Home Chuyên Đề Cầu Nguyện Như Đa-ni-ên

Cầu Nguyện Như Đa-ni-ên

by Oneforisrael.org
30 đọc

Đó là năm thứ nhất triều vua Đa-ri-út, và cuộc lưu đày kéo dài của dân Y-sơ-ra-ên ở Ba-by-lôn sẽ sớm kết thúc. Đa-ni-ên đang đọc Kinh Thánh. Và rồi, ông ngộ ra điều gì đó…

Ông viết,

Tôi, Đa-ni-ên,… biết được số năm phải trải qua trước khi mãn thời kỳ điêu tàn của Giê-ru-sa-lem, mà lời Đức Giê-hô-va đã phán với nhà tiên tri Giê-rê-mi, là bảy mươi năm. Tôi hướng mặt về Chúa là Đức Chúa Trời mà tìm kiếm, khấn nguyện, nài xin với sự kiêng ăn, quấn vải sô và rắc tro lên đầu.” (Đa-ni-ên 9:2-3)

Ông nhận ra rằng lời tiên tri sẽ sớm được ứng nghiệm, vì vậy ông đã bắt tay vào cầu nguyện với tất cả sức lực của mình. Nhưng tại sao? Nếu ông biết rằng Đức Chúa Trời sẽ làm thành việc ấy, thì tại sao ông phải cầu xin điều đó làm gì nữa? Chúng ta có thể học được gì từ con người mạnh mẽ trong sự cầu nguyện này?

Trước hết, chúng ta có thể thấy rằng Đa-ni-ên đọc và nghiên cứu Kinh Thánh để biết được tấm lòng và kế hoạch của Đức Chúa Trời.

Đa-ni-ên đã đúng khi nhìn nhận những lời tiên tri trong Kinh Thánh như một hướng dẫn cho các sự kiện trong tương lai. Đây là cách ông bắt gặp lời tiên tri trong Giê-rê-mi và nhận ra rằng điều đó sắp xảy ra. A-mốt 3:7 nói,

Chúa Giê-hô-va chẳng làm một việc gì mà không tỏ sự kín nhiệm Ngài cho các đầy tớ Ngài là các nhà tiên tri.

Đa-ni-ên sẵn lòng tiếp nhận Lời Chúa và tin rằng lời đó là chân thật – kể cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Các sách Ê-sai, Ê-xê-chi-ên, Xa-cha-ri, Khải-huyền, và tất nhiên, cả sách Đa-ni-ên, chứa đầy những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm, liên quan đến khu vực Trung Đông và toàn thế giới. Chúa Giê-xu cũng nói về những điều sắp xảy ra trong các sách Phúc Âm.

Đôi khi con người ta có thể bối rối khi nghĩ về tương lai, nhưng Đức Chúa Trời đã đặt tất cả thông tin đó cho chúng ta trong Kinh Thánh một cách có mục đích – Ngài muốn chúng ta biết điều gì sắp xảy ra!

Isaac Newton, nhà khoa học nổi tiếng, cũng là một người say mê Kinh Thánh. Ông tin rằng trách nhiệm của mọi tín hữu là phải hiểu được kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời là gì, căn cứ vào Lời mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Ông cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của việc không làm như vậy, cũng như người Do Thái bị phán xét một cách khắc nghiệt vì đã bỏ lỡ Đấng Mê-si của chúng ta khi Ngài đến. Với thiên hướng toán học, ông đã tiếp cận sách Đa-ni-ên với mục đích tìm hiểu ý nghĩa của tất cả các con số. Ông đã nghiên cứu trong nhiều năm, và viết một cuốn sách có tên “Of ye Day of Judgement & World to Come” (tạm dịch là “Ngày Phán Xét & Thế Giới Hầu Đến”). Mặc dù ông viết sách này vào thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, nhưng những suy nghĩ của ông về khung thời gian mà người Do Thái sẽ một lần nữa trở lại Israel (dựa trên những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên) là cực kỳ chính xác. Ông đã viết và suy nghĩ rất nhiều về sự phục hồi của Y-sơ-ra-ên dưới sự soi sáng của lời tiên tri trong Kinh Thánh, và điều đó cũng có ý nghĩa như thế nào đối với phần còn lại của thế giới. Ông hiểu rằng việc tái lập lại Nhà-nước Israel vào giữa thế kỷ 20 là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, đã được các nhà tiên tri trình bày chi tiết từ rất lâu trước đó.

Chúa đã cho chúng ta biết những gì Ngài định làm – nhưng liệu chúng ta có chú ý đến những gì Ngài đã phán không? Liệu chúng ta có tiếp thu thông tin mà chúng ta có trong tay và tìm hiểu ý nghĩa của điều đã được mặc khải đó không? Tại sao không tìm hiểu một số lời tiên tri của Đức Chúa Trời và bắt đầu cầu nguyện cho những điều đó được ứng nghiệm như Đa-ni-ên đã cầu nguyện.

Thứ hai, Đa-ni-ên không cầu xin Chúa đến và sửa chữa mọi thứ trong thế giới của mình theo ý tưởng của riêng mình, mà đã quyết định mạo hiểm để bước vào thế giới của Chúa và chia sẻ kế hoạch của Ngài.

Tất nhiên Đức Chúa Trời quan tâm đến mọi chi tiết trong cuộc đời của chúng ta, điều đó đúng, nhưng thật tuyệt vời làm sao khi chúng ta cũng quan tâm đến các chi tiết trong vương quốc của NGÀI.

Thật là một niềm vui to lớn đối với một người cha khi con cái mình xin được tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình – ở một khía cạnh nào đó, các con của người này đang truyền đi thông điệp: “Chúng con tin vào những điều cha đang làm, chúng con tin vào cha, chúng con muốn phụ giúp cha xây dựng những gì mà cha đang xây dựng.” Thật là một biểu hiện của sự tin tưởng, tôn trọng và khao khát một mối quan hệ. Thông thường, con cái không thực sự giỏi trong việc giúp đỡ – đặc biệt là khi chúng còn nhỏ – nhưng việc thể hiện mong muốn được giúp đỡ và làm việc cùng với cha mình là rất tốt. Và đó chính là điều Chúa muốn ở chúng ta: mối quan hệ. Ngài muốn chúng ta ở bên Ngài và chúng ta làm vậy vì chúng ta muốn ở bên Ngài. Ngài muốn chúng ta hợp tác cùng Ngài trong quan hệ đối tác.

Thật vậy, John Wesley say mê tin rằng Chúa sẽ không hành động nếu không có sự hợp tác của chúng ta – ông viết: “Chúa không làm gì khác ngoài việc đáp lại lời cầu nguyện”, trong cuốn Plain Account of Christian Perfection (tạm dịch là “Lời Tường Thuật Rõ Ràng về Sự Trọn Vẹn của Tín Đồ Đấng Christ”) và trong khi tôi không chắc lời tuyên bố đó chính xác đến mức nào, thì tôi đồng ý với khái niệm này, vì Đức Chúa Trời rất nghiêm túc trong việc muốn hợp tác với dân sự của Ngài. Chúng ta có thể thấy điều này trong thực tế là Đại Mạng Lệnh là kế hoạch duy nhất của Ngài để đưa Phúc Âm ra toàn thế giới, được giao phó cho chúng ta, các môn đồ của Ngài. Và điều này cũng đúng về sự cầu nguyện. Ngài muốn chúng ta hợp tác với Ngài bằng cách cầu nguyện cho kế hoạch của Ngài thành hiện thực – bằng cách nói “Vâng, thưa Chúa và Amen!” Bằng cách nói, “Hãy đến, Chúa Giê-xu, xin hãy đến!” Thật là một điều tuyệt vời khi Ngài mong muốn chúng ta làm việc cùng với Ngài!

Chúng ta có đồng ý với các mục đích đã nêu ra của Đức Chúa Trời không? Chúng ta đã sẵn sàng để gắn kết mình với những mục đích đó và cầu nguyện để những điều đó được ứng nghiệm chưa? Hay chúng ta quan tâm đến cuộc sống của chính mình hơn là vương quốc của Đức Chúa Trời?

Cuối cùng, Đa-ni-ên nổi tiếng với việc cầu nguyện ba lần trong một ngày.

Người ta thường nói cầu nguyện là một cuộc trò chuyện hai chiều. Là một tín hữu trẻ, tôi bắt đầu noi gương Đa-ni-ên và cầu nguyện ba lần mỗi ngày. Tôi sớm nhận ra rằng tôi có thể nghe được cũng như tôi nói vậy.

Sự hiệp thông, sự thông công, mối quan hệ với Đức Chúa Trời phát triển khi chúng ta dành thời gian để cầu nguyện. Và việc cầu nguyện ba lần một ngày thực sự giúp tôi đi đúng hướng.

Chúng ta có thể chia sẻ tấm lòng của mình với Chúa, nhu cầu, ước muốn của mình và Ngài cũng có thể chia sẻ những suy nghĩ và mong muốn của Ngài với chúng ta. Mối quan hệ giữa Chúa và chúng ta sẽ phát triển gần nhau hơn. Nếu sẵn sàng lắng nghe, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về cách mà mọi thứ trông như thế nào theo quan điểm của Chúa.

Cầu nguyện thiết lập bản chất của mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta xem xét bài cầu nguyện mà Chúa Giê-xu đã dạy các môn đồ trong Ma-thi-ơ 6 (Bài Cầu Nguyện Chung), thì rõ ràng là: Chúa là Cha, chúng ta là con cái của Ngài. Chúa ở trên trời, chúng ta ở dưới đất. Chúa là thánh, chúng ta cần sự tha thứ. Chúa là Đấng chu cấp, chúng ta phụ thuộc vào Ngài. Chúng ta yếu đuối, Chúa mạnh mẽ. Chúa là Vua, Ngài có mọi quyền hành, chỉ một mình Ngài có quyền cai trị và điều khiển mọi sự, và chúng ta có thể thừa nhận thực tế này khi chúng ta cầu nguyện. Chúng ta thường bị cám dỗ để coi Đức Chúa Trời là đầy tớ của chúng ta, có nghĩa vụ phải giúp đỡ chúng ta, hoặc Ngài chỉ là một thế lực vũ trụ nào đó, thay vì ghi nhớ lẽ thật này. Khi chúng ta ngồi trước mặt Ngài để cầu nguyện, khi chúng ta cân nhắc xem mình đang thực sự nói chuyện với ai, thì những kẻ giả mạo đó có xu hướng bỏ chạy. Điều này giúp chúng ta giữ vững quan điểm và đi đúng hướng khi chúng ta đặt mình trước ngôi Ngài suốt cả ngày.

Chúng ta có thể dễ dàng bị choáng ngợp bởi cuộc sống nhỏ bé của chính mình, không bận tâm đến số phận của thế giới – và việc ngồi với Chúa để nói về điều đó thực sự giúp khôi phục một viễn cảnh tốt đẹp. Ngài có thể nói cho chúng ta biết cụ thể Ngài muốn chúng ta đóng vai trò gì trong việc khai mở những mục đích của Ngài khi chúng ta hoan nghênh quyền cai trị của Ngài: “Nguyện nước Cha được đến, Ý Cha được nên.

Những lời cầu nguyện và sự kiêng ăn của Đa-ni-ên thực sự đã giúp hoàn thành lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho dân tộc của ông vào thế kỷ thứ 6 TCN và những lời cầu nguyện của chúng ta cũng có thể là một phần trong việc giải phóng lời hứa của Đức Chúa Trời trên trái đất ngày nay.

Những lời bạn thốt ra trong khi cầu nguyện thực sự tạo nên sự khác biệt. Bạn đang hợp tác với Cha là Đức Chúa Trời của chúng ta trong công việc của Ngài trên trời.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like