Home Chuyên Đề 4 Điều Hủy Hoại Một Đời Sống Biết Thỏa Lòng Và Cách Tránh Xa Chúng

4 Điều Hủy Hoại Một Đời Sống Biết Thỏa Lòng Và Cách Tránh Xa Chúng

by Richard Huỳnh
30 đọc

So Sánh, Đòi Hỏi, Tham Lam, FOMO – 4 Điều Hủy Hoại Một Đời Sống Biết Thỏa Lòng Và Cách Tránh Xa Chúng

Vả sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn.” – 1 Ti-mô-thê 6:6

Con người cần phải có những gì để có thể được thành công và hạnh phúc? Thế gian muốn ta tin rằng để thành công cần phải có thêm nhiều của cải, địa vị, tiền bạc hay trải nghiệm. Đây là cách mà xã hội định nghĩa về sự thành công: Bạn phải là một người đàn ông hay phụ nữ có tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Hãy làm việc chăm chỉ, hãy nỗ lực và làm tất cả những gì có thể để đạt được những đỉnh cao mà trước đây chúng ta chưa từng với tới. Nhưng thay vì trở nên hạnh phúc hơn, thái độ này chỉ khiến bạn khổ sở hơn.

Đằng sau tất cả những điều này là sự nguy hiểm của việc không thỏa lòng khiến chúng ta ráng sức vì những lý do sai lầm và bỏ lỡ những thứ giá trị hơn mà ta đang có. Đúng, chẳng có gì sai khi mong muốn những điều to lớn hơn, nhưng không thỏa lòng và mong muốn là hai thứ khác nhau.

Không thỏa lòng đến không phải vì chúng ta còn thiếu thốn, nhưng bởi vì chúng ta tập trung vào việc có thêm những thứ mà chúng ta nghĩ sẽ đem lại cho mình sự thỏa mãn. Ma-thi-ơ 6:19-21 dạy, “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.

Nếu chúng ta muốn phá vỡ chu kỳ này, chúng ta phải tìm kiếm những điều đúng đắn và hãy quay lưng lại với bốn điều sau đây là những điều sẽ lấy đi sự thỏa lòng của chúng ta.

1. So Sánh

Bạn lướt mạng xã hội và thấy bạn mình đang vui hưởng kỳ nghỉ. Suy nghĩ đầu tiên của bạn là gì? Nếu đó là “Ước gì lúc này mình cũng đang đi nghỉ,” thì có khả năng việc so sánh đang làm bạn đánh mất sự thỏa lòng và khiến bạn bất mãn với hoàn cảnh hiện tại của mình. So sánh không lành mạnh gây ra thèm muốn, rồi cuối cùng dẫn đến bất mãn một cách không lành mạnh.

2. Đòi Hỏi Quyền Lợi

Ý thức mạnh mẽ về quyền lợi của mình hay sự ảo tưởng về bản thân khiến chúng ta nghĩ, “Mình xứng đáng được hưởng điều này.” Khi chúng ta bắt đầu nghĩ mình xứng đáng được nhiều hơn những gì mình đã có, hãy nhớ Kinh Thánh nói gì về điều mà chúng ta xứng đáng nhận được. Rô-ma  6:23 nói, “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta.” Tất cả những gì chúng ta có chỉ là nhờ ân điển của Chúa. Chúng ta chẳng đáng gì, nhưng Chúa đã cho chúng ta tất cả.

3. Tham Lam

Lòng tham khiến chúng ta muốn ngày càng nhiều những thứ sai trái và cái giá phải trả là mất đi những thứ quan trọng hơn. Tham lam khiến chúng ta muốn có nhiều tài sản trên đất nhưng lại đánh mất bông trái thuộc linh, hoặc để có được nhiều thứ giá trị hơn mà đánh đổi mối tương giao với Đức Chúa Trời và với người khác. Điều trớ trêu đằng sau sự tham lam là nó chẳng bao giờ được thỏa mãn. Vậy nên cách tốt nhất để chống lại sự tham lam là có lòng biết ơn—hãy biết ơn những gì chúng ta hiện đang có trước khi mong muốn nhiều hơn nữa.

4. Hội Chứng Tâm Lý FOMO

* Hội chứng FOMO là nỗi sợ hãi mình bỏ lỡ những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm. Hội chứng này khiến bạn chạy theo đám đông.

FOMO là một dịch bệnh đang gia tăng trong xã hội hiện đại. Ngày càng có nhiều người nghĩ rằng nếu họ không có được những gì người khác có thì họ sẽ thua thiệt hoặc bị xã hội cho ra rìa. Để chống lại căn bệnh FOMO này, chúng ta phải tin cậy vào Đấng Christ là suối nguồn đích thực cho đời sống của chúng ta. Như Chúa Giê-xu đã từng nói, “Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn” (Giăng 10:10). Chúa Giê-xu đã hứa một đời sống sung mãn không gì so sánh được. Điều này khiến chúng ta tin cậy Ngài và thôi sợ hãi rằng mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó tốt đẹp vì không ai ở trong Đấng Christ mà lại bỏ lỡ điều tốt lành gì trong cuộc sống.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: christiantoday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like