Home Chuyên Đề 4 Lý Do Để Tin Vào Phép Lạ Giáng Sinh

4 Lý Do Để Tin Vào Phép Lạ Giáng Sinh

by ChristianToday
30 đọc

Tại sao những sự kiện siêu nhiên trong mùa Giáng Sinh lại vừa đáng tin vừa đáng kinh ngạc.

Con không tin chuyện này đâu.

Tôi vừa đọc cho con gái 4 tuổi của mình câu chuyện về thiên sứ Gáp-ri-ên đến gặp Ma-ri. Tôi cố gắng không hốt hoảng trước phản ứng này của con bé.

Vậy con có tin rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên con không?

Vâng, con tin như vậy.

Và con tin rằng Chúa Giê-xu đã chết cho tội lỗi của mình?

Vâng.

Và Ngài đã sống dậy từ cõi chết?

Vâng.

Sau một hồi nhẹ nhàng hỏi hang, tôi mới biết hóa ra chỉ có chuyện thiên sứ hiện ra là con bé không tin. Dù sao đi nữa, con gái tôi cũng không phải là người duy nhất hoài nghi về những vấn đề siêu nhiên. Khi chúng ta dừng lại để suy nghĩ, Giáng Sinh thật sự thách thức đức tin của chúng ta. Câu chuyện Giáng Sinh bao gồm một thiên sứ hiện ra, một nữ đồng trinh mang thai, một ngôi sao dẫn đường, và đoàn thiên binh ca hát. Làm sao những người có lý trí, hiểu biết về khoa học, ở thế kỷ 21 như chúng ta lại có thể tin được những chuyện như vậy, trong khi ngay cả một đứa trẻ cũng cảm thấy thật khó để chấp nhận những điều này?

Sau đây là 4 lý do để tin vào Giáng Sinh với tất cả sự vinh hiển siêu nhiên của sự kiện này.

1. Không có phép lạ nào là quá khó với Chúa

Nếu bạn quen thuộc với Kinh Thánh, bạn sẽ quen thuộc với lập luận fortiori (lập luận từ lý do mạnh hơn) hay có dạng “còn nhiều hơn thế biết dường nào”, là một dạng lập luận dựa trên sự tin tưởng hiện có vào một vấn đề để ủng hộ vấn đề thứ hai còn chắc chắn hơn cái đầu tiên rất nhiều. Ví dụ, Phao-lô đảm bảo với các Cơ-đốc nhân ở Rô-ma về sự quan phòng của Đức Chúa Trời bằng cách nói thế này: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32). Phao-lô sử dụng kiểu lập luận từ điều lớn hơn suy ra điều nhỏ hơn. Nếu Đức Chúa Trời đã ban Chúa Giê-xu cho những ai tin Ngài, thì chắc chắn Ngài sẽ không tiếc bất cứ thứ gì với những người mà Ngài yêu!

Bằng cách lập luận như vậy, thì việc tin Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là Đấng đã tạo ra vũ trụ này mà không tin vào các phép lạ thì có gì đó hơi sai. Nó giống như việc các con tôi tin rằng cha chúng có thể làm bánh mì (và thật sự anh ấy có thể làm) nhưng lại không thể cho một cái bánh quy vào lò nướng. Trên thực tế, nếu bạn là một Cơ-đốc nhân (hay người Do Thái, người Hồi giáo), thì bạn đều tin rằng vũ trụ và muôn vật trong nó đều là tác phẩm của Đức Chúa Trời.

Ở một mức độ nào đó, sự thụ thai của một em bé loài người đã là một phép lạ. Điều đáng kinh ngạc về sự kiện Ngôi Lời nhập thể không phải là chuyện một trinh nữ có thai (mặc dù điều đó thật đáng chú ý) mà là việc Đức Chúa Trời đã trở thành người. Nhà vật lý Jonathan Feng nói, “Điều thực sự đáng kinh ngạc về đức tin Cơ-đốc là ý tưởng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên vũ trụ này – từ các hạt quark (một thành phần cơ bản của vật chất) đến các thiên hà – nhưng đồng thời cũng quan tâm đến con người chúng ta đến độ giáng sinh làm người, chịu chết và chịu đóng đinh trên thập tự giá trong con người Giê-xu, để đem lại sự tha thứ và sự sống mới cho những con người hư mất.

2. Phép lạ không bị loại trừ bởi khoa học

Trong cuốn sách Can a Scientist Believe in Miracles? của mình (tạm dịch là, “Một Nhà Khoa Học Có Thể Tin Vào Phép Lạ Không?”) giáo sư MIT Ian Hutchinson nhận xét rằng “Chúng ta có xu hướng xem Chúa là người ngoài cuộc, thường đứng sang một bên, để thiên nhiên tự sinh tự diệt, hiếm hoi lắm Ngài mới chìa tay ra để điều chỉnh vài thứ bằng những phép lạ chỗ này một chút chỗ kia một chút.”

Nhưng Hutchinson chỉ ra đây không phải là quan điểm của Kinh Thánh. Kinh Thánh bày tỏ Chúa Giê-xu là Ngôi Lời mà nhờ Ngài muôn vật được dựng nên (Giăng 1:1,3) và nhờ Ngài mà muôn vật được nâng đỡ (Hê-bơ-rơ 1:3). Do đó, thay vì chỉ đứng bên lề,

“[Chúa] liên tục nắm giữ vũ trụ trong lòng bàn tay… Vũ trụ này tồn tại nhờ quyền năng sáng tạo và ý muốn của Ngài. Nếu Ngài ngừng sử dụng quyền năng đó để nâng đỡ, hay ngừng chú ý đến mỗi phần của vũ trụ, thì toàn cõi vũ trụ này sẽ ngay lập tức không còn tồn tại.

Đồng quan điểm với các triết gia Cơ-đốc như Alvin Plantinga, Hutchinson khuyên chúng ta đừng nhìn những phép lạ siêu nhiên như thể Đức Chúa Trời đang can thiệp vào quy trình tự nhiên của vạn vật. Quy trình tự nhiên của muôn vật mà chúng ta khám phá được qua khoa học là hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của Ngài (Ngài muốn nó như thế nào thì nó sẽ như thể ấy). Do đó, phép lạ là “một hành động đặc biệt của Đức Chúa Trời” mà qua đó Chúa “nâng đỡ một phần của vũ trụ theo cách khác hơn bình thường.” Vậy nên, những người tự cho mình là am hiểu khoa học cũng không nên nghi ngờ về những công việc phi thường của Đức Chúa Trời vào dịp Giáng Sinh. Như triết gia về khoa học ở đại học Princeton Hans Halvorson chỉ ra, phương pháp khoa học hiện đại đầu tiên được phát triển bởi các Cơ-đốc nhân chính vì họ tin vào sự mặc khải trong Kinh Thánh về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Như Ngài Francis Bacon, (cha đẻ của chủ nghĩa duy nghiệm, phương pháp khoa học và là một nhân vật quan trọng của Cách-mạng khoa học) đã nói thế này, “Trên thực tế, Đức Chúa Trời đã viết hai quyển sách, chứ không phải chỉ một. Tất nhiên, chúng ta đều quen thuộc với quyển sách đầu tiên mà Ngài viết, đó là Kinh Thánh. Nhưng Ngài còn viết một quyển sách thứ hai có tên là sự sáng tạo

3. Các sách Phúc Âm không bị thần thoại hóa

Có một quan niệm sai lầm phổ biến về các sách Phúc Âm rằng các ghi chép về cuộc đời của Chúa Giê-xu đã được viết rất lâu sau khi các sự kiện này xảy ra, đến nỗi những gì miêu tả trong các sách đó đã bị thần thoại hóa. Câu chuyện diễn ra như thế này: Chúa Giê-xu ban đầu là một thầy dạy đạo vĩ đại với những ý tưởng đột phá về vấn đề đạo đức, nhưng qua nhiều năm, những tuyên bố phóng đại về con người thật của Ngài đã len lỏi vào những câu chuyện kể. Chỗ này thêm vào việc sinh ra bởi một nữ đồng trinh, chỗ kia thêm vào sự phục sinh, và kìa! Nhà tiên tri ở Na-xa-rét đã trở thành Con của Đức Chúa Trời.

Nhưng trong cuốn Can We Trust the Gospels? (tạm dịch là, “Liệu Chúng Ta Có Thể Tin Vào Các Sách Phúc Âm Không?”) học giả Tân Ước Peter Williams lập luận rằng đơn giản là không có thời gian để những câu chuyện về Chúa Giê-xu được thần thoại hóa. Các sách Phúc Âm được viết khi những người tận mắt chứng kiến cuộc đời của Chúa Giê-xu vẫn còn sống (Lu-ca 1:1-4, 1 Cô-rinh-tô 15:6). Chúng chứa đựng vô số những thông tin chi tiết về địa lý và văn hóa của khu vực chính xác mà Ngài đã từng sống – những chi tiết mà các tác giả ở những nơi xa xôi khác không thể tự dựng lên được. Cùng với sự lan truyền nhanh chóng của Cơ-đốc giáo, những lời tường thuật về cuộc đời Ngài đã đi rất xa và nhanh chóng với sự nhất quán đáng kinh ngạc đến độ sẽ không có cơ hội cho những người biên tập sau này thêm vào những chi tiết nghe có vẻ thần thoại hóa. Hơn nữa, như Williams nhắc nhở chúng ta, chúng ta có nhiều bằng chứng là những ghi chép được viết tay về cuộc đời và công việc của Chúa Giê-xu hơn cả về Tiberius, hoàng đế La Mã, người cai trị trong thời gian Ngài thi hành chức vụ.

Nói cách khác, chúng ta có thể chọn không tin vào những chi tiết trong câu chuyện Giáng Sinh. Nhưng đừng làm vậy nếu chỉ dựa trên tiền đề yếu ớt là những câu chuyện đó đã được viết ra hàng trăm năm sau khi Chúa Giê-xu ra đời.

4. Sự tha thứ là phép lạ lớn hơn cả.

Con gái tôi sẵn sàng tin rằng Chúa Giê-xu đã chết cho tội lỗi mình nhưng lại không muốn tin rằng Đức Chúa Trời có thể sai một thiên sứ đến thông báo với Ma-ri về sự ra đời của Chúa Giê-xu. Mặc dù điều này có thể tha thứ được, nhưng sự không tin của con bé thể hiện một sự thiếu hiểu biết về điều thực sự đáng chú ý ở đây. Chúng ta có thấy mình cũng thường mắc sai lầm như thế chăng? “Chắc chắn rồi, Chúa Giê-xu có thể tha thứ cho tội lỗi của tôi,” chúng ta nghĩ, “nhưng liệu Ngài có thực sự đi trên mặt nước không?”

Tuy nhiên, khi chúng ta đọc các sách Phúc Âm, thứ bậc của những điều khó tin này bị đảo ngược hoàn toàn.

Ở một trong những câu chuyện Phúc Âm mà tôi thích nhất, Chúa Giê-xu đối mặt với một người bị bại liệt. Các bạn của người đó đã làm hết sức mình (trèo lên nóc nhà, đục thủng mái và ròng dây đưa người xuống) để đem người đến trước mặt Chúa Giê-xu, và nhu cầu thuộc thể của người đó là hiển nhiên. Nhưng những lời đầu tiên ra từ miệng Chúa Giê-xu lại là, “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha.” (Mác 2:5). Đám đông hẳn phải rất bối rối trước phản ứng của Ngài. Người bại liệt này đến với Chúa Giê-xu để được chữa lành, chứ không phải để được tha thứ. Nhưng Chúa Giê-xu đã nhìn thấy một nhu cầu lớn hơn và khó đáp ứng hơn rất nhiều. Để chữa lành bệnh bại liệt của người đó, Chúa Giê-xu chỉ mất vài lời. Để mua sự tha thứ cho người đó, Chúa phải trả giá bằng chính sự sống của Ngài.

Giáng Sinh này, khi bạn bị cám dỗ để nghi ngờ rằng liệu sự kiện Chúa giáng sinh qua nữ đồng trinh và các thiên binh ca hát có thật trong lịch sử hay không, hãy tự nhắc nhở mình rằng điều đáng kinh ngạc hơn là Con của Đức Chúa Trời hằng sống đã trở thành một con trẻ sinh ra cho chúng ta, và rằng Đấng Cứu Rỗi vô tội đã chịu thương khó trên thập tự giá cho tội lỗi của chúng ta. Đó mới là điều thực sự không thể tin được về lễ Giáng Sinh.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: christianitytoday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like