Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 214: Bị Nộp Cho Tòa Án Thế Gian

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 214: Bị Nộp Cho Tòa Án Thế Gian

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 27:1-2

1 Đến sáng mai, các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân hội nghị nghịch cùng Đức Chúa Jêsus để giết Ngài. 2 Khi đã trói Ngài rồi, họ đem nộp cho Phi-lát, là quan tổng đốc.

Lời ngỏ

Ngày xưa thời Pháp thuộc, Việt Nam chúng ta có câu châm biếm “Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình. Ba bộ đồng tình bóp cổ dân đen” Câu ca dao này phản ánh về sự cấu kết tai hại của ba cơ quan đại diện cho nhà nước phong kiến và thực dân thời bấy giờ. Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình là ba trong sáu (tức lục bộ) cơ quan hành chính thời phong kiến, tương đương với cấp bộ ngày nay. Câu ca dao châm biếm này nói lên thực trạng chuyên chế của nhà nước nửa phong kiến, nửa thực dân. Qua đây cho thấy một bức tranh u tối, nghẹt thở và cả sự bất lực của người dân phải mang ách cai trị dưới quá nhiều thế lực của thời kỳ cận đại ở Việt Nam.

Điều đáng nói là thực trạng này không chỉ có ở Việt Nam mà ngay cả trong thời của Chúa Giê-xu, những cơ quan gọi là thi hành công lý nhưng lại chuyên chế và cấu kết với nhau để bóp méo công lý. Chính Chúa Giê-xu – Đấng vô tội đã bị vu cáo, bị bắt, bị xử bất hợp pháp trước tòa Công Luận là tòa án tôn giáo của người Do Thái. Họ đã quyết định án tử hình cho Chúa Giê-xu.

Trước đó, trong đoạn 26 cho thấy tiến trình xét xử diễn ra cách bất hợp pháp ngay trong đêm, Chúa Giê-xu đã trải qua ba lần xét xử theo kiểu tôn giáo hiện hành. Khi An-ne không thể kết án Chúa Giê-xu, ông ta đã chuyển Ngài sang cho Cai-phe là thầy tế lễ cả đương nhiệm và cả Toà Công Luận của dân Do Thái. Họ tổ chức cuộc xét xử trong bóng tối. Họ đã thuê những kẻ làm chứng dối, song không thể  tìm được hai người chứng nào có thể trình ra đủ chứng cớ để kết án Ngài tội gì đáng chết cả. Cho nên, sau cùng, Cai-phe nói: “Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng?” Chúa Giê-xu đáp: “Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống“. Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình khi ông ta nói: “Nó đã nói phạm thượng“. Hết thảy bọn họ đều nói: “Nó đáng chết”. Dựa vào điều này, thầy cả thượng phẩm kết tội Chúa Giê-xu đã lộng ngôn, phạm thượng khi Chúa công khai xác nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời. 

Vì vậy, “đến sáng mai” họ triệu tập lại cho có hình thức, thêm vào đó là “các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân“, còn Mác nhắc tới trong 15:1 có “các thầy thông giáo cùng cả tòa công luận” đều tham dự. Giờ đây, họ đã tập trung lại và “hội nghị nghịch cùng Đức Chúa Jêsus để giết Ngài”. Về mặt cơ bản, những kẻ lãnh đạo tôn giáo này quyết định việc họ tuyên án tử hình Chúa Giê-xu từ trong đêm, sáng ra họ họp lại để làm ra vẻ hợp pháp mà thôi.

Câu 2 cho biết, họ “trói Ngài rồi, họ đem nộp cho Phi-lát, là quan tổng đốc“.Tại sao các lãnh tụ Do Thái lại giải Chúa Giê-xu đến cho Phi-lát, là quan Tổng trấn La Mã? Bởi vì người La Mã đã truất quyền kết án tử hình của người Do Thái, hơn nữa, luật của Do Thái cấm không cho việc tổ chức xét xử vào ban đêm ngoài đền thờ. Vì thế, để Chúa Giê-xu bị kết tội tử hình chưa đủ mà Ngài phải bị một lãnh tụ La Mã kết án thì án lệnh mới thực thi được. Các lãnh tụ tôn giáo phải thuyết phục chính quyền La Mã kết án tử hình Chúa Giê-xu, vì họ không có quyền tự mình làm việc ấy.

Lúc bấy giờ, Phi-lát là tổng trấn La Mã của xứ Giu-đa. Phi-lát đặc biệt thích chứng tỏ mình có quyền trên người Do Thái nên ông ta không được lòng dân, nhưng các lãnh tụ tôn giáo vì chẳng còn cách nào khác để trừ khử Chúa Giê-xu, nên đã đến với ông ta. Trong cuộc xét xử sau này, khi Chúa Giê-xu là một người Do Thái bị giải đến với ông ta để chịu xét xử, Phi-lát lại nhận thấy là Ngài vô tội. Ông ta đã không thể tìm ra một lầm lỗi nào của Chúa Giê-xu cũng như chẳng nghĩ ra được một điều gì để buộc tội Ngài.

Về phương diện chính trị, nếu Phi-lát chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-xu, thì có vẻ là điều tốt hơn cho các lãnh đạo tôn giáo này. Họ muốn cho cái chết ấy có vẻ như là do người La Mã gây ra, để dân chúng khỏi trách cứ họ. Về phương diện tôn giáo, các lãnh tụ Do Thái giáo đã kết án Chúa Giê-xu trên cơ sở thần học là tội phạm thượng, nhưng vì lời tố cáo này có thể bị toà án La Mã bác bỏ, họ phải dùng đến lý do chính trị để giết Chúa Giê-xu. Chiến lược của họ là chứng minh rằng Chúa Giê-xu là một tên phản loạn, tự xưng vương, và như thế là một mối đe doạ đối với hoàng đế La Mã.  

Các lãnh tụ người Do Thái muốn hành quyết Chúa Giê-xu trên thập tự giá, một cách thức xử tử mà họ tin là sẽ đem đến cho phạm nhân một sự rủa sả từ Đức Chúa Trời «Khi một người nào phạm tội đáng chết, thì hãy giết nó, và treo lên trụ hình, thây nó chớ để treo trên trụ hình cách đêm, song phải chôn trong nội ngày đó; vì kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả»  (Phục 21: 22-23). Họ mong có thể thuyết phục dân chúng rằng Chúa Giê-xu đã bị Đức Chúa Trời rủa sả. Mặt khác, khi điệu Chúa Giê-xu đến trường án của Phi-lát, các lãnh đạo tôn giáo đạo giả hình này muốn xử Con Đức Chúa Trời phải chết nhưng chính họ không muốn  vào nơi trường án, cho khỏi bị ô uế vì họ muốn được “ăn Lễ Vượt Qua”.

Kết luận

Trong suốt gần 2000 năm qua, ở những mức độ khác nhau, dưới nhiều hình thức, hoàn cảnh khác nhau, những vụ án, phiên tòa xét xử những người vô tội, cô thế, cô thân, những người dám mạnh dạn nói làm chứng cho sự thật, cho công lý vẫn luôn diễn ra. Nhiều người phải rơi vào cảnh tù đày, thậm chí bị tử hình chỉ vì tiếng nói trung thực của họ làm những người đương thời, những người có chức, có quyền khó chịu. Họ bị xét xử, kết tội, hay chịu án tử chỉ vì những công tố viên, quan tòa thay vì làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý lại đi dàn dựng, vu cáo những người vô tội hay đứng về phía kẻ có quyền hoặc sợ mất quyền, địa vị của mình.

Trong lịch sử hội thánh trên thế giới nói chung và ngay cả tại Việt Nam chúng ta, từ lúc khởi đầu hội thánh cho đến nay, có biết bao nhiêu tôi con Chúa đã bị giết hại chỉ vì dám sống và làm chứng cho sự thật, cho Tin Lành của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã chịu khổ hình, chịu xét xử cách bất công dưới tòa án chính quyền của con người nhưng Ngài đã để lại một tấm gương cho những ai đang bị bách hại vì chân lý, vì lẽ công chính thấy rằng ngay trong những lúc cùng cực nhất, cô độc nhất thì Chúa Ngài vẫn đồng hành, nâng đỡ và thêm sức cho.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

Mỗi khi suy niệm về sự thương khó của Chúa Giê-xu, lòng chúng con thật cảm kích và biết ơn Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời, là Đấng Thánh Khiết, Đấng vô tội nhưng đã phải chịu nhiều sự tra khảo, thách đố, nhạo báng, sỉ nhục… dưới những tòa án bất công, bất nghĩa của những người gọi là cầm cán cân công lý của thế gian này. Cảm ơn Chúa, xin cho chúng con học lấy tâm tình và tấm gương khiêm hạ của Ngài. Xin Chúa cũng nhớ đến những người vì Danh Chúa, vì lẽ thật cũng đang bị bắt bớ, giam cầm, tù đày. Nguyện xin công lý của Đức Chúa Trời được thực thi ở trên đất này. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Viết bởi Grace Ngo

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like