Home Chuyên Đề 10 Lý Do Để Tin Kinh Thánh

10 Lý Do Để Tin Kinh Thánh

by Sưu Tầm
30 đọc

Có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy những tuyên bố của Kinh Thánh là đáng tin?

Nếu bạn từng thắc mắc về tính xác thực của Kinh Thánh, thì đây là những bằng chứng đáng để suy ngẫm:

1. Tính trung thực của Kinh Thánh

Kinh Thánh thành thật đến mức đau lòng. Cuốn sách này cho thấy Gia-cốp, tổ phụ của “tuyển dân” là một kẻ lừa đảo.

Sách mô tả Môi-se, người lập ra luật pháp, là một lãnh đạo thiếu tự tin, e dè, là người mà trong nỗ lực đầu tiên để giúp đỡ dân mình đã giết một người rồi bỏ chạy vào hoang mạc để giữ mạng mình.

Sách không chỉ miêu tả Đa-vít như một vị vua, vị tướng, nhà lãnh đạo tâm linh được yêu mến nhất của Y-sơ-ra-ên, mà còn là kẻ lấy vợ người khác, rồi để che giấu tội lỗi của mình, đã lập mưu để chồng cô ta bị giết.

Có lúc, Kinh Thánh buộc tội tuyển dân Chúa, dân Y-sơ-ra-ên, là dân tồi tệ đến nỗi nếu so sánh thì Sô-đôm và Gô-mô-rơ còn tốt hơn họ nhiều (Ê-xê-chi-ên 16:46-52). Kinh Thánh miêu tả bản chất con người là thù nghịch với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh báo trước một tương lai đầy rối ren. Sách dạy rằng đường lên thiên đàng thì hẹp còn đường xuống địa ngục thì rộng.

2. Sự bảo tồn của Kinh Thánh

Cùng thời điểm nhà nước Israel hiện đại hình thành sau hàng ngàn năm tản lạc, một người chăn cừu ở Trung Đông đã phát hiện ra một trong những kho báu khảo cổ quan trọng nhất của thời đại chúng ta.

Trong một cái hang ở phía Tây Bắc bờ Biển Chết, một cái chum vỡ chứa đựng những tài liệu đã được cất giấu suốt hai thiên niên kỷ. Những phát hiện sau đó cho ta các bản Kinh Thánh chép tay có trước những bản Kinh Thánh cổ nhất hiện có tới hơn 1000 năm. Một trong những tài liệu quan trọng nhất là bản chép tay sách Ê-sai. Tài liệu này về cơ bản giống với sách Ê-sai trong Kinh Thánh của chúng ta ngày nay.

Các cuộn Kinh Thánh ở Biển Chết hiện lên từ cát bụi như một biểu tượng chào mừng một dân tộc đang trở về nhà.

Chúng bác bỏ những cáo buộc của nhóm người tin rằng Kinh Thánh gốc đã bị thất lạc theo thời gian và Kinh Thánh hiện tại chỉ là bịa đặt.

3. Kinh Thánh tự khẳng định chính mình

Biết Kinh Thánh nói gì về chính mình là rất quan trọng. Nếu các tác giả Kinh Thánh không khẳng định mình phát ngôn thay mặt Đức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ quá tự tiện khi tuyên bố điều đó thay cho họ.

Chúng ta cũng sẽ gặp một vấn đề khác. Chúng ta sẽ có một bộ sưu tập những bí ẩn chưa được giải đáp bên trong các trang lịch sử và đạo đức.

Nhưng chúng ta sẽ không có một quyển sách đã truyền cảm hứng cho việc xây dựng vô số hội thánh và giáo đường trên khắp thế giới. Một quyển Kinh Thánh không công bố Lời Chúa sẽ không thể trở thành nền tảng cho đức tin của hàng trăm triệu Cơ-đốc nhân và người Do Thái (2 Phi-e-rơ 1:16-21).

Nhưng với rất nhiều bằng chứng và lý lẽ, các tác giả Kinh Thánh quả thật đã tuyên bố họ được chính Đức Chúa Trời soi dẫn.

Vì hàng triệu người đã đặt số phận của mình ở hiện tại và cả trong cõi đời đời vào những tuyên bố đó, Kinh Thánh không thể được gọi là một quyển sách tốt lành nếu các tác giả liên tục nói dối về nguồn thông tin của mình.

4. Những phép lạ của Kinh Thánh

Cuộc xuất hành của dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập đã cung cấp một cơ sở lịch sử để tin rằng Đức Chúa Trời thực sự đã bày tỏ chính mình Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên.

Nếu Biển Đỏ không rẽ đôi như Môi-se nói thì Cựu Ước sẽ mất đi thẩm quyền thay mặt Chúa truyền lời của Ngài cho dân sự.

Tân Ước cũng đặt trên nền tảng các phép lạ giống như vậy.

Nếu Chúa Giê-xu không sống lại từ cõi chết, thì đức tin Cơ-đốc sẽ thành ra vô ích như Sứ-đồ Phao-lô đã nói (1 Cô-rinh-tô 15:14-17).

Để chứng tỏ độ tin cậy của mình, Tân Ước liệt kê các nhân chứng, và làm điều đó trong khoản thời gian mà những tuyên bố đó có thể được kiểm chứng (1 Cô-rinh-tô 15:1-8).

Nhiều người trong số những nhân chứng đó đã tử vì đạo, không phải cho những niềm tin đạo đức hay tâm linh trừu tượng, mà cho lời chứng của mình rằng Chúa Giê-xu đã sống dậy từ cõi chết.

Mặc dù sự tử đạo không phải là chuyện lạ, nhưng lý do những người này đã hy sinh mạng sống mình mới là điều quan trọng. Nhiều người sẵn sàng chết cho điều họ tin là chân lý. Nhưng chẳng ai chịu chết cho những gì họ biết là dối trá.

5. Tính nhất quán của Kinh Thánh

40 tác giả khác nhau đã viết trong khoảng thời gian 1,600 năm cho ra 66 sách của Kinh Thánh.

400 năm im lặng tách biệt 39 sách của Cựu Ước khỏi 27 sách Tân Ước.

Nhưng, từ Sáng-thế Ký tới Khải-huyền đều kể một câu chuyện đang dần được bày tỏ.

Tất cả những sách này cùng đưa ra những câu trả lời nhất quán cho những câu hỏi quan trọng nhất mà chúng ta có thể hỏi:

Tại sao chúng ta có mặt trên đời này?

Làm thế nào chúng ta có thể đối mặt với nỗi sợ hãi của mình?

Làm thế nào chúng ta có thể sống hòa hợp?

Làm sao chúng ta có thể vượt lên trên hoàn cảnh của mình và vẫn giữ được niềm hy vọng?

Làm cách nào chúng ta có thể làm hòa với Đấng Tạo Hóa của mình?

Những câu trả lời nhất quán của Kinh Thánh cho những câu hỏi như thế này cho thấy Kinh Thánh không phải là nhiều sách mà chỉ có một.

6. Độ chính xác về lịch sử và địa lý

Trải qua các thời đại, nhiều người đã nghi ngờ tính chính xác về mặt lịch sử và địa lý của Kinh Thánh.

Tuy nhiên các nhà khảo cổ học hiện đại đã liên tục khai quật được các bằng chứng về con người, địa điểm, và nền văn hóa được miêu tả trong Kinh Thánh.

Hết lần này đến lần khác, những miêu tả ghi chép trong Kinh Thánh đã được chứng minh là đáng tin cậy hơn những suy đoán của các học giả.

Người tham quan ngày nay đến những bảo tàng và vùng đất của Kinh Thánh không thể không ấn tượng với bối cảnh địa lý và lịch sử thực sự từ văn bản Kinh thánh.

7. Sự chứng thực của Đấng Christ

Nhiều người đã nói tốt về Kinh Thánh, nhưng không có lời chứng thực nào thuyết phục bằng lời chứng thực của Chúa Giê-xu người Na-xa-rét.

Ngài làm cho người ta biết về Kinh Thánh không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính đời sống Ngài.

Những lúc bản thân bị cám dỗ, giảng dạy trước công chúng, và chịu khổ, Chúa cho thấy một cách rõ ràng Ngài tin vào Kinh Thánh hơn là truyền thống dân tộc (Ma-thi-ơ 4:1-11, 5:17-19).

Ngài tin Kinh Thánh là quyển sách nói về chính mình Ngài.

Ngài phán với dân Ngài: “Các ngươi tra cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó có sự sống đời đời. Chính Kinh Thánh làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi không muốn đến với Ta để được sự sống đời đời” (Giăng 5:39-40).

8. Sự ứng nghiệm chính xác những lời tiên tri trong Kinh Thánh.

Từ thời Môi-se, Kinh Thánh đã báo trước những sự kiện mà chẳng ai muốn tin. Trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Xứ Hứa, Môi-se đã tiên tri rằng Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên bất trung, sẽ đánh mất xứ mà Chúa đã ban cho họ, và sẽ bị tản lạc khắp đất, sau được nhóm lại rồi được tái lập (Phục-truyền 28-31).

Trọng tâm của lời tiên tri trong Cựu Ước là lời hứa về một Đấng Mê-si sẽ cứu dân Chúa khỏi tội lỗi của họ và cuối cùng đem lại sự phán xét và bình an cho cả thế gian.

9. Sức sinh tồn của Kinh Thánh

Các sách của Môi-se được viết trước những kinh sách Ấn Độ giáo cổ nhất 500 năm. Môi-se đã viết Sáng-thế Ký 2000 năm trước khi Mô-ham-mét viết kinh Koran.

Trong suốt những năm dài lịch sử, không quyển sách nào được yêu thích hay bị ghét bỏ bằng Kinh Thánh. Không quyển sách nào được mua, nghiên cứu, và trích dẫn nhiều như Kinh Thánh.

Trong khi hàng triệu đầu sách đến rồi đi, Kinh Thánh vẫn là quyển sách mà tất cả những quyển sách khác dựa vào đó để đánh giá độ thành công và nổi tiếng.

Dù hay bị phớt lờ bởi những người không thích những lời dạy trong Sách, Kinh Thánh vẫn là tâm điểm của nền văn minh phương Tây.

10. Quyền năng biến đổi đời sống của Kinh Thánh

Người không tin Chúa hay nhắm vào những người tuyên bố mình tin vào Kinh Thánh mà không được biến đổi.

Nhưng lịch sử chứng minh có rất nhiều người đã trở nên tốt hơn nhờ cuốn sách này.

Mười Điều Răn đã là nguồn định hướng đạo đức cho vô số người.

Những Thi-thiên của Đa-vít đã mang lại cho nhiều người niềm an ủi trong những lúc khó khăn và mất mát. Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 5-7) đã cho hàng triệu người liều thuốc chữa bệnh tự cao cứng đầu hay chủ nghĩa luật pháp.

Lời mô tả của Phao-lô về tình yêu thương trong 1 Cô-rinh-tô 13 đã làm dịu đi những tấm lòng giận dữ.

Cuộc đời được biến đổi của những người như Sứ-đồ Phao-lô, thánh Augustine, Martin Luther, John Newton, Leo Tolstoy, và CS Lewis minh họa cho sự khác biệt mà Kinh thánh có thể tạo ra trong cuộc đời những người thật sự tin Chúa.

Thậm chí nhiều quốc gia hay bộ lạc, như người Celt ở Ireland, người Viking hoang dã ở Na-uy, và người Auca thổ dân châu Mỹ ở Ecuador, đã được biến đổi bởi Lời Chúa và cuộc đời đặc biệt ý nghĩa của Chúa Giê-xu Christ.

Dịch: Richard Huynh
Nguồn: saltandlight.sg

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like