Home Chuyên Đề Kinh Thánh Nói Gì Về Phần Thưởng Trên Thiên Đàng?

Kinh Thánh Nói Gì Về Phần Thưởng Trên Thiên Đàng?

by ibelieve.com
30 đọc

Vâng lời thường là một thử thách — cho dù đó là việc Đức Chúa Trời đang kêu gọi chúng ta yêu thương một người hàng xóm thô lỗ, ban cho người nghèo cách rời rộng, hay dành các ngày thứ Bảy trong tuần để phục vụ người khác. Sẽ có lúc chúng ta muốn bỏ cuộc. Chúng ta thậm chí có thể bắt đầu cảm thấy như thể những nỗ lực của mình là vô ích.

Chúa Giê-xu đã báo trước cho chúng ta rằng hành trình đức tin này sẽ có nhiều khó khăn. Ngài nói rằng người đời sẽ hiểu lầm chúng ta, vu khống chúng ta và quay lưng lại với chúng ta. Phần lớn những người mà chúng ta cố gắng tiếp cận có thể đáp lại lòng tốt của chúng ta bằng những lời nói mang tính công kích. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào ngày hôm nay, vào kết quả ngày mai, thì những khó khăn này có thể sẽ khiến chúng ta nản lòng. Chúa Giê-xu hiểu điều này từ kinh nghiệm cá nhân của Ngài, tuy nhiên, Ngài đã chịu đựng “vì niềm vui đặt trước mặt mình” (Hê-bơ-rơ 12: 2). Bạn và tôi phải noi theo gương của Ngài, chuyển mối quan tâm của mình ra khỏi những thử thách cũng như thất vọng và tập trung vào những điều thuộc về cõi đời đời.

Một ngày nào đó, Đức Chúa Trời sẽ xua tan mọi đau đớn cùng nghịch cảnh ra khỏi đời sống của chúng ta vì lợi ích của chúng ta và chúng ta sẽ được đắm mình trong sự hiện diện của Ngài. Chỉ duy nhất điều này thôi cũng đáng để vui mừng rồi. Nhưng Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời ban cho dư dật, và là Chúa của sự công chính, Đấng để tâm đến mọi hành động tử tế và sự hy sinh của con cái Ngài. Kinh Thánh hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho mọi việc làm được thực hiện bởi đức tin—ngay cả những điều “không thấy được”, và phần thưởng của chúng ta sẽ rất lớn. Tuy nhiên, mặc dù Ngài không bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm về kết quả của việc làm chúng ta, nhưng Ngài rất quan tâm đến động cơ thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Những lẽ thật này sẽ thôi thúc chúng ta tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời trong mọi thời điểm, và học tập chú vào những ân phước vô lượng phía trước.

1. Đức Chúa Trời sẽ thưởng cho sự vâng lời của chúng ta.

Khoảng 5 năm trước, Đức Chúa Trời kêu gọi gia đình chúng tôi mở cửa đón nhận liên tiếp hai thiếu niên thuộc hệ thống nhà tình thương. Có đời sống bị tổn thương, bị bỏ rơi và ruồng rẫy, nên tính cách của cả hai đã trở nên cứng rắn và thường xuyên tỏ ra thô lỗ. Kết quả là, họ đáp lại những hành động tử tế của chúng tôi bằng thái độ khinh khỉnh, trả ơn cho chúng tôi bằng sự công kích. Qua tất cả, chúng tôi đã cố gắng hết sức để kiên trì, hy vọng rằng hành động của mình sẽ thay đổi được họ. Chúng tôi cầu nguyện để những thanh niên này sẽ nhìn thấy Đấng Christ trong chúng tôi và sẽ ngày càng đến gần với sự tự do mà Ngài đã ban cho họ.

Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra. Cả hai rời bỏ sự chăm sóc của chúng tôi với cùng một sự giận dữ, phẫn uất, mang theo những vết thương và những hành vi tự hủy hoại bản thân như khi họ mới đến nhà chúng tôi. Mặc dù chỉ có Chúa mới có thể nhìn thấy những điều xảy ra trong tấm lòng, nhưng nhìn từ góc độ con người, chúng tôi đã thất bại. Những nỗ lực và sự kiên trì của chúng tôi dường như vô ích. Nhưng thật ra thì không. Những hành động yêu thương của chúng ta, đặc biệt là những hành động dường như khó thể hiện nhất, đã giúp xây dựng tính cách của chúng ta. Tôi chắc chắn rằng qua những hành động đó chúng tôi sẽ có được những phần thưởng tuyệt vời.

Chúng ta được nói cho biết trong Ma-thi-ơ 25:40, “Thật, Ta bảo các con, khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta.”  Nói cách khác, cách mà chúng ta đối xử với những người bị tổn thương, nghèo khó và bị gạt ra ngoài lề xã hội cũng chính là cách mà chúng ta đối với Chúa Giê-xu vậy. Khi chúng ta phục vụ họ, chúng ta thực sự đang phục vụ Đấng Christ và Ngài đã hứa rằng chúng ta sẽ nhận được phần thưởng của mình. Như Chúa Giê-xu đã nói trong Ma-thi-ơ 16:27, “Vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha mình cùng với các thiên sứ. Lúc ấy, Ngài sẽ ban thưởng cho từng người, tùy việc họ làm.” Do đó, Khi [chúng ta] làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta, vì [chúng ta] biết rằng [mình] sẽ nhận được cơ nghiệp từ Chúa làm phần thưởng. [Chúng ta] đang phục vụ Đấng Christ là Chúa chứ chẳng phải ai khác. (Cô-lô-se 3: 23-24, diễn ý)

2. Phần thưởng của chúng ta thật tốt thay.

Hãy tưởng tượng về điểm đến yêu thích của bạn cho một kỳ nghỉ, một bữa tiệc hoặc món quà yêu thích. Hãy dừng lại để suy ngẫm về khoảnh khắc mà bạn cảm thấy đặc biệt hạnh phúc và mãn nguyện. Kinh Thánh nói rằng tất cả những trải nghiệm tuyệt vời nhất trên đất đều nhạt nhòa so với tất cả những gì đang chờ bạn ở phía trước. Hãy sử dụng phép loại suy cho dễ hiểu, Chúa Giê-xu nói, “Vậy nếu các con vốn là người xấu, còn biết cho con mình các vật tốt, huống chi Cha các con ở trên trời lại không ban những vật tốt cho những người xin Ngài sao?” (Ma-thi-ơ 7:11)

Theo ngữ cảnh, Ngài đang đề cập đến sự chu cấp và sự đáp lời của Đức Chúa Trời cho những lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng nguyên tắc chung vẫn được áp dụng ở đây. Đức Chúa Trời là tốt lành. Ngài là Đức Chúa Trời của sự dư dật, Đấng yêu thương ban phước cho những con cái rất yêu dấu của Ngài. Xuyên suốt Tân Ước, Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta tin cậy nơi sự tốt lành của Ngài, biết chắc rằng những điều đẹp đẽ và niềm vui lớn đang chờ đợi chúng ta.

3. Đức Chúa Trời ban thưởng cho sự vâng lời chứ không phải kết quả của việc làm.

Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-xu đã tập hợp các môn đồ của Ngài lại để thông báo cho họ những tin xấu. Ngài sẽ bị cất đi khỏi họ và họ sẽ phải trải qua sự bắt bớ. Trong khi một số người sẽ tiếp nhận sứ điệp phúc âm của họ, những người khác sẽ ghét họ vì cớ Danh Ngài. “Ta đã lựa chọn các con từ giữa thế gian,” Ngài nói, “nên thế gian ghét các con. Hãy nhớ lời Ta đã nói với các con: ‘Đầy tớ không hơn chủ.’ Nếu họ bắt bớ Ta, họ cũng sẽ bắt bớ các con. Nếu họ vâng giữ lời Ta,” – thực tế là có nhiều người không. – “họ cũng sẽ vâng giữ lời các con. Nhưng vì danh Ta, họ sẽ làm mọi điều đó cho các con, vì họ không biết Đấng đã sai Ta đến.” (Giăng 15:19b-21)

Nói cách khác, nhiều lần, những nỗ lực lớn nhất, chân thành nhất của chúng ta sẽ không dẫn đến kết quả mà chúng ta mong đợi. Trên thực tế, có khi còn khiến người khác tức giận. Sau nhiều lần trải nghiệm điều này, sứ đồ Phao-lô, người sống vào thế kỷ thứ nhất đã viết thế này, “Vậy, thưa anh em quý mến của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (1 Cô-rinh-tô 15:58)

Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng của chúng ta, sự kiên trì của chúng ta, cũng như tình yêu của chúng ta đối với Ngài và những người khác. Ngài không bắt chúng ta chịu trách nhiệm về cách người khác cư xử với chúng ta hay việc chức vụ và hội thánh của chúng ta phát triển như thế nào. Nhưng Ngài mong đợi chúng ta làm tốt việc sống và yêu thương mọi người, và cũng giống như một người Cha hãnh diện vì những đứa con của mình, Ngài sẽ yêu thương mà ban thưởng cho sự vâng lời của chúng ta.

4. Động cơ nào thúc đẩy chúng ta hành động mới là quan trọng.

Nếu bạn là cha mẹ, bạn sẽ hiểu khi nào thì con cái mình vâng lời một cách vui vẻ và khi nào thì chúng chỉ làm theo lời bạn vì bị bắt buộc. Con cái vâng lời một cách tự nguyện thường mang lại niềm tự hào và vui mừng cho cha mẹ; còn ngược lại, chỉ mất công cha mẹ phải thường xuyên để mắt, thở dài, và chỉ mang đến sự thất vọng mà thôi. Đức Chúa Trời muốn sự vâng lời của chúng ta; nhưng hơn thế nữa, Ngài muốn tấm lòng của chúng ta. Nói với những người Pha-ri-si, một nhóm tôn giáo nổi tiếng về sự công bình chiếu lệ bên ngoài, Chúa Giê-xu nói: “Hỡi những kẻ đạo đức giả! Ê-sai thật đúng khi nói tiên tri về các ngươi rằng: ‘Dân nầy lấy môi miệng tôn kính Ta; Nhưng lòng chúng nó cách xa Ta lắm. Việc chúng thờ phượng Ta là vô ích, giáo lý chúng dạy chỉ là những luật lệ của loài người.’” (Ma-thi-ơ 15: 7-9).

Nhiều thập kỷ sau, Phao-lô bày tỏ mối quan tâm tương tự khi nói chuyện với những người theo Chúa Giê-xu ở Cô-rinh-tô. Xuyên suốt sách 1 Cô-rinh-tô, chúng ta thấy những dấu hiệu cho thấy những người trong hội thánh này đang tìm cách nâng cao bản thân mình thay vì tôn cao Chúa Giê-xu. Họ muốn có những vị trí “danh giá” nhất và những ân tứ thuộc linh “đáng tôn trọng” nhất, theo cách nói của con người.

Trong đoạn 3 của sách này chúng ta đọc thấy,

Theo ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã đặt nền như một thợ lành nghề, còn người khác thì xây cất lên trên. Nhưng mỗi người phải thận trọng về cách mình xây trên nền ấy. Vì chẳng ai có thể đặt một nền móng khác, ngoài nền đã được đặt là Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu ai dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô hay rơm rạ để xây trên nền ấy thì công trình của mỗi người sẽ được tỏ ra. Ngày phán xét sẽ làm rõ công trình đó; nó sẽ bị phơi bày trong lửa, và lửa sẽ thử nghiệm giá trị công trình của mỗi người. Nếu công trình của ai xây trên nền được tồn tại thì người ấy sẽ nhận được phần thưởng. Còn nếu công trình của người nào bị thiêu hủy thì sẽ mất phần thưởng; về phần người ấy, sẽ được cứu nhưng dường như qua lửa.” (câu 10-15)

Mở rộng hơn ý tưởng này, David Guzik từ mục vụ Enduring Word đã viết, “Chúa biết cách ban thưởng đúng người đúng việc. Trên đất này, không một người hầu việc Chúa nào nhận được quá nhiều hay quá ít phần thưởng dành cho mình.” Nhà thần học thế kỷ 19 Charles Hodge cũng bày tỏ một kết luận tương tự, khi nói rằng, “Mục sư hay nhà truyền giáo trung tín, siêng năng, hầu việc Chúa một cách thầm lặng mà không nhận lại kết quả rõ ràng, sẽ nhận được phần thưởng vượt xa so với những người có vẻ như là những công cụ mang lại kết quả vượt trội nhưng ít từ bỏ bản thân và ít nỗ lực hơn.

Khi các hành vi tôn giáo của chúng ta xuất phát từ động cơ ích kỷ, thì những nỗ lực lớn nhất của chúng ta chỉ như làn khói tan mau. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho chúng ta bất cứ khi nào chúng ta hết lòng phục vụ mọi người hay thật lòng yêu mến Chúa, “vì Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng” (2 Cô-rinh-tô 9: 7b). Điều này sẽ là động cơ thúc đẩy chúng ta liên tục tra xét lòng mình, cầu xin Chúa thêm sức và mong muốn “dâng thân thể mình làm của lễ sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời”—vì đây “là sự thờ phượng phải lẽ [của chúng ta]” (Rô-ma 12: 1).

Những khi cảm thấy đời sống và chức vụ đầy thử thách, khi những người khác tấn công chúng ta vì đức tin của chúng ta, và những nỗ lực nhiệt thành nhất của chúng ta dường như không có tác dụng gì, nguyện chúng ta tìm thấy sự an ủi và khích lệ trong lẽ thật này: Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho mỗi một lời cầu nguyện, mỗi một đồng tiền quyên góp và mỗi một hành động phục vụ được ban ra từ một tấm lòng trong sạch chứa đầy sự ngợi khen. Những kho báu đời đời mà Ngài dành sẵn cho chúng ta thì tốt hơn rất nhiều so với bất cứ thứ gì chúng ta có thể nhận được trên đất, và kho báu đó sẽ không bao giờ bị rỉ sét hay mai một.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: ibelieve.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like