Home Chuyên Đề Kinh Torah Chỉ Ra Ngày Chúa Nhật Phục Sinh

Kinh Torah Chỉ Ra Ngày Chúa Nhật Phục Sinh

by Oneforisrael.org
30 đọc

* Torah còn được gọi là Ngũ Thư/Ngũ Kinh (năm sách đầu tiên trong Kinh Thánh của Môi-se)

Một cách rất rõ ràng, những ngày lễ thường hướng đến Chúa Giê-xu. Hầu hết chúng ta đều biết đến mối liên hệ của Ngài với Lễ Vượt Qua. Nhưng chúng ta có biết rằng ngày Chúa Nhật Phục Sinh của Ngài cũng được ghi trong kinh Torah không?

Khi tôi và gia đình lần đầu tiên đến Israel vào năm 1990, chúng tôi thỉnh thoảng nghe thấy mọi người đề cập đến ngày Chúa Giê-xu phục sinh như là “Lễ Dâng Trái Đầu Mùa”. Tôi thực sự không hiểu cái tên đó xuất phát từ đâu, và cuối cùng khi tìm hiểu thêm, tôi đã phải ngạc nhiên hỏi: Tại sao tôi chưa bao giờ được nói cho biết về điều này trước đây?

Sách Lê-vi Ký nắm giữ chìa khóa

Nguồn gốc của Lễ Dâng Trái Đầu Mùa là trong Lê-vi Ký 23, chương này cung cấp sự mô tả đầy đủ nhất về tất cả các ngày thánh của Y-sơ-ra-ên. Nếu chúng ta không chú ý, chúng ta sẽ dễ dàng đọc lướt qua một vài câu mô tả những gì diễn ra trong tuần lễ của Lễ Vượt Qua:

Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: ‘Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi nào các ngươi đã vào xứ mà Ta sẽ ban cho, và đã gặt mùa màng rồi, thì hãy đem đến cho thầy tế lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi. Qua ngày sau lễ Sa-bát, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu cho bó lúa đó được nhậm. Chính ngày dâng bó lúa đưa qua đưa lại đó, các ngươi cũng phải dâng cho Đức Giê-hô-va một chiên con giáp năm, không tì vít chi, đặng làm của lễ thiêu; và dâng thêm một của lễ chay bằng hai phần mười bột lọc chế dầu, làm của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va, với một phần tư hin rượu, làm lễ quán. Các ngươi chớ ăn hoặc bánh, hoặc hột lúa rang, hoặc lúa đương ở trong gié cho đến chính ngày nầy, tức là ngày các ngươi đem dâng của lễ cho Đức Chúa Trời mình. Mặc dầu ở nơi nào, ấy là một lệ định đời đời cho con cháu các ngươi.” (Lê-vi 23:9-14)

Vậy, ngày Chúa Nhật trong tuần của Lễ Vượt Qua, ngày sau lễ Sa-bát, được Môi-se biệt riêng ra để làm Lễ Dâng Trái Đầu Mùa: khi vụ lúa mạch trong xứ vừa chín, và bó lúa đầu tiên được dâng lên trước mặt Đức Giê-hô-va trước khi số lúa còn lại được thu hoạch. Ngay lập tức chúng ta nghĩ đến bức tranh của Phao-lô về Chúa Giê-xu là trái đầu mùa của những người sống lại từ kẻ chết:

Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại, nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại.” (1 Cô-rinh-tô 15:20-23)

Thật tuyệt vời làm sao khi Đấng Mê-si vẫn sống và được diện kiến trước mặt Đức Chúa Cha thay mặt cho chúng ta vào chính Lễ Dâng Trái Đầu Mùa này, giống như chiên con với bánh và rượu được dâng lên trong đền thờ.

Nhưng câu chuyện trong Lê-vi Ký không kết thúc ở đó…

Kể từ ngày sau lễ Sa-bát, là ngày đem bó lúa dâng đưa qua đưa lại, các ngươi sẽ tính bảy tuần lễ trọn: các ngươi tính năm mươi ngày cho đến ngày sau của lễ Sa-bát thứ bảy, thì phải dâng một của lễ chay mới cho Đức Giê-hô-va. Các ngươi hãy từ nhà mình đem đến hai ổ bánh đặng làm của lễ dâng đưa qua đưa lại; bánh đó làm bằng hai phần mười bột lọc hấp có pha men: ấy là của đầu mùa dâng cho Đức Giê-hô-va.” (Lê-vi 23:15-17)

Đếm ngược

Vậy, ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Lễ Dâng Trái Đầu Mùa này, là khởi động để bắt đầu đếm ngược bảy tuần cho một điều gì đó thật sự lớn lao: Lễ Các Tuần (Lễ Ngũ Tuần), ngày thánh thứ hai trong ba ngày thánh trong năm khi toàn thể dân Y-sơ-ra-ên được kêu gọi phải hành hương về Giê-ru-sa-lem. Kinh Torah không giải thích lý do tại sao ngày này lại bị tách biệt, điều này khiến các nhà hiền triết cổ đại gọi đó là “ngày thánh còn dang dở” (về sau, người ta liên kết ngày này với việc ban hành luật pháp tại Si-na-i).

Vậy, chúng ta có hai ngày thánh duy nhất rơi vào một ngày cố định trong tuần, là ngày Chúa Nhật; tất cả các ngày thánh khác trong kinh Torah dao động từ ngày này sang ngày khác tùy thuộc vào lịch âm.

Bây giờ chúng ta hãy trở lại với Chúa Giê-xu, Đấng đã sống lại từ kẻ chết vào ngày đầu tiên của việc đếm ngược này. Trong bốn mươi ngày, Ngài hiện ra và dạy dỗ các môn đồ; Phao-lô thậm chí còn ghi lại việc Ngài hiện ra với 500 người cùng một lúc. Sau đó, vào ngày thứ Sáu, Ngài thăng thiên từ Núi Ô-li-ve rồi ngự bên hữu Đức Chúa Cha, Ngài căn dặn họ phải đợi ở Giê-ru-sa-lem. Chín ngày còn lại trong công cuộc đếm ngược được khởi động từ sự phục sinh của Ngài.

Và đúng vậy, chính xác bảy tuần sau Lễ Dâng Trái Đầu Mùa, khi ngày Lễ Ngũ Tuần đến, thế giới đã hoàn toàn thay đổi.

Ngày thánh còn dang dở đã được làm trọn khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời, Đấng từ lâu đã được hứa ban cho tuôn đổ trên dân sự, trước con mắt kinh ngạc của những người Do Thái đang tụ tập lại từ khắp nơi trên thế giới. Và Phi-e-rơ – người cũng như các môn đồ khác trước đây sợ hãi, hoang mang và cảm thấy vô nghĩa – đột nhiên lên tiếng với sự dạn dĩ của sư tử Giu-đa. Lời Chúa truyền từ môi miệng đến đám đông đã làm cảm động tấm lòng họ, và họ hỏi “Chúng tôi phải làm gì?”

Bạn ơi, thật là một ngày lớn và quan trọng. Đây là quyền năng  mà các môn đồ chúng ta vẫn cần nếu chúng ta muốn hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa Giê-xu đã giao phó cho chúng ta.

Lễ Ngũ Tuần Thật Sự

Phải chăng chúng ta nên cảm thấy xúc động khi nhớ lại việc đếm ngược này mỗi năm kể từ ngày Chúa Nhật Phục Sinh, trân trọng việc “đếm các ngày” này như người Do Thái vẫn làm?

Đây đặc biệt là điểm yếu của các nhà thờ phương Tây nơi không có các kỳ lễ, nơi mà nhiều người trong chúng ta lớn lên trong đức tin. Chúng ta có thể cho phép ngày Lễ Ngũ Tuần quý giá này đến và đi mà không cần đề cập đến trong các buổi nhóm của mình. Làm thế nào mà các truyền thống của con người có thể làm chúng ta mù lòa trước lời Chúa.

Trong trường hợp này, không chỉ Cơ-đốc giáo mà ngay chính Do Thái giáo truyền thống cũng đã khiến chúng ta lạc lối. Sau khi Đền-thờ thứ hai bị phá hủy (điều này được Chúa Giê-xu báo trước đã trở thành một trong những tội danh chính chống lại Ngài), những người Pha-ri-si phải viết lại cuốn sách đã trở thành chuẩn mực của Do Thái giáo. Trái ngược với cách giải thích theo nghĩa đen của các trường phái tư tưởng Do Thái khác (người Sa-đu-sê, người Karaites và người Sa-ma-ri), người Pha-ri-si tuyên bố rằng “ngày sau lễ Sa-bát” trong tuần của Lễ Vượt Qua không nhất thiết phải là ngày Chúa Nhật, mà bất kỳ ngày nào trong tuần rơi trúng ngày đầu tiên của Lễ Vượt Qua cũng được coi là ngày nghỉ. Tuy nhiên, kinh Torah không hề có cách giải thích nào giống như vậy về “ngày Sabát” trước đây, và bản văn mới này đã có một tác động đáng kể: Lễ Dâng Trái Đầu Mùa, và Lễ Ngũ Tuần sau đó bảy tuần, sẽ không còn rơi vào một ngày cố định trong tuần nữa. Đặc biệt là để kinh Torah sẽ không chỉ ra duy nhất một ngày Chúa Nhật trong tuần của Lễ Vượt Qua, ngày mà một số người theo “tà giáo” tuyên bố rằng Đấng Mê-si đã sống lại từ cõi chết!

Vậy nên, năm 2020, chẳng hạn, theo lịch Do Thái thì việc đếm các ngày bắt đầu từ thứ Sáu, ngày 10 tháng Tư, có nghĩa là Lễ Ngũ Tuần cũng được cử hành vào ngày thứ Sáu, 29 tháng 5. Đối với những người sống giữa dân Do Thái, thì ngày thánh sai lệch này có thể dễ dàng khiến chúng ta bỏ lỡ mối liên hệ thực sự và mật thiết giữa ngày Chúa Nhật Phục Sinh và ngày Chúa Nhật của Lễ Ngũ Tuần.

Đức Chúa Trời nghiêm cấm việc chúng ta để cho ngày Lễ Ngũ Tuần trôi qua mà không thật sự được chú ý vào ngày Chúa Nhật, 31 tháng 5 (năm 2020). Chúng ta, những người rất cần quyền năng của Đức Chúa Trời, có thể không đủ khả năng để bỏ qua ngày đã được thiết lập từ lâu cho sự tuôn đổ của Thánh Linh.  Người phối ngẫu quên mất ngày kỷ niệm ngày cưới có thể không gây hại gì cho mối quan hệ; tuy nhiên, người bạn đời kia sẽ rất buồn khi biết rằng ngày đánh dấu giao ước tình yêu của họ dường như bị xem nhẹ.

Bạn ơi, chúng ta tôn trọng ngày Chúa Nhật Phục Sinh thế nào, thì chúng ta cũng hãy trân quý ngày Chúa Nhật của Lễ Ngũ Tuần thể ấy: vì chính sự sống lại của Chúa Giê-xu mà Đức Chúa Trời có thể ngự trong lòng chúng ta qua Thánh Linh của Ngài.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like