Với nhà thiên văn học Elizabeth Fernandez, việc dạy cho con cái chúng ta về khoa học và nói với chúng về Đức Chúa Trời nằm trong số những món quà tốt đẹp nhất mà ta có thể cho con cái mình. Khoa học giúp chúng ta hiểu cách thế giới tự nhiên vận hành. Khoa học không chỉ giúp con trẻ hiểu về nguyên nhân hệ quả, mà còn giúp chúng phát triển tư duy phản biện và trí tưởng tượng. Khoa học giúp biện luận. Và có lẽ quan trọng nhất là khoa học dạy con trẻ biết rằng hiểu biết là một quá trình. Bước đầu của quá trình này là chấp nhận sự thiếu hiểu biết của mình. Ta không biết mọi thứ. Nhưng, ta muốn học! Ta làm một giả thuyết. Ta thử nghiệm. Ta thách thức và nghi ngờ kết quả để ta hiểu chúng.
Chúng ta cũng tìm cách hiểu vì sao vũ trụ được tạo ra. Là người của đức tin (Cơ Đốc), ta muốn dạy con cái mình về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và cách chúng có thể có một mối quan hệ cá nhân với Ngài. Ta dạy cho chúng quyền năng của lời cầu nguyện, rằng chúng không bao giờ ở một mình, và rằng mỗi người trong chúng đã được tạo ra với mục đích trong tình yêu thương.
Điều khó khăn là làm sao để cả 2 dòng suy nghĩ này lớn mạnh trong tâm hồn ta. Chúng ta cần phải vật lộn để làm cho những câu hỏi “bằng cách nào” và “tại sao” của mình được thống nhất. Dù thật cám dỗ khi cứ để dành những suy nghĩ này cho người lớn, việc nói với chúng từ lúc nhỏ là rất quan trọng.
Có quá nhiều sinh viên đại học đi đến các lớp giới thiệu về vật lý, thiên văn học, sinh học, hay hóa học mà chưa từng nghĩ tới những chuyện này. Rồi đột nhiên chúng bị nhồi nhét vô số các ý tưởng và quan điểm mới, mà chẳng có cơ hội để phát triển quan điểm của chính mình. Việc giúp con cái ta phát triển kiến thức của chính mình, rèn luyện các “cơ bắp” phân tích và phản biện là một món quà cho chúng. Chúng khao khát kiến thức và đã có những câu hỏi lớn. Con trẻ là những tấm xốp và chúng ta, trong vai trò ba mẹ và người dạy dỗ đầu tiên, cần phải là những giáo viên đầu tiên của chúng.
Vậy nên đây là một bức thư tôi viết cho các con mình, Jude và Marielle*, những bé mới bắt đầu mẫu giáo. Có lẽ bạn sẽ thấy chúng hữu dụng cho những đứa trẻ trong đời sống mình. Hay có thể nó sẽ cho bạn cảm hứng để viết thư của chính mình cho con, hoặc bắt đầu có những cuộc đối thoại về đức tin và khoa học với chúng.
* Tên các con của tác giả đã được thay đổi cho bài này.
Các con thân mến,
Hãy để mẹ bắt đầu lá thư này bằng việc nói với các con rằng các con tuyệt vời như thế nào. Chúng ta vừa trở về từ Viện Bảo Tàng Khoa Học, và các con đều thích nó. Jude, con đã rất thích phần miêu tả cách các nhà khoa học tìm kiếm những hành tinh xung quanh các ngôi sao. Và Marielle, con đã rất say mê khi thấy phim những con gián con nở ra. Mẹ thừa nhận là mẹ đã thích cái đầu hơn là cái sau, nhưng mẹ rất tự hào vì cả hai con đều thích học hỏi!
Một Vũ Trụ Được Tạo Dựng
Mẹ cũng rất thích học hỏi. Đặc biệt là về thiên văn và chúng ta đến từ đâu. Các con có biết rằng khi mẹ học cao học, mẹ đã học về “Chúa đã tạo dựng ánh sáng” vào lúc nào? Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời tạo dựng vũ trụ, và trong ngày đầu tiên, Đức Chúa Trời đã tạo nên ánh sáng. Các con có từng nghĩ điều này có nghĩa là gì? Ừm, lúc ban đầu trong lịch sử vũ trụ, ánh sáng đã không thể di chuyển xa. Nó giống như ánh sáng trong đám sương mù, bật nảy khắp nơi như những trái banh trong hộp. Vũ trụ đã lấp đầy ánh sáng theo nghĩa đen! Cuối cùng, tất cả những ánh sáng đó được thả tự do và đến với chúng ta. Ta có một bức ảnh nhỏ của vũ trụ mình vào lúc đó – nó gọi là Cosmic Microwave Background. Sau đó, vũ trụ lại tối đen trong một thời gian dài, nhưng rồi Đức Chúa Trời lại tạo dựng ánh sáng lần nữa! Chúng là những ngôi sao đầu tiên – tỏa sáng bóng tối xung quanh chúng và thay đổi Vũ Trụ mãi mãi. Đó là những thứ mẹ đã học được nhiều ở lớp cao học.
Tất nhiên, Đức Chúa Trời tạo dựng Trái Đất nữa. Jude, con đã đúng. Chúa đã tạo dựng quả đất bằng những “vật liệu” của mình. Vật liệu nghệ thuật của Chúa là cái gọi là một đĩa tiền hành tinh (proto-planetary disk) – một vòng tròn những đá, bụi, và khí quay xung quanh mặt trời. Cách Chúa làm nghệ thuật cũng khác thường – những tảng đá khổng lồ đập vào nhau – nhưng nó có kết quả!
Những Anh Chị Em Nhỏ Của Chúng Ta
Những loài thú và cây cối xung quanh chúng ta thực sự là những anh chị em nhỏ của ta, Chúng ta đều kết nối với nhau. Chúng ta đều cần nhau. Cây cối giúp cho chúng ta không khí để thở. Vi khuẩn trong bụng ta giúp tiêu hóa thức ăn và giúp cơ thể chúng ta hoạt động theo cách chúng được thiết kế. Ong thụ phấn thức ăn của ta và các loài thú khác, và giúp cây cối ra hạt. Mỗi loài và tất cả các loài thú và cây đều có một vai trò để làm.
Chúng ta cũng có vai trò để làm nữa. Chúng ta như những anh chị lớn. Vậy chúng ta cần làm gì? Chúng ta chăm sóc chúng! Chúng ta không chỉ lấy từ chúng. Chúng ta không chỉ dùng chúng cho ích lợi của mình. Chúng cũng đáng được ta yêu thương và trân trọng. Chúa thậm chí còn nói chúng ta ngay từ đầu rằng ta là người quản trị – không phải là kẻ chinh phạt.
Sự Tạo Dựng Của Con
Và tất nhiên, Chúa tạo ra các con. Chúa tạo ra con trong tình yêu của Ngài, với sự giúp đỡ của ba mẹ. Và Chúa vẫn tiếp tục tạo ra con hằng ngày, với sự giúp đỡ của con. Con và Chúa đang làm việc như một nhóm để cho một tuyệt tác đáng kinh ngạc – đó chính là con. Cùng với con tạo ra, nắn nên, và phát triển con trở thành người con đang là và người con sẽ là. Đừng bao giờ quên vai trò của con hay vai trò của Chúa trong sự tạo dựng này.
Đừng Đánh Mất Hy Vọng
Các con thật đáng kinh ngạc, và mẹ hy vọng các con sẽ sử dụng các tài năng ân tứ của mình vào những việc tốt. Mẹ sẽ nói thật. Đôi khi, đời sống sẽ khó khăn. Có những vấn đề rất khó giải quyết. Có những bệnh ta không biết cách chữa. Có những nơi người ta không có đủ thức ăn. Khí hậu thế giới đang thay đổi, và chúng ta không biết làm sao, hay thậm chỉ liệu ta có thể ngăn chặn nó. Và có những nhóm thú vật và cây cỏ đang biến mất mỗi ngày.
Nhưng Đức Chúa Trời không định cho chúng ta trở nên vô vọng. Ngài cho các con ân tứ và tài năng. Ngày cho các con sự sáng tạo, thông minh, lòng thương xót, và tình yêu thương. Hãy sử dụng chúng cách tốt nhất các con có thể. Nếu mọi người đều làm việc này, ai có thể biết chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề gì?
Tạo Hóa Rộng Lớn Vô Cùng
Các con có biết tại sao mẹ học thiên văn? Ờ, một lý do là nó rất thú vị và rất đẹp. Vũ trụ lớn, thật là lớn. Cách vũ trụ vận hành thật khó hiểu, nhưng thật thích để tìm hiểu chúng! Nhưng điều cũng rất kinh ngạc là Đức Chúa Trời tạo nên vũ trụ này. Học về vũ trụ này nói cho mẹ một chút về Chúa. Môt điều mẹ đã học là Ngài thật sáng tạo. Ngài phải như vậy mới tạo dựng được một thứ thật lớn và thật đẹp như vậy. Ngài có thể chỉ cần tạo ra trái đất của chúng ta. Nhưng Ngài đã không làm vậy. Ngài tạo dựng cả vũ trụ này. Ngài chẳng tiết kiệm chút sáng tạo hay sức lực nào. Điều này cho thấy tình yêu thương vô cùng dư dật, và sức sáng tạo vĩ đại của Ngài.
Rồi có toán học. Đây là nền tảng cho, ừm, tất cả mọi thứ. Chúa không làm mọi chuyện tùy hứng. Ngài làm mọi chuyện với rất nhiều quan tâm và suy nghĩ, và chúng ta có vẻ đẹp của toán học để chứng minh nó.
Vũ trụ rất rộng lớn, nhưng Chúa còn lớn hơn nữa. Mẹ tin rằng Chúa còn lớn hơn bất kỳ đường lối suy nghĩ nào, sách vở, hay một loài có thể hiểu. Vậy nên mẹ nghĩa rằng sẽ là tốt để học về Đức Chúa Trời và tạo hóa bằng mọi điều con có thể. Qua [Cơ Đốc] giáo. Qua Kinh Thánh. Qua khoa học. Qua toán học. Qua người khác. Qua trái tim con. Dù con có học nhiều như thế nào, sẽ vẫn luôn còn nữa. Đức Chúa Trời là vô cùng vô tận, nhưng ta vẫn có thể biết được. Ngài muốn con tìm biết Ngài, hỏi Ngài, và vui với Ngài. Ngài là người bạn tốt nhất con có thể có và là Cha Trên Trời của các con.
Và Ngài yêu thương con nhiều hơn con từng có thể tưởng tượng, như mẹ vậy.
Yêu các con,
Mẹ các con
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: https://biologos.org/articles/a-letter-to-my-kids-about-the-universe-faith-and-science
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com