Home Chuyên Đề Những Trở Ngại Trong Công Tác Truyền Giáo: Rào Cản Lớn Nhất Đối Với Các Sinh Viên Bước Vào Cánh Đồng Truyền Giáo

Những Trở Ngại Trong Công Tác Truyền Giáo: Rào Cản Lớn Nhất Đối Với Các Sinh Viên Bước Vào Cánh Đồng Truyền Giáo

by thetravelingteam.org
30 đọc

Chồng tôi và tôi đã ngồi cùng vài chục sinh viên vào một đêm nọ để lắng nghe một nhà huy động truyền giáo giải đáp những thắc mắc của họ về việc đi ra nước ngoài sau khi hoàn tất chương trình đại học. Câu hỏi đầu tiên cũng là câu hỏi mà chúng tôi đã nghe nhiều lần: Làm thế nào để có đủ tiền khi bạn chỉ vừa mới tốt nghiệp đại học? Tôi biết cậu thanh niên này có lẽ đã hơi bối rối khi câu hỏi của cậu được đáp lại bằng một nụ cười và một cái lắc đầu. Nhà huy động nói rằng tiền không phải là vấn đề của họ, và thay vào đó ông yêu cầu các sinh viên hãy đoán xem rào cản chính ngăn trở họ đến với cánh đồng truyền giáo sau khi tốt nghiệp là gì.

Những câu trả lời như các khoản nợ của sinh viên, thiếu sự đào tạo, và sự sợ hãi đều bị phủ nhận bởi những cái lắc đầu. Khi căn phòng trở nên im lặng, nhà huy động nhìn vào mắt tôi. Tôi đã cười vì tôi biết rất rõ câu trả lời: đó là chính tôi.

Rào cản lớn nhất mà các nam nữ thanh niên này gặp phải khi cố gắng đem Phúc Âm ra nước ngoài thường là những bậc cha mẹ giống như chúng tôi.

Một phần nào đó điều này có thể hiểu được. Chúng tôi đã không dành nhiều thời gian để ở bên con cái mình khi chúng học đại học, và sự thật là, nhiều người trong chúng tôi sẽ không nghe được nhiều về chúng khi chúng đã rời xa gia đình. Khi con cái đã trưởng thành, thì các bậc cha mẹ không còn kiểm soát chúng được nữa. Thêm vào đó, đa phần chúng tôi đã phải làm việc vất vả và chi trả một khoản tiền lớn để chúng có được tấm bằng đại học. Ngay cả trong vô thức, nhiều bậc cha mẹ đang trông đợi thu lại được một số lợi nhuận từ khoản đầu tư tốn kém đó. Rồi có quá nhiều ấn tượng để lại từ cuộc sống của chúng trên mạng xã hội… rất nhiều bức ảnh tại quán cafe, các hoạt  động thể thao, và cả những tấm hình selfie. Và bây giờ đột nhiên chúng có một niềm đam mê cho những dân tộc chưa được chạm đến? Vâng, một số bậc cha mẹ nghi ngờ, và một số có lý do chính đáng để nghi ngờ. Làm sao chúng tôi biết được con mình không chỉ muốn trì hoãn việc kiếm tiền thêm vài năm nữa?

Như vậy có quá khắc khe chăng? Có thể đúng là như thế, nhưng nếu bạn là sinh viên đại học, thì đó có vẻ là những gì mà bạn sẽ được nghe từ phía cha mẹ mình. Vậy, bạn sẽ làm gì với chuyện này? Làm thế nào để bạn tiếp cận cha mẹ cách chân thành để chia sẻ tất cả những gì mà Đức Chúa Trời đang hành động trong tấm lòng bạn cho những nhóm dân chưa được tiếp cận bởi Tin Lành trên thế giới? Sau đây là năm điều để cân nhắc.

1. Hãy để cha mẹ bạn tham gia vào hành trình này với bạn từ sớm và thường xuyên chia sẻ với họ về những hoài bão của bạn

Khao khát được phục vụ tại nước ngoài của bạn không nên được thông báo một cách tự phát như khi bạn quyết định lái xe đến xem giải đấu loại trực tiếp hoặc thay đổi màu tóc. Cha mẹ của bạn không muốn đột ngột nghe bạn nói, “Cha, mẹ, sau khi tốt nghiệp con sẽ chuyển đến Cam-pu-chia.” Hãy chia sẻ ước mơ và hành trình của bạn với các bậc phụ huynh ngay từ buổi ban đầu, mặc dù phải còn lâu lắm bạn mới bắt đầu thực hiện điều đó.

Nếu bạn đọc được một bài chia sẻ trên blog và nó tác động đến quan điểm của bạn về sứ mạng toàn cầu, hãy gửi bài viết đó cho những người có đồng tâm tình giống như bạn, cũng hãy gửi cho cha mẹ bạn với một ghi chú tại sao bạn lại cảm thấy hứng thú về điều đó. Nếu bạn nghe một bài giảng khiến bạn xúc động, hãy gửi cho cha mẹ bạn một đường dẫn liên kết với bài giảng đó và nói với họ về điều đó. Đừng lo lắng về việc họ xem mà không có phản hồi gì. Những việc làm này không phải để thuyết phục họ, mà chỉ để cho họ thấy những gì bạn thấy. Để khi bạn đến với họ và đề cập về những gì bạn muốn làm, thì đó sẽ không phải là một điều đáng ngạc nhiên đối với họ nhưng đơn giản là bước tiếp theo trong tất cả những gì Đức Chúa Trời đang hành động trong bạn.

Còn nếu cha mẹ bạn chưa tin Chúa thì sao? Dù sao cũng hãy chia sẻ với họ. Bạn không biết được Đức Chúa Trời sẽ hành động như thế nào đâu. Và đúng vậy, tôi biết mọi thứ có thể sẽ không diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn không chịu trách nhiệm về phản ứng của họ. Vấn đề bạn cần quan tâm là bạn có vâng lời Chúa hay không, chứ không phải việc cha mẹ bạn sẽ làm gì để ngăn cản bạn thực hiện điều đó.

2. Những gì bạn muốn làm cho người khác, hãy làm cho cha mẹ của bạn trước.

Đừng yêu cầu cha mẹ bạn xuất khẩu ra nước ngoài những gì họ thậm chí còn không muốn sống cùng ngay tại quê nhà.

  • Muốn đi ra để chăm sóc những đứa trẻ mồ côi… nhưng bạn lại không tự rửa bát đĩa của mình mà để ngâm trong chậu đó cho mẹ?
  • Muốn giải cứu những bé gái khỏi tệ nạn mại dâm… nhưng lại không có kế hoạch dành thời gian ở cùng với em gái mình?
  • Có một tấm lòng cho những nhóm dân chưa được tiếp cận… nhưng lại không để tâm đến những người trong dòng họ, là những người cũng chưa được nghe Tin Lành?
  • Bạn nghĩ mình có thể bay ra thế giới… nhưng không thể hoàn tất bài tập về nhà đúng hạn?
  • Muốn cha mẹ kêu gọi bạn bè của họ dâng hiến tiền bạc cho chuyến truyền giáo của mình… nhưng lại vừa mua một đôi giày hiệu TOMS và đăng hình về ly cà phê Latte đắc đỏ trong tiệm?

Chúa Giê-xu truyền lệnh cho chúng ta phải đi ra, môn đồ hóa muôn dân, nhưng đừng quên rằng Ngài dặn các sứ đồ hãy bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem – chính tại nơi họ đang ở. Nếu bạn muốn cha mẹ tin rằng bạn sẽ là những người quản gia trung tín ở ngoài kia, thì hãy cho họ thấy điều đó sẽ trông như thế nào ngay tại nhà.

Đừng nói với họ rằng bạn sẽ bắt đầu thay đổi “khi đụng chuyện.” Tất cả điều đó nói lên rằng bạn đang tìm kiếm những áp lực bên ngoài để thúc đẩy bạn; chứ không có nghĩa là tấm lòng của bạn đã được động chạm. Hãy cho họ thấy bạn là người sẽ sẵn sàng đi ra, và họ có thể tin tưởng rằng bạn nên và có thể làm được như vậy.

3. Hãy cẩn thận với thái độ của bạn.

Sẽ không có lợi gì cho bạn nếu tranh cãi tay đôi với cha mẹ, bạn càng tranh cãi với họ, họ càng tin rằng bạn không nên có được những gì mà bạn muốn. Khi cha mẹ của bạn có sự nghi ngờ và lo ngại, hoặc thậm chí là bác bỏ những yêu cầu của bạn một cách thô lỗ, liệu bạn có nổi giận hay quay lưng cách lạnh nhạt với họ không? Bạn có đáp lại sự lo ngại của họ bằng thái độ thô lỗ không? Bất kể bạn bao nhiêu tuổi…thì việc bạn có thái độ như vậy chỉ khiến họ cảm thấy rằng bạn đang chống đối họ mà thôi. Bạn có thể chất vấn tấm lòng của họ dành cho Chúa và cho rằng họ không có lòng thương xót đối với những linh hồn hư mất ngoài kia; nhưng thật ra họ chỉ đơn giản là tin rằng bạn có thể vẫn chưa suy nghĩ thấu đáo khi đưa ra quyết định đó, hoặc nếu họ chỉ đơn giản là đặt ra những câu hỏi thì việc họ chất vấn bạn cũng là hợp tình hợp lý.

Hãy nhớ rằng, bạn đang nói với họ rằng bạn muốn mang Tin Lành này đến cho những dân ngoại, thường là những người thờ ơ thậm chí là có thái độ thù địch với đạo của Chúa. Những người đó sẽ phớt lờ bạn, chất vấn bạn, và nhạo báng bạn. Vậy, khi bạn đối diện với thái độ như thế tại trong chính căn nhà của mình, bạn sẽ có phản ứng như thế nào? Chúng tôi muốn biết vì thái độ của bạn trong những thời điểm như vậy cũng chính là những gì bạn sẽ bày tỏ khi đi ra. Bạn nói bạn có thể yêu được những người như thế? Hãy cho cha mẹ của bạn nhìn thấy. Hãy bày tỏ đức tin của bạn nơi sự tể trị và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời qua cách bạn xử lý những nghịch cảnh, bằng sự tự tin và niềm vui của bạn nơi Ngài khi mọi thứ không theo ý mình.

4. Hãy chắc rằng lý do bạn “chưa có được (điều bạn cầu xin) không phải vì bạn “chưa hỏi xin”.

Làm thế nào bạn có thể đánh thức được tấm lòng của Đức Chúa Trời trong mỗi người cho mọi dân tộc? Vì bạn thông minh dường ấy? Chỉ bởi bạn đã yêu thương nhiều đến thế? Hay chỉ bởi bạn đã thấy được nhu cầu của thế giới? Phải chăng cha mẹ của bạn chỉ cần được như bạn thì tốt biết mấy? Hay bạn chỉ là một người đầy tớ khiêm nhường, người từng bị mù lòa mà nay lại được thấy vì ân điển của Đức Chúa Trời đang vận hành trong bạn? Nếu vậy, hãy chứng tỏ điều đó qua những lời cầu nguyện của bạn dành cho cha mẹ mình. Khi bạn cầu nguyện cho những người mà bạn yêu tại nước ngoài, cũng hãy cầu nguyện cho cha mẹ của bạn nữa. Chỉ duy Đức Chúa Trời mới có thể lay động những tấm lòng. Nếu bạn thật sự hiểu được điều đó, bạn sẽ nài xin Chúa ban cho gia đình bạn những tấm lòng nóng cháy để sự vinh hiển của Ngài được biết đến trên khắp thế gian nhiều hơn việc bạn sẽ giảng cho họ nghe về những điều đó. Chúa sẽ lấy làm vinh dự mà đáp lại sự cầu nguyện của bạn vì điều đó cho thấy sự phụ thuộc sâu sắc của chúng ta vào Ngài và vinh quang của ân điển Ngài đối cùng con cái Ngài. Vậy nên, ai là con cái Đức Chúa Trời, hãy cầu nguyện.

5. Hãy yêu cha mẹ của bạn… ngay cả khi bạn không thể nghe theo họ.

Có thể là sau tất cả những điều này, cha mẹ của bạn vẫn không hiểu cho bạn, và bạn vẫn đi ra. Nhưng khi bạn đi, bạn phải làm cho họ thấy được qua đời sống của bạn rằng bạn yêu họ đến mức nào, rằng bạn chỉ đang vâng phục thẩm quyền cao nhất trong cuộc đời bạn mà thôi. Trên thực tế, họ sẽ biết rằng bạn đã trở nên chính con người mà họ muốn bạn trở thành. Bạn sẽ yêu thương những người khác, phục vụ tại bất cứ nơi nào bạn đến, tôn trọng thẩm quyền, giao tiếp mà không nổi giận hoặc làm tổn thương ai, và theo đuổi hết mình những gì bạn cho là hoài bão của cuộc đời mình.

Cho đến ngày cuối cùng, cha mẹ có thể vẫn không thấu hiểu được hết. Nhưng dù sao họ cũng sẽ rất tự hào về bạn. Bạn sẽ không làm tổn thương cha mẹ của mình khi bạn khước từ những gì họ nghĩ. Bạn chỉ khiến họ tổn thương khi bạn khước từ chính họ. Hãy yêu thương họ khi bạn đưa ra lựa chọn đầu tiên trong tất cả những lựa chọn mà có thể là sẽ không được cha mẹ đồng tình.

“Đức Giê-hô-va thật vĩ đại! Ngài vui lòng ban sự thịnh vượng cho đầy tớ Ngài.” (Thi-thiên 35:27).

Đức Chúa Trời đứng về phía bạn, và chính Ngài sẽ sử dụng bạn cho công tác rao truyền Phúc Âm của Đức Chúa Giê-xu Christ. Sau tất cả, việc gì Ngài đã khởi sự, thì Ngài sẽ làm cho trọn.

Dịch: NCMV

Nguồn: thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like