Home Chuyên Đề Có Phải Chất “Hữu Cơ” Nghĩa Là Chất Có Sự Sống? Thế Nào Là “Có Sự Sống”?

Có Phải Chất “Hữu Cơ” Nghĩa Là Chất Có Sự Sống? Thế Nào Là “Có Sự Sống”?

by Richard Huỳnh
30 đọc

Có phải chất “hữu cơ” nghĩa là chất có sự sống? Thế nào là “có sự sống”?

Hình 1. Minh họa bên trong một tế bào theo sinh học phân tử

Ngày nay, chúng ta hay nghe nói đến việc tìm thấy những hợp chất “hữu cơ” ở những nơi không thể chứa sự sống như trên sao chổi hay trong những mặt trăng hoang vu rải rác trong Hệ Mặt Trời. Người ta nói vậy có nghĩa là sao? Có phải có chất “hữu cơ” nghĩa là có sự sống? Hay “hữu cơ” thật ra có nghĩa là gì? Còn như thế nào là “có sự sống”?

Ở trường cấp 3, chúng ta được dạy là từ “hữu cơ” áp dụng cho các vật sống. Nghĩa từ điển thông dụng của nó là “thuộc giới sinh vật mang đặc thù của những vật có cơ quan thực hiện chức năng sống” [1]. Nhưng chỉ khi tra kỹ nghĩa hóa học của nó thì ta mới biết “hữu cơ” chỉ đơn giản là “các hợp chất hóa học mà phân tử có chứa cacbon, ngoại trừ các cacbua, cacbonat, cacbon oxit (monoxide và dioxide). Trước đây người ta lầm tưởng các hợp chất hữu cơ chỉ có trong cơ thể sống nên có tên gọi này.” [2]. Vậy nên chất “hữu cơ” có thể không liên quan gì đến sự sống, như khí methane CH4.

Ngày xưa, người ta nghĩ rằng một số hợp chất hóa học chỉ có thể được tổng hợp trong cơ thể sống bởi một “lực sống”, nên gọi chúng là chất “hữu cơ”. Nhưng sau đó người ta đã chứng minh được rằng nhiều hợp chất trong tự nhiên tưởng chỉ có ở sinh vật sống thực ra có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm chỉ đơn giản bằng cách kết hợp các hóa chất thích hợp. Vì mọi vật sống đều được kết hợp bởi hợp chất từ carbon và hydro, dẫn tới định nghĩa kỹ thuật từ “hợp chất hữu cơ” là bất kỳ chất nào trong lớp hợp chất hóa học mà phân tử chứa carbon và hydro. Có nhiều hợp chất hydro-carbon này là cực kỳ phức tạp và chỉ thấy trong sinh vật sống, nhưng một số khá đơn giản, như khí methane, không nhất thiết phải có nguồn gốc từ sinh vật. 

Sử dụng từ “hữu cơ” thường dẫn tới hiểu lầm. Những người không chuyên có thể hiểu từ “hợp chất hữu cơ” là chất có sự sống và đang sống, nhưng thật ra ở đây chỉ đang nói đến một hợp chất hydro-carbon. Sự hiểu lầm này thường nảy sinh khi một người ủng hộ thuyết tiến hóa nói về sự xuất hiện ngẫu nhiên của sự sống từ các vật chất “hữu cơ”. Hiếm khi các nhà khoa học tiến hóa giải thích mình sử dụng từ “hữu cơ” nói đến các chất không có sự sống. Có lẽ họ nghĩ rằng mọi người đều hiểu khái niệm “hữu cơ” theo định nghĩa kỹ thuật, nhưng người thường ít được rèn luyện như vậy. Vậy nên họ đã để người nghe của mình đi đến kết luận sai lầm.

Thật đáng buồn, đây không phải là một sai lầm vô hại, vì nó ngụ ý rằng các hợp chất “đang sống hay từng sống” có thể xuất hiện từ các nguồn phi sự sống. Như thường được thừa nhận bởi các nhà tiến hóa, sự chuyển đổi ban đầu từ các hóa chất không sống thành các sinh vật sống hẳn là vấn đề khó nhất trong mọi thuyết tiến hóa. Vì vậy, tình tiết thông tin sai lạc vô tình này khiến nhiều người nghĩ rằng vấn đề khó đến không thể vượt qua được này có thể được giải quyết dễ dàng. Tôi tự hỏi liệu việc mập mờ khái niệm này có khi nào là có chủ đích. Thuyết tiến hóa không thể đứng vững trước những xem xét cặn kẽ, những vấn đề của nó là quá lớn. Nhưng nó có thể thuyết phục nhiều người nếu một số thông tin quan trọng bị dấu lại. Nhờ đó lời nói dối tiến hóa vẫn sống. [3]

James Tour, một giáo sư hóa học và kỹ thuật nano hàng đầu thế giới được vinh danh 1 trong 50 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay [9], có bài nói chuyện hơn 1 giờ để vạch ra những gian trá trong những nghiên cứu khoa học về nguồn gốc sự sống trên Youtube clip sau:

Thế nào là “có sự sống”?

Một số nhà khoa học đánh đồng chất hữu cơ với sự sống. Nhưng các chất hữu cơ không phải là sự sống. Chúng không sống và cũng không sinh sản. Chúng chỉ được tạo ra và phân hủy. Để có sự sống thật sự cần có những tính năng cơ bản là [4]:

  • Biết phản ứng lại với môi trường xung quanh.
  • Có khả năng lớn lên và thay đổi
  • Làm nên từ một hoặc nhiều tế bào
  • Có khả năng sinh sản, tái tạo
  • Có khả năng truyền những đặc tính của mình cho đời sau.
  • Có khả năng trao đổi chất và hít thở theo nghĩa rộng
  • Duy trì trạng thái cân bằng nội môi (là trạng thái cân bằng ổn định về vật lý và thành phần hóa học)


Hình 2. Minh họa của tế bào theo sinh học phân tử

Các tính năng này cho ta thấy sự sống không phải là một hợp chất, mà là một hệ thống sinh học vô cùng phức tạp. Một bài báo khoa học đã ước tính rằng một tế bào đơn giản nhất tối thiểu cũng cần phải có những bộ máy để thực hiện các chức năng sau ở cấp độ phân tử [6]:

  • Hệ thống sao chép, sửa chữa, giới hạn và sửa đổi gene.
  • Hệ thống giải mã gene căn bản
  • Hệ thống tổng hợp aminoacyl-tRNA
  • Hệ thống hoàn thiện và sửa đổi tRNA
  • Hệ thống tổng hợp các protein ribosome
  • Các chức năng, hoàn thiện và sửa đổi ribosome
  • Các nhân tố dịch mã (protein/gene translation factors)
  • Hệ thống phân hủy RNA
  • Hệ thống tiết ra, xử lý và sắp xếp các protein
  • Hệ thống vận chuyển và phân tách tế bào
  • Hệ thống chuyển hóa năng lượng và trao đổi chất (qua việc phân hủy đường thành năng lượng, proton motive force generation, phân hủy năng lượng theo đường pentose phosphate, chuyển hóa chất béo, tổng hợp sinh học các nucleotide và các đồng nhân tố của chúng)…

Đây đều là những bộ máy công nghệ nano để sản xuất các thành phần nano. Mà các tác giả còn  chưa nói đến tRNA và các gene tRNA. Họ cũng nhận ra là cơ chế vận chuyển các thành phần căn bản trong tế bào chưa được xác định, và cái tế bào tối giản này dựa rất nhiều vào việc nhập khẩu từ ngoài nhiều chất quan trọng, bao gồm cả 20 amino acid vì nó không có cơ chế tổng hợp chất sinh học. Thực tế một tế bào có thể phức tạp và cần nhiều chức năng hơn gấp nhiều lần.

Vậy nên một tế bào không phải chỉ đơn giản là một lớp nhân, lớp dịch tế bào rồi lớp màng tế bào như Darwin từng nghĩ hay như chúng ta học ở trường. Nhà sinh học phân tử Michael Denton, dù không phải là người tin theo thuyết Sáng Tạo, nhưng là người nghi ngờ thuyết Tiến Hóa của Darwin, nói [8]:

“Có lẽ không lĩnh vực nào của sinh học hiện đại mà những thử thách tạo ra từ sự phức tạp cực kỳ và sự sắp xếp sinh học khéo léo lại rõ ràng hơn trong thế giới mới về sinh học phân tử trong một tế bào… Để hiểu thực tế về sự sống như được cho thấy bởi sinh học phân tử, ta phải phóng đại một tế bào một ngàn triệu lần cho đến khi nó có đường kính 20 cây số và trông như một tàu vũ trụ lớn bằng một thành phố như London hay New York. Khi đó cái mà ta sẽ thấy là một vật thể với độ phức tạp không gì so sánh được và được thiết kế cực kỳ khéo léo. Trên màng tế bào ta sẽ thấy hàng triệu chỗ hở như những chỗ thông gió của một tàu vũ trụ khổng lồ, đóng mở liên tục cho các dòng vật liệu vào và ra. Nếu chúng ta đi vào bên trong những lỗ đó, ta sẽ thấy mình ở trong một thế giới với kỹ thuật cao tối thượng và phức tạp đến chóng mặt

Có thể tin được không rằng những quá trình ngẫu nhiên có thể xây dựng nên một thực thể mà một thành phần nhỏ nhất của nó, một protein hay một gene chức năng, đã phức tạp ngoài khả năng sáng tạo của chúng ta, một thực thể (mà sự kiến thiết và phức tạp) là phản nghịch với sự ngẫu nhiên, trong mọi khía cạnh đều vượt qua bất kỳ thứ gì từng được tạo ra bởi sự thông minh của loài người? Bên cạnh mức độ thiết kế và phức tạp thể hiện bởi một cỗ máy phân tử của sự sống, ngay cả những bộ máy tối tân nhất của chúng ta trông thật vụng về…”

Hãy xem hình 1 và hình 2 ở trên để hình dung về sự phức tạp của tế bào theo sinh học phân tử. Ngoài ra, video “Đời sống bên trong một tế bào” của Bio Visions ở đại học Harvard minh hoạ cho ta một phần nhỏ của những gì xảy ra bên trong cỗ máy phức tạp vô hạn nhưng là thành phần cơ bản nhất của một cơ thể sống này: https://www.youtube.com/watch?v=wJyUtbn0O5Y 

Vậy nên mỗi tế bào sống như là một con tàu vũ trụ siêu nhỏ siêu phức tạp chứ không phải là một hóa chất hydro-carbon nào đó. Mà tàu vũ trụ chẳng thể ngẫu nhiên phát sinh từ một cái ao nhỏ có nitơ lưu huỳnh nào đó như Charles Darwin giả thuyết. Sự chọn lọc tự nhiên cũng không thể giải thích được tế bào đầu tiên (con tàu vũ trụ siêu nhỏ đầu tiên) đã xuất hiện thế nào, để rồi sinh sôi mà chọn lọc [7]. Kỹ thuật siêu việt trong mỗi tế bào sống chỉ có thể được kiến thiết bởi một Đấng Sáng Tạo có quyền năng vượt quá sự tưởng tượng của con người.

Richard Huynh

.Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài tham khảo

[1] Nghĩa của từ Hữu cơ – Từ điển Việt 

[2] hữu cơ – Wiktionary tiếng Việt 

[3] Does Organic Mean Living? | The Institute for Creation Research 

[4]  Episode 1/13: Introduction to Abiogenesis // A Course on Abiogenesis by Dr. James Tour 

[5] Dr. Tour EXPOSES the False Science Behind Origin of Life Research 

[6] Systems Biology Perspectives on Minimal and Simpler Cells – PMC 

[7] Sự Chọn Lọc Tự Nhiên Không Thể Giải Thích Nguồn Gốc Sự Sống 

[8] Refuting Evolution chapter 9: Is the design explanation legitimate? 

[9] Giáo sư James Tour – Wikipedia 

Bình Luận:

You may also like