Home Chuyên Đề Được Nhắc Nhở Phải Yêu Thương Kẻ Thù Nghịch Và Lấy Tâm Trí Chế Ngự Xác Thịt

Được Nhắc Nhở Phải Yêu Thương Kẻ Thù Nghịch Và Lấy Tâm Trí Chế Ngự Xác Thịt

by Richard Huỳnh
30 đọc

Một kẻ xấu lấy cắp được tài khoản Facebook của một mục sư và dùng nó nhắn tin lừa đảo mọi người. Tôi tự nhiên thấy mục sư đó nhắn cho mình trang web lạ liền hỏi tín hữu khác và được xác nhận là kẻ lấy cắp đang đi lừa đảo. Biết hắn đang đợi tin nhắn mình, tôi trả lời là: “Nguyện xin Chúa phán xét và trừng phạt cách thích đáng kẻ lấy danh mục sư đi lừa gạt mọi người. Nguyện xin Chúa nguyền rủa, khiến hắn gặp bất hạnh trong đời sống và xui xẻo trong mọi việc cho đến khi hắn ăn năn xưng tội với Chúa và với mọi người mà hắn đã phạm. Nguyện xin Chúa cho hắn không thấy ánh sáng của sự sống, và sau khi chết bị thiêu trong lửa địa ngục đời đời nếu hắn xin sự tha thứ cứu rỗi của Chúa”, và thấy hả giận khi hắn đọc.

Hồi sau tôi nguôi ngoai và nhớ lại lời Kinh Thánh: “Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, đừng nguyền rủa.” (Rô-ma 12:14). Tự nhiên tôi thấy mình vừa nguyền rủa kẻ lừa đảo đó khi nóng giận, giống như Gia-cơ và Giăng khi họ nói “Lạy Chúa, Chúa có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy họ chăng?” (Lu-ca 9:54). Thấy mình đã làm sai lời Chúa, tôi hối hận và suy ngẫm.

Đúng là Chúa có phán xét, báo thù, nguyền rủa kẻ tội lỗi (Ma-thi-ơ 12:36, Rô-ma 12:19-21, Sáng Thế Ký 12:3). Nhưng Ngài định hình phạt, thời điểm phán xét, và người thực thi (1 Cô-rinh-tô 4:5, Rô-ma 13:4-7, Châm Ngôn 16:4). Còn Cơ Đốc nhân không có thẩm quyền, và ta cũng không thể phán xét và thực thi đúng ý Chúa. Ta làm là sai, mà sai là phạm tội. Vậy nên Chúa dạy ta hãy giao việc đó cho Ngài. Còn về phần mình, ta hãy yêu kẻ thù nghịch mình, và chúc phước cho kẻ bắt bớ mình (Ma-thi-ơ 5:43-44)

Như để nhắc nhở thêm, buổi học Kinh Thánh nhóm nhỏ tối đó nhắc đến chuyện “người con trai hoang đàng”, và tôi nhớ lại chuyện trên khi thấy lời cậu con cả:

Cu con c lin ni gin không chu vào d tic nên ông cha phi đi ra năn n cu ta vào. Cu nói vi cha, Con đã phc dch cha như mt tên tôi mi bao nhiêu năm nay, lúc nào cũng vâng li cha mà cha chng bao gi cho con mt con dê con để thết đãi bn bè. Còn bây gi, cái thng con khn nn ca cha, đứa đã tiêu tán tin bc ca cha cho phường đĩ điếm, tr v nhà, thì cha làm tht bò con mp ăn mng nó! (Lu-ca 15:2830 BPT)

Người con trai hoang đàng đòi cha chia gia tài trước khi ông mất, rồi tiêu tán tiền bạc cho phường đĩ điếm, v.v.. hiển nhiên là lắm tội. Cậu con cả đúng là giữ gìn luật lệ đạo đức hoàn hảo, nhưng với lòng oán trách hậm hực, không có lòng thương xót tha thứ, khinh ghét em mình (“cái thằng con khốn nạn của cha”), không vui vì em mình đã ăn năn trở về để được sống. Đó chẳng phải cũng là những tội lỗi sao?

Nổi giận trước tội lỗi là lẽ tự nhiên, và cũng là công chính nếu ta giận đúng: đúng lý do, đúng chừng mực và đúng xử lý. Có điều ta dễ nóng giận phán xét quá mức, thiếu sự thương xót, và khinh ghét người sai phạm. Đó cũng là tội lỗi. Đồng ý rằng ghét tội lỗi là tốt, nhưng tội nhân và tội lỗi của họ không phải là một. Đức Chúa Trời sẽ phán xét mọi tội lỗi, đến cả lời nói vẩn vơ (Ma-thi-ơ 12:36). Nhưng Ngài mong muốn tội nhân ăn năn từ bỏ tội lỗi của mình để được sống. Chỉ khi hắn ngoan cố không chịu ăn năn, Chúa mới trừng phạt (Ê-xê-chi-ên 33:11). Vậy nên ta cần phải có lòng nhân từ thương xót, kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn từ bỏ tội lỗi mình để được tha.

Sự tranh chiến nội tâm khi ta muốn làm theo Lời Chúa

Vậy lẽ ra tôi nên nhắn thế nào với kẻ đã lấy cắp tài khoản của mục sư và dùng nó để đi lừa đảo mọi người? Nói sao để thể hiện lòng nhân từ thương xót, mong muốn hắn ăn năn từ bỏ tội lỗi của mình xin sự tha thứ của Chúa và của mọi người? Lòng nóng giận mà nói lời nhân từ thương xót có phải là khẩu phật tâm xà không? 

Thực ra thì theo Kinh Thánh, nội tâm con người gồm 2 phần: tâm trí và xác thịt. Chúng có thể mâu thuẫn và tranh chiến với nhau như trong Rô-ma 7:18-25:

“Vì tôi biết rằng điều thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Tôi có ý muốn làm điều thiện, nhưng tôi không có khả năng để làm. Vì tôi không làm điều thiện mình muốn, mà lại làm điều ác mình không muốn. Nếu tôi làm điều mình không muốn thì không phải là tôi, mà chính tội lỗi trong tôi làm điều đó…chính tôi dùng tâm trí mình phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt mình phục luật của tội lỗi.” (Rô-ma 7:18-25)

Theo Kinh Thánh, tâm trí con người có thể phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng xác thịt của ta phục luật của tội lỗi. Con người ai cũng có xác thịt nên ai cũng có tội lỗi ở trong mình. Bản tính xác thịt là dễ nóng giận và hay căm ghét, nhất là với kẻ gây hại cho mình. Người xác thịt có tâm trí và xác thịt đều theo luật của tội lỗi, nên dễ sống thực với chính mình. Còn với Cơ Đốc nhân tin kính, tâm trí họ phục luật pháp Chúa, nhưng xác thịt họ vẫn phục luật của tội lỗi, nên nội tâm họ tranh chiến. Tội nhân cứ tưởng mình là thánh, còn thánh nhân biết mình có tội lỗi ở trong mình. Ai tâm trí không biết Lời Chúa và yếu đuối thì sẽ dễ ngã theo xác thịt. Còn ai như Phao-lô, đầy dẫy Lời Chúa và nghiêm khắc chế ngự xác thịt mình “tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục” (1 Cô-rinh-tô 9:27) thì đời sống sẽ đầy dẫy quyền năng phước hạnh từ Ngài, và làm được nhiều điều vĩ đại cho Ngài.

Vậy nên cũng tự nhiên khi ta có sự tranh chiến nội tâm khi muốn làm theo Lời Chúa, vì nó nghịch với bản tính xác thịt của mình. Lúc ban đầu, khi tâm trí còn yếu, ta có thể vấp ngã theo ham muốn của xác thịt. Nếu bị vậy thì ta nhớ đừng chán nản giằng vặt mình, vì Kinh Thánh nói: “Nếu tôi làm điều mình không muốn thì không phải là tôi, mà chính tội lỗi trong tôi làm điều đó” (Rô-ma 7:20). Đó không phải là ta phạm tội mà là tội lỗi trong ta làm. Tại sao đó không phải là ta? Vì tâm trí ta phục theo luật Chúa và biết điều đó là sai, và ta ăn năn xưng tội cầu xin sự tha thứ của Chúa. Đúng là tội lỗi phải bị phán xét, nhưng Chúa Giê-xu đã chịu phạt thay cho ta trên thập tự giá. Ta khác với kẻ mà cả tâm trí lẫn xác thịt đều phục theo luật của tội lỗi và không có sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu. Trong mắt Chúa, ta vẫn là con cái Ngài, được vô tội nhờ Chúa Giê-xu, có tâm trí phục Lời Ngài nhưng còn yếu đuối nên bị xác thịt thắng hơn. Vậy nên ta hãy cầu nguyện xin Chúa tha thứ và ban thêm sức mạnh giúp tâm trí mình chiến thắng xác thịt. Khi có tâm trí mạnh mẽ và xác thịt phục tùng, ta sẽ làm theo luật Chúa cách tự nhiên, yêu thương kẻ thù nghịch mình và chúc phước cho kẻ nguyền rủa mình cách thật lòng.

Vậy nên tâm trí tôi cần rèn luyện làm theo Lời Chúa, có lòng nhân từ thương xót với đã lấy cắp tài khoản của mục sư và dùng nó để đi lừa đảo mọi người mà kêu gọi hắn ăn năn. Tôi nên nói thế nào đây? Nghĩ một hồi thì chắc thế này:

“Anh ơi, anh không sợ Đức Chúa Trời trừng phạt sao mà dám lấy cắp tài khoản của mục sư mà đi lừa dối con cái Ngài? Đức Chúa Trời căm ghét sự gian dối trộm cắp. Ngài xem con cái Ngài như con mắt mình, và động đến họ như chọc vô mắt Chúa. Anh lừa không biết được lợi bao nhiêu, ăn xài được bao lâu mà lại đi gây thù chuốc oán với ông Trời. Anh có biết Ngài có thể nguyền rủa anh, khiến anh gặp xui xẻo trong mọi việc và bất hạnh trong đời sống, rồi sau khi anh chết quẳng linh hồn vào hồ lửa địa ngục không? Anh đã phạm tội rất nặng với Đức Chúa Trời, nhưng Ngài là đấng giàu lòng thương xót, không muốn kẻ phạm tội phải chịu phán xét trừng phạt đời đời. Vậy nên Đức Chúa Trời đã sai Chúa Giê-xu giáng sinh xuống trần gian làm người, chịu chết trên thập tự giá để chịu tội thay mà cứu chuộc những ai tin nhận Ngài. Vậy tôi xin anh hãy suy ngẫm về đời sống tội lỗi của mình, ăn năn và tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu, nhận Ngài làm cứu Chúa của mình, để anh được Đức Chúa Trời tha tội và được sự sống đời đời trong Chúa. Nếu không, cơn thịnh nộ của Chúa vẫn ở trên anh, và đến chết linh hồn anh cũng chẳng thoát khỏi sự trừng phạt đời đời của Chúa.”

Cũng cùng một nội dung vì đó là lẽ thật, nhưng quả thật là nói cách này có ân hậu và giàu lòng nhân từ thương xót, hơn hẳn những lời tôi nói ban đầu trong sự nóng giận xác thịt không nhớ Lời Chúa. Nếu lúc đó nghĩ và nói được vậy, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội chia sẻ Tin Lành với một tội nhân vừa đắc tội với Chúa, giúp anh ta suy nghĩ về cái giá đời đời của tội lỗi mình và cơ hội được tha thứ.

Tôi nghĩ có lẽ Chúa muốn Cơ Đốc nhân phải yêu thương kẻ thù nghịch mình và chúc phước cho kẻ nguyền rủa mình vì đó chính là những người dễ đáp ứng với Tin Lành cứu chuộc của Chúa nhất. Họ ý thức rất rõ mình rằng đã phạm tội trực tiếp với Đức Chúa Trời khi thù nghịch và nguyền rủa dân sự Chúa. Và họ thấy rõ sự khác biệt nếu Cơ Đốc nhân đáp lại với lòng nhân từ lương xót. Vậy nên họ dễ ăn năn và tin nhận Tin Lành và xin sự tha thứ cứu chuộc hơn. Họ là những người dễ nghe Tin Lành mà ta cần quan tâm chăm sóc.

Kết Luận

Cảm ơn Chúa đã nhắc nhở tôi lời dạy phải yêu kẻ thù nghịch mình và chúc phước cho kẻ nguyền rủa mình, và nếu bản tính xác thịt có chống đối thì tâm trí tôi phải bắt phục. Mới đây, tôi nghe tin có người bắt bớ chống đối công việc của Chúa. Cảm ơn Chúa là lần này tâm trí tôi đã sẵn sàng. Tôi không nóng giận xin Chúa trừng phạt kẻ gây rối nữa. Thay vào đó, tôi cầu nguyện xin Chúa mở mắt tâm linh, giúp hắn biết lẽ thật và giá trị của Tin Lành mà tin nhận, biến năng lượng chống đối thành nhiệt huyết đi rao truyền Tin Lành như Phao-lô ngày xưa. Làm vậy, tôi thấy lòng mình bình an, cơn nóng giận tan biến, chỉ còn niềm vui vì đã làm theo ý Chúa. Quả thật đường lối Chúa là đường lối bình an phước hạnh cả trong nghịch cảnh.

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like