Home Chuyên Đề Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu: Nguồn Hy Vọng Của Chúng Ta

Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu: Nguồn Hy Vọng Của Chúng Ta

by Sưu Tầm
30 đọc

Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là trung tâm niềm hy vọng của Cơ-đốc nhân chúng ta. Vì Đấng Christ đã sống lại nên chúng ta biết rằng cái chết trên thập tự giá của Ngài đã làm trọn mục đích cứu chuộc như của lễ hy sinh một lần đủ cả cho tội lỗi. Hơn nữa, vì Đấng Christ đã sống lại, chúng ta là những người ở trong Ngài có hy vọng về một sự phục sinh vinh hiển.

Trước đây, tôi tình cờ đọc được một bài báo trên Newsweek từ năm 1968 có tựa đề “Soul on Ice”.

Bài báo đưa tin về cái chết trẻ của anh Stephen J. Mendel khi mới 24 tuổi do bệnh mãn tính. Tuy nhiên, trước khi chết anh Stephen đã tìm cách bảo vệ tương lai mình bằng cách cho đóng băng thân thể với hy vọng một ngày nào đó mình sẽ được rã đông và hồi sinh nếu người ta tìm ra phương pháp chữa trị cho căn bệnh của anh. Theo nguyện vọng của anh, khi anh qua đời, thi thể anh được đưa đi, tẩm chất chống đông máu, nhét đầy đá khô, và đặt vào một hộp trữ đông vô thời hạn. Mẹ của Mendel sẵn lòng chấp nhận công việc như chuyện khoa học viễn tưởng này với nổ lực níu kéo sự sống cho con mình mặc dù ai cũng biết việc này thành công là “một cơ hội quá xa vời”. Tuy nhiên, bà nói, “Làm vậy giúp tôi dễ chịu hơn là chôn con tôi xuống lòng đất và chấp nhận rằng mọi thứ đã kết thúc.”

Đây là một câu chuyện ly kỳ nhưng cũng đầy bi kịch. Nó làm nổi bật sự bi quan sâu sắc của những người không biết Chúa.

Là Cơ-đốc nhân, chúng ta cũng hy vọng vào sự phục sinh trong tương lai. Nhưng khác với anh Mendel, niềm hy vọng của chúng ta không dựa trên việc được rã đông trong tương lai khi khoa học phát triển đến mức có thể khiến người chết sống lại, mà dựa trên chính lời hứa của Đức Chúa Trời.

Đối với chúng ta là những người tin Chúa, sự phục sinh không phải là chuyện khoa học viễn tưởng, mà là hiện thực tất yếu của lẽ thật trong Kinh Thánh. Không cần cho đóng băng cơ thể, không cần chất chống đông máu, không cần ni-tơ lỏng. Chúng ta có thể được mai táng theo kiểu thông thường, thủy táng hay hỏa táng. Chỉ có một điều quan trọng – đó là chúng ta có mối quan hệ cứu chuộc với Chúa Giê-xu Christ. Là một thành viên trong gia đình Ngài, ta có thể vững tin trông đợi được phục sinh để hưởng sự sống đời đời (Giăng 5:29).

Phao-lô, trong 2 Cô-rinh-tô 5, nhắc nhở chúng ta rằng thực tế tương lai này là điều mà chúng ta nên tha thiết mong chờ, hay – theo như cách ông diễn đạt – thở than trong nhà tạm nầy. Trên thực tế, trong 1 Cô-rinh-tô 15, Phao-lô miêu tả thực tế đáng kinh ngạc về việc trải nghiệm sự sống đời đời trong thân thể phục sinh. Niềm hy vọng về sự phục sinh đến sự sống đời đời là sự khác biệt giữa tang lễ của người tin Chúa với người không tin Chúa. Điều này giải thích tại sao Cơ-đốc nhân không than khóc như phần còn lại của thế gian, là những người không có hy vọng (1 Thê-sa-lô-ni-ca 4:13).

Sự lạc quan ngay cả khi đối diện với cái chết này, được khẳng định dựa trên thực tế là Đấng Christ đã sống dậy từ nấm mồ. Sự phục sinh của Chúa đảm bảo việc như vậy cũng sẽ xảy ra cho những ai thuộc về Ngài. Vậy nên, với người tin Chúa, không có “vĩnh biệt”, mà chỉ có “hẹn gặp lại”.

Niềm hy vọng về thiên đàng được xác định dựa trên thực tế về sự phục sinh của Đấng Christ. Nó cung cấp cơ sở để người tin Chúa có thể đối mặt với cái chết bằng sự tự tin không nao núng.

Charles Spurgeon, nói về những người đã mất trong hội thánh của ông thế này,

Những người hạnh phúc nhất tôi từng gặp là những người đang chết trong Chúa. Những người duy nhất mà tôi cảm thấy ghen tị là những thành viên đang hấp hối của hội thánh này, những người mà tôi đã nắm lấy tay họ khi họ qua đời. Gần như không có ngoại lệ nào, tôi đã thấy ở họ niềm hân hoan và chiến thắng, như thể họ đã mong đợi giây phút thiêng liêng này, và bên cạnh niềm vui tột độ, tôi cũng thấy sự bình an sâu sắc thể hiện qua vẻ bình thản và ý thức sẵn sàng bước vào trong sự hiện diện của Chúa mình.

Bởi vì Chúa Giê-xu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết qua sự đóng đinh và sự phục sinh của Ngài, người tin Chúa có thể đối mặt với cái chết mà không sợ hãi hay rúng động. Họ biết rằng họ đang về nhà, vào trong sự hiện diện của Cứu Chúa và Chúa mình.

Sau tất cả, chính sự hiện diện của Đấng Christ là điều khiến thiên đàng trở nên tuyệt vời. Thiên đàng sẽ không bào giờ trở nên nhàm chán, vì thiên đàng là Đấng Christ, và Đấng Christ vô cùng vinh hiển. Chúng ta sẽ thờ phượng Ngài mãi mãi, và tình yêu của chúng ta dành cho Ngài sẽ chỉ mới bắt đầu và càng trở nên sâu sắc hơn khi hàng thế kỷ và thiên niên kỷ trôi qua.

Khi suy ngẫm về niềm hy vọng tuyệt vời mà chúng ta được hưởng, niềm hy vọng mà chúng ta háo hức mong đợi với tư cách là Cơ-đốc nhân – có lý do để chúng ta vui mừng mãi mãi. Niềm hy vọng này tập trung vào sự phục sinh của Cứu Chúa chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có rất nhiều điều để ăn mừng trong dịp lễ này.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: blog.tms.edu

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like