Link bài đọc: https://youtu.be/4tziZUs9U9w
Hê-bơ-rơ 6:12 – “…anh em không lười biếng, nhưng cứ bắt chước những người bởi đức tin và lòng kiên nhẫn mà hưởng được lời hứa.”
Đức tin và lòng kiên nhẫn phải đi đôi với nhau để hưởng được những lời hứa của Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Thế gian định nghĩa lòng kiên nhẫn là khả năng nhẫn nhịn hoặc tự kiềm chế cơn bực tức trong cảm xúc của mình do người khác hoặc hoàn cảnh gây ra. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng lòng kiên nhẫn (nhịn nhục, chịu đựng, kiên trì) là bông trái của Thánh Linh cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng và luôn kiên định trong việc tin cậy vào những lời hứa và bản chất của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 5:22).
Chúng ta thường lầm tưởng rằng kiên nhẫn và đức tin đại diện cho hai thái cực đối nghịch nhau, bởi vì chúng ta thấy lòng kiên nhẫn thường lặng lẽ chờ đợi mà không phàn nàn, trong khi đức tin sẽ không sợ hãi mà mạnh dạn công bố điều lòng mình tin chắc tại ngay tại thời điểm đó. Tuy nhiên, Kinh Thánh thường liên kết lòng kiên nhẫn và đức tin với nhau như thể hai điều này là song hành với nhau vậy.
Khải-huyền 13:10 – “Nếu ai phải bị lưu đày, người ấy sẽ đi lưu đày. Nếu ai phải bị giết bằng gươm, người ấy sẽ bị giết bằng gươm.Đây là lòng kiên nhẫn và đức tin của các thánh đồ.”
2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:4 – “Chúng tôi cũng tự hào về anh em trong các Hội Thánh của Đức Chúa Trời, về sự kiên nhẫn và đức tin anh em trong tất cả những bắt bớ và hoạn nạn mà anh em đang chịu…”
Rô-ma 12:12 – “Hãy vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn trong hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện…”
Kiên nhẫn không phải là sự lười nhác; chúng ta không nên dùng sự kiên nhẫn như một cái cớ để lười biếng. Kiên nhẫn là một động từ, nói về những gì chúng ta làm trong khi chờ đợi, đó là có một tư duy kiên định và bất di bất dịch. Trong nguyên ngữ, từ này có nghĩa là ‘can đảm chịu đựng trong khi chịu khổ’.
Chúng ta thường nghĩ chỉ cần có đủ đức tin thì sẽ thấy ngay kết quả. Tuy nhiên, có một nơi để đức tin có thể “bám vào” cho đến khi điều mà chúng ta tin được bày tỏ ra vào đúng thời điểm của Chúa. Một trong những từ được sử dụng trong Kinh Thánh để thể hiện sự kiên nhẫn là “giữ”, từ này có nghĩa là giữ vững và không đánh mất đức tin cùng sự vâng lời của chúng ta. Khi đối mặt với sự chậm trễ, chúng ta nên kiên định trong đức tin của mình, kiên nhẫn “giữ” mình vững vàng trong sự cầu nguyện, và tin tưởng vào sự thành tín của Đức Chúa Trời.
Kiên nhẫn và Kiên định
Kiên nhẫn là sự kiên định về mặt tinh thần. Đó là khả năng chịu đựng các cuộc hành hung, tấn công, thử thách, hoặc bất kỳ loại khổ nạn và bắt bớ nào. Đây có nghĩa là sức mạnh và khả năng phục hồi để có thể đứng vững trong cái nóng, cái lạnh, trước những thử thách, cũng như đối mặt với mọi vấn đề mà không dao động. Nhìn bề ngoài thì điều này có vẻ như thụ động nhưng trong lĩnh vực tâm linh thì thực chất là đang ở thế chủ động.
Có hai khía cạnh trong đức tin – Đến gần và Đứng yên. Khía cạnh thứ nhất là tiếp cận Đức Chúa Trời và nhận lấy quyền năng cũng như ân điển của Ngài để bày tỏ điều đó ra trong thế giới tự nhiên. Đức tin là một phương tiện đưa những điều không thấy được vào trong thế giới thấy được. Khía cạnh thứ hai là sức mạnh và khả năng chống chọi với mọi lực lượng chống đối cho đến khi kết quả được tỏ ra.
Chúng ta phải liên tục tiến về phía trước với sự dạn dĩ và can đảm, đồng thời kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi diễn ra trong tự nhiên. Khi đức tin dao động, chính lòng kiên nhẫn là sức mạnh giúp chúng ta tiếp tục vững vàng. Lòng kiên nhẫn tạo nền tảng cho đức tin và cho đức tin thêm sức chịu đựng để kiên trì cho đến khi có câu trả lời. Cần có cả hai khía cạnh này trong sự kỷ luật thuộc linh để có thể thành công vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống. Một khía cạnh nói về những ngọn núi cản đường chúng ta; cái kia giải phóng sức mạnh bên trong của Đấng Christ để giúp chúng ta tiếp tục kiên định. Đức tin không chỉ là những gì chúng ta tin mà là chúng ta có thể tiếp tục tin trong bao lâu bất chấp mọi hoàn cảnh không được suôn sẻ như mong đợi.
Kiên nhẫn và Hy vọng
Rô-ma 8:25 – “Nhưng nếu đặt hy vọng vào điều mình không thấy thì chúng ta cứ kiên nhẫn chờ mong điều đó.”
1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3 – “Trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha, chúng tôi hằng nhớ đến công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương, sự kiên nhẫn trong hy vọng của anh em nơi Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ.”
Đức tin và lòng kiên nhẫn hoàn toàn có mối liên hệ với nhau chứ không phải tồn tại biệt lập. Theo Kinh Thánh, kiên nhẫn là một dạng của hy vọng (sự trông cậy).
Đức tin là tin rằng điều gì đó sẽ xảy ra, trong khi lòng kiên nhẫn là sự kiên định chờ đợi cho đến khi đức tin đó được trở thành hiện thực. Đức tin là sự can đảm để tiếp cận Đức Chúa Trời để cầu xin một điều gì đó và sau đó thể hiện điều đó ra bên ngoài. Nhưng kiên nhẫn là sức mạnh để chống chọi với những cơn gió trái chiều, khả năng đẩy lùi sự chống đối và giành lấy chiến thắng. Khi đức tin và lòng kiên nhẫn phối hợp với nhau một cách đúng đắn, chúng ta sẽ không nản lòng khi những lời cầu nguyện của chúng ta chưa được đáp lời. Chúng ta chỉ có thể yên nghỉ trong sự tể trị và đức thành tín của Chúa rằng Ngài chắc chắn sẽ thực hiện những lời hứa của Ngài. Nói một cách đơn giản, kiên nhẫn cần có đức tin và đức tin cần kiên nhẫn.
Thi-thiên 37:7-9 – “Hãy an nghỉ trong CHÚA và kiên nhẫn chờ đợi Ngài…ai trông đợi CHÚA sẽ hưởng được đất.” (BD2011)
Hê-bơ-rơ 10:35-36 – “Vậy, chớ bỏ lòng tin quyết của mình, vì nó sẽ đem lại phần thưởng lớn. Anh em cần phải kiên nhẫn để sau khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì nhận được điều đã hứa cho mình.”
Nếu không có lòng kiên nhẫn, chúng ta có thể mắc phải nhiều sai lầm nghiêm trọng trong cuộc sống và cũng chính vì điều này mà đã dẫn đến nhiều thất bại thảm hại. Sự thiếu kiên nhẫn của Áp-ra-ham đã dẫn đến sự ra đời của Ích-ma-ên (Sáng-thế 13-16) cũng như sự thiếu kiên nhẫn của dân Y-sơ-ra-ên đã dẫn đến sự kiện con bò vàng mà suýt chút nữa đã khiến cả dân tộc phải bị diệt vong nếu không nhờ sự cầu thay của Môi-se (Xuất 32:10). Chúng ta cần có đức tin để mở ra cánh cửa cho những lời hứa của Đức Chúa Trời và lòng kiên nhẫn để giữ cánh cửa đó tiếp tục mở cho đến khi lời hứa được thực hiện.
Đôi khi Đức Chúa Trời thử lòng kiên nhẫn của chúng ta qua sự chậm trễ. Đức tin mà không có lòng kiên nhẫn sẽ tạo ra những Cơ-đốc nhân khởi đầu thì tốt nhưng cuối cùng có thể chùn bước và sa ngã. Mặt khác, lòng kiên nhẫn mà không có đức tin có thể tạo ra những cá nhân trải qua đau khổ nhưng không nhận được ích lợi gì từ những trải nghiệm đó theo cách mà Đức Chúa Trời đã dự định cho họ. Cả hai thuộc tính đều quan trọng như nhau để chúng ta trở nên mạnh mẽ và khỏe mạnh về mặt thuộc linh.
“Đừng bao giờ hy sinh những sự đời đời vì những điều trước mắt.” – Bob Jones
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com