Home Chuyên Đề Chính Xác Thì Phước Lành Là Gì?

Chính Xác Thì Phước Lành Là Gì?

by Oneforisrael.org
30 đọc

Chúng ta thường nói về phước, chúng ta cầu nguyện để được phước, chúng ta đọc trong Kinh Thánh về sự ban phước, nhưng bạn đã bao giờ dừng lại để hỏi – phước lành thực sự có nghĩa là gì chưa? Mọi việc diễn ra tốt đẹp, đúng như ý của mình? Sự thịnh vượng – sức khỏe, sự giàu có và nhiều thứ có vẻ bình thường khác nữa? Sự ưu ái của Chúa? Chính xác thì phước lành là gì? Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý rằng đó là một điều rất tích cực, nhưng khi chúng ta cố gán ý niệm về sự ban phước xuống một định nghĩa, thì phước lành có vẻ đột nhiên trượt ra khỏi tầm hiểu biết của chúng ta. Chúng ta luôn nói về phước lành với tư cách là những người tin Chúa, nhưng có thể chúng ta không thực sự biết chính xác về những gì mà chúng ta đang nói ?

Lần đầu tiên chúng ta bắt gặp phước lành trong Kinh Thánh là ở chương đầu tiên, và nó giúp chúng ta hiểu được điều bí ẩn tuyệt vời này có nghĩa là gì;

Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều.”  (Sáng-thế 1:22)

Vì vậy, điều này phù hợp với ý tưởng về sự thịnh vượng – kết quả và sinh sôi nảy nở. Sau đó, chúng ta thấy trong câu 28:

Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.

Đức Chúa Trời ban phước cho các tạo vật và sau đó Ngài ban phước cho A-đam và Ê-va. Nhưng phước lành này có hơi khác một chút… vâng, phước lành này có sự sinh sôi và nảy nở, nhưng cũng có quyền hạn và thẩm quyền để quản trị các tạo vật và làm cho đất phục tùng. Ngay khi kết thúc quá trình sáng tạo, Chúa tạo ra ngày Sa-bát. Trong Kinh Thánh Do Thái, điều này cũng nằm trong chương một, vì là một phần của sự sáng tạo. Và Chúa ban phước cho ngày Sa-bát:

Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi. (Sáng-thế 2:3)

Vậy điều này có nghĩa là gì? Việc Đức Chúa Trời “ban phước” cho ngày Sa-bát  phá vỡ mọi khuôn mẫu của phước lành mà chúng ta biết. Ngài ban phước cho ngày đó và làm cho nó nên thánh, như Ngài là thánh. Đây là ngày nghỉ đặc biệt của Ngài, phản ánh việc Ngài nghỉ ngơi sau công cuộc sáng tạo.

Một định nghĩa về phước lành

Philip Litle, một giáo sư Kinh Thánh tuyệt vời, định nghĩa phước lành như thế này:

Về cơ bản, phước lành là Đức Chúa Trời ban quyền năng cho ai đó (hoặc điều gì đó) để làm điều mà họ được thiết kế hoặc dự định làm. Các sinh vật được tạo ra để sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất – vì vậy Đức Chúa Trời đã ban phước cho chúng – ban quyền năng của Ngài trên chúng – để làm được điều đó. Con người cũng phải sinh sản, thêm nhiều, và còn phải chăm lo cho các tạo vật khác. Và Chúa cũng đã ban cho họ quyền năng để làm điều đó. Khi nói đến ngày Sa-bát, Chúa đã làm cho ngày này thấm nhuần với quyền năng của Ngài để trở thành tất cả những gì mà nó được thiết kế để trở thành – một ngày nghỉ thánh, để con người được kết nối với Đức Chúa Trời.

Phước lành là Đức Chúa Trời ban cho quyền năng để làm những gì Ngài muốn chúng ta làm.

Khi chúng ta chúc tụng Chúa thì sao?

Khi chúng ta chúc tụng Chúa (và mọi lời chúc phước của người Do Thái đều chứa đựng những câu chúc tụng Chúa – baruch ata Adonai Eloheinu, Melech HaOlam – Chúc tán Chúa là Đức Chúa Trời, Vua của toàn cõi vũ trụ), chúng ta chỉ đơn giản công nhận Ngài là nguồn phước chính đáng và duy nhất. Nhờ quyền năng của Ngài, chúng ta có được tất cả những gì chúng ta đang có, và trở nên con người như bản thân chúng ta hiện tại.

Còn chúc phước cho người khác thì sao?

Khi chúng ta nhân danh Chúa chúc phước cho người khác, chúng ta đang cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước lành cho họ. Khi chúc phước, chúng ta đang cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho một người nào đó theo như ý muốn và ý định tốt lành của Chúa dành cho họ. Đó cũng là một sự thừa nhận rằng chúng ta không thể làm được điều này nếu không có quyền năng của Ngài. Đó không chỉ là vấn đề chúng ta mong muốn, mà chúng ta còn được thiết kế – để làm những điều tốt đẹp mà Đức Chúa Trời đã dự định cho chúng ta làm. Ngài cho chúng ta biết phải làm gì theo lời của ngài, và phước lành của ngài là quyền năng được ban cho để làm điều đó. Ngài ra lệnh cho chúng ta, thì chỉ một mình Ngài là Đấng ban cho chúng ta khả năng để tuân theo những mạng lệnh đó.

Hãy nhớ phước lành đến từ đâu

Chúng ta thấy rất rõ khuôn mẫu của mạng lệnh và phước lành này trong Phục-truyền Luật-lệ Ký:

Hãy cẩn thận làm theo hết thảy điều răn mà ta truyền cho các ngươi ngày nay, để các ngươi được sống, được gia thêm, và được vào nhận lấy xứ mà Đức Giê-hô-va đã thề cùng tổ phụ các ngươi, để ban cho các ngươi. Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy… vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt tươi… ngươi sẽ ăn no nê, và ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vì cớ xứ tốt tươi mà Ngài đã ban cho. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:1-2; 7, 10)

Vậy, Đức Chúa Trời ban cho mạng lệnh và phước lành, cũng như cảnh báo Y-sơ-ra-ên đừng quên phước lành đến từ đâu:

Ngươi khá cẩn thận, e quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, không giữ gìn những điều răn, mạng lịnh, và luật lệ của Ngài, mà ngày nay ta truyền cho ngươi chăng; lại e sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở,  thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc, vàng, và mọi tài sản mình dư dật rồi, thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi… khá coi chừng, chớ nói trong lòng rằng: Ấy nhờ quyền năng ta và sức lực của tay ta mà đoạt được những sản nghiệp nầy. Hãy nhớ lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vì ấy là Ngài ban cho ngươi sức lực đoạt được những sản nghiệp, để làm trọn sự giao ước Ngài đã thề cùng tổ phụ ngươi, y như Ngài đã làm ngày nay. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:11-14; 17-18)

Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã ban cho chúng ta khả năng và sức lực để kết quả và thành công và chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta luôn ghi nhớ điều này trong tâm trí mình. Chính phước lành của Chúa đã cho phép chúng ta có được thành công như hiện tại, không phải là nhờ chúng ta làm việc chăm chỉ hay may mắn gặp được cơ hội tốt.

Cũng trong phân đoạn này, chúng ta thấy khái niệm về sự sinh sôi nảy nở xuất hiện nhiều lần. Đây là một phần quan trọng của phước lành. Điều gì đến từ Đức Chúa Trời sẽ luôn phát triển và gia tăng. Chúng ta thấy phước lành này ở khía cạnh con cháu đầy đàn, gia súc sinh sôi và tài sản ngày càng thêm nhiều lên. Phước lành thể hiện trong mối quan hệ gia đình và cả về khía cạnh kinh tế nữa. Ngoài ra còn có sự nhấn mạnh về việc trở thành nguồn phước cho toàn xã hội, và đây là một điểm quan trọng mà chúng ta cũng cần phải ghi nhớ. Chúa ban phước cho chúng ta không phải để chúng ta giữ cho riêng mình – trước hết chúng ta nên công nhận và chúc tán Đức Chúa Trời, Ngài là nguồn của mọi phước hạnh, và thứ hai hãy nhớ tuân theo mạng lệnh của Ngài, vì quyền năng Ngài cho phép chúng ta truyền lại phước lành Ngài cho những người khác.

Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham rằng, mọi dân tộc trên thế gian sẽ nhờ ông mà được phước. Ông đã được ban phước để trở nên một nguồn phước, như dân Y-sơ-ra-ên đã làm những gì Đức Chúa Trời hằng định cho họ làm, và mang lại ánh sáng cho các dân qua sự ra đời của Đấng Mê-si. Đổi lại, Ngài cũng có ý định cả thế gian sẽ trở thành một nguồn phước cho người Do Thái vì qua dân tộc này mà họ nhận được lòng thương xót của Đức Chúa Trời dành cho họ (vì bởi tội lỗi họ mà sự cứu đã đến cho dân ngoại). Và Ngài định Y-sơ-ra-ên sẽ làm điều gì cho Ngài? Một khi họ hoàn toàn tiếp nhận ơn cứu rỗi, thì phước hạnh đến với thế gian sẽ dồi dào hơn biết bao! (Rô-ma 11:12)

Chúng tôi rất vui vì các bạn đang cầu nguyện và chúc phước cho Israel!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like