Home Dưỡng Linh Tình Yêu Của Chúa – Phần 7: Yêu Một Người Để Yêu Nhiều Người

Tình Yêu Của Chúa – Phần 7: Yêu Một Người Để Yêu Nhiều Người

by AdrianChua
30 đọc

Ma-thi-ơ 22:37-39 – “Đức Chúa Giê-xu đáp: “‘Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.’ Ấy là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn hết. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình.’

Câu Kinh Thánh này thường được biết đến như điều răn lớn – yêu Chúa và yêu người. Tuy nhiên, giống như thầy dạy luật trong Lu-ca 10:29, chúng ta có thể hỏi, “Ai là người lân cận tôi?” Chúa Giê-xu trả lời bằng cách đưa ra dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10: 30-37). Giữ theo đúng quan điểm của Kinh Thánh, chúng ta xác định những người lân cận mình là những người ở gần chúng ta và cả những người mà chúng ta gặp gỡ qua những tình huống trong cuộc sống.

Học cách bước đi trong tình yêu thương luôn phải bắt đầu từ một nơi nào đó và nơi thích hợp nhất để bắt đầu luôn là nhà của chúng ta, chức vụ và nơi làm việc của chúng ta. Yêu một người để yêu được nhiều người. Để lớn lên trong tình yêu thương, chúng ta cần phải yêu những người ở xung quanh chúng ta trước. Thật dễ dàng để yêu những người mà chúng ta không thường xuyên gặp mặt nhưng thể hiện tình yêu với những người mà chúng ta gặp hàng ngày lại là một chuyện khác. Nếu chúng ta không thể phát triển tình yêu thương dành cho họ, chúng ta sẽ không bao giờ có thể yêu thương những người khác cách chân thành. Đó giỏi lắm chỉ là thứ ‘tình yêu xả giao mà thôi’ (tỏ ra tử tế và thể hiện những hành động yêu thương vì đó là điều nên làm, nhưng có thể nó không xuất phát từ tấm lòng).

Khả năng yêu thương của chúng ta

Khi chúng ta thành công trong việc yêu một người khó yêu, một khả năng yêu thương lớn hơn sẽ bắt đầu ăn sâu và được thêm vào trong đời sống của chúng ta. Chính khả năng mà chúng ta phát triển đó trở thành khả năng để chúng ta yêu thương người khác. Chiến thắng trong việc yêu thương một người sẽ trở thành sức mạnh để chúng ta có thể yêu thương nhiều người khác. Ngược lại, việc chúng ta thiếu tình yêu thương đối với một người lân cận của mình sẽ trở thành trở ngại cho khả năng yêu thương người khác của chúng ta.

Rô-ma 5:5 – “Và hy vọng không làm chúng ta hổ thẹn, vì tình thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta.” 

Câu Kinh Thánh này mô tả một kinh nghiệm đặc biệt của Cơ-đốc nhân. Khi chúng ta được tái sinh, chúng ta được sinh ra một lần nữa với khả năng yêu thương như Đức Chúa Trời yêu thương, bởi vì Ngài đã tuôn đổ vào lòng chúng ta tình yêu thương của Ngài qua Đức Thánh Linh. Điều đó có nghĩa là mỗi khi chúng ta cảm thấy mình không thể yêu được nữa do những tổn thương và đau đớn, thì điều đó chỉ cho thấy rằng khả năng yêu thương của chúng ta đã bị suy yếu. Chúng ta cần nhận ra rằng đó không phải là lỗi của người khác mà là do chúng ta không có khả năng tiếp thu ân điển; ân điển làm gia tăng khả năng của chúng ta để bước đi trong một tình yêu thương lớn hơn. Chúng ta cần đến với Chúa để khôi phục lại tấm lòng của mình. Thật không may, chúng ta có xu hướng thay đổi hoàn cảnh thay vì thay đổi bản thân mình.

Ma-thi-ơ 5:44-48 – “Nhưng Ta bảo các con: Hãy thương yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con để các con được trở nên con của Cha các con ở trên trời, vì Ngài khiến mặt trời mọc lên chiếu sáng kẻ gian ác lẫn người lương thiện, ban mưa cho người công chính lẫn người bất chính. Nếu các con chỉ yêu thương những ai yêu thương mình thì có gì đáng khen đâu? Những người thu thuế chẳng cư xử như vậy sao…Thế thì các con hãy nên trọn vẹn, như Cha các con ở trên trời là trọn vẹn.

Từ được dịch “trọn vẹn” ở đây có nghĩa đen là “hoàn thiện”. Trong bối cảnh của câu Kinh Thánh này, trọng tâm là tình yêu thương. Chúa Giê-xu đang bàn về trách nhiệm của chúng ta rằng chúng ta không chỉ phải yêu thương những người lân cận, mà còn cả những kẻ thù nghịch và những người làm hại chúng ta nữa. Phân đoạn song song trong Lu-ca 6:36 giúp chúng ta hiểu rõ hơn về câu này. Trong bối cảnh tương tự, Chúa Giê-xu nói, “Hãy thương xót như Cha các con hay thương xót.” Để giống như Cha của chúng ta, chúng ta phải thương xót và yêu thương bằng một tình yêu trưởng thành, trọn vẹn, không giới hạn hay đòi hỏi người khác phải đáp lại tình yêu của mình.

Chỉ yêu thương những ai yêu thương mình là tình yêu không trọn vẹn. Thay vào đó, tình yêu của chúng ta nên trọn vẹn, giống như tình yêu của Cha là trọn vẹn. Trọng tâm mà Chúa Giê-xu muốn nói ở đây là chúng ta phải đối xử với người khác bằng chính tình yêu mà Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta, thay vì đòi hỏi người ta phải có một đời sống hoàn hảo không tội lỗi hoặc đạo đức như Đức Chúa Trời.

Việc chúng ta không thể yêu thương người lân cận của mình sẽ trở thành một vết sẹo trong tấm lòng của chúng ta và nó sẽ tồn tại ở đó dù chúng ta có đi bất cứ đâu. Để học cách yêu thương thế gian, trước tiên chúng ta phải học cách yêu thương từng người một trong thế gian. Khi chúng ta đã thành công trong việc yêu thương những người xung quanh, chúng ta mới có thể yêu thế gian. Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Chúng ta được tạo ra để yêu như Chúa yêu. Tình yêu là một dạng tồn tại cao nhất của chúng ta và là lý do để chúng ta tồn tại. Ý nghĩa của cuộc sống là tình yêu.

Chúng ta phải tin vào sức mạnh của tình yêu thương cũng giống như chúng ta tin vào quyền năng của Đức Thánh Linh, quyền năng của Lời Chúa và quyền năng của danh Chúa Giê-xu vậy.

Nguyện Chúa gia tăng tình yêu của Ngài trong tấm lòng của mỗi chúng ta.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like