Kinh thánh: Ma-thi-ơ 26:20-25
20 Đến tối, Ngài ngồi ăn với mười hai sứ đồ. 21 Khi đương ăn, Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi rằng: Có một người trong các ngươi sẽ phản ta. 22 Các môn đồ lấy làm buồn bực lắm, và lần lượt hỏi Ngài rằng: Lạy Chúa, có phải tôi không? Ngài đáp rằng: 23 Kẻ nào để tay vào mâm với ta, ấy là kẻ sẽ phản ta. 24 Con người đi, y theo lời đã chép về Ngài; song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn! 25 Giu-đa là kẻ phản Ngài cất tiếng hỏi rằng: Thưa thầy, có phải tôi chăng? Ngài phán rằng: Thật như ngươi đã nói.
Lời ngỏ:
Có một nguyên tắc trong luật giao thông là khi đi đến ngã ba, ngã tư hoặc trước vạch đường cho người đi bộ, nếu chúng ta thấy tín hiệu đèn xanh thì cứ tiếp tục hành trình, nhưng nếu thấy tín hiệu đèn vàng thì phải đi chậm lại dần, còn nếu thấy tín hiệu đèn đỏ thì dù muốn dù không thì phải dừng lại ở lằn ranh giới theo quy định. Đừng hỏi tại sao đèn lại đỏ, và đừng cố ý vượt qua lằn ranh giới khi có tín hiệu đèn đỏ trước mặt. Vì làm như thế thì không chỉ là vi phạm giao thông mà thôi, nhưng còn rất nguy hiểm đến tính mạng của chúng ta.
Tuy nhiên, có những lúc tín hiệu đèn bị trục trặc kĩ thuật nên đèn bị chuyển đổi liên tục, hay bị tắt hết không thấy tín hiệu đèn màu nào cả. Thay vào đó nếu chúng ta thấy có vị cảnh sát giao thông đứng ra thổi còi và giơ gậy chỉ hướng thì nhất quyết phải theo sự chỉ dẫn đó. Bởi vì, vị cảnh sát là người điều khiển giao thông.
Với luật giao thông bình thường mà ai cũng biết khiến chúng ta liên tưởng đến “lằn ranh giới đỏ” mà Đức Chúa Trời đã vạch ra cho chúng ta để không cố tình vi phạm mà chuốc lấy hậu quả kinh khiếp như điều Ngài đã cảnh báo với Giu-đa Ích-ca-ri-ốt trong đoạn Kinh Thánh hôm nay.
Đức Chúa Giê-xu biết rõ khi Ngài tự nguyện thuận phục hoàn toàn theo ý Cha để bước đi con đường thương khó thì tất cả môn đồ của Ngài sẽ tan lạc như chiên không có người chăn. Ngài biết Phi-e-rơ sẽ chối Chúa 3 lần trước khi gà gáy canh, nhưng Phi-e-rơ sẽ có thể ăn năn nên đã cảnh báo trước để Phi-e-rơ tỉnh thức và cầu nguyện. Và Ngài cũng nói đã cầu nguyện cho ông để sau khi ông ăn năn thì ông sẽ được hồi phục lại đức tin của mình.
Bên cạnh đó, Chúa cũng biết Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã đến với các lãnh đạo tôn giáo, ông đã bí mật lập mưu và sắp đặt công việc gian ác của mình để “chỉ điểm” bắt Chúa Giê-xu cách gọn nhẹ, mà không gây ồn ào trong dân chúng. Việc lập mưu này của Giu-đa rất là bí mật đến mức không một đồng môn nào trong số 11 sứ đồ còn lại phát hiện. Thế nhưng ông đã không giấu được Chúa Giê-xu. Ngài biết trước Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là người sẽ lập mưu để bán Ngài, và ông sẽ chỉ hối hận mà không ăn năn. Nên Ngài đã đau khổ thốt lên rằng “khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! thà nó chẳng sinh ra thì hơn.” (câu 24). Thế nhưng, Chúa vẫn tỏ lòng yêu thương và cảnh cáo trước từ gián tiếp đến trực tiếp mà chỉ có Ngài và Giu-đa biết mà thôi. Các môn đồ khác không hiểu, họ cho rằng có lẽ là Chúa bảo Giu-đa chuẩn bị mua sắm hay chuẩn bị cái gì đó cho đoàn truyền giáo.
Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã bỏ qua lời cảnh báo đó của Chúa. Tại sao lại như thế? Bởi vì có thể ban đầu Giu-đa đã vô tình lập mưu gian ác, và đã nuôi dưỡng tội lỗi ấy từ suy nghĩ đến hành động kết giao ước bán Chúa. Ông trở nên kẻ cố tình phạm tội và đã trở nên tay sai của Sa-tan. Sa-tan đã ám vào Giu-đa khi ông chính thức nhận tiền gian ác từ giới giáo quyền độc ác (Lu-ca 22:3); và từ khi ông phớt lờ lời cảnh cáo công khai của Chúa mà bước ra giữa đêm tối để quyết định bán Chúa như dự định thì ông chính thức trở thành “đứa con của sự hư mất” (Giăng 17:12), tức là ông đã tự nguyện bán mình để làm nô lệ của ma quỷ, làm con của Sa-tan.
Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã bán Chúa cho bọn giáo quyền bằng 30 miếng bạc vì lòng tham tiền bạc của mình, tham danh vọng hão huyền, tham quyền lực cách mạng bằng bạo động; nhưng cuối cùng đã thất bại thảm hại với kết cuộc là tự kết liễu cuộc đời mình. Giáo quyền đã bán Chúa Giê-xu cho chính quyền ngoại xâm với sự vu cáo phản loạn vì cớ sự ganh ghét do Ngài nói thẳng tội lỗi bất khiết, bất công, bất nghĩa của họ. Chính quyền ngoại xâm đã bán rẻ Chúa Giê-xu cho thần quyền tối tăm để giữ lại cái ghế quyền lực. Thế nhưng, cuối cùng tất cả đã bị diệt vong bởi tội lỗi và phải chịu sự phán xét ngày sau cuối.
Qua đây chúng ta có thể thấy được sự nhân từ của Chúa đối với tội nhân và tình yêu của Ngài đã nhịn nhục đến cuối cùng để chinh phục họ, khiến họ ăn năn tội lỗi và trở về cùng Ngài. Ngài có thể dùng quyền năng để đánh bại Giu-đa cách dễ dàng, làm cho mưu của ông thất bại cách nhanh chóng. Chỉ cần Ngài lánh xa vị trí đó trong một khoảng thời gian ngắn chứ chưa kể là Ngài đối đầu cách nhẹ nhàng chỉ bằng một lời phán hay chỉ cần một vị thiên sứ đến can thiệp… Thế nhưng, Chúa luôn tôn trọng ý chí tự do và quyền quyết định của con người, Ngài không ép buộc họ; nhưng Ngài vẫn nhẫn nại chờ đợi họ quay về, Ngài dùng tình yêu thương chân thật để chinh phục tấm lòng con người với những lời kêu gọi, nhắc nhở hay cảnh tỉnh cho họ ăn năn điều gian ác của mình.
Chúng ta thấy, Chúa Giê-xu cảnh báo con người trước khi tội lỗi nhân dịp xen vào, và cảnh cáo con người khi lỡ vô tình phạm tội. Trước tiên, Ngài để cho người ấy tự xét lấy mình xem có bị vướng vào tội lỗi hay đang có khuynh hướng phạm tội nào không? Ngài thường nhắc nhở “hãy nhìn điều ngươi đang mưu tính, ngươi thật có thể quyết định làm như vậy chăng?” Nếu chúng ta vô tình vướng vào cạm bẫy thì nhờ lời cảnh báo đó mà xem xét để mau ăn năn và dừng lại quyết định hay kế hoạch sai lầm nào đó của mình.
Kế tiếp, nếu người đó không nhận ra tội lỗi của mình thì Ngài cho họ đối diện với chính Ngài cách cá nhân. Ngài khiến cho người ấy đối diện với Ngài để thành thật trả lời về quyết định của mình là do vô tình hay cố ý. Chúa luôn tìm cách làm cho người ta nhận thức được sự khủng khiếp của việc người đó muốn làm trong âm mưu tội lỗi; và nhận biết được tình yêu của Ngài để lập tức dừng lại hành động cố tình phạm tội để tránh được hậu quả tội lỗi là không bị hư mất đời đời.
Kết luận
Bạn thân mến, ngay tại đây chính tôi và bạn cần phải tỉnh ngộ về tính kinh khủng thật sự của tội lỗi nếu chúng ta trở nên cố ý phạm tội. Sự cố ý ấy đã bất chấp tiếng gọi cuối cùng của tình yêu thương từ Chúa. Sự đam mê ấy đã khiến thân thể mất khả năng điều khiển, tâm hồn trở nên ảo tưởng và mơ hồ; tâm linh trở nên như kẻ mù loà mà cứ bước đi ào ào trên cạm bẫy đó cho đến khi chết thê thảm. Phạm tội vì cớ vô tình thì còn phương pháp cứu chữa và có khả năng dừng lại; nhưng cố tình phạm tội thì thật là liều mạng khi thấy cái chết mà cứ lao vào như con thiêu thân. Qua lời cảnh tỉnh của Chúa hôm nay thì mỗi chúng ta càng phải cẩn trọng hơn chớ đừng coi thường sự nguy hại của tội lỗi, vì hậu quả của nó thật vô cùng kinh khiếp.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Xin giúp cho chúng con biết tỉnh ngộ ngay khi vừa vô tình chạm vào tội lỗi. Xin cho lương tâm chúng con biết nhạy cảm với tội lỗi. Nguyện tình yêu của Chúa chinh phục linh hồn chúng con để sớm ăn năn điều đã phạm trước khi nó trở nên nghiêm trọng. Và cho dù đã phạm tội trọng đi nữa thì với ánh mắt nhân từ của Ngài xin khiến con thật sự ăn năn và trở lại tình yêu và vòng tay của Ngài. Con thật cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Viết bởi Thiên Gia Vĩnh
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com