Kinh thánh: Ma-thi-ơ 23:29-33
29 Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi xây đắp mồ mả của đấng tiên tri, trau dồi mồ mả của người công bình, 30 và nói rằng: Nếu chúng ta ở cùng một thời với tổ phụ, thì không hùa theo người mà làm đổ máu các đấng tiên tri vậy. 31 Ấy đó, các ngươi tự làm chứng cho mình rằng thật là con cháu những người giết các đấng tiên tri. 32 Vậy thì hãy làm cho đầy dẫy cái lường của tổ phụ các ngươi! 33 Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được?
Lời ngỏ:
Khi nói đến từ “nghĩa địa” hay “nghĩa trang”, chúng ta thường hiểu đó là nơi chôn người đã khuất. Nhưng hai từ này cũng có điểm khác nhau. Đối với một số người cho rằng “nghĩa trang” là nơi rất trang trọng, bởi vì nơi đó chôn cất những tử sĩ đã hy sinh vì nghĩa lớn của đất nước dân tộc. Còn “nghĩa địa” là nơi chôn cất những người người dân bình thường. Chính vì thế, nghĩa trang được chính phủ tài trợ toàn bộ về chi phí mai táng và kinh phí để bảo quản, chăm sóc định kỳ; cũng như mẫu mã các ngôi mộ thì được xây dựng tương tự như nhau thành hàng dọc hàng ngang rất ngăn nắp. Vào những kỳ lễ lớn của quốc gia như ngày thương binh liệt sĩ thì được các chính khách đến dự với lễ nghi trang trọng trước những ngôi mộ sơn trắng toát. Còn nghĩa địa được xây dựng với đa dạng mẫu mã, lớn nhỏ khác nhau vì nhiều người dân có thân phận và địa vị khác nhau. Người giàu có thì cho xây những phần mộ to lớn như một dinh thự. Trong khi phần mộ người nghèo thì xây ọp ẹp, tạm bợ. Thậm chí, vì mưa nắng mà nhiều phần mộ bị san bằng không còn tên tuổi cùng ngày sinh tháng tử.
Tuy nhiên, khi thời thế thay đổi, hoàn cảnh đất nước hay dân tộc thay đổi thì nhiều nơi “nghĩa trang” từng được xem là nơi trang trọng lại bị bỏ hoang phế hơn cả “nghĩa địa”, ai đi ngang cũng rùng mình vì sự hoang phế của nó. Có những phần mộ một thời từng được vinh danh vì chôn những anh hùng dân tộc, nhưng lại là phần mộ bị xem là chôn kẻ phản bội tổ quốc, đã gây tội ác với dân tộc. Thậm chí, có những ngôi mộ đã bị đào bới lên, những xương cốt còn lại bị thiêu rụi thành tro tàn và bị ném đi như đồ ô uế.
Những câu Kinh Thánh vừa đọc là lời khiển trách thứ bảy của Chúa Giê-xu đối với người Pha-ri-si “xây đắp mồ mả của đấng tiên tri, trau dồi mồ mả của người công bình” nhưng thực ra chính họ là “những người giết các đấng tiên tri”. Bối cảnh đoạn Kinh Thánh này liên quan đến chính sách chính trị và kinh tế của vua Hê-rốt. Ông có gốc tích là người Ê-đôm, một dân tộc trước đây là kẻ thù của dân Do Thái, nên khi lên ngôi làm vua dân Do Thái, theo lời trăn trối của cha là thượng thư Antipater rằng: đừng làm mất lòng hoàng đế Sê-sa của Rô-ma, và đừng làm mất lòng niềm tin tôn giáo của người Do thái. Nên ông đã cho thu thuế cao nộp cho Rô-ma như là một nước ứ thảy chư hầu trung thành, và vì muốn lấy lòng dân Do thái nên ông đã cho xây dựng đền thờ tại Giê-ru-sa-lem kéo dài đến 37 năm xây cất. Và cũng cho phép người Do thái xây dựng khu nghĩa trang để dời những ngôi mộ của các tiên tri rải rác khắp nơi.
Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si luôn tự hào về điều họ làm là điều công bình. Họ cho rằng nếu họ sống trong thời của tổ phụ họ thì chắc sẽ không giết các tiên tri ấy. Họ không ngờ rằng chính điều họ thừa nhận và điều họ làm đã tố cáo bề trong sâu kín nhất của họ. Chúa Giê-xu chứng minh rằng họ chính là con cháu của những người giả hình và bất phục Đức Chúa Trời. Họ vẫn như tổ phụ họ và vẫn đang tiếp tục công việc của tổ phụ họ là bắt bớ người công bình bằng những phương cách tinh vi khác nhau. Chính họ đã hùa theo Hê-rốt A-chê-la-u là con của Hê-rốt đại đế đã giết Giăng Báp-tít vì cớ đã nói điều công bình của Chúa khác với điều ông hành động. Tiếp theo là họ cùng với những nhà lãnh đạo tôn giáo như Cai-phe đã lập mưu để giết Ngài. Sau này là ra tay giết các sứ đồ, chấp sự, tín hữu tin theo Ngài. Đây là một thảm kịch bày tỏ việc họ chống lại Chúa vẫn còn tiếp tục. Lịch sử hội thánh cho thấy, nhiều người đã đi vào vết xe đổ của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si năm xưa mà bị Chúa phán xét.
Vậy thì, Hội thánh Chúa hay các cộng đồng Cơ đốc ngày nay có nên huy động vốn, kêu gọi tài chính để mua đất và xây cất những khu nghĩa trang dành cho các giáo sĩ hay các mục sư, truyền đạo đã tuận đạo hay hy sinh cả đời hầu việc Chúa có một nơi chôn cất chung hay không? Tại Việt Nam hiện nay đã có các nơi như ‘Ân từ viên’, ‘An bình viên’ của Hội thánh Tin lành. Ngay tại Hàn quốc và một số nước khác cũng có nghĩa trang dành cho các giáo sĩ nước ngoài đã hầu việc Chúa cho đến chết hay đã tuận vì đạo. Khu nghĩa trang này rất nổi tiếng tại Hán thành mang tên Yang-hwa-jin (양화진).
Kết luận
Việc Hội thánh Chúa hay các cộng đồng Cơ đốc cùng nhau dâng hiến tiền bạc, công sức để xây dựng nghĩa trang mang tính Cơ đốc là việc tốt lành. Vì ít ra cũng thể hiện lòng cảm kích và biết ơn những người đã để cả đời hầu việc Chúa hay vì Chúa mà tuận đạo. Hơn là cứ bỏ mặc cho thi thể họ không nơi yên nghỉ, gia đình họ oán than. Nhưng điều chúng ta cần lưu ý là chúng ta làm công việc đó với động cơ gì? Khi chúng ta xây dựng được những khu nghĩa trang như thế, thay vì tự hào về những việc mình làm thì nên thấy đó là nơi để nhắc nhở chúng ta vì tội lỗi của mình và tổ phụ mình mà những người của Đức Chúa Trời đã bị giết chết để hạ mình xuống, ăn năn tội lỗi mà trở về cùng Chúa. Không chỉ bản thân mỗi người chúng ta mà thôi, mà con cháu chúng ta nữa nếu khi nào có dịp đến viếng những nơi này thì nên nhớ những điều mà những người đầy tớ Chúa trước khi nằm xuống đã nhân danh Chúa rao giảng, họ đã nghe tiếng phán của Chúa để sẵn sàng kêu gọi con dân Chúa ăn năn tội lỗi, trung tín trong sự kính sợ Chúa. Vậy chúng ta và con cháu hãy xé lòng mình ra khi được Chúa thăm viếng và chạm đến những bằng chứng lịch sử này.
Là tôi con Chúa, chúng ta cần nhắc nhở nhau hãy thật lòng tin kính và trung tín với Chúa cho đến chết. Cho dù được chôn trong khu nghĩa trang, hay bị bỏ bê nơi nghĩa địa thì biết rằng Chúa đã cứu linh hồn mình, và sẽ biến đổi bụi đất với nắm tro tàn thành thân thể mới giống như thân thể phục sinh của Chúa trong ngày Chúa Giê-xu tái lâm khải hoàn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Chúng con thật xấu hổ vì đã từ chối Chúa và sỉ nhục nhiều đầy tớ Chúa trong khi họ nhân danh Chúa để cảnh cáo những điều sai trái của chúng con. Ôi Chúa! Xin cho chúng con tấm lòng mềm mại để khi bị cảnh cáo thì biết hạ mình, ăn năn để làm lại cuộc đời với sự tái sinh bởi Thánh Linh.
Nguyện xin Chúa thương xót và vùa giúp chúng con để chúng con không rơi vào vết xe đổ của tổ phụ chúng con, nhưng đi theo con đường mới và sống thông qua thân và huyết Chúa Giê-xu, thông qua sự biến cải từ bên trong tấm lòng của Đức Thánh Linh.
Cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Viết bởi Thiên Gia Vĩnh
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com