Home Chuyên Đề Tôi Có Thể Hẹn Hò Với Một Người Không Có Cùng Giáo Lý Với Mình Chăng?

Tôi Có Thể Hẹn Hò Với Một Người Không Có Cùng Giáo Lý Với Mình Chăng?

by Crosswalk.com
30 đọc

Việc hẹn hò đối với người tin Chúa có thể là một thách thức như những gì chúng ta đã được dạy trong Kinh Thánh, rằng con cái Chúa không được kết hiệp với một người không tin vào ân điển cứu rỗi của Chúa Giê-xu Christ. 2 Cô-rinh-tô 6:14 nói rất rõ ràng rằng chúng ta “chớ mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Vì công chính và gian ác có kết hợp nhau được chăng?…

Với suy nghĩ đó, một tín hữu độc thân nhiệt thành sẽ tìm kiếm mối quan hệ với một người có cùng đức tin với mình. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn gặp được người mà bạn có thể nhìn thấy tương lai với người đó, nhưng cả hai bạn lại tin theo những giáo lý khác nhau? Sự khác biệt giáo phái đã dẫn đến những giáo lý khác nhau và cũng khiến chúng ta đưa ra những quyết định khác nhau? Rồi chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Liệu đó có phải cũng là một dạng “mang ách chung” chăng? Chúng ta có đang thỏa hiệp những niềm tin cốt lõi để có được một mối quan hệ ? Hay vẫn có ân điển trong sự khác biệt bên trong những giới hạn của đức tin vào Chúa Giê-xu Christ?

Có người nói rằng nếu cả hai bạn đều tin Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời đã chết và sống lại, thì đã đủ cơ sở để bắt đầu một mối quan hệ rồi. Phần còn lại có thể nói chuyện với nhau sau dựa trên sự giáo dục và cách giải thích Kinh Thánh. Tuy nhiên, cách giải quyết đơn giản hóa đó lại làm nảy sinh nhiều vấn đề như thể những ngọn núi lửa cứ chực phun trào khi đi sâu hơn vào các giáo lý cốt lõi khác của đức tin. Những giáo lý gây tranh cãi này bao gồm phép báp-têm và vấn đề tình dục, vai trò của người nam và người nữ, và liệu việc thực hành các ân tứ của Thánh Linh có quan trọng đối với sự cứu rỗi, hay chỉ đơn thuần là một món quà, hoặc có lẽ là không tồn tại (theo như nhiều học thuyết ngày nay tin như vậy). Các yếu tố liên quan đến giáo lý thường rất bao quát, và trong khi một số yếu tố ít quan trọng hơn, thì những yếu tố khác có thể tạo ra mâu thuẫn hoặc phá vỡ mối quan hệ sau khi được đưa vào thử nghiệm.

Hãy dành thời gian để khám phá thêm về chủ đề khá phức tạp này. Nếu chúng ta tiến lên trên cơ sở rằng mình không phải đang “mang ách chung với kẻ chẳng tin” như Kinh Thánh đã nói, thì chúng ta phải xem xét điều gì tương đương với sự kết hiệp cân bằng. Ví dụ, trong khi hai tín hữu có thể hết lòng đồng ý về sự sống, sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ, thì họ có thể mâu thuẫn về việc liệu Kinh Thánh có phải là Lời của Đức Chúa Trời không hay thay vào đó, chỉ là một quyển sách hướng dẫn tốt cho cuộc sống.

Vậy chúng ta có thể hẹn hò với một người không có cùng giáo lý với mình chăng? Câu trả lời ở đây là có thể có và cũng có thể không. Hãy chia nhỏ ý tưởng về các giáo lý để xem làm thế nào chúng ta có thể đánh giá mối quan hệ mà chúng ta đang định dấn thân vào sẽ củng cố thêm hay phá hoại đức tin cá nhân của chúng ta.

Tiến-sĩ R. Albert Mohler Jr., chủ tịch của Chủng-viện Thần-học Baptist Miền Nam, đã mô tả giáo lý là một “quy tắc của bộ ba thần học”. Về cơ bản, xác định mức độ cấp thiết và mức độ quan trọng của giáo lý đối với đời sống đức tin của bạn. Ông liệt kê các học thuyết được nhóm thành các nhóm giáo lý cấp độ một, cấp độ hai và cấp độ ba mà sẽ được xem xét ngay sau đây.

Giáo lý cấp độ một

Những điều không phải bàn cãi của đức tin Cơ-đốc. Nếu không có những giáo lý này, thì khuôn khổ của Cơ-đốc giáo sẽ sụp đổ. Các giáo lý như Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Sự Phục Sinh của Đấng Christ, Thần tính của Chúa Giê-xu Christ.

Giáo lý cấp độ hai 

Những vấn đề mà các tín hữu Cơ-đốc thường thấy bất đồng trong quan điểm; rào cản đối với mối quan hệ thông công được tạo ra. Những học thuyết này là lý do hình thành các giáo phái khác nhau trong đức tin Cơ-đốc. Các giáo lý cấp độ hai, như Mohler gợi ý, giống như lễ báp-têm hay vai trò, thẩm quyền của đàn ông và phụ nữ trong nhà thờ.

Giáo lý cấp độ ba

Đây là những yếu tố về đức tin thường xuyên được tranh luận nhưng không gây ảnh hưởng gì đến sự gần gũi hay hiệp nhất giữa những người đang tranh luận. Sự tiền định so với ý chí tự do hoặc sự thông giải Kinh thánh về thời kỳ sau rốt có thể nằm trong số này. Là một người tin Chúa, chúng ta nên nghiên cứu sâu hơn về giáo lý và biết được bản thân mình đang ở cấp độ nào. Điều này sẽ giúp bạn trước khi bước vào một mối quan hệ nào đó sẽ xác định xem liệu mối quan hệ đó có mang lại sự cân bằng lành mạnh hay sẽ ảnh hưởng không tốt đến đức tin của bạn.

Dễ nhận thấy nhất là những giáo lý ở cấp độ một—theo cách tiếp cận của Mohler—thì chắc chắn là không thể đi đến một mối quan hệ nếu như giữa hai bạn có sự khác biệt trong vấn đề này. Một người không thể nào được coi là người tin Chúa mà phủ nhận thần tính của Đấng Christ, sự phục sinh của Ngài, hay giáo lý Ba Ngôi. Nếu người nào tin rằng Chúa Giê-xu là một đấng tiên tri, một người thầy hay chỉ đơn giản là một người tốt, mà không phải là một thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, thì người đó hoàn toàn không có nền tảng cơ bản của Cơ-đốc giáo. Nói đúng hơn là người đó có một cái nhìn méo mó về việc Chúa Giê-xu là ai và Cơ-đốc giáo rốt cuộc là về cái gì, lúc này đối với họ Kinh Thánh chỉ là một cuốn sách còn nhiều tranh cãi. Khác biệt về các giáo lý cấp độ một, khá rõ ràng, một mối quan hệ như vậy chính là “mang ách chung với kẻ chẳng tin”.

Những giáo lý ở cấp độ hai thường là điểm phát sinh nhiều tranh cãi và gây căng thẳng nhất. Ví dụ, một cá nhân có thể tin rằng Kinh Thánh nói rất rõ rằng chỉ có đàn ông mới có quyền giữ chức vụ lãnh đạo thuộc linh trong Hội-thánh, trong khi người kia có thể không đồng ý, cho rằng đó chỉ là một yếu tố văn hóa của thời kỳ mà phân đoạn Kinh Thánh đó được viết ra. Họ có thể nói rằng phủ nhận vai trò lãnh đạo của phụ nữ là phủ nhận sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trên những người nữ làm chức vụ. Đây có phải là vấn đề khiến cho một mối quan hệ đổ vỡ không? Có lẽ đúng. Mà cũng có lẽ không.  Hãy xem xét một mối quan hệ khi mà người nam tin chắc rằng anh ta là người lãnh đạo thuộc linh, trong khi người nữ cũng tin rằng cô ấy có cùng khả năng và thậm chí có cùng sự kêu gọi?  Làm thế nào để giải quyết điều đó mà vẫn giữ được sự mật thiết của một mối quan hệ? Vấn đề này có thể được giải quyết không? Đối với một số người là có thể, và đối với những người khác thì không. Ngoài ra, giả sử mối quan hệ hẹn hò này dẫn đến hôn nhân, căng thẳng có thể tiếp tục nảy sinh. Một ví dụ về điều này là khi hai người có con, người mẹ muốn em bé được báp-têm từ khi còn nhỏ, nhưng người cha lại tin rằng báp-têm là một hành động bên ngoài của một tuyên bố cá nhân về đức tin bên trong. Liệu sự căng thẳng này có thể vượt qua được không? Có lẽ không. Nhưng đối với một số người, họ vẫn có cách để sắp xếp sao cho ổn thỏa.

Các giáo lý cấp độ ba có thể sẽ mang lại nhiều cuộc thảo luận và đôi khi thậm chí là tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, cuối cùng, hai người có thể chia tay nếu có thái độ bằng mặt chứ không bằng lòng trong khi biết rằng họ có chung những lẽ thật nền tảng về đức tin.  Nếu một người tin rằng Đức Chúa Trời đã đặc biệt chọn ai sẽ là con cái của Ngài còn người kia thì tin rằng mỗi người có ý chí tự do để chọn tin vào Đấng Christ, thì nói cho cùng, cơ sở của sự cứu rỗi vẫn không bị xáo trộn. Khung sườn vững chắc thì giữ cho cả cái nhà không đổ. (Một số người tin rằng việc Đức Chúa Trời chọn người nào được cứu so với việc ý chí tự do của người đó trong việc chọn tin Ngài nên được xếp vào nhóm giáo lý cấp độ một, nói như vậy càng làm rõ mức độ quan trọng của những vấn đề này khi xem xét tầm ảnh hưởng của chúng tới một mối quan hệ).

Vậy, chúng ta nên nhìn vào điều gì, khi bước vào một mối quan hệ hẹn hò, khi mà giữa hai người tồn tại những quan niệm về giáo lý khác nhau? Quan trọng là phải xem xét những điều sau đây:

Đừng bỏ qua sự khác biệt

Việc xem xét và cân nhắc trước những khác biệt này là rất quan trọng trước khi bước vào một mối quan hệ có cam kết lâu dài, mà từ mối quan hệ đó bạn có khả năng sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn những đứa con của mình trên hành trình đức tin của riêng chúng. Tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng dừng lại ở chỗ “vâng, tôi tin rằng Chúa Giê-xu là Chúa và Cứu Chúa của tôi (và anh ấy/cô ấy cũng tin như vậy)” rồi cho rằng chúng ta và ai đó có thể hòa hợp với nhau. Như đã thấy ở trên, sự hòa hợp đó sẽ chỉ tồn tại cho đến khi các vấn đề về giáo lý khác ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Hãy xác định những điều không phải bàn cãi hay không thể thỏa hiệp

Những giáo lý nào bạn thấy là không thể thỏa hiệp đối với đức tin của mình? Có thể các giáo lý cấp độ hai sẽ được đưa vào đây. Vì vậy, hãy trung thực và thành thật với chính mình trong khi tìm kiếm Chúa với lòng nhiệt thành. Nếu sự bất đồng về một vấn đề giáo lý ảnh hưởng đến khuôn khổ đức tin của bạn, thì có lẽ bạn đang bước vào một mối quan hệ không cân bằng và chẳng sớm thì muộn sẽ tự đi vào bế tắc.

Hãy cởi mở trong việc xem xét  và đặt câu hỏi về giáo lý của bạn

Khi làm như vậy, bạn có thể càng củng cố vững chắc hơn những gì mà bạn tin tưởng. Hoặc, bạn có thể thấy rằng điều bạn nghĩ là không thể hòa hợp nhưng thật ra vẫn có thể tìm thấy những điểm chung giữa những giáo lý tưởng chừng khác biệt. Thật không may, có quá nhiều tín hữu không đặt câu hỏi về giáo lý của nhau trước khi bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc. Họ mắc sai lầm khi chỉ tin và áp dụng những gì họ được dạy từ nhỏ mà không hiểu cơ sở Kinh Thánh. Bằng cách đặt câu hỏi, chúng ta tìm kiếm lẽ thật trong các trang Kinh Thánh và phát triển mong muốn hiểu thêm về tâm trí của Đấng Christ. Tất cả điều này được thực hiện bởi sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.

Hẹn hò với một người tin Chúa không phải chỉ đơn giản là bảo người đó đọc một lời cầu nguyện tiếp nhận Chúa thì đã trở thành Cơ-đốc nhân, và từ đó sẽ dẫn đến một mối quan hệ cân bằng. Có những sắc thái giáo lý không được bỏ qua. Bạn có thể hẹn hò với một người tin vào những giáo lý khác với bạn không? Vâng. Bạn có thể. Nhưng tùy thuộc vào việc cả hai bạn có cùng nhau xem xét những khác biệt trong giáo lý đó hay không, và liệu bạn có thể duy trì sự hiệp nhất trong các giáo lý khác nhau mà các bạn đang tin vào hay không.

Một mối quan hệ có nền tảng vững chắc là sự hiệp nhất về mặt thuộc linh sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với những tác nhân gây căng thẳng mà sẽ thách thức đức tin trong tương lai của mối quan hệ đó. Việc không thẳng thắng với nhau về vấn đề này trước khi bước vào một mối quan hệ sẽ khiến bản thân và đức tin của bạn bị tổn thương về lâu dài. Hãy nhớ rằng, “mang ách chung” có nghĩa là tìm ra sự cân bằng để làm việc cùng nhau và không chống lại nhau. Hãy đặt những câu hỏi khó—mối quan hệ của bạn và quan trọng hơn là đức tin của bạn, kèm theo lời cảm ơn khi đối phương cũng thẳng thắng với bạn trong vấn đề này.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like