói: “Hãy nghĩ thế này, Greta yêu dấu, rằng em là một người phụ nữ và việc em làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hãy vui mừng trong ý Ngài. Hãy sinh con. Nếu em chết, đó là vì công việc cao quý và vâng phục Đức Chúa Trời. Nếu em không phải là một phụ nữ, hãy ao ước được như vậy, để mình có thể chịu đau đớn và chết cho một công việc thật quý báu và cao quý của Chúa.”

Có lẽ không nơi nào mà “trường rèn luyện nhân cách” thể hiện rõ ràng hơn trong việc nuôi dạy con cái. Nếu bạn là cha mẹ, bạn sẽ biết việc nuôi dạy con cái áp lực thế nào, và việc thánh hóa bản thân khó khăn thế nào khi có một đứa bé luôn nghịch phá, gây rối cả nhà bằng việc kêu khóc suốt đêm. Tôi biết điều này, và vợ tôi biết rõ hơn tôi. Gia đình của Luther cũng không phải là ngoại lệ, Bainton viết:

“Việc nuôi dạy con cái là một thử thách cho cả cha lẫn mẹ. Luther đã nói với một đứa con của mình: “Con ơi, con đã làm gì để ta yêu con như vậy? Con đã làm phiền cả nhà với tiếng khóc của con.” Và khi đứa bé đã khóc cả giờ và cha mẹ đã cạn kiệt sức lực, ông nhận định, “Đây là những điều khiến các giáo phụ Giáo Hội lên án hôn nhân. Nhưng Đức Chúa Trời, trước ngày cuối, đã đưa hôn nhân và gia đình về lại vị trí tôn trọng xứng đáng của chúng.” Người mẹ tất nhiên là lãnh phần lớn trách nhiệm chăm con. Nhưng người cha cũng có thể phải giặt đồ phơi tã, và bị hàng xóm cười đùa. “Cứ để họ cười. Đức Chúa Trời và các thiên sứ đang vui cười trên thiên đàng.”

Hôn Nhân Và Sự Kiên Nhẫn

Những lời nói của Martin Luther không bao giờ thiếu sự kết hợp giữa lẽ thật Kinh Thánh và sự hài hước. Có thời điểm Luther đã thốt lên: “Chúa tốt lành, thật là nhiều rắc rối trong hôn nhân! A-đam đã làm hư hỏng bản chất của chúng ta. Hãy nghĩ đến số lần tranh cãi mà A-đam và Ê-va  phải trải qua trong suốt cuộc hôn nhân dài 900 năm của mình. Ê-va sẽ nói: “Ông đã ăn trái cấm”, và A-đam  cãi lại “Bà đã đưa nó cho tôi.”

Sự kiên nhẫn của Katie cũng có khi cạn kiệt. Bà từng hét lên với Luther: “Thưa giáo sư, tại sao ông không thôi nói và hãy ăn đi?” Luther hét lại, “Tôi ước gì tất cả đàn bà đều đọc bài Cầu Nguyện Chung trước khi mở miệng.” Nhưng Bainton giải thích tại sao sự kiên nhẫn của họ với nhau, và đặc biệt là với các con, nhiều khi có thể cạn kiệt:

“Một phần của những khó khăn là do nhịp điệu công việc và nghỉ ngơi khác biệt giữa Luther và vợ mình. Sau một ngày tất bật với con cái, gia súc, và người giúp việc, bà muốn nói chuyện với ông, còn ông, sau khi thuyết giảng 4 lần, giảng bài và nói chuyện với các sinh viên trong bữa ăn, chỉ muốn ngã lưng xuống ghế và đắm chìm vào một quyển sách. Rồi Katie lại bắt đầu, “Giáo sư ơi, có phải thủ tướng Phổ (Prussia) là anh trai của bá tước không?”

Martin biết rằng đôi khi rất khó để duy trì sự kiên nhẫn. Ông từng nói “Cả đời tôi phải nhẫn nhịn. Tôi phải nhẫn nhịn với Giáo Hoàng, với những kẻ tà giáo, với gia đình mình, và với Katie (vợ tôi).” Nhưng như Bainton quan sát cách chính xác, Martin “nhận ra rằng điều đó tốt cho ông.” Một lần nữa, hôn nhân và gia đình là một ngôi trường rèn luyện nhân cách.

Bất chấp những khó khăn hằng ngày trong cuộc sống, Martin vẫn yêu Katie vô cùng. Và ông biết rằng tình yêu hôn nhân ngày càng lớn mạnh theo thời gian. “Tình yêu đầu tiên là say sưa. Nhưng khi cơn say tan rồi, sau đó tình yêu hôn nhân thật sự mới đến.” Và một lần nữa Luther viết, “Sự hòa hợp xác thịt chẳng là gì cả. Còn phải có sự hòa hợp của cách cư xử và tâm trí nữa.”

Tình yêu của Martin dành cho Katie đặc biệt rõ ràng khi bà bị bệnh. Ông viết: “Ôi, Katie, đừng chết và lìa bỏ anh.” Martin không thể chịu nổi ý nghĩ mất đi “xương sườn của mình”, như cách ông thường gọi đùa Katie.

Martin và Katie cũng yêu con cái của mình, và họ yêu các con hơn cả sự sống mình. Có lẽ thử thách khó khăn nhất mà Martin Luther và Katie trải qua là cái chết của cô con gái 14 tuổi của mình, Magdalena. Bên giường hấp hối của con, Martin Luther cầu nguyện, “Ôi Chúa, con thật yêu cô bé, nhưng ý Cha được nên.” Bainton giải thích điều xảy ra khi cô bé mất:

“Luther tự trách mình vì Đức Chúa Trời đã ban phước cho ông hơn bất kỳ giám mục nào trong một ngàn năm, nhưng ông vẫn không tìm thấy gì trong lòng mình để cảm ơn Chúa. Katie đứng từ xa, choáng ngợp vì đau buồn, và Luther ôm đứa bé trong tay mình khi cô bé mất. Khi cô bé được chôn, ông nói: “Du liebes Le chen, con sẽ sống dậy và tỏa sáng như mặt trời và các ngôi sao. Thật kỳ lạ khi biết rằng cô bé đã được bình an và mọi chuyện đều tốt, nhưng vẫn thật buồn bã!”

Bình an và đau buồn. Mong rằng cuộc hôn nhân giữa Martin và Katie, cũng như tình yêu của họ dành cho con cái mình, nhắc nhở chúng ta ngày nay về tình yêu của Đấng Christ cho Hội Thánh của Ngài, và tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta là con cái được cứu chuộc của Ngài.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: thegospelcoalition.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like