Home Chuyên Đề Tại Sao A-na-nia Và Sa-phi-ra Bị Ngã Chết?

Tại Sao A-na-nia Và Sa-phi-ra Bị Ngã Chết?

by Crosswalk.com
30 đọc

Công-vụ 5:1-11

Nhưng có một người tên là A-na-nia, thuận với vợ là Sa-phi-ra, bán gia sản mình, và đồng mưu với vợ, giữ lại một phần tiền giá bán; rồi mới đem phần còn lại đặt dưới chân các sứ đồ. Phi-e-rơ bèn nói với người rằng: Hỡi A-na-nia, sao quỷ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó? Nếu ngươi chưa bán ruộng đó, há chẳng phải là của ngươi sao? Khi bán rồi, giữ giá đó há chẳng được sao? Điều đó nhập vào lòng ngươi thế nào, ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời. A-na-nia nghe nói bấy nhiêu lời, thì ngã xuống và tắt hơi; phàm người nào hay điều đó đều sợ hãi quá đỗi. Nhưng các gã trẻ tuổi đứng dậy khâm liệm thây người và đem đi chôn.
Khỏi đó độ ba giờ, vợ người bước vào, vốn chưa hề biết việc mới xảy đến. Phi-e-rơ cất tiếng nói rằng: Hãy khai cho ta, ngươi đã bán đám ruộng giá có ngần ấy phải không? Thưa rằng: Phải, giá ngần ấy đó. Phi-e-rơ bèn nói rằng: Sao các ngươi dám đồng mưu để thử Thánh Linh của Chúa? Kìa, chân những kẻ chôn chồng ngươi đương ở ngoài cửa, họ sẽ đem ngươi đi luôn. Chính lúc đó, nàng té xuống nơi chân Phi-e-rơ và tắt hơi, các gã tuổi trẻ trở về, thấy nàng đã chết, bèn khiêng đi chôn bên chồng nàng. Cả Hội-thánh đều rất sợ hãi, cho đến người nào nghe tin cũng vậy.

Câu chuyện của A-na-nia và Sa-phi-ra thường gây nhiều tranh cãi. Một số người tin rằng hình phạt dành cho họ thật là “khắc nghiệt”, vượt quá nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” (Ma-thi-ơ 5:38; xem Xuất Ê-díp-tô Ký 21:24; Lê-vi Ký 24:20; Phục-truyền 19:21). Tuy nhiên, chúng ta nên đọc câu chuyện này trong bối cảnh mô tả về cộng đồng những người tin Chúa bắt đầu từ Công-vụ 4:32. Cộng đồng này là bằng chứng sống động về sự ngự trị của Thánh Linh trong việc thực hiện các lời hứa của giao ước mới. Các tín hữu đồng một lòng một ý sống vì nhau, tự nguyện chia sẻ những gì mình có, chuyên tâm cầu nguyện, dấn thân cho công việc của các sứ đồ. Ba-na-ba là một tấm gương đển hình của việc sống vì người khác giữa vòng các Cơ-đốc nhân ở Giê-ru-sa-lem.

Ngược lại, A-na-nia và Sa-phi-ra bán một đám ruộng rồi bí mật giữ lại một số tiền nhưng làm như thể họ dâng tất cả số tiền mình có được cho nhà Chúa. Số tiền bán ruộng đó là của họ, và họ có thể làm gì với nó tùy thích. Họ không bị bắt buộc phải bán đi tài sản của mình, cũng không ai ép họ phải dâng tất cả số tiền thu được, như Phi-e-rơ đã nói rõ (Công-vụ 5:4). Nhưng thái độ không thành thật và những lời nói dối của A-na-nia và Sa-phi-ra là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cặp đôi này có ý định đánh lừa Phi-e-rơ và những người còn lại trong cộng đồng (Công-vụ 5:8). Thay vì cầu nguyện và ngợi khen Đức Chúa Trời, cặp vợ chồng này lại phạm tội nói dối (Công-vụ 5:3–4). Thay vì được đầy dẫy Thánh Linh, họ lại “đầy dẫy” Sa-tan (Công-vụ 5:3). Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là nói dối.

Bối cảnh giao ước mới là chìa khóa để hiểu phân đoạn này. Thánh Linh ngự trong cộng đồng những người tin Chúa: Đức Chúa Trời hiện diện bên trong họ và ở giữa họ. Như vậy, nơi các sứ đồ và những Cơ-đốc nhân, chúng ta thấy được hình ảnh của dân sự Chúa đích thực. Vị trí và vai trò của đền thờ cùng các lãnh đạo Do Thái bị lu mờ bởi Hội-thánh—họ không thay thế mà làm trọn vẹn quốc gia Y-sơ-ra-ên, thông qua niềm tin vào Đấng Mê-si của Y-sơ-ra-ên và sự ứng nghiệm Kinh Thánh theo kế hoạch và sự biết trước của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Giờ đây, Đức Chúa Trời không ngự trong tòa nhà do bàn tay con người làm ra, như Ê-tiên sau này đã nói (Công-vụ 7), mà ở với dân sự của Ngài. Như vậy, nói dối cộng đồng và các sứ đồ là nói dối chính Chúa (Công-vụ 5:4). Bản thân Hội-thánh là một dân thánh.

Một lần nữa, chúng ta thấy một mô tả tường thuật về các lẽ thật được dạy trong các thư tín. Vài năm sau, Phi-e-rơ viết thư cho các tín hữu, trích dẫn các bản văn Cựu Ước như Thi-thiên 118 (xem Công-vụ 4:11), và nói:

Hãy đến gần Ngài, là hòn đá sống, bị người ta loại ra, song được chọn và quý trước mặt Đức Chúa Trời, và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời. Vì trong Kinh Thánh có chép rằng: Nầy, Ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quý báu; Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ. Vậy nên, cho anh em là kẻ đã tin, thì là đá quý; nhưng cho những kẻ không tin, thì Hòn Đá mà bị thợ xây nhà loại ra, bèn trở nên đá góc nhà, là Đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã; họ bị vấp đá đó, vì không vâng phục Đạo, và điều ấy đã định sẵn cho họ rồi. Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài; anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không được thương xót, mà bây giờ được thương xót.” (1 Phi-e-ơ 2:4–10)

Các Cơ-đốc nhân Giê-ru-sa-lem là một ví dụ sống động về sự mô tả của Phi-e-rơ về Hội-thánh. Chính trong bối cảnh này mà A-na-nia và Sa-phi-ra đã phạm tội. Giống như các ví dụ trong Cựu Ứớc về Na-đáp và A-bi-hu, con trai A-rôn (Lê-vi ký 10), A-can (Giô-suê 7) và Vua Ô-xia (2 Sử-ký 26), trong những trường hợp đó dân sự bị trừng phạt vì những tội lỗi liên quan đến cả đền thờ và cộng đồng, vì vậy A-na-nia và Sa-phi-ra bị trừng phạt vì đã mang tội lỗi vào nơi thánh của giao ước mới.

Một khía cạnh khác của giao ước mới liên quan đến vấn đề nói dối một cách cụ thể. Xa-cha-ri đã tiên tri về một thời kỳ mà Đức Chúa Trời sẽ làm những việc tốt lành cho xứ Giu-đê và Giê-ru-sa-lem (Xa-cha-ri 8:6–8), một thời kỳ phước hạnh mà khi đó “nhiều dân và nhiều nước mạnh sẽ đến tìm kiếm Đức Giê-hô-va vạn quân tại Giê-ru-sa-lem, và ở đó nài xin ơn Đức Giê-hô-va” (Xa-cha-ri 8:22). Chính trong bối cảnh tiên tri này Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân chúng: “Ai nấy khá lấy điều thật nói cùng kẻ lân cận mình; hãy làm sự chân thật và sự phán xét bình an trong cửa thành các ngươi. Chớ toan sự dữ trong lòng nghịch cùng kẻ lân cận; và chớ ưa sự thề dối, vì ấy đó là những điều mà Ta ghét.” (Xa-cha-ri 8:16–17).

Nói lời chân thật là một đặc điểm của giao ước mới và của các mối quan hệ mà các thành viên của giao ước phải có với nhau.

Do đó, Phao-lô nói với người Ê-phê-sô, đồng thời khuyến khích họ hãy đổi mới tâm linh của mình, “mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau.” (Ê-phê-sô 4:25). A-na-nia và Sa-phi-ra mang sự giả dối đến một nơi chỉ nên có sự chân thật, và hình thức nói dối cụ thể của họ tại địa điểm và thời gian này chứng tỏ rằng họ không thực sự là một phần của cộng đồng giao ước mới.

Hơn nữa, Lu-ca liên tục nhấn mạnh đến việc Đức Thánh Linh đầy dẫy các tín hữu, nói rõ rằng hành động của họ là do Đức Thánh Linh điều khiển, trái ngược với lời tuyên bố của Phi-e-rơ rằng Sa-tan, cha của sự dối trá (Giăng 8:44), đã khiến A-na-nia và Sa-phi-ra nói dối (Công-vụ 5:3). Lời cầu nguyện, sự ngợi khen và công bố Phúc Âm đầy dẫy Thánh Linh đến từ miệng của các tín đồ, nhưng những lời dối trá đầy dẫy Sa-tan lại đến từ cặp vợ chồng này. Thay vì nước sống chảy ra từ tấm lòng họ, để thực hiện lời hứa của Thánh Linh (Giăng 7:38), sự lừa dối xấu xa lại tuôn chảy ra từ họ. Đây không phải là những tín đồ bị trừng phạt vì nói dối mà là những người vô tín trong lòng đầy dẫy Sa-tan và mang sự gian ác vào trong bối cảnh của giao ước như một cuộc tấn công của Sa-tan. Sự tương phản giữa Thánh Linh và Sa-tan dẫn đến kết luận rằng A-na-nia và Sa-phi-ra không phải là những tín đồ lạc lối. Họ giống như Giu-đa, bị Sa-tan lừa dối và nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời. Và giống như Giu-đa, họ gặp phải một kết cục chết người và không khoang nhượng (Công-vụ 5:5, 10). Do đó, Lu-ca không phải là người đầu tiên ghi lại hậu quả của việc nói dối trong Hội-thánh. A-na-nia và Sa-phi-ra không phải là thành viên trong Hội-thánh bị kỷ luật vì tội lỗi của mình. Tội lỗi của họ, đối lập với bối cảnh đầy dẫy Thánh Linh, chỉ ra sự vô tín của họ. Họ phản bội cộng đồng và phô bày bản chất thật của con người mình.

Nói dối Đức Chúa Trời

Hơn nữa, giống như các phép lạ và sự dạn dĩ của các sứ đồ là biểu hiện của việc Đức Chúa Trời hành động qua họ, thì ở đây sự phán xét bằng cái chết ngay tức thì không bắt nguồn từ Phi-e-rơ hay cộng đồng mà là từ Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ chỉ đơn thuần là người đại diện và sứ giả phán quyết của Đức Chúa Trời đối với cặp vợ chồng này. Phi-e-rơ nói với A-na-nia rằng ông đã nói dối Đức Thánh Linh (Công-vụ 5:3) và sau đó lặp lại điều này với một sự thay đổi nhỏ nhưng không kém phần quan trọng: “ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời” (Công vụ 5:4).

Do đó, nói dối Đức Thánh Linh cũng giống như nói dối Đức Chúa Trời—điều này ngụ ý rằng Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời. Thần tính của Thánh Linh cũng được ám chỉ trong những lời của Phi-e-rơ nói cùng Sa-phi-ra: “Sao các ngươi dám đồng mưu để thử Thánh Linh của Chúa?” (Công-vụ 5:9). Những lời này gợi nhớ đến các bản văn Cựu Ước liên quan đến việc Y-sơ-ra-ên thử Đức Chúa Trời (ví dụ: Xuất Ê-díp-tô Ký 17:2; Dân-số ký 14:22; Phục-truyền 6:16; Thi-thiên 95:9; 106:14).

Cái chết của A-na-nia và Sa-phi-ra cung cấp thêm bằng chứng về sự chuyển đổi từ giao ước cũ sang giao ước mới. Sự phán xét được thực hiện không phải trong khuôn viên đền thờ hay trong hội đồng các lãnh đạo Y-sơ-ra-ên mà trong cộng đồng các tín hữu do Sứ-đồ Phi-e-rơ lãnh đạo. Ông là người có thẩm quyền nói thay mặt Đức Chúa Trời, và qua ông, Đức Chúa Trời sẽ phán xét sự bất trung. Đức Chúa Trời ở cùng các tín hữu trong cả sự cứu rỗi và sự phán xét. Từ “sợ hãi” xuất hiện sau cả hai cái chết (Công-vụ 5:5,11) và bao hàm sự kính sợ đối cùng Đức Chúa Trời đến từ việc biết Ngài là ai và nhận ra những gì Ngài có thể làm. Nỗi sợ hãi này gia tăng trong vòng các tín đồ, bên ngoài đền thờ và những người đã chối bỏ Chúa Giê-xu Christ người Na-xa-rét.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crossway.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like