Home Dưỡng Linh Ý Nghĩa Biểu Trưng Của Các Hình Tượng  Trong Cảnh Giáng Sinh Truyền Thống

Ý Nghĩa Biểu Trưng Của Các Hình Tượng  Trong Cảnh Giáng Sinh Truyền Thống

by Christianity.com
30 đọc

Hình ảnh truyền thống của Giáng Sinh thường miêu tả Chúa Giê-xu sinh ra trong một hang đá, với bò lừa cừu ở xung quanh, cùng ba vua đến thờ phượng. Chúng không thật sự chính xác với lời Kinh Thánh, nhưng là những hình ảnh nghệ thuật biểu trưng. Hiểu ý nghĩa của chúng sẽ giúp ta hiểu các lẽ thật kỳ diệu sâu hơn về sự giáng sinh của Chúa Giê-xu.

Hãy bắt đầu với các con vật. Các hình vẽ và tranh ảnh miêu tả cảnh Giáng Sinh truyền thống thường có các gia súc xung quanh máng cỏ. Có lời hát “Tại sao Ngài nằm ở nơi khó nghèo như vậy, nơi bò và lừa đang ăn” (bài What Child Is This – Tình Yêu Thiên Chúa).

Có thể Chúa không sinh ra trong chuồng gia súc. Khi Lu-ca nói cho chúng ta không có phòng cho Mary và Joseph trong “quán trọ”, ông không có ý nói Chúa Giê-xu sinh ra ở một khu tách biệt dành riêng cho gia súc như cách ta nghĩ về chuồng chiên. Từ Hy Lạp đôi khi dịch là “quán trọ” là kataluma (Lu-ca 2:7) nghĩa là khu dành cho người ở trong các căn nhà xưa, thường là tầng trên hay khu cao (chứ không phải nơi chuyên cho khách lạ thuê). Bởi vì khu này đã đầy, Mary và Giô-sếp phải ở tầng dưới, nơi đôi khi gia súc sinh sống.

Việc nhắc đến máng cỏ gợi ý có gia súc ở đó, nhưng Lu-ca không đề cập đến bò hay lừa. Tuy nhiên, bò và lừa là hình tượng có ý nghĩa sâu xa: chúng đại diện cho toàn thể thiên nhiên tạo vật đến nhận bình an từ vị vua mới.

Adam và Eva sống với muôn thú trong vườn Ê-đen (Sáng Thế Ký 2:19); Đức Chúa Trời ra lệnh cho muôn thú đến với Noah theo cặp (Sáng Thế Ký 6:19-20); và nhà tiên tri Ê-sai nói rằng trong thế giới được dựng nên mới, tất cả tạo vật đều sống trong hòa bình:

“Bấy giờ, sói sẽ ở với chiên con,
Beo nằm chung với dê con;
Bê, sư tử tơ và thú béo ở chung với nhau,
Một trẻ nhỏ sẽ chăn dắt chúng.
Bò cái sẽ ăn chung với gấu,
Các con nhỏ của chúng nằm chung với nhau;
Sư tử ăn rơm như bò.
Trẻ còn bú chơi đùa bên hang rắn hổ mang,
Trẻ thôi bú sẽ thò tay vào hang rắn lục.”

 (Ê-sai 11:6-8)

Hơn nữa, trong Cựu Ước, sự kết hợp giữa bò và lừa thể hiện sự kết hợp giữa hai thái cực. Bò là một loài vật thanh sạch (thể hiện dân Israel), trong khi lừa là một loài vật không thanh sạch (thể hiện cho các dân ngoại – Xuất Ê-díp-tô Ký 13:13). Cùng nhau, 2 loài vật này thể hiện toàn bộ thân thể của đấng Christ (là hội thánh, nơi dân Israel và dân ngoại hợp nhất trong đấng Christ). 

Đừng bắt một con bò cày chung với một con lừa.” dân Israel được dạy ở Phục Truyền 22:10, một lời dạy trong một danh sách dài các luật thánh sạch. Nhưng đấng Christ đã ách chung người Do Thái và dân ngoại trong thân thể mình (Ê-phê-sô 2:13-14), vậy nên bò và lừa ở cùng nhau tại nơi Chúa sinh ra biểu tượng cho việc em bé này sẽ hiệp một giữa người Do Thái và dân ngoại. Việc thể hiện 2 loài vật này cùng nhau là lựa chọn nghệ thuật chỉ tới sự hòa thuận giữa muôn loài sẽ tới.

Nhiều hình ảnh Chúa sinh ra, có lẽ gồm cả cảnh Giáng Sinh chỗ bạn, cũng miêu tả Mary và Joseph ở trong hang đá. Phải thừa nhận rằng Kinh Thánh chẳng hề nhắc đến một hang đá là nơi Chúa sinh ra. Thực sự thì Chúa sinh ra ở tầng dưới một căn nhà. Vậy tại sao hang đá lại vào trong cảnh Giáng Sinh truyền thống?

Ý tưởng này đến từ các giáo phụ ở thế kỷ thứ hai đến thứ tư, gồm Justin Martyr, Origen, và Jerome, dù nó cũng có thể được ảnh hưởng bởi hoàng đế cải đạo Constantine, người chọn một hang đá, giờ là Thánh Đường Giáng Sinh (Church of the Nativity) làm nơi Chúa Giê-xu sinh ra theo truyền thống vào năm 335.

Sâu xa hơn, hang đá xuất hiện trong cảnh Giáng Sinh truyền thống vì các lý do thần học.

Trước hết, trong Kinh Thánh, các hang đá thường là nơi bảo vệ và trú ẩn. Lot và các con gái của mình sống trong hang động khi họ sợ phải sống ở Zoar (Sáng Thế Ký 19:30). Obadiah dấu 100 nhà tiên tri trong một cái hang để bảo vệ họ khỏi vua Ahab và Jezebel (1 Các Vua 18:4). Đa-vít trốn trong hang khi vua Sau-lơ đang săn lùng ông (1 Sa-mu-ên 22:1, Thi Thiên 57).

Suốt Cựu Ước, hang đá bảo vệ người ta khỏi cái chết, vậy nên miêu tả một hang đá khi Chúa Giê-xu sinh ra dạy ta rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ em bé này khỏi mọi tổn thương. Ngài sẽ khiến kế hoạch cứu chuộc của mình được trọn.

Thứ hai, hang đá cũng là nơi của sự chết. Hang đá thường được dùng làm mồ chôn trong thế giới cổ đại, nên trở thành đại diện cho đường vào thế giới bên kia. Đây là lý do các nghệ sĩ thường đặt hài nhi Giê-xu không chỉ ở trong hang đá mà còn trong một nấm mồ. Khi đó, sự sinh ra của Chúa Giê-xu cũng báo hiệu cái chết và việc đến cõi chết của Ngài. Cuộc đời Ngài bắt đầu trong một hang đá để nhắc chúng ta nhớ rằng nó kết thúc trong một hang đá.

Miêu tả nghệ thuật “ba vua” cũng hướng tới tương lai. Các hình tượng này dựa vào lời kể của Ma-thi-ơ về các “nhà thông thái” từ phương Đông mang theo ba món quà (Ma-thi-ơ 2:1,11), và chúng được khắc ghi vào tâm trí của người Cơ Đốc phương Tây qua bài hát “We Three Kings” (Ba Vua Miền Đông).

Tất nhiên, như nhiều học giả nói, Ma-thi-ơ không nói cho ta biết có bao nhiêu nhà thông thái, và ông gọi họ là “magi”, các chuyên gia giải mộng và hiện tượng thiên văn. Nhưng hình tượng “ba vua” trong nghệ thuật truyền thống Giáng Sinh không phải là ngẫu nhiên.

Người Hy Lạp và Babylon chia thế giới làm 3 phần: châu Á, châu Phi, và châu Âu. Sự phân chia này có từ trước Cơ Đốc giáo, nhưng sau này chúng được tiếp nhận bởi người Do Thái, và sau đó là người Cơ Đốc. Họ nghĩ (mà không có bằng chứng về Kinh Thánh và nhân chủng học) rằng mỗi lục địa cư trú bởi một hậu duệ của Noah. Họ tin rằng người châu Á từ Shem, người châu Phi từ Ham, và người châu Âu từ Japheth. 

Vậy nên ba nhà thông thái là đại diện biểu trưng cho 3 phần của thế giới. Giống như bò và lừa, họ minh họa cho sự cứu chuộc cả thế giới.

Sự liên kết các nhà thông thái với hoàng tộc (ba vua) cũng có gốc từ Kinh Thánh. Nhà tiên tri Ê-sai tiên tri rằng vinh hiển của Chúa sẽ được thấy giữa sự tăm tối của thế giới: “Các nước sẽ tìm đến ánh sáng ngươi, các vua sẽ hướng về ánh bình minh rực rỡ của ngươi.” (Ê-sai 60:3,5-6).

Các nhà thông thái (magi) tự họ có thể không phải là hoàng tộc, nhưng họ thường kết nối với hoàng gia. Ta có thể thấy điều này trong chuyện của Joseph, Moses, và Daniel, khi các vua hỏi những thuật sĩ của mình về ý nghĩa của giấc mơ (Sáng Thế Ký 41:8, Xuất Ê-díp-tô Ký 7:11,22; 8:18, 19; 9:11; Đa-ni-ên 2:2, 10). Lời chứng của Ma-thi-ơ (2:11) có thể cũng chủ ý nhắc đến Thi Thiên 72:8-11 nói rằng “Các vua Ta-rê-si và những cù lao sẽ triều cống cho vua, vua Sa-ba và vua Sê-ba sẽ mang quà đến tặng vua.” cho vua được xức dầu của Đức Chúa Trời, quỳ phục trước Ngài. Kết hợp cách nghệ thuật tất cả các chủ đề này nói rằng mọi quốc gia rồi sẽ quỳ phục trước Chúa Giê-xu.

Việc thể hiện lại chính xác theo lịch sử có giá trị của nó. Nhưng chính xác tuyệt đối theo lịch sử không phải là mục tiêu của tất cả nghệ sĩ. Và chúng ta sẽ lỡ mất những lẽ thật sâu xa nếu ta quên cách đọc hiểu những hình tượng nghệ thuật biểu trưng.

Cảnh đêm Giáng Sinh trong tranh vẽ, hình tượng, và âm nhạc không phải lúc nào cũng cố gắng miêu tả chính xác cảnh Chúa Giê-xu sinh ra. Thông thường, mục đích của chúng là giúp ta hiểu ý nghĩa của sự Giáng Sinh. Chúng nhắc ta hãy suy nghĩ về tầm quan trọng của việc Con Đức Chúa Trời mặc lấy xác thịt để hòa giải các dân, hoàn thành kế hoạch cứu rỗi của Ngài, và trở lại trong vinh hiển là Vua Muôn Vua.

Người dịch: Richard Huynh
Theo ChristianityToday.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like