Home Chuyên Đề Đằng Sau Thế Giới Vật Chất: Toán Học, Thông Tin, Ngôi Lời, Và Linh Hồn

Đằng Sau Thế Giới Vật Chất: Toán Học, Thông Tin, Ngôi Lời, Và Linh Hồn

by Richard Huỳnh
30 đọc

Người duy vật chất tin rằng thế giới này chỉ có vật chất. Nhưng trong thực tế, có nhiều thứ không phải là vật chất nhưng lại quyết định cách thế giới vật chất vận hành. Ví dụ như toán học, các định luật vật lý như luật trọng trường, hay các hằng số tự nhiên như hằng số hấp dẫn G, v.v… Bài này sẽ trình bày lập luận của của các nhà triết học xưa nay về những gì thế giới có đằng sau vật chất. Nó chỉ tới sự tồn tại của hai điều tối quan trọng với ta: Ngôi Lời và linh hồn.

Có bạn tiến sĩ từng nói tôi là làm sao cả vũ trụ to lớn này đều do một người làm ra? Hi vọng bài này sẽ giúp bạn ấy hình dung được làm sao, cũng như giúp Cơ Đốc nhân hình dung về sự tự hữu, hằng hữu, toàn năng, toàn tri, toàn tại của Đức Chúa Trời, và về linh hồn mình.

I. Thế giới có gì ngoài vật chất?

Ai cũng công nhận thế giới vật chất hiện hữu. Nhưng có phải toàn bộ thế giới này chỉ gồm vật chất như người theo chủ nghĩa duy vật chất (materialism) tin?

Nếu toàn bộ thế giới này chỉ duy có vật chất thì ta sẽ không thể trả lời một số câu hỏi như:

1. Các định luật vật lý như luật hấp dẫn là cái vật chất gì? Có phải nó chỉ là những hạt nguyên tử làm nên dòng chữ F = (G*m*M) / (r*r) mà ta viết ra? Nếu vậy tại sao dòng chữ đó lại quyết định cách vận hành của vạn vật, cả những thiên thể khổng lồ như mặt trời hay siêu lỗ đen?
2. Hằng số hấp dẫn G là cái vật chất gì mà quyết định độ mạnh yếu của lực hấp dẫn? Và tại sao G lại có giá trị như vậy? Mà giá trị là cái vật chất gì?
3. Tại sao vật lý lại tuân theo toán học? (Eugene Wigner, nhà vật lý đoạt giải Nobel [1])

Một trong những tác phẩm triết học vĩ đại nhất là Metaphysics của triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle. Nó lập luận rằng thế giới này phải có những thứ ngoài vật chất thì nó mới vận hành được như ta thấy. Meta có nghĩa là bên ngoài /đằng sau /siêu hình /toàn diện hơn. Physics là vật chất /vật lý. Metaphysics là bên ngoài /đằng sau /siêu hình /toàn diện hơn thế giới vật chất. Aristotle lập luận rằng ngoài vật chất, thế giới toàn diện hơn có các thứ sau [2]:

+ Có luật nguyên nhân – hệ quả. Mọi thứ được tạo dựng hay bị hủy diệt đều có nguyên nhân tạo ra (gây ra) nó.
+ Mọi thứ được tạo ra bởi nguyên nhân nào đó gọi là thứ nguyên (secondary cause).
+ Phải có một căn nguyên (primary cause /first cause) khởi đầu và tạo ra mọi sự. Căn nguyên không có nguyên nhân tạo ra hay hủy diệt, nên nó phải là tự hữu hằng hữu.
+ Có bản tính quy định tính chất mọi vật.
+ Có các định luật quy định cách thế giới vận hành như luật logic, định luật vật lý…

+ Có toán học cùng các con số (để mô tả và tính toán).

+ Mọi tính chất đều là thứ nguyên.

+ Căn nguyên là thánh (divine. Thánh nghĩa là khác biệt với tất cả các tạo vật – thứ nguyên. Vì căn nguyên tạo ra các thứ nguyên, căn nguyên có quyền thay đổi tính chất của thứ nguyên, điều thứ nguyên không làm được. Nghĩa là sẽ không có tạo vật nào có quyền năng siêu nhiên, thay đổi luật trọng trường hay biến đá ra bánh. Chỉ căn nguyên là thánh có quyền năng này.)

Rõ ràng hiểu về thế giới như vậy toàn diện và thực tế hơn thế giới chỉ có vật chất của niềm tin duy vật. Nó dễ dàng trả lời câu hỏi ở trên:

1. Luật hấp dẫn là một định luật quy định cách thế giới vận hành. Nó quy định lực hút giữa hai vật thể theo khối lượng của chúng, được miêu tả bằng toán F = (G*m*M) / (r*r).
2. Hằng số hấp dẫn G là một đặc tính thuộc bản chất của luật hấp dẫn, được miêu tả bằng số.
3. Vật lý tuân theo toán học là vì có toán học và các con số để mô tả tính toán chúng.
Căn nguyên tạo ra tất cả chúng, và không gì có thể thay đổi chúng trừ căn nguyên.

Mô hình thế giới này chính là nền tảng của tư duy khoa học. Đồng ý rằng luật hấp dẫn, hằng số hấp dẫn, hay căn nguyên là phi vật chất không thể thấy được. Nhưng ta có thể thấy chúng hiện diện qua cách thế giới vật chất vận hành. Khoa học cơ bản tìm hiểu những quy luật vận hành của thế giới và các đặc tính của vật, mô tả tính toán bằng toán học. Chúng giúp ta chế tạo máy móc, xây dựng công trình để quản trị thiên nhiên xây dựng cuộc sống tốt hơn.

Khi làm khoa học, người duy vật chất thật ra vẫn tin theo mô hình thế giới này. Nhưng họ lại không thừa nhận có cái gì ngoài vật chất, vậy nên họ không giải thích được nhiều thứ như các câu hỏi trên. Và họ cũng không trả lời tại sao các định luật thiên nhiên là bất biến, sao không người nào hay cái gì có thể làm chuyện siêu nhiên. Với họ, mọi thứ tự nhiên như vậy.

Người vô thần không tin có căn nguyên, vì tin thì sẽ phải thừa nhận có một quyền năng Tạo Hóa Tự Hữu Hằng Hữu như Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh. Vậy nên họ dùng mô hình thế giới này, nhưng chỉ toàn các thứ nguyên rời rạc, ví dụ như Stephen Hawking tuyên bố “Bởi vì có một luật như luật trọng trường, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra chính nó từ không có gì”. [3]

Về niềm tin vô thần, Francis Bacon, cha đẻ của phương pháp khoa học và chủ nghĩa duy nghiệm, cũng là người đặt nền móng cho cuộc cách mạng khoa học đã nói: “Quả thật, một chút khoa học làm suy nghĩ con người nghiêng về vô thần; nhưng khoa học sâu sắc lại đem trí óc con người đến với tôn giáo (Cơ Đốc giáo). Vì khi trí óc con người nhìn vào những thứ nguyên (secondary cause) cách rời rạc, nó đôi khi dừng lại ở đó, và không đi thêm; nhưng khi nó nhìn vào những chuỗi liên kết chúng, kết nối và xâu chuỗi chúng lại, nó sẽ thấy cần phải đến với Đấng Tạo Hóa Đức Chúa Trời.” [4]. Ông nói người vô thần mới biết có một chút khoa học, hiểu biết còn nông cạn và hạn hẹp, nên phạm 2 sai lầm:

1. Họ chỉ nhìn vào 1 thứ nguyên và không nghĩ sâu thêm là phải có cái gì tạo ra nó. Như Stephen Hawking nói vũ trụ tự tạo ra chính nó từ không có gì nhờ có luật trọng trường. Mà trọng trường không tự hữu. Nó chỉ là thứ nguyên, được tạo ra bởi khối lượng vật chất. Vậy nên không phải là vũ trụ tự tạo ra chính nó từ không có gì. Có trọng trường nghĩa là vũ trụ đã tồn tại và đã có vật chất cùng các định luật vật lý. Vũ trụ chỉ đang tiếp diễn. [3]

2. Họ chỉ nhìn vào các thứ nguyên cách rời rạc, không thấy rằng chúng phải phối hợp với nhau cách chính xác để vũ trụ và sự sống có thể tồn tại. Stephen Hawking chỉ nghĩ đến lực hấp dẫn nhưng thật ra có 4 lực vật lý căn bản với độ mạnh yếu được quy định bởi 4 hằng số tự nhiên: lực trọng trường bởi hằng số G, lực điện từ bởi hằng số Coulomb, lực liên kết hạt nhân mạnh bởi hằng số g(s), lực liên kết hạt nhân yếu bởi hằng số g(w). Giá trị của 4 hằng số này phải phối hợp với nhau cách chính xác để vũ trụ và sự sống có thể tồn tại. Như nếu g(w) yếu hơn thì hydrogen sẽ chuyển hóa hết thành helium, vũ trụ sẽ không có nước. Còn nếu g(w) mạnh hơn sẽ không có các vụ nổ sao để giải phóng vật chất từ lõi sao để tạo ra các hành tinh. Phải có sự thiết kế thông minh để chọn giá trị chính xác [3]

Nếu tin chỉ duy có vật chất hay không có căn nguyên sẽ tạo ra các khe hở không thể giải thích về thế giới. Điều này tạo điều kiện cho những niềm tin sai lạc xuất hiện như:

+ Vào cuối đời, Stephen Hawking đặt ra giả thuyết đa vũ trụ và nói rằng có vô số vũ trụ với các định luật /hằng số vật lý khác nhau, và vũ trụ của ta ngẫu nhiên chúng phối hợp chính xác để có sự sống. Niềm tin này hoàn toàn vô căn cứ, chỉ để biện hộ cho việc loại bỏ căn nguyên đã thiết kế và quy định tất cả [3].
+ Từ khi Cơ Đốc giáo (tin có căn nguyên là Đức Chúa Trời) suy thoái ở phương Tây, mê tín dị đoan phát triển mạnh. Người ta tin từ chiêm tinh, tướng số, tới ma quỷ phù thủy [5].

Do đó, mô hình thế giới toàn diện còn phòng trừ những niềm tin sai lạc xuất phát từ các khe hở trên. Việc tin ở căn nguyên (hay Đức Chúa Trời) khẳng định mọi tạo vật đều tuân theo các định luật thiên nhiên, chỉ duy Đức Chúa Trời mới có thể làm chuyện siêu nhiên. Chúng là bất biến, và chẳng có siêu nhân, phù thủy, bùa chú, ma quỷ, gỗ đá, ngày tháng hay cái gì có quyền năng siêu nhiên thay đổi chúng. Vậy nên tỷ lệ người Cơ Đốc mê tín rất thấp [5].

Ngày nay, các nhà khoa học vẫn nhận thấy thế giới này có những thứ ngoài vật chất. Roger Penrose, nhà vật lý – toán học đoạt giải Nobel, lập luận rằng thực tại (reality) có 3 thế giới tồn tại song song: thế giới vật lý, thế giới toán học, và thế giới ý thức [6] [7]. Với những phát triển trong lĩnh vực thuyết thông tin, thuyết lượng tử, và thuyết tương đối, có những lập luận rằng không phải vật chất hay không thời gian, thông tin mới là đơn vị thực tại căn bản nhất của vũ trụ [8] [9] [10]. Theo thuyết để hợp nhất thuyết lượng tử và thuyết tương đối, vũ trụ 3D này có vẻ chỉ là ảnh nổi 3D chiếu ra từ một không gian 2D, và mọi vật trong thế giới của ta đều được mã hóa thành thông tin trên không gian 2D này [11][12]. Ở dưới cùng của vật lý, vũ trụ là một siêu máy tính khổng lồ xử lý thông tin về các hạt căn bản như các bit (đơn vị thông tin) [8]. (Hãy tưởng tượng, giả sử trên máy tính ta chạy một thế giới ảo có các AI. Rồi khi các AI này nghiên cứu về thế giới của mình, chúng nhận thấy mọi vật trong thế giới tươi đẹp đó, bên dưới vật lý, đều là các bit byte thông tin được xử lý bởi một máy tính !!!).

Vậy nên ngày nay, dù hiểu biết về thế giới của ta đã chi tiết hơn nhiều so với thời của Aristotle, mô hình thế giới toàn diện này vẫn đúng. Thế giới cơ bản có vật chất, thông tin, các định luật, toán học, và một căn nguyên tự hữu hằng hữu tạo ra và vận hành chúng (dù đó là Đức Chúa Trời hay siêu máy tính khổng lồ chứa vũ trụ theo thuyết trên).

II. Ngôi Lời

Nếu thế giới này gồm có vật chất và những thứ phi vật chất (toán học, quy luật, thông tin, v.v…), thì hẳn phải có cái gì đó liên kết chúng? Các triết gia Hy Lạp nhận thấy những thứ phi vật chất có tính chất giống như ý nghĩ (idea) của con người, vì ta có thể nắm bắt chúng bằng ý nghĩ của mình. Vậy nên họ gọi chúng là các ý nghĩ thánh (divine idea) – ý nghĩ của căn nguyên thánh đã thiết kế tạo dựng thế giới này. Vì lời nói diễn đạt các ý nghĩ trong đầu ta từ phi vật chất thành vật chất, họ gọi quyền năng đó là Logos, tiếng Hy Lạp là Lời, Kinh Thánh tiếng Việt dịch là Ngôi Lời. Ngôi Lời là quyền năng đã tạo ra mọi vật chất từ các ý nghĩ thánh phi vật chất của mình.

Các triết gia Hy Lạp cổ đại như Aristotle không biết về Kinh Thánh. Họ chỉ đang triết lý suy luận về những gì ở đằng sau vật chất khiến thế giới này vận hành được như ta quan sát. Nhưng họ đã suy luận ra sự tồn tại của căn nguyên tự hữu hằng hữu tạo hóa – Ngôi Lời, với đầy đủ những đặc tính của Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh miêu tả:

1. Ngôi Lời là căn nguyên, tự hữu hằng hữu, và tạo ra mọi thứ:

Mọi thứ phi vật chất như toán học, các định luật vật lý logic, thông tin, bản chất (tính chất) của mỗi vật, đến mọi vật chất như vũ trụ, trái đất, và con người, tất cả đều là những thứ nguyên và được tạo ra bởi căn nguyên tự hữu hằng hữu – Ngôi Lời.
“Trước khi núi non sinh ra, đất và thế gian được dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời.” (Thi Thiên 90)
“Muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài” (Giăng 1:3)

2. Ngôi Lời có lý trí thông minh – là một đấng, một người (theo nghĩa một thực thể thông minh – intelligent being).

Các định luật vật lý trong vũ trụ, cũng như các thành phần của tế bào và sinh vật phải phối hợp với nhau cách chính xác để tạo ra vũ trụ và sự sống [3] [13] [14]. Để có thể đặt ra những điều này, Ngôi Lời phải có lý trí thông minh và hiểu biết tuyệt đối để tạo dựng thế giới này theo ý tưởng thánh của mình.
“Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.” (Ê-sai 55:9)

3. Ngôi Lời là toàn năng.

Là quyền năng tạo dựng và vận hành mọi định luật vật lý và tính chất của muôn vật theo ý tưởng thánh mình, Ngôi Lời có thể thay đổi chúng tùy ý, điều mà mọi tạo vật không thể làm.
“Lạy Chúa Giê-hô-va! Chính Ngài đã dùng quyền năng lớn lao và cánh tay quyền uy mà dựng nên trời và đất! Không có việc gì khó quá cho Ngài.” (Giê-rê-mi 32:17)
““Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy khiến những đá nầy thành bánh đi.” (Ma-thi-ơ 4:3)

4. Ngôi Lời là toàn tri.

Là quyền năng hiện thực hóa mọi vật chất, Ngôi Lời biết rõ mọi thông tin về mọi thứ trên thế giới vật chất lẫn phi vật chất. Ngôi Lời biết rõ mọi thông tin về ta, từ từng nguyên tử trong cơ thể ta đến mọi bí mật trong lòng ta, cả những thứ trong tiềm thức mà ta không biết.

Chẳng loài thọ tạo nào có thể che giấu được trước mặt Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Đấng mà chúng ta phải khai trình.” (Hê-bơ-rơ 4:13)

… Ngài biết thấu nơi bí mật của lòng.” (Thi Thiên 44:21)

5. Ngôi Lời là toàn tại (hiện diện mọi lúc mọi nơi).

Vì mọi vật hiện hữu nhờ Ngôi Lời, Ngôi Lời hiện hữu bên mọi vật, mọi lúc, mọi nơi. 

“Đức Giê-hô-va lại phán: “Ai có thể ẩn mình trong các nơi bí mật để Ta không thấy được chăng?…Chẳng phải Ta hiện diện mọi nơi, khắp các tầng trời và đất sao?” (Giê-rê-mi 23:24)

Vì ở trong Ngài, chúng ta được sống, hoạt động và hiện hữu…” (Công Vụ 17:28)

Như vậy các triết gia Hy Lạp như Aristotle chỉ từ quan sát thiên nhiên mà đã suy luận ra sự hiện diện và các đặc tính của căn nguyên – Ngôi Lời – Đức Chúa Trời. Quả đúng như lời Kinh Thánh: “Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được.” (Rô-ma 1:20)

Một bạn tiến sĩ đã nói làm sao cả vũ trụ to lớn này do một người tạo ra? Hiểu “người” theo nghĩa người bình thường thì tất nhiên là không, nhưng theo nghĩa một thực thể thông minh (intelligent being) thì Ngôi Lời chính là thực thể đó. Cho dễ hình dung, quay lại với thuyết vũ trụ là một siêu máy tính khổng lồ [8]. Với trí thông minh nhân tạo (AI), máy tính có thể có trí thông minh. Giả sử có một siêu máy tính khổng lồ với trí thông minh siêu việt. Trí thông minh đó thiết kế, tạo dựng và vận hành một vũ trụ game với các định luật thiên nhiên, vật thể, sinh vật, và cả một loài có trí thông minh bên trong. Thì cả vũ trụ đó sẽ do một một “người” tạo ra. Và với vũ trụ đó, máy tính thông minh đó là căn nguyên tự hữu, hằng hữu, toàn năng, toàn tri, toàn tại.

Nói vậy cho ta dễ hình dung thôi chứ đừng hình dung về Chúa như một máy tính. Đức Chúa Trời tạo ra con người theo hình ảnh của mình, và Thiên Sứ Của Đức Chúa Trời có hình dạng con người (Sáng Thế Ký 22:11-15, Các Quan Xét 6:11-23, v.v…). Chúa muốn ta gọi Ngài là Chúa hay Cha Thiên Thượng. Và Ngài muốn có một mối quan hệ tương giao gần gũi với con người. Các triết gia Hy Lạp nói thế giới này hiện thực hóa từ ý tưởng thánh, Kinh Thánh nói ta ở trong Chúa (Công Vụ 17:28). Vậy hãy hình dung thế giới này ở trong suy nghĩ thánh của Chúa, như một thế giới sống động trong suy nghĩ của một người. Chỉ là để giúp dễ hình dung hơn thôi, vì mọi so sánh Đức Chúa Trời với một tạo vật đều là khập khiễng.

Điều mà có lẽ Aristotle và không triết gia nào tưởng tượng được là có một ngày “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý…” (Giăng 1:14). Nhưng tiếc thay, “Ngôi Lời ở trong thế gian và thế gian đã được tạo dựng bởi Ngài, nhưng thế gian không nhận biết Ngài” (Giăng 1:10). Ngôi Lời đến thế gian với một Tin Lành vô cùng quan trọng cho tất cả mọi người: “Nhưng bất cứ ai tiếp nhận Ngài, tức là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời…Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời…Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.” (Giăng 1:12, 3:16, 3:36)

Sẽ quá dài để biện luận tại sao Chúa Giê-xu là Ngôi Lời giáng thế. Tôi chỉ xin nêu 4 lý do căn bản từ những điều siêu nhiên thể hiện sự tự hữu hằng hữu và quyền năng thánh của Chúa:

1. Vì sự giảng sinh, thương khó, phục sinh, và vinh hiển của Chúa Giê-xu đã được nói trước trong cựu ước, như lời tiên tri về đấng Ê-ma-nu-ên trong sách Ê-sai 800 năm trước khi Chúa Giê-xu sinh ra [15].

2. Vì sự chết và phục sinh của Chúa Giê-xu là một bằng chứng lịch sử được ghi chép rõ ràng nhất, xảy ra ngay giữa 3 nền văn minh Do Thái – Hy Lạp – La Mã cổ đại đầy tri thức sách vở [16], đạt chuẩn vượt quá mọi nghi ngờ hợp lý của tòa án Hoa Kỳ [19].

3. Vì Kinh Thánh tự nhận là lời Đức Chúa Trời (Phục Truyền 6:2, 2 Ti-mô-thê 3:16) và Chúa Giê-xu nhận mình là Con Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 27:43, Giăng 19:7). Nếu không tự nhận thì không thể là. Và lời Kinh Thánh và lời Chúa Giê-xu được chứng thực bằng các phép lạ siêu nhiên thể hiện sự toàn tri toàn năng chỉ có ở đấng thánh.

4. Vì Chúa đáp lời cầu nguyện giúp đỡ những ai tìm kiếm kêu cầu Ngài, giúp họ thật sự tin và nhận Ngài là Chúa mình (Thi Thiên 50:15, Sáng Thế Ký 50:24) [17].

III. Linh hồn của con người

3D, wire frame, energy, power, soul, spirit

Thế giới không chỉ có vật chất mà còn có những thứ phi vật chất (các định luật, thông tin, Ngôi Lời) sẽ giúp ta hình dung về linh hồn. Linh hồn ta là gì và làm nên từ gì?

Đầu tiên, linh hồn là phi vật chất. Vậy nên tìm kiếm bằng chứng vật chất của linh hồn sẽ không thể thấy. Người duy vật tin chỉ có vật chất nên họ tin không có linh hồn là thứ họ không thấy, ta chính là thể xác mình, khi thể xác tan rã thì ta cũng tan biến. Vậy nên triết lý sống duy vật chất thường là sống sao cho thể xác sướng nhất, như trường phái hưởng lạc (Epicurean).

Kinh Thánh nói con người là sinh linh (Sáng Thế Ký 2:7), gồm thể xác và linh hồn. Linh hồn có vai trò [18]

+ điều khiển hành động của thể xác (Gia-cơ 2:26)
+ cảm nhận (vui vẻ /khao khát /sờn ngã /hy vọng – Châm Ngôn 2:10, Thi Thiên 42:5-11)
+ quyết định (từ chối /lựa chọn – Gióp 6:7, 7:15…)
+ kiến thức (biết /nhớ – Thi Thiên 139:14, Ca Thương 3:19)

Khi thể xác chết, linh hồn sẽ rời đi (Sáng Thế Ký 35:18). Nếu ta tin nhận Chúa Giê-xu, linh hồn sẽ được cho cơ thể mới vinh hiển để sống đời đời (1 Cô-rinh-tô 15:42-44), còn không sẽ phải xuống hỏa ngục (Ma-thi-ơ 10:28). Linh hồn ta đáng giá hơn cả thế gian vì nó là chính mình ta (Ma-thi-ơ 16:26, Lu-ca 9:25), vì việc có cả thế gian là đáng gì khi đến lúc chết ta phải lìa tất cả mà chịu phạt đời đời nơi hỏa ngục?

Mà linh hồn làm từ gì nếu nó là phi vật chất? Theo những thuyết mới nhất thì không phải vật chất, thông tin mới là thành phần cơ bản nhất của thực tại [8] [9] [10], từ vật chất đến phi vật chất (các định luật, toán học, con số). Vậy nên thông tin cũng là thành phần cơ bản nhất của linh hồn. Cho dễ hình dung, quay lại với giả thuyết vũ trụ là một siêu máy tính khổng lồ, mọi thứ đều được mã hóa và xử lý ở dạng thông tin [12] [8]. Nếu ta là một người trong đó, sẽ có thông tin về thể xác ta. Và sẽ có thông tin về linh hồn ta, là điều ta biết/nhớ, cảm nhận, suy nghĩ, quyết định, hành động v.v… Ngôi Lời chính là quyền năng thánh hiện thực hóa những thông tin này về ta thành thực tại. Và Ngôi Lời cũng có thể dễ dàng nạp mọi thông tin về linh hồn ta vào một thể xác mới bất từ đời đời. Đó không phải là một bản sao của ta, như ta tải mọi kiến thức của mình lên mạng. Đó thực sự là thực tại về ta trong ý tưởng thánh của Ngôi Lời.

Người duy vật chất có thể nói linh hồn chỉ là vật chất vì khi não bị chấn thương hay tật bệnh, ta có thể mất trí nhớ hoặc thay đổi tính cách. Quả là suy nghĩ cảm nhận của ta khá phụ thuộc vào tình trạng thể xác, nhưng tôi nghĩ đó là thiết kế của Chúa để ta có thể trải nghiệm tối đa thế giới vật chất, không phải vì linh hồn lệ thuộc vào vật chất não bộ. Cho dễ hình dung, hãy xem cơ thể ta như cái máy tính, thể xác là phần cứng và linh hồn là dữ liệu phần mềm, với kết nối mạng. Phần cứng có chuyện (hư RAM, hỏng chíp) là máy chạy loạn hoặc chết nhưng dữ liệu phần mềm trên mạng vẫn còn nguyên. Lấy dữ liệu đó nạp vào máy mới là chạy tiếp hoàn hảo. Cũng vậy, khi thể xác ta hư hỏng thì nó chạy loạn, nhưng linh hồn ta vẫn nguyên vẹn với Chúa. Khi Chúa cho thể xác mới thì lại hoạt động tốt.

Tổng Kết

Người duy vật chất tin rằng thế giới này không có gì ngoài vật chất, không có Đức Chúa Trời hay linh hồn. Nhưng từ xưa đến nay, nhiều triết gia nhận thấy thế giới này có nhiều thứ phi vật chất như các định luật vật lý, tính chất của các vật, logic, quan hệ nguyên nhân-hệ quả, toán học, thông tin, v.v.. Họ lập luận phải có một căn nguyên tự hữu hằng hữu tạo ra và vận hành mọi sự, rồi có Ngôi Lời là quyền năng hiện thực hóa vật chất từ những thứ phi vật chất.

Mô hình thế giới toàn diện với vật chất và phi vật chất này chính là cơ sở cho khoa học. Vì khoa học là nghiên cứu tìm hiểu về các định luật vật lý, tính chất các vật, quan hệ nhân quả, logic, toán học, thông tin… rồi áp dụng nó cách hữu ích cho đời sống. Đồng thời, nó cũng khẳng định không tạo vật nào có quyền năng siêu nhiên thay đổi các luật thiên nhiên trừ căn nguyên tạo hóa. Người vô thần duy vật chất vẫn dùng mô hình này để làm khoa học, nhưng họ chối bỏ sự tồn tại của những thứ phi vật chất và căn nguyên. Chúng khiến hiểu biết về thế giới của họ có nhiều chỗ không thể giải thích, và khiến con người dễ mê tín tin vào các chuyện siêu nhiên như đa vũ trụ, siêu nhân, phù thủy, ma quỷ, chiêm tinh, tướng số, quyền năng lạ nào đó. Người Cơ Đốc ít mê tín vì họ tin chỉ có Chúa mới có quyền năng siêu nhiên.

Chỉ bằng quan sát thế giới, các triết gia Hy Lạp đã suy luận đúng về Đức Chúa Trời cùng các thần tính tự hữu, hằng hữu, toàn năng, toàn tri, toàn tại của Ngài. Nhưng họ không tưởng tượng được ngày “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý…” (Giăng 1:14). Thiên nhiên cho ta thấy quyền năng của Chúa, nhưng chỉ Kinh Thánh mới nói cho ta suy nghĩ ý định của Ngài. Những điều siêu nhiên cho ta thấy Kinh Thánh và Chúa Giê-xu là Ngôi Lời như lời Kinh Thánh.

Mô hình thế giới toàn diện với những thứ phi vật chất giúp ta hiểu về linh hồn, là chính ta bên trong cơ thể này. Vậy nên ta đừng như người duy vật chất. Đừng nghĩ rằng con người chỉ là xác thịt, chết là hết. Đừng chỉ sống để thỏa mãn các ham muốn vật chất xác thịt. Ta là sinh linh, hãy sống cho linh hồn mình là thứ quý hơn thế gian. Hãy tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu để cứu linh hồn mình. Hãy phát triển kiến thức, suy nghĩ, cảm nhận, quyết định của mình theo lời dạy của Kinh Thánh để linh hồn ta trưởng thành giống Chúa hơn. Hãy ưu tiên cho những niềm vui tâm linh hơn là vui thú thể xác vì thể xác này sẽ hư nát, còn linh hồn sẽ sống đời đời trong thể xác mới vinh hiển đẹp đẽ như thiên sứ mà Chúa sẽ ban cho (1 Cô-rinh-tô 15:42-44).

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài tham khảo

1. The Unreasonable Effectiveness Of Mathematics In The Natural Sciences
https://www.maths.ed.ac.uk/~v1ranick/papers/wigner.pdf

2. Metaphysics – Aristotle
https://en.wikipedia.org/wiki/Metaphysics_(Aristotle)

3. Stephen Hawking đã sai: 3 lý do phải có Đức Chúa Trời
https://bachkhoa.name.vn/2023/07/02/stephen-hawking-da-sai-3-ly-do-phai-co-duc-chua-troi/

4. Cha đẻ của phương pháp khoa học nói gì về niềm tin vô thần?
https://bachkhoa.name.vn/2023/03/29/cha-de-cua-phuong-phap-khoa-hoc-noi-gi-ve-niem-tin-vo-than/

5. Khi tôn giáo truyền thống (Cơ Đốc giáo) suy thoái, mê tín chứ không phải chủ nghĩa vô thần là kẻ chiến thắng lớn.
https://intellectualtakeout.org/2018/05/as-traditional-religion-declines-superstition-not-atheism-is-the-big-winner/

6. Đường tới thực tế
https://chaosbook.org/library/Penr04.pdf

7. Sự tồn tại của Đức Chúa Trời – biện luận từ toán học và ý thức
https://www.independent.co.uk/life-style/existence-of-god-rational-arguments-mathematics-human-consciousness-a7739841.html

8. Nền móng căn bản của vũ trụ có thể không phải là năng lượng hay vật chất, mà là thông tin

https://bigthink.com/surprising-science/the-basis-of-the-universe-may-not-be-energy-or-matter-but-information/

9. Thông tin là trung tâm của vật lý và của chính vũ trụ.

https://bigthink.com/13-8/information-central-physics-universe/

10. Hãy quên đi không thời gian, thông tin có thể đã tạo ra vũ trụ

https://www.space.com/29477-did-information-create-the-cosmos.html

11. Is Our Universe a Hologram? Physicists Debate Famous Idea on Its 25th Anniversary

https://www.scientificamerican.com/article/is-our-universe-a-hologram-physicists-debate-famous-idea-on-its-25th-anniversary1/

12. The theory that the universe is a hologram explained in under 5 minutes
https://www.brandeis.edu/now/2018/november/thetake-podcast-hologram.html

13.Bác Sĩ Phẫu Thuật Nói Cơ Thể Con Người Không Thể Do Tiến Hóa Mà Thành
https://bachkhoa.name.vn/2023/07/20/bac-si-phau-thuat-noi-co-the-con-nguoi-khong-the-do-tien-hoa-ma-thanh/

14. Có phải có “hữu cơ” nghĩa là có sự sống? Thế nào là vật chất sống?
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/24/co-phai-co-huu-co-nghia-la-co-su-song-the-nao-la-co-su-song/

15. Em-Ma-Nu-Ên, Phúc Âm Theo Lời Tiên Tri Của Ê-Sai 800 Năm Trước Chúa Giê-Xu
https://bachkhoa.name.vn/2021/02/20/em-ma-nu-en-phuc-am-theo-loi-tien-tri-cua-e-sai-800-nam-truoc-chua-gie-xu/  

16. 7 điều chứng tỏ sự phục sinh của Chúa Giê-xu là sự thật
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/04/7-dieu-chung-to-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu-la-su-that/

17. Nói Chuyện Với Một Bạn Tiến Sĩ Về Khoa Học Và Niềm Tin Cơ Đốc
https://bachkhoa.name.vn/2024/01/14/noi-chuyen-voi-mot-ban-tien-si-ve-khoa-hoc-va-niem-tin-co-doc/#5_Lam_sao_ta_co_the_tin_Chua_Gie-xu_chinh_la_Ngoi_Loi

18. Dealing with Our Inward Parts for the Growth in Life

https://www.ministrysamples.org/excerpts/THE-SOUL-HAVING-THREE-PARTS.HTML

19. Testimony of the Evangelists by Simon Greenleaf (1783-1853)

https://www.famous-trials.com/jesustrial/1051-evangeliststestimony

Bình Luận:

You may also like