Home Chuyên Đề Cái Giá Của Sự Sáng

Cái Giá Của Sự Sáng

by Oneforisrael.org
30 đọc

Ánh sáng rất đắt đỏ, vì nhiều hộ gia đình đang phát hiện ra hóa đơn tiền điện của nhà mình ngày càng tăng. Cho dù ánh sáng được tạo ra bằng điện, nến hay lửa, thì phải có một thứ gì đó bị đốt cháy để tạo ra ánh sáng đó. Một cái gì đó phải bị tiêu thụ. Và điều đó có cái giá phải trả. Tôi không biết bạn đã bao giờ suy nghĩ về chi phí để giữ cho chiếc chân đèn khổng lồ được thắp sáng cả ngày lẫn đêm trong đền thờ chưa, chi phí đó sẽ không hề rẻ. Ánh sáng là một khái niệm thú vị mà Đức Chúa Trời sử dụng trong suốt Kinh Thánh để dạy chúng ta những lẽ thật quan trọng trong thuộc linh. Dưới đây là một vài suy ngẫm về vấn đề này.

Chúa là Sự Sáng

Thật lạ khi Chúa được mô tả như sự sáng (Giăng 1:5), cũng như Cha sáng láng (Gia-cơ 1:17) vì ánh sáng là một phần trong trật tự được tạo dựng của Ngài. Nhưng dù sao đi nữa, Kinh Thánh thường sử dụng chủ đề ánh sáng và bóng tối để mô tả điều thiện và điều ác. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi điểm đặc trưng của đền tạm là chân đèn vàng, tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Một điều kỳ lạ khác là cách mà bóng tối nuốt chửng những thứ xung quanh, lại hấp thụ ánh sáng, trong khi ánh sáng tỏa ra nhẹ nhàng, tác động đến môi trường và chiếu sáng mọi thứ xung quanh để đẩy lùi bóng tối. Đây là hai nguồn năng lượng mà chúng ta thấy được về Đức Chúa Trời và kẻ thù, ánh sáng và bóng tối: Đức Chúa Trời có quyền năng vô hạn, nguồn lực vô biên, trong khi Sa-tan thì có hạn. Hắn chỉ là một tạo vật được thọ tạo và không có nguồn sức mạnh của riêng mình như Chúa. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời cũng sử dụng hình ảnh suối nước không ngừng tuôn chảy để mô tả về Ngài. Ở những ngóc ngách bụi bặm của vùng Trung Đông, một dòng suối sủi bọt trắng xóa là một điều kỳ diệu đáng chú ý, vì dòng nước đó mang lại sự sống và không ngừng tuôn chảy. Đức Chúa Trời là nguồn xuất phát, là Đấng ban cho, là nguồn nước không bao giờ cạn, là ánh sáng tiếp tục xuyên qua bóng tối. Mặt khác, Sa-tan giống như một khoảng chân không, giống như một hố đen vừa hút vừa hủy diệt. Sứ đồ Giăng (một người rất hâm mộ chủ đề ánh sáng/bóng tối) đã tóm tắt ý tưởng này một cách hoàn hảo:

Kẻ trộm chỉ đến để cướp, giết, và hủy diệt; còn Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn.” (Giăng 10:10)

Đó là sự tương phản. Chúa ban cho, Sa-tan cướp lấy. Đó là lực tác động.

Quyền năng tác động

Chúng ta thấy lực tác động này được thể hiện một cách thực tế trong bản ký thuật về việc Chúa Giê-xu đang trên đường đến để chữa lành cho con gái của Giai-ru…

Khi Đức Chúa Giê-xu đang đi, dân chúng lấn ép Ngài tứ phía. Có một phụ nữ bị rong huyết đã mười hai năm; dù đã tốn hết tiền của cho nhiều thầy thuốc, nhưng không ai chữa được cho bà. Bà đến đằng sau và chạm vào gấu áo Ngài thì lập tức máu cầm lại. Đức Chúa Giê-xu phán: “Ai đã chạm đến Ta?” Không một người nào nhận cả, nên Phi-e-rơ và đồng bạn nói: “Thưa Thầy, đoàn dân vây quanh và lấn ép Thầy đó!” Đức Chúa Giê-xu phán: “Có người nào đã chạm đến Ta, vì Ta nhận biết có năng lực từ Ta phát ra.” Khi thấy mình không thể giấu được nữa, người phụ nữ run sợ đến phủ phục trước Ngài và tỏ thật trước mặt dân chúng lý do nào bà đã chạm đến Ngài và liền được chữa lành ra sao. Đức Chúa Giê-xu phán với bà: “Hỡi con gái Ta, đức tin con đã chữa lành con; hãy đi bình an!”” (Lu-ca 8:42b-48)

Ốm đau và bệnh tật là công việc của tội lỗi và Sa-tan, không phải Đức Chúa Trời. Có một sự tan vỡ, và nhu cầu về quyền năng chữa lành cũng như sức mạnh được chuyển giao. Chúa Giê-xu cảm thấy mất sức, Ngài cảm thấy quyền năng từ Ngài xuất ra. Đây là chức vụ.

Sức mạnh phát ra từ chúng ta truyền đến những người khác. Muốn có ánh sáng năng lượng phải bị thiêu thụ.

Ở đây không có gì sai, nhưng chúng ta cần hiểu điều gì đang xảy ra. Nếu chúng ta không làm như vậy, chúng ta sẽ nhanh chóng bị kiệt quệ và không còn sức lực khi chúng ta cố dốc hết sức và tỏa sáng bằng năng lực của riêng mình. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-xu thường dành thời gian để ở một mình với Đức Chúa Cha. Được bổ sức lại với quyền năng vĩnh cửu mà Đức Chúa Trời cung cấp một cách không giới hạn. Tuy nhiên, không chỉ trông chờ vào sự dư dật của Đức Chúa Trời để đổ đầy chúng ta khi chúng ta kiệt sức, chúng ta còn có trách nhiệm phải cầu hỏi ý Ngài để biết điều gì nên làm thay vì chạy lòng vòng để giải quyết mọi nhu cầu mà chúng ta nhìn thấy. Chúng ta cần khám phá những kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho mình và biết được nơi Ngài đang hành động.

Đức Chúa Giê-xu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, Con không thể tự mình làm điều gì, nhưng chỉ làm điều Con thấy Cha làm; vì bất cứ điều gì Cha làm, Con cũng làm như vậy.”” (Giăng 5:19)

Nguồn năng lượng

Nếu ngay chính Chúa Giê-xu cũng phải cẩn thận phục vụ trong phạm vi Đức Chúa Trời đang hành động, phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời, thì chúng ta càng phải cẩn thận biết bao để không chạy lung tung như những con gà mất đầu mà không cầu hỏi ý kiến của Đức ​​Chúa Cha về những gì Ngài muốn chúng ta làm mỗi ngày? Và Đức Chúa Trời thực sự có công việc để chúng ta làm mỗi ngày. Ngài đã hoạch định những công việc tốt lành cụ thể cho từng người chúng ta:

Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Giê-xu để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:10)

Đức Chúa Trời không hề bị giới hạn, nhưng chúng ta thì có. Chúng ta phải liên tục quay trở lại nguồn phát ra năng lượng để nạp điện cho mình.

Ánh sáng thật đắt đỏ, và phó sự sống mình cho người khác là một cái giá rất đắt. Chúng ta phải tiêu xài một cách khôn ngoan, như Chúa dẫn dắt. Ngài biết chúng ta nên đầu tư vào đâu, và những việc gì thì nên để cho người khác tự lo. Ngài có thể chỉ cho chúng ta nơi cần được chiếu sáng để đạt được hiệu quả tối đa, và khi bước đi trong quyền năng của Thánh Linh Ngài, chúng ta có thể làm được nhiều hơn những gì chúng ta có thể làm bằng sức riêng của mình. Chúa Giê-xu bảo các môn đồ hãy đợi tại Giê-ru-sa-lem cho đến khi Đức Thánh Linh ngự đến, rồi họ mặc lấy quyền phép từ trên cao mà ra đi. Đó là một viễn cảnh rất khác! Thật táo bạo! Thật kỳ diệu! Vì vậy, theo cách tương tự, hãy đảm bảo rằng chúng ta đang dành thời gian chờ đợi Chúa để chúng ta hoạt động trong quyền năng của Thánh Linh Ngài và phù hợp với kế hoạch của chính Ngài.

“…dân sự biết Đức Chúa Trời mình sẽ mạnh mẽ mà làm.” (Đa-ni-ên 11:32b)

Nếu chúng ta bước đi trong sức mạnh của Đức Chúa Trời để làm những công việc tốt lành mà Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta làm, thì chúng ta có thể mong đợi nhìn thấy những điều vĩ đại hơn tuôn chảy từ đời sống của chúng ta so với bất kỳ con người nào có thể đạt được—những kỳ tích vĩ đại! Với quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời tuôn chảy qua chúng ta, chúng ta có thể làm được những việc lớn hơn sức mình. Con cái Đức Chúa Trời có thể làm những điều phi thường khi chúng ta chiếu sáng cho Ngài trong thế giới tối tăm này. Nhưng để không bị cạn kiệt năng lượng khi chiếu ra ánh sáng của mình, chúng ta phải liên tục kết nối với nguồn ánh sáng và sự sống vô tận, đó là Đức Chúa Trời.

Nếu ngươi dốc lòng lo cho người đói, và đáp ứng nhu cầu kẻ khốn cùng, thì ánh sáng của ngươi sẽ chiếu ra trong bóng tối, và sự tối tăm của ngươi sẽ sáng ngời như giữa trưa. Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi, làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn lớn; làm vững mạnh các xương cốt ngươi; Ngươi sẽ như vườn năng tưới, như suối nước chẳng hề khô cạn.” (Ê-sai 58:10-11)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like