Home Chuyên Đề ‘Xứng Đáng Chiên Con Trời’ Có Ý Nghĩa Gì Vào Lễ Phục Sinh?

‘Xứng Đáng Chiên Con Trời’ Có Ý Nghĩa Gì Vào Lễ Phục Sinh?

by Crosswalk.com
30 đọc

Một loạt các mặt hàng đầy màu sắc đại diện cho Lễ Phục Sinh lấp đầy các kệ hàng vào đầu mùa xuân, bao gồm trứng sô-cô-la, đậu thạch và thú nhồi bông. Trong số các loài động vật theo mùa mà bạn sẽ tìm thấy có thỏ, gà con… và thỉnh thoảng là chiên con.

Trong khi một số Cơ-đốc nhân tránh nói đến Lễ Phục Sinh vì cho rằng đây là một lễ của người ngoại trá hình, thì những người khác lại rút ra từ lịch sử để kỷ niệm ít nhất một khía cạnh quan trọng: ý nghĩa của Chiên Con Đức Chúa Trời. Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao Chiên Con của Đức Chúa Trời không chỉ mang tính biểu tượng trong Lễ Phục Sinh mà lúc nào cũng mang một ý nghĩa quan trọng:

Tại sao Chiên Con có liên quan đến Lễ Phục Sinh?

Trong thế giới trần tục, thỏ, chiên và trứng gắn liền với mùa Phục Sinh, bởi vì hầu hết các loài động vật này thường sinh sản vào mùa xuân trúng vào dịp Lễ Phục Sinh. Trứng đôi khi được sử dụng tại các lễ hội của người ngoại để tượng trưng cho sự sống mới được sinh sôi nảy nở.

Mặc dù Cơ đốc giáo không có đề cập nào về thỏ, nhưng nhiều nhóm văn hóa Cơ-đốc giáo cũng đã đưa trứng vào khi kỷ niệm Lễ Phục Sinh của họ. Ví dụ, ở Nam Tư, trứng phục sinh thường mang các chữ cái đầu là “XV”—nghĩa là “Đấng Christ đã sống lại”. Những người theo đạo Cơ-đốc ở khu vực Lưỡng Hà đã coi trứng như một món ăn trong Lễ Phục Sinh, và nhuộm trứng màu đỏ để tượng trưng cho huyết của Chúa Giê-xu.

Tuy nhiên, mặc dù những người theo Cơ-đốc giáo có thể bao gồm cả trứng vào như một phần trong cách tổ chức lễ của họ, nhưng chiên con mới là biểu tượng mạnh mẽ nhất của Lễ Phục Sinh đối với các tín hữu.

Chúa Giê-xu được gọi là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” trong Kinh Thánh… nhưng tại sao?

Tại sao Chúa Giê-xu được gọi là Chiên Con?

Khái niệm về một của lễ hy sinh bằng chiên con đã bắt đầu từ Cựu Ước. Những con chiên được đem đi làm vật hiến tế thường xuyên trong hệ thống tôn giáo của người Do Thái.

Mỗi buổi sáng và buổi tối, một con chiên được hiến tế trong đền thờ ở Giê-ru-sa-lem vì tội lỗi của con người (Xuất 29:38-42), bởi vì huyết là yêu cầu cần có để chuộc tội (Lê-vi 17:11; xem thêm Hê-bơ-rơ 9:11-18).

Chiên con cũng bị hiến tế trong Lễ Vượt Qua của người Do Thái.

Vào Lễ Vượt Qua đầu tiên, các tín đồ Do Thái đã chọn ra và hiến tế những con chiên đực đủ tuổi không bị khuyết tật—con chiên của Lễ Vượt Qua—và sau đó bôi máu của con chiên này lên các khung cửa của nhà họ để Đức Chúa Trời “vượt qua” nơi ở của họ trong khi thi hành sự phán xét của Ngài trên Ai Cập (Xuất 12:3-13).

Trong suốt thời Cựu Ước, người Do Thái mong mỏi Đấng Mê-si của họ, Đấng giải cứu đã được hứa cho dân tộc Do Thái. Các phân đoạn tiên tri phát họa nên những gì Đấng Mê-si sẽ làm khi Ngài đến. Cuối cùng thì Ngài sẽ là Vua dân Do Thái, nhưng trước tiên Ngài phải đến với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của họ, người đầy tớ chịu khổ.

Đấng Mê-si sẽ là “của lễ đền tội” cho tội lỗi của dân sự Đức Chúa Trời — “Chiên Con bị dẫn đến hàng làm thịt”.         

Đấng Mê-si đã đến như chiên con hiền lành và nhu mì, được chuẩn bị để làm trọn “Luật-pháp Môi-se, lời của các Tiên-tri và các Thi-thiên” cũng là của lễ tối thượng cho tội lỗi. Cơ-đốc nhân tin rằng có một mối quan hệ giữa con chiên của lễ vượt qua trong Cựu Ước và Chiên Con hoàn hảo của Lễ Vượt Qua—Chúa Giê-Xu (1 Cô-rinh-tô 5:7).

Khi Chúa Cứu Thế bắt đầu chức vụ, Giăng Báp-tít đã tuyên bố Ngài là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” và Chúa Giê-xu đã bị đóng đinh trong Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Đáng buồn thay, người Do Thái đã không nhận ra sự ứng nghiệm của lời tiên tri về Đấng Mê-si của họ khi Ngài đến, và họ có phần mù quáng hoặc có thể nói là cứng lòng với Phúc Âm của Đấng Christ trong một thời gian đã được tiên đoán.

Trong Khải-huyền, Giăng nhìn thấy một hình ảnh có sức tác động mạnh mẽ: một Chiên Con, “dường như đã bị giết” (Khải-huyền 5:6a).

Huyết Chiên Con được chọn của Đức Chúa Trời, Đấng Mê-si, đã đổ ra để tha tội. Điều này được mô tả trong một số tác phẩm nghệ thuật—chẳng hạn như Đa Liên Họa của Jan van Eyck—trong đó có vẽ một con chiên với máu tuôn ra từ tim mình.

Nơi nào trong Kinh Thánh nói về ‘Chiên Con Trời Xứng Đáng’?

Khải-huyền 5 là một trong những phân đoạn trang trọng, gây kinh ngạc nhất trong Tân Ước. Trong Khải-huyền 5:1-2, Ðấng ngự trên ngôi cầm một cuộn sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài, và được niêm phong bằng bảy ấn. Một thiên sứ đầy uy lực cất tiếng lớn hỏi những người đang tụ tập chung quanh ngôi, “Ai là người xứng đáng mở cuộn sách và tháo các ấn nầy?

Trong khải tượng, Giăng—người viết sách Khải-huyền—đã bật khóc nức nở, bởi vì “không ai”, Giăng nói, “không ai xứng đáng mở cuộn sách”. Nhưng rồi, “Sư tử của chi phái Giu-đa” đắc thắng bước tới. Chỉ có Chiên Con, mà giờ được miêu tả là “sư tử” đang cai trị, được coi là xứng đáng.

Cả thiên đàng mừng rỡ! Khi Chúa Giê-xu bước tới để lấy cuộn sách, một “bài ca mới” đã nổ ra và muôn vàn thiên sứ thờ phượng Chúa Giê-xu chung quanh ngôi của Đức Chúa Trời. Họ nói: “Chiên Con đã bị giết xứng đáng được uy quyền, giàu có, khôn ngoan, uy lực, tôn trọng, vinh quang và ca ngợi!

Các công dân của thiên đàng không giữ lại điều gì cho mình! Trong các hội thánh ngày nay, đây là một bài ca mạnh mẽ: “Ngài thật xứng đáng, Ngài thật xứng đáng, duy Ngài, Chúa ôi….” Chiên Con của Đức Chúa Trời vẫn được ca tụng, và Ngài sẽ được ngợi khen và tôn vinh mãi mãi.

Các câu Kinh Thánh khác nói về Chúa Giê-xu như Chiên Trời xứng đáng

Khải-huyền 5 không phải là phân đoạn duy nhất nhắc nhở chúng ta về Chiên Con của Đức Chúa Trời. Ê-sai 53:7 đã tiên tri về một chiên con hiền lành bị dắt đến hàng làm thịt. Nhà tiên tri đã mô tả sự khước từ, thương khó và sự chết của Ngài như một của lễ chuộc tội, mang lấy sự gian ác cho những người được Đức Chúa Trời chọn (Ê-sai 53:3-11).

Chiên con của Đức Chúa Trời từ buổi sáng thế

Khải-huyền 13:8 cho biết Chiên Con này đã bị giết “từ buổi sáng thế”.

Sự hy sinh của Ngài không phải là một ý tưởng sau này mới tự nhiên nảy sinh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời biết điều gì sẽ xảy ra với A-đam và Ê-va, và Ngài biết kết cục của toàn bộ lịch sử nhân loại. Chúa Giê-xu đã được định làm Đấng Cứu Chuộc từ trước khi sáng thế. Chúng ta cũng thấy lẽ thật này trong 1 Phi-e-rơ 1:18-20.

Những người tin Chúa được chuộc bởi huyết báu Đấng Christ— “Chiên Con không lỗi không vít” và Phi-e-rơ nói thêm, Chúa Giê-xu “đã được chọn trừ trước buổi sáng thế.”

Như đã lưu ý trước đó, Giăng Báp-tít đã làm chứng về Chúa Giê-xu khi Chúa bắt đầu chức vụ công khai của Ngài. Giăng đặc biệt gọi Ngài là “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi!” Các môn đồ của Giăng đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-xu khi ông nói, “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời.” Những môn đồ đầu tiên này hiểu Giăng có ý nói Chúa Giê-xu chính là Đấng Mê-si trong lời hứa (Giăng 1:41).

Đấng Christ là “Chiên Con của Lễ Vượt Qua”, đã hy sinh cho chúng ta “khi chúng ta còn là tội nhân” để chúng ta có thể có sự sống đời đời (1 Cô-rinh-tô 5:7; Rô-ma 5:8; Giăng 3:16).

Chiên Con của Đức Chúa Trời trong cả cõi đời đời

Nhiều câu Kinh Thánh trong sách Khải-huyền chỉ ra công việc của Chiên Con trong tương lai.

Lời Chúa cho chúng ta biết dân Chúa nhờ “huyết Chiên Con”—sẽ chịu được sự khổ nạn và đứng vững như thế nào trong những ngày cuối cùng (Khải-huyền 7:14, 12:10-11). Chiên Con sẽ chiến thắng kẻ thù Ngài (Khải-huyền 17:14). Những người tin Chúa sẽ thấy Chiên Con xứng đáng ở trên trời, nơi Ngài sẽ là đền thờ và ánh sáng của Giê-ru-sa-lem Mới (Khải-huyền 21:22-23).

Ngài sẽ chăn dắt chúng ta (Khải-huyền 7:17); và Cô Dâu của Đấng Christ sẽ thờ phượng Ngài, bắt đầu từ Tiệc Cưới Chiên Con (Khải-huyền 19:7-9).

8 lý do Chúa Giê-xu xứng đáng được tôn vinh vào Lễ Phục Sinh—và cho đến đời đời Ngài là Đấng duy nhất đáng được thờ tôn

Chúa Giê-xu xứng đáng để chúng ta thờ phượng vì nhiều lý do. Đây chỉ là một vài lý do trong số đó:

1. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời

Chúa Giê-xu là “con người được tỏ ra” của Đức Chúa Trời — là hình ảnh trung thực của bản thể Ngài (Hê-bơ-rơ 1:3). Ngài xứng đáng vì Ngài đã cho chúng ta thấy Cha và con đường dẫn đến Cha (Giăng 14:6-9).

2. Chúa Giê-xu là Đấng trên hết

Ngài cao trọng hơn mọi tạo vật của Ngài, kể cả các thiên sứ (Hê-bơ-rơ 1:4-6). Ngài được các thiên sứ thờ phượng! Họ đồng tung hô rằng, “Chiên Con đã bị giết thật xứng đáng” (Khải-huyền 5:12).

3. Chúa Giê-xu đã dựng nên và sở hữu muôn vật

Muôn vật được dựng nên bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên (Cô-lô-se 1:16; Giăng 1:3; 3:35). Đấng xứng đáng tiếp tục duy trì sự tồn tại của muôn vật (Hê-bơ-rơ 1:3; Cô-lô-se 1:17).

4. Chúa Giê-xu là ý muốn của Đức Chúa Trời

Chúa Giê-xu đã hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Cha (Giăng 5:19, 30; Lu-ca 22:42; Giăng 17:1-5). Cha đã sai Con đến làm Cứu Chúa của thế gian (1 Giăng 4:14) —và Chúa Giê-xu, tấm gương xứng đáng của chúng ta, đã tuân theo kế hoạch của Cha.

5. Chúa Giê-xu đã trả đủ giá chuộc

Chiên Con của Đức Chúa Trời đã trả giá cho mọi tội lỗi của chúng ta (Rô-ma 3:25; Ê-phê-sô 5:2; Hê-bơ-rơ 9:26). Nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay kỷ niệm sự hy sinh của Ngài vào “Thứ Sáu Tuần Thánh”. Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Rỗi xứng đáng duy nhất (Công-vụ 4:12). Như John Stott đã viết trong The Cross of Christ (tạm dịch là ‘Thập Tự Giá của Đấng Christ’), “… Ngài xứng đáng…vì Ngài đã bị giết, và cái chết của Ngài đã mang lại sự cứu rỗi cho chúng ta.

6. Sự hy sinh của Chúa Giê-xu thánh hóa chúng ta

Nhờ sự hy sinh của Ngài, Chúa Giê-xu làm cho chúng ta nên thánh và công bình trước mặt Cha (Hê-bơ-rơ 10:14; 2 Cô-rinh-tô 5:21). Chiên Con của Đức Chúa Trời đã gánh tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá để chúng ta có thể chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính (1 Phi-e-rơ 2:24). Chiên Con xứng đáng giúp chúng ta có thể đến với sự hiện diện của Đức Chúa Trời một cách không chỗ trách, không có lỗi lầm (Giu-đe 1:24-25; 1 Cô-rinh-tô 15:51-52).

7. Chúa Giê-xu sống lại để bảo đảm đức tin của chúng ta

Chúa Giê-xu đã không ở lại trong mộ. Ngài đã sống lại “vào ngày thứ ba” (1 Cô-rinh-tô 15:3-4). Đây là lý do tại sao những Cơ-đốc nhân không ăn mừng “Lễ Phục Sinh” mà lại ăn mừng “Ngày Phục Sinh”. Phao-lô nói nếu Chúa Giê-xu không sống lại từ cõi chết, thì sự giảng dạy mà chúng ta nhận được sẽ ra luống công hoặc chẳng đem lại ích lợi gì, bởi vì chúng ta vẫn còn trong tội lỗi mình (1 Cô-rinh-tô 15:14-19).

Nhưng Chúa Giê-xu xứng đáng vì Ngài “quả thật đã từ kẻ chết sống lại.” Không chỉ tội lỗi bị bắt phục đối với những người tin Chúa, mà quyền lực của sự chết cũng đã “bị nuốt mất trong sự đắc thắng”.

8. Chúa Giê-xu cai trị trên mọi sự

Mọi sự Cha đều đã giao cho Ngài, và Cha đã tôn Ngài lên (Ma-thi-ơ 11:27; Giăng 3:35; Phi-líp 2:9). Ngài ngự trị bên hữu Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 3:22), nắm trong tay mọi quyền lực và thẩm quyền (Ma-thi-ơ 28:18; Cô-lô-se 2:10; Ê-phê-sô 1: 18-21). Không có gì phải bàn cãi, Chúa Giê-xu xứng đáng được mọi người ngợi khen.

Lời cầu nguyện chúc tụng ‘Xứng đáng Chiên Con Trời’

Lạy Đức Chúa Trời là Cha chúng con, cảm ơn Cha đã sai Con Ngài đến làm Cứu Chúa của thế gian. Chiên Con quý giá của Đức Chúa Trời, con cảm ơn Ngài vì lòng nhân từ thương xót và ân điển cứu rỗi của Ngài. Cảm ơn Ngài đã sống một cuộc đời công bình và trở thành một của lễ hy sinh hoàn hảo, cho phép con sống với Ngài đời đời trên thiên đàng.

Duy Ngài là Đấng xứng đáng, và con tán dương Ngài. Con ngợi khen Ngài. Con tôn vinh Ngài. Xin cho con biết về Chúa nhiều hơn mỗi ngày, để con có thể thờ phượng Chúa với sự hiểu biết và tình yêu thương. Xin giúp con công bố sự xứng đáng vô song của Ngài cho cả thế gian đều biết. Amen.

Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con!” (Khải-huyền 7:10).

Chúa Giê-xu là con đường duy nhất để được cứu rỗi, và Kinh Thánh đã đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ: Một ngày nào đó, mọi đầu gối sẽ quỳ xuống trước Cứu Chúa của chúng ta, Chiên Con Trời Xứng Đáng; nhưng không ai được vào thiên đàng ngoại trừ những người có tên được “được ghi trong sách sự sống của Chiên Con” (Khải-huyền 21:27).

Sẽ thật là xấu hổ khi biết về Chiên Con xứng đáng, nhưng lại không biết về Ngài và sự cứu rỗi nhân từ của Ngài.

Thật đáng tiếc cho những ai biết Ngài đã không hiểu hoặc quên mất Chiên Con của Đức Chúa Trời xứng đáng tuyệt đối như thế nào.

Hãy ca tụng Ngài với tấm lòng tôn thờ, hãy lớn tiếng nói rằng: “Lạy Chúa Giê-xu, chỉ có một mình Ngài xứng đáng được ngợi khen!”

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like