Home Chuyên Đề 10 Cách Ứng Xử Vô Tình Thiếu Tôn Trọng Chồng

10 Cách Ứng Xử Vô Tình Thiếu Tôn Trọng Chồng

by Crosswalk.com
30 đọc

Phụ nữ mong muốn được yêu thương, còn nam giới thì mong muốn được tôn trọng. Sự tôn trọng, dưới mọi hình thức, nói lên rất nhiều điều đối với người nam và thường khiến họ cảm thấy xứng đáng với tình cảm của vợ mình.

Vợ chồng tôi quyết định nói chuyện thẳng thắng với nhau về vấn đề này và tôi thực sự vui mừng vì điều đó đã thành công! Đôi khi, chúng ta có thể mù quáng trước những khuyết điểm của bản thân, nên chúng ta phải dành thời gian để yêu cầu người bạn đời của mình mạnh dạn và chia sẻ những điều đó với chúng ta một cách đầy yêu thương.

1. Thao túng cảm xúc

Bạn có bao giờ sử dụng tâm trạng của mình để kiểm soát phản ứng của chồng không? Ví dụ: Bạn đã bao giờ trả lời cộc lốc rằng, “Không có gì. Em ổn. Em không quan tâm” – trong khi điều đó thực sự không ổn và bạn thực sự quan tâm? Khiến cho chồng có cảm giác tội lỗi, khi cố tình nói quá lên mọi chuyện chẳng hạn như, “anh luôn luôn làm vậy” và “anh chẳng bao giờ…”, thường xuyên kiếm chuyện để gây gỗ một cách trực tiếp hay gián tiếp, chiến tranh lạnh, đưa ra tối hậu thư, khóc lóc để được thương hại hoặc tỏ ra thất vọng quá mức là nhiều cách mà phụ nữ thao túng tình cảm của chồng mình.

Hỡi chị em, tôi muốn khuyến khích các chị em sử dụng lời nói của mình một cách đầy ơn. Hãy thành thật với cảm xúc của mình dù đó là thất vọng hay đau buồn – không ai bảo các bạn phải kìm nén cảm xúc – nhưng có một ranh giới trong việc biết điều mình đang nói liệu có giúp ích được gì cho cuộc hôn nhân của mình không hay chỉ là để kiểm soát người trong cuộc.

2. Hành xử như một người mẹ

Được rồi, các bạn, nhiều chị em chúng ta đã được làm mẹ của những con trai và con gái. Nhưng nếu bạn đối xử với chồng cũng giống như với con của bạn thì thật là tai hại. Phụ nữ chúng ta thường phải tranh chiến trong việc lựa chọn lời nói và hành động của mình một cách khôn ngoan hơn, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng được như vậy. Và tôi tin rằng trong nhiều cuộc hôn nhân, người vợ thường cư xử như mẹ của chồng mình, nhưng vì cô ấy nghĩ rằng đó là điều tốt nhất nên thường né tránh vấn đề này và khiến người chồng mất đi tất cả sự độc lập và niềm vui.

Nếu bạn thường xuyên nói với chồng điều gì là tốt nhất cho anh ấy hoặc tự bạn quyết định điều gì bạn thấy đúng thì anh ấy cũng phải nói đúng, thì có khả năng bạn đang đóng vai ‘mẹ’ chứ không phải là ‘một người vợ’. Điều này có xu hướng khiến một người đàn ông cảm thấy mình ngày càng nhỏ bé hơn trong vai trò là người bảo vệ cho vợ con mình.

3. Hay gây hấn

Nhiều người nữ thường hay gây hấn và không muốn chồng mình thắng trong cuộc vãi vã. Nếu anh đáp lại bằng sự nhu mì hoặc im lặng, chúng ta sẽ coi anh là một kẻ hèn nhát. Nếu anh đáp lại bằng sự tức giận, chúng ta sẽ vu cho anh là kẻ bắt nạt. Nếu bạn cần không gian sau một cuộc tranh cãi vì bạn có khuynh hướng thích gây sự cãi cọ, thì hãy dành thời gian ở riêng một mình trước khi quay lại nói chuyện với nhau. ‘Hỡi chị em yêu dấu, chị em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” (Gia-cơ 1:19-20)

4. Làm cho ngột ngạt

Vợ chồng tôi thỏa thuận với nhau là không xài mật khẩu điện thoại và bù lại khi phải đặt những câu hỏi khó và nói ra những sự thật khó mở lời. Tuy nhiên, có một số vấn đề ở đây khi mà ‘sự cởi mở’ trở thành ‘nỗi ám ảnh’ và ‘sự hỏi han’ trở nên ‘ngột ngạt’. Tôi luôn nói rằng nếu một trong hai vợ chồng thực sự muốn ra ngoài và ngoại tình, thì không ai có thể ngăn cản được điều đó.

Nhưng quan trọng hơn, bạn nên đấu tranh cho cuộc hôn nhân của mình. Nếu bạn gặp khó khăn trong vấn đề tin tưởng, cũng đừng khiến chồng bạn cảm thấy ngột ngạt bằng những câu hỏi tò mò khiến anh ấy cảm thấy như thể mình đã làm sai điều gì đó, chỉ vì bạn cho rằng anh ấy đã làm như vậy. Trước tiên – hãy cầu nguyện cho tấm lòng của anh ấy và giao phó anh ấy cho Chúa. Thứ hai, bước ra và nói chuyện với người cố vấn hoặc một cặp vợ chồng có kinh nghiệm trong chuyện này, những người sẵn sàng chịu trách nhiệm giúp đỡ hai bạn vượt qua các vấn đề về sự tin tưởng lẫn nhau mà bạn phải đối mặt.

5. Hay chỉ trích

Nếu bạn dành phần lớn thời gian để chỉ trích những điều mà chồng bạn đã làm sai thay vì khen ngợi những điều mà các anh đã làm đúng, thì rất có thể các anh sẽ cảm thấy như thể họ không bao giờ đủ tốt trong mắt bạn. Lời nói của bạn có sức mạnh để phá hủy hoặc bồi đắp. Hãy thử thách bản thân mỗi ngày để nói lên mười điều tích cực của chồng thay cho mọi lời chỉ trích mà bạn thường nói.

6. Hạ thấp giá trị của chồng trước mặt con cái

Đây là một vấn đề lớn trong rất nhiều cuộc hôn nhân. Làm xấu chồng bạn, đặc biệt với tư cách là một người cha, khi bạn dạy con mình rằng anh ấy không có năng lực và không đáng được tôn trọng. Việc áp đặt quá nhiều quyết định của anh ấy trước mặt con cái không chỉ dạy các con không tôn trọng anh ấy mà còn mang đến sự bất hòa và xung đột thay vì mang lại hòa khí trong gia đình. Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng mình đang làm ‘điều đúng đắn’ bằng cách đánh giá thấp lời nói hoặc quan điểm của chồng, chúng ta sẽ dần ép anh ấy từ bỏ và giao hoàn toàn nhiệm vụ nuôi dạy con cái cho mình.

7. Liếc mắt đưa tình với người khác

Một người phụ nữ dù lén lút hay công khai tán tỉnh những người đàn ông khác đều có khả năng khiến người bạn đời của mình cảm thấy xấu hổ và đụng đến lòng tự trọng của anh ấy ngay lập tức. Khi bạn kết hôn với chồng mình; bạn là của anh ấy và anh ấy là của bạn. Khi chúng ta nói về những người đàn ông khác hoặc ám chỉ sự hấp dẫn của những người đàn ông khác là không tôn trọng chồng và tạo ra sự bất an trong lòng họ.

8. Trốn tránh vấn đề

Nuôi dưỡng mối ác cảm và ghi chép lại những sai trái của chồng, thay vì nói ra và bày tỏ những gì thực sự trong tâm trí của bạn, rất có thể sẽ dẫn đến sự cay đắng và oán hận cho cả hai bên. Nếu bạn tiếp tục để nỗi cay đắng trong lòng mình, bạn sẽ có lúc nhắc lại những sai lầm trong quá khứ khi giữa hai bạn có phát sinh tranh cãi, khiến chồng bạn cảm thấy như mọi chuyện từ trước đến giờ không hề có một chút tiến triển nào.

9. Hay châm chọc

Bạn có hay chọc tức chồng mình không? Bạn thử sức chịu đựng của anh ấy vì mục đích gây chú ý hay để kiểm tra phản ứng của anh ấy? Bạn có cằn nhằn anh ngay khi anh vừa mới về tới nhà vì đã không phụ giúp công việc trong nhà, mặc dù anh ấy đã làm việc 40/60/80 giờ một tuần? Châm chọc được định nghĩa là “một nhận xét được đưa ra nhằm chọc giận, làm tổn thương hoặc khiêu khích ai đó.” Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ công khai thừa nhận rằng chúng ta đang ‘châm chọc’ chồng mình, nhưng hãy nghĩ lại những bình luận được đưa ra trong vài ngày qua – đó là để xây dựng hay để phá bỏ?

10. Đố kỵ với hôn nhân của người khác

Sự thỏa lòng là một lợi lớn. Và khi chúng ta thể hiện sự bất mãn trong cuộc sống, chồng chúng ta ngay lập tức cảm thấy cần phải “sửa chữa, sửa chữa, sửa chữa” cho đến khi cảm thấy không thể làm được gì nữa và anh ấy chỉ muốn từ bỏ. Chúng ta càng lãng phí thời gian và năng lượng để so sánh cuộc hôn nhân của mình (hoặc chồng của mình) với cuộc hôn nhân của người khác, và nói cho anh biết rằng anh không bằng người này hoặc anh cần phải giống như người kia, chúng ta càng bỏ lỡ những thói quen và những ân tứ đẹp đẽ ở người đàn ông mà Chúa đã ban cho chúng ta.

Yêu và kết hôn là chuyện dễ, sống với nhau cả đời mới là chuyện khó. Hãy cầu xin Chúa dạy chúng ta biết cách yêu chồng và vun đắp cho cuộc hôn nhân của mình. Chúa tạo ra đàn ông để xây nhà và đàn bà xây tổ ấm. Những việc này hoàn toàn nằm trong khả năng của các bạn vì các bạn là những người nữ của Đức Chúa Trời.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like