“Hai quyển sách vĩ đại, thiên nhiên và Kinh Thánh, có cùng một Tác Giả, vậy nên quyển sau không cản trở gì đến niềm vui của một người tò mò trong việc tìm hiểu quyển trước.”
– Robert Boyle –
Robert Boyle (1627-1691) và Christopher Wren (1632-1723) ở độ tuổi 30 của mình đã được những người Anh cùng thời gọi là “những kỳ quan của thời đại.” Boyle được nhắc đến trong thi ca của James Thomson và William Cowper. Mặc dù được gọi là cha đẻ của hóa học, ông thật ra là một người nghiệp dư và có được danh tiếng này phần lớn nhờ vào địa vị xã hội và nhân cách của mình.
Người cha cần cù của ông, Bá-tước đầu tiên của xứ Cork , được kể là người giàu nhất vương quốc Anh và là người có ảnh hưởng nhất ở Ireland, đã cưới con gái của một địa chủ giàu có. Robert, người con thứ 14 và là con trai thứ 7 của họ; mẹ ông mất khi ông mới 2 tuổi. Ham học hỏi và trung thực, ông được dạy kèm tại nhà đến năm 8 tuổi, rồi được gởi đến Eton; ở đó, ông phát triển niềm đam mê đọc sách để tích lũy kiến thức. Năm 12 tuổi ông và anh mình là Francis được cho đi học ở đại lục cùng với một gia sư. Năm 15 tuổi ông được giới thiệu về triết học tự nhiên (giờ gọi là khoa học) và cơ học. Khi cha mất vào năm sau, ông được thừa hưởng một số tài sản, bao gồm trang viên Stalbridge, Dorsetshire. Ba năm sau, ông dành 6 năm ở đó đọc sách (các sách của Francis Bacon, Descartes, Gassendi) và viết lách (về những vấn đề thần học).
Vào năm 27 tuổi, qua John Wilkins, hiệu trưởng trường Đại-học Wadham ở Oxford, ông đến sống ở một ngôi nhà ở High Street (nay là Nhà Tưởng Niệm Shelley của Trường Đại-học). Ở đó ông thành lập một phòng thí nghiệm với một đội ngũ nhân viên bao gồm các trợ lý (như Robert Hooke), thư ký (ông bị mắt yếu), v.v… Ông thu thập nhiều vật phẩm là đá quý. Ông tham dự cuộc họp hằng tuần của một nhóm gọi là “invisible college”, nơi những triết lý thực nghiệm mới được thảo luận. (Ở tuổi 30 ông được Đại-học Oxford trao bằng Tiến-sĩ Vật-lý danh dự). Ba năm sau, ông đến sống với chị mình là Katherine, Quý-bà Ranelagh, ở nhà bà tại Pal Mail, London (ông chưa từng kết hôn). (Anh cả ông, là Bá-tước Burlington và Cork, đã xây ngôi nhà Burlington tráng lệ, nơi trở thành trụ sở của Hội Hoàng-gia London). Ngôi nhà của họ trở thành điểm tập trung của xã hội London. Sau vài lần đột quỵ gây liệt, ông mất năm 61 tuổi và được chôn cất ở lâu đài St. Martin-the-Fields ở London, tang lễ không hề được cử hành trọng thể.
Cuộc đời của Robert Boyle là một mẫu mực về lòng tin kính và khiêm nhường. Cùng với sự tò mò tìm hiểu về tri thức không ngừng nghỉ và lòng kiên trì không gì có thể khuất phục, ông còn có tư tưởng chính trực. Với khả năng kinh doanh khôn ngoan và tính trung thực kỹ lưỡng, ông là một người hào phóng trong ban điều hành. Ông từ chối nhiều danh hiệu và sự bổ nhiệm khác nhau, chẳng hạn như hàng quý tộc trong hội thánh, hiệu trưởng trường Eton, Chủ-tịch Hội Hoàng-gia… Ông dành 1/3 thu nhập của mình để chia sẻ Tin Lành cho người da đỏ ở Bắc Mỹ (hỗ trợ nhà truyền giáo John Eliot), và 2/3 còn lại cho người nghèo và các mục sư ở Ireland. Trong di chúc, ông để lại thu nhập từ những tài sản riêng của mình (tài sản không được bảo hộ) cho người nghèo ở Ireland, các giáo sĩ và vợ con họ, và nói chúng, cho những mục đích tốt lành và tin kính.
Boyle không có những khám phá khoa học mang tính thời đại. Ông giống một giám đốc phòng thí nghiệm hơn là một nhà nghiên cứu. Ví dụ, công trình nổi tiếng nhất của ông, Định-luật Boyle, phần lớn là nhờ kỹ năng thao túng của Hooke, người sản xuất máy bơm không khí năm 1659 (giờ đang ở Thư-viện Hiệp-hội Hoàng Gia) giống như chiếc được Otto von Guericke phát minh 5 năm trước đó. Nghiên cứu của họ được xuất bản trong bài báo khoa học đầu tiên của Boyle “Về Độ Đàn Hồi Và Khối Lượng Của Không Khí” (1660). Hai năm sau trong một thư trả lời cho Franciscus Linus ông thêm vào phần phụ lục chứa định luật tương quan giữa áp suất và thể tích không khí ở nhiệt độ cố định.
Boyle không tiếp tục các công trình trong lĩnh vực vật lý của mình, nhưng tập trung vào hóa học; ông luôn là người đam mê thuật giả kim. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là cuốn “Nhà Hóa Học Hoài Nghi” – The Sceptical Chemist (1661), trong đó ông phê bình 4 nguyên tố của người cổ đại (đất, nước, không khí, lửa) và 3 nguyên tắc của các nhà giả kim thời trung cổ (thủy ngân, muối, lưu huỳnh). Trong phần phụ lục của ấn bản thứ hai (1680), ông định nghĩa 1 nguyên tố là 1 chất không thể bị phân chia thêm nữa bằng thí nghiệm – như vậy nhấn mạnh về phân tích thực nghiệm.
Năm 162, Vua Charles XI thành lập Hiệp-hội Hoàng-gia (người bảo trợ, Thánh Andrew). Boyle là một thành viên sáng lập và nằm trong hội đồng đầu tiên của hiệp hội (Hooke được bổ nhiệm làm Người Quản Lý). Trước Isaac Newton, ông là người nổi tiếng nhất ở đây; ông có tất cả 35 bài báo trong văn kiện hội nghị chuyên môn. Từ năm 1660 đến 1673, ông cho xuất bản rất nhanh. Ông phổ biến khoa học bằng cách trình bày các thí nghiệm khoa học của mình và diễn đạt các triết lý mới cách đơn giản dễ hiểu.
Boye không chỉ là một người giảng dạy và một nhà tuyên truyền; hơn hết, ông là một tín hữu rao giảng qua những bài viết của mình, là một tác giả viết nhiều về những chủ đề tôn giáo. Tuy nhiên, ông chỉ có một quyển sách về giáo lý thần học là “Protestant and Papist” (tạm dịch là “Người Tin Lành và Giáo-hoàng”). Ông phản đối chức vụ giáo hoàng và tuyên bố làm chủ Hội-thánh và không thể sa ngã của các giáo hoàng. Hơn nữa, ông không có thiện cảm với mọi chủ nghĩa bè phái. Ông ưa chuộng phương tiện truyền thông của Giáo-hội Anh. Ông ghét cay ghét đắng những xung đột tôn giáo qua các giáo điều và nghi lễ. Dù là một người đi lễ đều đặn, nhưng với ông, Cơ-đốc giáo cơ bản là thực hành lối sống thánh khiết, sinh bông trái Thánh Linh, bình an và bác ái.
Suốt đời mình, ông có niềm tin vào sự dẫn dắt thiên thượng cách cá nhân. Một bước ngoặt xảy ra khi ông 13 tuổi trong một đêm giông bão ở Geneva; ông đã đưa ra một lời thề nguyện; 4 năm sau đức tin của ông được vững vàng. Bước ngoặt thứ hai xảy ra khi ông nhận thấy khoa học là “một phương thức để khám phá thiên nhiên và ý định của Đức Chúa Trời;” Tất nhiên, ông nhận ra rằng những điều mặc khải về Đấng Tạo Hóa trong thiên nhiên không quan trọng bằng những điều được tỏ ra về Cứu Chúa trong Kinh Thánh. Mọi tác phẩm và tư tưởng của ông đều thấm đẫm đức tin, và được viết ra trong sự khiêm nhường. Ông dứt khoát tránh né những chức vị trong tổ chức tôn giáo để có thể theo đuổi thần học cách tự do và hiệu quả hơn. Năm 1661, theo yêu cầu của Ngài Broghill, một người anh em, ông xuất bản quyển “Some Considerations Touching the Style of the Scriptures” (tạm dịch là “Một Số Điều Cần Cân Nhắc Về Văn Phong Của Kinh Thánh”, lưu ý những vấn đề thường gặp trong dịch thuật liên quan đến khi nào, bởi ai, cho ai, vì mục đích gì. Cá nhân ông tin vào phép lạ, như sự kiện Chúa Giê-xu đi trên mặt biển.
Ông tin rằng việc nghiên cứu tìm hiểu về thiên nhiên và về những đặc tính của Đức Chúa Trời là những mục tiêu cao cả nhất của đời sống. Trong quyển “Sự Ưu Việt Của Thần Học, So Với Khoa Học” – The Excellency of Theology, Compared to Natural Philosophy (xuất bản 1674, viết năm 1665), ông viết “Sự rộng lớn, vẻ đẹp, và trật tự của những thiên thể; cấu trúc tuyệt vời của động thực vật, và những hiện tượng thiên nhiên khác là đủ để khiến một người quan sát thông minh, không thành kiến đi đến kết luận rằng phải có một Tác Giả tối cao, quyền năng, công bằng, và tốt lành trên vạn vật.”
Boyle có một niềm đam mê cả đời trong việc giáo dục và truyền đạo Cơ-đốc cho người bản xứ ở Ireland, Châu Mỹ, và phương Đông. Vậy nên ông đã tài trợ cho việc dịch Tân Ước sang nhiều ngôn ngữ như tiếng Á Rập, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, v.v.. Ngoài ra, trong di chúc của mình, ông còn để lại quỹ cho tám buổi thuyết giảng hàng năm tại một giáo xứ ở London “để chứng minh niềm tin Cơ-đốc trước những kẻ ngoại đạo khét tiếng.” Bài giảng đầu tiên của Boyle Lecture (1662) là về “Sự Bác Bỏ Chủ Nghĩa Vô Thần” được giảng bởi Richard Bentley, lúc đó là Tuyên-úy cho Giám-mục Stillingfleet (sau là Hiệu-trưởng Trường Đại-học Trinity ở Cambridge), tại nhà thờ St. Martin-in-the-Fields (phần còn lại tại nhà thờ St. Mary-le-Bow). Tác giả đã gởi bản thảo cho Isaac Newton, và được ông phản hồi lại bằng bốn bức thư nổi tiếng, nói chung là tán thành quan điểm, nhưng có bổ sung thêm một vài lập luận ủng hộ. Bài giảng cuối cùng biện luận về sự chu cấp thiên thượng trong công cuộc tạo dựng vũ trụ như được trình bày trong quyển Principia*
(*The Mathematical Principles of Natural Philosophy – Những Nguyên Tắc Toán Học Của Khoa Học của Isaac Newton, một trong những công trình quan trọng nhất của khoa học, miêu tả các định luật vật lý bằng toán học, cho phép ta tính toán và ước lượng các tương tác vật lý qua toán học).
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: Science in Christian Perspective, The American Scientific Affiliation
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com