Home Chuyên Đề Mối Quan Hệ Giữa Sang Chấn Tâm Lý Và Nghiện

Mối Quan Hệ Giữa Sang Chấn Tâm Lý Và Nghiện

by Hongan Doan
30 đọc

“Có những đứa trẻ dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, cũng có những đứa trẻ dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”

Những đứa trẻ của tuổi thơ không biến mất, nó chỉ lớn lên thôi. Nỗi đau trong tuổi thơ cũng không thể tự mình tan biến, nhưng nó chỉ chìm sâu trong tiềm thức và ẩn trong dáng vẻ của một người trưởng thành.

Một người phải trải qua những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (sang chấn tâm lý) luôn loay hoay tìm cách để xử lý những cảm xúc tiêu cực mà trải nghiệm đó đem lại trong suốt quá trình trưởng thành. Những trải nghiệm tiêu cực có thể là: trải qua những sự kiện kinh khủng (thiên tai, tai nạn, hiếp dâm…) mẹ bị bạo hành, gia đình có người bị tâm thần, gia đình có người bị đi tù, gia đình có người lạm dụng chất gây nghiện, bố mẹ ly thân – ly hôn, mất mát khi người thân yêu qua đời, rối loạn chức năng gia đình, bị lạm dụng, bị bỏ rơi, bị lãng quên, bạo lực thể chất, tình dục, tình cảm…

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng:

  • Mỗi trải nghiệm tiêu cực trong tuổi thơ đều làm tăng khả năng sử dụng ma tuý trong suốt cuộc đời.
  • Mỗi trải nghiệm tiêu cực đều làm khả năng sử dụng ma tuý sớm hơn 2-4 lần.
  • Ai có từ 5 trải nghiệm tiêu cực trở lên có nguy cơ sử dụng chất gây nghiện gấp 10 lần so với người không có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu.

Đối với những người bị sang chấn/ rối loạn sau sang chấn thì chất gây nghiện giúp họ thoát khỏi nỗi đau mà sự kiện sang chấn đã đem lại. Khiến họ tạm thời quên đi cảm xúc buồn phiền, hoặc làm tê liệt cảm giác khó chấp nhận sự thật/ sự kiện mà họ gặp phải, tìm cách để lãng tránh những hồi tưởng đau buồn hoặc dừng tạm thời các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Vì vậy, với những người từng chịu sang chấn họ tìm đến chất gây nghiện như là cách để đối phó với nỗi đau.

Tuy nhiên, rất nhanh sau khi hết ma tuý, các triệu chứng PTSD sẽ trở nên trầm trọng hơn. Các cảm xúc đau buồn càng mạnh mẽ hơn và họ lại tìm đến ma tuý để tiếp tục giải toả nỗi đau. Hệ quả của việc lạm dụng chất gây nghiện là cản trở khả năng đưa ra quyết định và tăng hành vi nguy cơ chuyển qua sang chấn khác. Các rối loạn sau sang chấn hay rối loạn sử dụng chất đều dẫn đến việc thôi thúc muốn được ở trong trạng thái khác đi với hiện tại.  Rối loạn này tăng lên sẽ làm xuất hiện rối loạn kia hoặc làm tăng triệu chứng của rối loạn kia.

Sau cùng, chất gây nghiện chỉ là phương cách mà một người tìm đến để đối phó với nỗi đau và cảm xúc tiêu cực tạm thời.

Việc giúp một người nghiện chấm dứt hành vi nghiện (cai nghiện) không khó. Nhưng hành vi nghiện chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà gốc rễ của nó là những sang chấn trong tuổi thơ cần được chữa lành.

Về cơ bản chỉ mất khoảng 2-6 tuần để cắt cơn nghiện, nhưng được chữa lành tuổi thơ khỏi những đau đớn mà sang chấn đem lại là một hành trình. Phục hồi lại những chức năng sau những rối loạn sau sang chấn cũng là một quá trình không dễ dàng. Vì vậy, việc tìm ra phương pháp chữa lành nỗi đau và môi trường để phục hồi chức năng quan trọng hơn việc cắt cơn nghiện. Vì nếu không giải quyết gốc rễ, hành vi nghiện vẫn sẽ được lặp đi lặp lại (tái nghiện) dù đã cắt cơn nghiện thành công.

Ta phải biết rằng: những nỗi đau trong quá khứ sẽ không mất đi, nhưng chúng có thể được chữa lành. Đứa trẻ của tuổi thơ bị sang chấn không thể tan biến nhưng có thể mạnh mẽ trưởng thành.

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like