Home Chuyên Đề Nói Sự Thật Trong Tình Yêu Thương Là Nói Như Thế Nào?

Nói Sự Thật Trong Tình Yêu Thương Là Nói Như Thế Nào?

by Richard Huỳnh
30 đọc

“Nhưng Ngài muốn chúng ta nói ra sự thật trong tình yêu thương, để chúng ta được tăng trưởng trong mọi phương diện hướng đến Đấng Christ, là đầu”Ê-phê-sô 4:15

Có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Sự thật được ví như thuốc đắng, khó chịu, khó nuốt, dễ gây mất long, nhưng có thể giúp người nghe dã tật, biết mà sửa những cái sai cái dở của mình. Chắc vì nghĩ việc nói sự thật đằng nào cũng đắng, cũng mất lòng, nên nhiều người nghĩ nói thế nào cũng được. Thậm chí, có người còn có thói quen phải nói thật to, thật nặng, thật sắc thì người ta mới thấm. Mình đang làm việc có lợi cho người ta, chịu mất lòng cũng được.

Nhưng theo Kinh Thánh thì việc nói sự thật không thì chưa đủ và chưa đúng. Ta phải nói sự thật trong tình yêu thương mới đúng và đủ. Có nói sự thật mà không có tình yêu thương thì vẫn là sai, là vô ích.

Mà nói trong tình yêu thương là nói như thế nào? Sau đây là những câu Kinh Thánh dạy ta cách ăn nói với tình yêu thương:

1. Là nói lời tốt đẹp, có tính xây dựng, đem ơn phước ích lợi đến cho người nghe.

“Chớ có một lời độc ác nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói những lời tốt đẹp, có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe.”Ê-phê-sô 4:29

2. Là nói lời có ân hậu, mặn mà

“Lời nói của anh em phải luôn có ân hậu và nêm thêm muối, để anh em biết phải đối đáp thế nào với mỗi người.”Cô-lô-se 4:6

3. Là tránh lời gây gổ xúc phạm, nói lời dịu dàng nhã nhặn

“không xúc phạm ai, tránh gây gổ, nhưng hãy dịu dàng và cư xử hết sức nhã nhặn với mọi người.”Tít 3:2

4. Là chăm nghe, chậm nói, chậm giận

“Thưa anh em yêu dấu của tôi, anh em phải biết điều nầy: Mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận”Gia-cơ 1:19

5. Là biết kiềm chế không nói những lời không nên nói

“Kẻ ngu dại bộc lộ cơn giận dữ của mình, Còn người khôn ngoan kiên nhẫn kiềm chế nó.”Châm Ngôn 29:11

6. Là biết nhịn nhục và có lòng nhân từ khi nói

“Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ…”1 Cô-rinh-tô 13:4

Nhịn nhục (nhẫn nhịn) là biết chịu đựng, tiết chế bản thân khi bị khiêu khích. Có lòng nhân từ là làm điều tốt cho người khác cả khi họ không xứng đáng và không thể báo đáp cho ta. Lời nói trong tình yêu thương là lời nói trong sự chịu đựng, tiết chế với ý muốn làm tốt cho người khác cả khi họ gây chuyện khiêu khích và không xứng đáng.

7. Là không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không tư lợi, không ấp ủ điều dữ khi nói

“tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ”1 Cô-rinh-tô 13:5

Đây là một danh sách dài những điều tình yêu thương không làm, và lời nói trong tình yêu thương cũng phải vậy.

8. Là nói lẽ công bằng đem lại niềm vui trong sự thật

“[tình yêu thương] không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật.”1 Cô-rinh-tô 13:6

Lời nói trong tình yêu thương không chỉ bày tỏ sự thật, mà còn phải giải thích lẽ công bằng yêu thương, khiển trách chỉnh sửa những điều bất công, đem lại niềm vui trong sự thật.

9. Là thể hiện sự dung thứ, tin tưởng, hi vọng, chịu đựng ở người nghe

“Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự.”Cô-rinh-tô 13:7

Nói lẽ thật không chưa đủ, nói trong tình yêu thương còn phải thể hiện ta vẫn chịu đựng, dung thứ, tin tưởng, hi vọng nơi họ, rằng họ sẽ tiếp thu dù nó “đắng”, chỉnh sửa để được “dã tật”, và trở thành người bạn tốt hơn của ta.

Lợi ích của việc nói sự thật trong tình yêu thương

Nói sự thật là một việc làm nguy hiểm. Nó đắng với người nghe và dễ gây mất lòng hai bên. Nhưng tình yêu thương đem lại cho lời nói những hiệu quả sau

1. Giúp người nghe dễ tiếp thu.

Thuốc đắng, vậy nên thuốc phải bọc đường cho người ta dễ uống. Lời nói sự thật cũng đắng, vậy nên lời nói sự thật cũng phải bọc trong tình yêu thương để người nghe thấy dễ chịu, cảm nhận được lòng yêu thương, quan tâm, xây dựng, ý tốt cho mình của người nói mà tiếp nhận.

2. Giúp xây dựng mối quan hệ, không bị mất lòng.

Nói trong tình yêu thương giúp ta tránh nóng giận nói lời gây gổ xúc phạm, ra vẻ kiêu ngạo hơn người, thể hiện lòng yêu quí người nghe. Nhờ đó, dẫu sự thật có đắng lòng thì người nghe vẫn nhận thấy ý tốt và trân trọng tình cảm của ta.

3. Được đẹp lòng Đức Chúa Trời và tránh phạm tội.

Đức Chúa Trời dạy ta phải nói trong tình yêu thương, vậy nên việc làm theo lời Ngài là đẹp lòng Ngài và được phước. Ngược lại, lời nói không có tình yêu thương, nóng giận, gây gổ, xúc phạm… là nghịch lời Chúa và phạm tội.

Tổng kết

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, và thật sự là như vậy. Do đó, khi nói sự thật với ai, ta đừng nói cách cẩu thả nóng giận kẻo người ta không tiếp thu mà hỏng mối quan hệ, và còn sai theo Chúa. Ta phải nói lẽ thật trong tình yêu thương theo lời dạy của Kinh Thánh. Như thế, ta sẽ hóa giải cái đắng của việc nói thật, giúp người nghe dễ tiếp thu, xây dựng mối quan hệ tránh mất lòng, được đẹp lòng Chúa và không bị phạm tội với Ngài.

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithan.com

Bình Luận:

You may also like