Home Dưỡng Linh Tình Yêu Của Chúa – Phần 8: Mối Quan Hệ Theo Chiều Dọc & Chiều Ngang

Tình Yêu Của Chúa – Phần 8: Mối Quan Hệ Theo Chiều Dọc & Chiều Ngang

by AdrianChua
30 đọc

Trong hành trình đức tin của mình, chúng ta có thể phát triển mối quan hệ theo chiều dọc cho đời sống thuộc linh qua sự cầu nguyện, kiêng ăn, học Lời Chúa, v.v. nhưng nếu không phát triển mối quan hệ theo chiều ngang, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mối quan hệ theo chiều dọc một cách tốt nhất như chúng ta mong muốn. Để phát triển nhân cách của mình trong Đấng Christ, tất cả chúng ta cần phải lớn lên trong lãnh vực cho đi và nhận lại tình yêu thương.

1 Giăng 4:7-11 – “Thưa anh em yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Ai yêu thương thì sinh bởi Đức Chúa Trời và nhận biết Đức Chúa Trời. Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã được bày tỏ trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài đến trần gian để chúng ta nhờ Con ấy mà được sống…. Thưa anh em yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.


1 Giăng 3:13-15 – “Thưa anh em, nếu thế gian ghét anh em thì đừng ngạc nhiên. Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết mà đến sự sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Ai không yêu thương thì ở trong sự chết. Ai ghét anh em mình là kẻ giết người, và anh em biết rằng không một kẻ giết người nào có sự sống đời đời ở trong nó.

1 Giăng 4:20 – “Nếu có ai nói: “Tôi yêu thương Đức Chúa Trời” mà lại ghét anh em mình thì người ấy là kẻ nói dối. Vì người nào không yêu thương anh em mình thấy thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mà mình không thấy được.

Trong những câu Kinh Thánh này, Giăng nói rõ rằng bằng chứng cho mối quan hệ theo chiều dọc (đối cùng Chúa) được đánh giá bởi mối quan hệ theo chiều ngang (đối cùng anh em mình) của chúng ta. Nếu chúng ta không phát triển một mối quan hệ yêu thương lành mạnh theo chiều ngang, thì mối quan hệ yêu thương theo chiều dọc của chúng ta có thể là một dạng tình cảm sai trật trong tâm linh. Trên thực tế, Kinh Thánh gọi chúng ta là kẻ nói dối nếu chúng ta nói rằng chúng ta biết Chúa và yêu Chúa nhưng không yêu người khác. Cả hai điều này phải đi cùng nhau và phát triển theo tỷ lệ thuận với nhau. Và tình yêu này không chỉ được thể hiện qua lời nói hay miệng lưỡi mà còn bằng hành động và lẽ thật.

1 Giăng 3:17-18 – “Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang túng thiếu mà chẳng động lòng thương thì làm thế nào tình yêu thương của Đức Chúa Trời ở trong người ấy được?Hỡi các con bé nhỏ, chớ yêu thương bằng lời nói và miệng lưỡi, mà phải yêu bằng việc làm và sự chân thật.

Giăng kêu gọi chúng ta phải sống như những gì mình nói, những việc làm của chúng ta (thể hiện tình yêu thương đối với anh em mình) phải phù hợp với những gì chúng ta đã tuyên xưng (“Tôi yêu Chúa.”). Yêu Chúa mà thiếu tình yêu đối với anh chị em đồng đạo là giả dối / là giả hình. Tình yêu thương thật sự đối cùng Đức Chúa Trời luôn đi kèm với tình yêu thương dành cho các anh chị em khác trong gia đình đức tin của chúng ta. Và cái sau thử cái trước. Tình yêu thương của chúng ta được bày tỏ trong mối liên kết giữa vòng các Cơ-đốc nhân sẽ thử nghiệm và chứng minh tính thực tế của tuyên bố yêu Chúa của chúng ta.

Tình yêu của chúng ta đối với Đức Chúa Trời được đo bằng tình yêu của chúng ta dành cho con người; vì nếu chúng ta thật sự yêu Chúa, thì chúng ta sẽ yêu những người mà Chúa yêu.

Ma-thi-ơ 5:23-24 – “Vì vậy, khi con đem lễ vật dâng nơi bàn thờ mà chợt nhớ người anh em mình đang có điều gì nghịch với mình, hãy để lễ vật trước bàn thờ, trở về giải hòa với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng tế lễ.

Ở đây Chúa Giê-xu đang nhắc nhở chúng ta và nhấn mạnh rằng mối quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời phụ thuộc vào việc chúng ta sẵn lòng duy trì mối quan hệ đúng đắn với nhau. Tuy nhiên, khuynh hướng của chúng ta là bù đắp tội lỗi cá nhân bằng cách phục vụ Đức Chúa Trời tốt hơn.

Trước hết lương tâm chúng ta phải ăn ở hòa thuận với người khác thì của lễ mà chúng ta dâng lên Chúa mới có ý nghĩa. Khi bản thân chúng ta được bình an, không bị quấy nhiễu bởi sự giận dữ hay oán hận, chúng ta sẽ hòa mình vào tình yêu thương vô hạn.

“Sự thờ phượng thật sự không phải bằng một thứ âm nhạc hay hơn, lời cầu nguyện tốt hơn, kiến trúc đẹp hơn, hay thậm chí là bài giảng hay hơn. Sự thờ phượng thật được nâng cao nhờ mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa những người đến thờ phượng. ” – John MacArthur nói.

Làm điều gì trước nhất

Ma-thi-ơ  22:36-39 – “Thưa Thầy, trong luật pháp, điều răn nào quan trọng nhất?

Đức Chúa Jêsus đáp: “‘Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.’ Ấy là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn hết. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình.’

Chúa Giê-xu dùng từ thứ nhất và thứ hai để chỉ mức độ ưu tiên. Điều đó có nghĩa là, để phát triển tình yêu thương dành cho người lân cận, trước tiên chúng ta cần phát triển một tình yêu to lớn dành cho Chúa.

Vì yêu Chúa nhiều người đã phó mạng sống mình cho Ngài. Tình yêu Chúa đã sản sinh ra nhiều vị tử đạo của Cơ-đốc giáo. Tình yêu dành cho Đức Chúa Trời đã mang Phúc Âm đến nhiều quốc gia và đến những vùng tăm tối, nơi không ai muốn đi đến. Tình yêu Chúa đã khiến con người phải hy sinh cao cả, hiến dâng tất cả những gì mình có. Điều gì mang lại cho họ sức mạnh?

Chính tình yêu của Chúa đã ban cho họ sức mạnh. Trừ khi chúng ta tuân giữ điều răn đầu tiên, chúng ta sẽ không có sức mạnh để giữ điều răn thứ hai. Toàn bộ mục đích của việc tạo dựng sự sống là chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu thương của Đức Chúa Trời và đến lượt mình, trở thành công cụ để bày tỏ tình yêu thương đó đối với người khác. Sự mặc khải thực sự về tình yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta sẽ tạo ra trong chúng ta mong muốn được giống như Ngài và do đó yêu thương người khác theo cách Ngài yêu. Giăng 3:16 phải dẫn đến 1 Giăng 3:16.

Giăng 3:16 – “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

1 Giăng  3:16 – “Bởi điều nầy, chúng ta biết được tình yêu thương: Ấy là Ngài đã hi sinh mạng sống vì chúng ta. Vậy, chúng ta cũng phải hi sinh mạng sống vì anh em mình.

Giăng sử dụng từ ‘phải’ ở đây vì có nhiều người chỉ dừng lại ở việc biết Đức Chúa Trời yêu thương họ mà không nhận biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho người khác. Trên thực tế, từ ‘phải’ trong nguyên bản mang ý nghĩa về một ‘món nợ’ hoặc ‘sự cần thiết.’ Phao-lô dùng nó để nói lên món nợ tình yêu mà chúng ta ‘nợ’ người khác (Rô-ma 13: 8).

Một kinh nghiệm làm thay đổi đời sống mạnh mẽ là việc biết Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào – đó là sự cứu rỗi. Còn việc chúng ta trải nghiệm tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho người khác thông qua chúng ta – thì chính là chức vụ.

Nguyện tất cả chúng ta đều tăng trưởng để trải nghiệm tình yêu tuyệt vời của Ngài dành cho bản thân và những người xung quanh trong vòng ảnh hưởng của chúng ta.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like