Home Chuyên Đề Dạy Con Về Lời Nói Dối Vô Hại

Dạy Con Về Lời Nói Dối Vô Hại

by Hongan Doan
30 đọc

Ngày nay, trong xã hội vẫn ngầm cho phép những lời nói dối mà người ta cho là vô hại. Thậm chí trong một số trường hợp lời nói dối được cho là vô hại còn được nâng giá trị như là một sự cần thiết. 
Tuy nhiên, không phải tự nhiên Kinh Thánh dạy chúng ta “có nói có, không nói không…”(Ma-thi-ơ 5:37) đương nhiên vì sự chân thật luôn có giá trị của nó. 

LỜI NÓI DỐI VÔ HẠI CÓ THẬT SỰ VÔ HẠI????
Khi Kai được 23 tháng tuổi, em bị viêm phổi nhập viện tiêm thuốc điều trị hết hai tuần. Mỗi sáng tiêm thuốc, mẹ đều nói với em: “hôm nay chú sẽ tiêm thuốc cho con nhé, sẽ đau đấy, nếu con đau quá thì cứ khóc nhé, mẹ sẽ ôm con. Chỉ đau một tí rồi sẽ hết thôi, con cố gắn nha.” Có lẽ trong bệnh viện có mỗi mẹ Kai là nói với con tiêm thuốc sẽ đau. Nên các phụ huynh đứng bên cạnh đều phản ứng ngược với mẹ: “nói như vậy sao nó chịu tiêm thuốc được, chưa tiêm mà nói đau làm gì có đứa nào chịu tiêm….. v.v và v.v” Rõ ràng là các bé tiêm đều bị đau, đặc biệt là tiêm kháng sinh, nhưng các phụ huynh đều nói với con những lời nói dối được cho là vô hại “không có đau đâu con..” kết quả thì sao? Những đứa trẻ được báo tiêm không đau vừa thấy kim tiêm có đứa vừa thấy cô chú điều dưỡng đã gồng mình la hét muốn bỏ chạy, có nghĩa trẻ biết rõ bị tiêm sẽ đau. Vậy tại sao không nói rõ một cách chân thực cho trẻ chuẩn bị tâm lý, tại sao phải lừa dối trẻ??? 
Về phần Kai, vì mẹ đã chuẩn bị tâm lý, nên Kai cực kỳ bình tĩnh, lần nào vào tiêm cũng không khóc, trước khi tiêm thì chào cô chào chú, rồi dặn dò “chú cố gắn nha”(Câu này là do mẹ dặn Kai cố gắn nha nên Kai dặn dò ngược lại, tiêm xong thì cảm ơn cô chú. Cuối cùng, các cô chú điều dưỡng đều khen Kai mạnh mẽ và rất can đảm, có chú điều dưỡng nhận xét Kai là “hồi giờ chú tiêm nhiều bé, bé nào vừa thấy chú cũng khóc thét, có mình con dặn chú cố gắn nha, lại còn biết cảm ơn sau khi tiêm, chưa thấy đứa nào như con.” Mẹ ẵm Kai bước ra khỏi phòng, không khỏi tự hào, mẹ dạy con không sai. Nói dối và nói thật cái nào có giá trị hơn???

Mỗi lần mẹ đi chợ hoặc đi công việc, mẹ đều nói với Kai rõ ràng “mẹ đi chợ nhé” lúc đầu Kai khóc đòi theo, mọi người kêu mẹ lén đi đi chứ sao nói chi cho con đòi mẹ. Mẹ không nghĩ như vậy, vì khi trẻ không biết mẹ đã đi rồi, trẻ vẫn tưởng mẹ bên cạnh, lát sau trẻ tìm mẹ không thấy, trẻ sẽ vô cùng sợ hãi, vì không được báo trước rằng mẹ không có ở đây, lúc đó trẻ sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi. Một đứa trẻ cần được tôn trọng cảm xúc, không phải vì sợ trẻ khóc đòi mẹ mà không dám cho trẻ biết sự thật, trẻ khóc đòi mẹ vì trẻ không muốn rời xa mẹ, còn trẻ khóc khi không tiên liệu được việc mẹ không có ở bên là một loạt những cảm xúc tiêu cực sẽ diễn ra dữ dội hơn. Những lời nói dối vô hại kia có thực sự vô hại???? 
Kai sau nhiều lần được mẹ giải thích trời nắng và chợ rất đông mẹ không đưa con theo được, thì về sau khi mẹ đi chợ Kai tự nói nắng lắm Kai ở nhà, rồi dặn dò mẹ “mẹ đeo mắt kiếng vô để nắng nha” sự quan tâm thấu hiểu đó của Kai là kết quả của việc mẹ tôn trọng cảm xúc của con và luôn cho con biết sự thật để con đối diện và tự giải quyết chứ không che giấu nó. 
Dù trong trường hợp nào, thành thật vẫn có một giá trị nhất định của nó. Còn lời nói dối vô hại, chỉ là không phải trả giá trong lúc đó nên được cho là vô hại, nhưng rồi vẫn phải trả giá về sau, chỉ là bạn không biết lúc nào mà thôi. 

CÓ NÊN SỬ DỤNG LỜI NÓI DỐI VÔ HẠI KHI GIAO TIẾP VỚI TRẺ

Theo nhóm TS. Setoh, Khoa Tâm Lý Học, ĐH Công Nghệ Singapore cùng ĐH California San Diego, Mỹ đã cho biết: “lời nói dối thực ra là không nên dù đôi lúc vô hại hay thiện ý, nó có thể làm trẻ học được hành vi không chân thực này từ nhỏ, thậm chí làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý khi trẻ lớn.” Có lần đưa con đi tiêm ngừa, mình bắt gặp người cha đang ngồi bấm điện thoại, lát sau đứa bé chạy đến đòi xem điện thoại, người cha liền cất điện thoại vào túi và trả lời “điện thoại hết pin rồi”. Đứa trẻ thấy vậy ra chơi với mẹ, lát sau quay lại thấy người cha vẫn đang lướt trên điện thoại. Đứa bé lúc này bực tức hơn liền chạy đến ba và tiếp tục đòi điện thoại. Vẫn câu nói cũ, người cha cất điện thoại và nói “hết pin rồi”. Đứa trẻ không con tin ba nữa, liền mè nheo đòi cho được điện thoại. Có thể điện thoại đang gần hết pin, và không muốn cho con chơi điện thoại là tốt, nhưng người cha đã truyền tải thông tin không chính xác khiến đứa trẻ cảm thấy hụt hẫng khó chịu và dần mất tin tưởng vào lời nói của ba mình.

CHÂN THẬT LUÔN CÓ GIÁ TRỊ VÀ ĐƯỢC ĐỀ CAO HƠN
Ngày nay, khi xã hội ngày càng hiện đại, cuộc sống ngày càng văn mình thì sự chân thật luôn được đề cao. Trẻ có thể học nói dối thì cũng có thể học sống chân thật. Sự chân thật làm cho giá trị của trẻ được thể hiện cao hơn. Khi giá trị của trẻ được nâng tầm, trẻ sẽ đầy tự tin để làm chủ thế giới sau này của mình. Vì vậy, sự chân thật là điều mà mọi đứa trẻ cần được dạy và học.

DÙNG LỜI NÓI TẾ NHỊ THAY VÌ LỜI NÓI DỐI THIỆN Ý HAY VÔ HAI.
Nối dối dù là có mục đích thiện ý  hay không cũng là Nói Dối. Nhưng, có những tình huống vô hại xảy ra như ví dụ đầu bài viết, chúng ta thường không muốn đưa ra lời nói thật thẳng thừng có thể làm trẻ cảm thấy mất vui hay mất động lực, nhưng chúng ta cũng không nên dùng lời nói vô hại hay thiện ý vì trong giáo dục trẻ nhỏ chân thật là ưu tiên trong mọi tình huống. Tại sao là như vậy? Bởi vì trẻ con, đặc biệt độ tuổi <10 tuổi, phần lớn học thông qua trải nghiệm. Khi đó, các trẻ cần được nhìn trải nghiệm trong ánh mắt thuần khiết nhất, chân thật nhất. Điều này hình thành tư duy, hiểu biết và thậm chí còn cao hơn sự hiểu biết là cảm nhận về cuộc sống, lối sống. Nếu lăng kính đó bị lu mờ bởi những lời nói dối, chẳng lẽ bạn muốn các bé sẽ nhìn qua lăng kính mờ đục này hay sao!

Thay vì vậy, bạn nên dùng lời nói có thể truyền tải 2 mục đích:
1. Cung cấp sự thật
2. Sự thật được cung cấp có thể làm trẻ hiểu được.

VD. trong tình huống không muốn trẻ sử dụng điện thoại. Hãy cứ cho trẻ biết, ba đang làm việc hoặc điện thoại gần hết pin, nếu bây giờ con sử dụng nếu hết pin thì có ai gọi tới có việc gấp ba sẽ không nghe máy được. (Sau đó cất điện thoại và chỉ dùng khi có ai gọi đến). Trong tình huống đó, trẻ có thể khó chấp nhận, nhưng rồi sẽ chấp nhận và đó là sự thật. Để làm nhẹ sự không chấp nhận của trẻ, thì hãy nói làm trẻ hiểu được tình huống.

VD. Trong trường hợp trẻ vẽ xong 1 bức tranh như bài tập về nhà, chạy đến khoe bạn. Cách thông thường, bạn trả lời qua loa cho qua chuyện hoặc khen ngợi. Nhưng, thử đặt vào tình huống như: Nếu bức hình thật sự xấu hay không đúng chủ đề cô giáo cho, trẻ có thể bị bạn bè chê bai hoặc cô giáo phê bình vì sai chủ đề. Cảm giác của trẻ như thế nào, khi người bố là được cậu bé tin tưởng cho ý kiến đầu tiên. Đó là hậu quả đôi lúc lời nói dối thiện chí khó lường được.

Khi nhìn và nhận xét bức tranh, hãy nghĩ đến sự thật bạn muốn cho trẻ, nói nó ra và tìm cách nói để trẻ hiểu là được.
VD chủ đề cô giáo giao là con vật nuôi yêu thích, nhưng bé vẽ con hổ chẳng hạn
Bạn có thể nói: Bố rất thích bức tranh con hổ của con, nó đẹp lắm [sự thật bạn cảm thấy thích nét đáng yêu hoặc điều gì đó từ bức tranh]; nhưng con nghĩ xem chúng ta có thể nuôi con hổ trong nhà không nhỉ? con hổ có thể nuôi ở đâu nhỉ? có con nào giống con hổ mà chúng ta có thể nuôi trong nhà? Đôi lúc, giao tiếp với trẻ con cần nhiều chú ý. Trong đó, truyền tải sự thật là 1 điều quan trọng, nó giúp bạn tránh mọi rủi ro do nói dối mang lại, mà còn giúp trẻ học trải nghiệm chân thật nhất. Con người luôn lớn lên khi họ trải nghiệm mà trải nghiệm đáng sợ nhất là khi chỉ toàn lời nói dối. 

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like