Cầu vồng được nhìn thấy sau cuộc không kích của lực lượng trung thành với Tổng-thống Syria Bashar al-Assad vào bệnh viện dã chiến chính ở thị trấn Douma, đông Ghouta ở Damascus ngày 29/10/2015.
Câu chuyện về con tàu của Nô-ê là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong Cựu Ước. Chúng ta thường kể câu chuyện này cho các em nhỏ ở trường Chúa Nhật và các em thích thú khi tưởng tượng ra cảnh những con vật đi từng cặp vào trong tàu. Chúng ta không nhấn mạnh vào những gì đã xảy ra cho phần còn lại của thế giới khi dạy câu chuyện này cho các em, điều này là phù hợp với độ tuổi của các em (mặc dù chúng ta phải chia sẻ một cách đầy đủ khi giảng cho người lớn).
Tuy nhiên, có một phần của câu chuyện mà cả người lớn và trẻ em đều thích thú là chi tiết về cầu vồng. Trong Sáng-thế Ký 9:12-17, sau khi nước lũ rút đi, Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ lập một giao ước với loài người và cầu vồng sẽ là dấu chỉ của giao ước đó: “Ta đặt mống của Ta trên từng mây, dùng làm dấu chỉ sự giao ước của Ta với đất.… nước chẳng bao giờ lại trở nên lụt mà hủy diệt các loài xác thịt nữa.”
Nhưng tại sao phải là cầu vồng?
Có một lý do khá nên thơ về cầu vồng. Cầu vồng xuất hiện sau những cơn bão khi ánh sáng mặt trời chiếu vào những giọt nước trong không khí làm xuất hiện khúc xạ tạo ra những màu sắc khác nhau mà chúng ta không phải lúc nào cũng thấy được. Mưa có lúc nhỏ lúc to nhưng nói chung, bạn biết khi nhìn thấy cầu vồng, thì dù cơn bão có dữ dội đến đâu, nó cũng sẽ kết thúc. Bạn không phải lo lắng về một trận mưa không bao giờ ngừng.
Nhưng còn một lý do khác nữa. Từ này trong tiếng Do Thái không phải là “cầu vồng”, nó chỉ “cây cung”, như trong “cung và tên”. Nó là một cây cung dùng trong chiến trận, một vũ khí chết người. Đã có sự hủy diệt khủng khiếp trên đất, và Đức Chúa Trời đã làm điều đó. Ngài giáng mưa xuống gây ra cơn nước lụt tiêu diệt mọi sinh vật ngoại trừ những con người và động vật trên tàu. Chúng ta có thể tưởng tượng Ngài đang nhìn xuống thế gian từ trên trời.
Và điểm đáng chú ý về cây cung mà Ngài “đặt trên các tầng mây” là nó chỉ về một hướng khác. Cây cung đó sẽ không còn được sử dụng như một vũ khí đe dọa thế gian nữa.
Dấu chỉ này là một dấu ấn lâu dài về sự chăm sóc yêu thương của Đức Chúa Trời đối với thế giới mà Ngài đã dựng nên. Trong bối cảnh của câu chuyện, điều đó có nghĩa là Ngài sẽ không quét các quân cờ ra khỏi bàn cờ khi ván cờ không theo ý Ngài; con người sẽ làm Ngài thất vọng và không ngừng phản bội Ngài, nhưng Ngài sẽ đối xử với họ một cách kiên nhẫn và đầy yêu thương để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp.
Nhưng cầu vồng cũng có một ý nghĩa cá nhân đối với chúng ta.
George Matheson là một học giả nổi tiếng người Scotland và là người viết thánh ca. Ông đã có một cuộc sống khó khăn về nhiều mặt. Người ta nói rằng vợ sắp cưới của ông hủy bỏ hôn ước chỉ vì ông bị mù nhưng có lẽ không đúng (ông gần như mù hoàn toàn vào năm 20 tuổi), nhưng có lẽ vì ông đã trải qua đủ mọi thử thách. Một trong những bài thánh ca của ông, O Love That Wilt Not Let Me Go, có câu:
Sự vui mừng tìm kiếm tôi qua nỗi đau,
Tôi không thể đóng cửa tấm lòng mình lại với Ngài;
Tôi đuổi theo cầu vồng qua cơn mưa
Và nhận thấy lời hứa không hề viển vông
Những giọt lệ than khóc sẽ không còn
Cánh cung chiến trận của Đức Chúa Trời đã quay lưng lại với tất cả chúng ta. Cho dù chúng ta có cảm thấy thấp thỏm đến mức nào đi nữa và bất cứ tội lỗi nào mà chúng ta có thể mắc phải, Ngài cũng sẽ không gạt chúng ta sang một bên. Ngài sẽ luôn hành động vì lợi ích của chúng ta; chúng ta luôn có một tương lai phía trước.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: christiantoday.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com