Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 126: Vô Tín và Hoài Nghi

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 126: Vô Tín và Hoài Nghi

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/-MTF-Xi5NEI

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 17:14-17
14 Khi Đức Chúa Jêsus và môn đồ đã trở lại cũng đoàn dân, thì có một người đến gần, quì trước mặt Ngài, 15 mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin Chúa thương đến con trai tôi! Vì nó mắc bệnh phong điên, phải chịu đau đớn quá;thường khi té vào lửa, và té xuống nước. 16 Tôi đã đem nó cho môn đồ Chúa, nhưng chữa không được. 17 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi dòng dõi không tin và gian tà kia, ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào? Ta sẽ nhịn nhục các ngươi cho đến khi nào? Hãy đem con đến đây cho ta.

Lời ngỏ:
    Tại phòng trưng bày ở Viện bảo tàng Vatican có treo bức tranh cuối cùng của Raphael, một họa sĩ tài ba người Ý trong thời đại Phục Hưng thế kỷ thứ XVI, bức tranh có đề tựa là: “Sự hóa hình”. Có người cho rằng đây là kiệt tác hay nhất của ông. Phần trên cùng ông vẽ Chúa Giê-xu với vinh quang rực rỡ, bên dưới là nhà lãnh đạo Môi-se ở bên trái và tiên tri Ê-li ở bên phải. Bên dưới nữa là ba môn đồ, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, họ phải che mắt lại trước sự chói sáng rạng lòa của Chúa Giê-xu. Trên mặt đất là cậu bé bị quỷ ám đáng thương, miệng đang há to. Và bên cạnh cậu bé là người cha với vẻ mặt mệt mỏi và thất vọng. Xung quanh họ là những đám đông, có cả những người chống đối Chúa và chín môn đồ còn lại, một số môn đồ đang đưa tay chỉ lên trên nơi Chúa Giê-xu đang hóa hình với ánh sáng chói lòa.

<Sự hóa hình>
1516-1520
Viện Bảo tàng Vatican

Qua bức tranh trên, họa sĩ Raphael đã diễn tả về khung cảnh trái ngược giữa vinh quang thiên thượng và thế giới thực tế với sự đau khổ và biết bao nan đề cần cứu giúp đang chờ đợi ở bên dưới. Đây là hai bức tranh tương phản giữa thiên đàng chói lòa sự sáng và niềm hân hoan với thế gian đen tối đầy sự đau đớn, rên siết dưới quyền lực của Sa-tan.

Khi Chúa Giê-xu cùng ba môn đồ thân tín ở trên núi, có một người cha đem đứa con trai bị ma quỷ hành hại đến nỗi bị bệnh kinh phong đến với các môn đồ, họ cũng cầu nguyện cho cậu bé nhưng không có hiệu quả, các môn đồ đành bất lực nhìn quỷ dữ tung hoành mà không thể làm gì được. Ngay khi Chúa Giê-xu cùng ba môn đồ từ trên núi xuống, thì người cha ấy bèn quỳ xuống dưới chân Chúa mà cầu xin Ngài giải cứu con trai mình: “Lạy Chúa, xin Chúa thương đến con trai tôi! Vì nó mắc bệnh phong điên, phải chịu đau đớn quá” (câu 15). Ông đau lòng, bế tắc, tuyệt vọng trước tình trạng của con mình từ khi còn nhỏ đã “thường khi té vào lửa, và té xuống nước”. Điều này cho thấy ma quỷ đang hành hại đứa nhỏ thật đáng thương và kinh khủng, nó thường xuyên ở trong mối nguy hiểm dễ bị thiêu cháy hay dễ bị chết đuối, luôn luôn phải có người ở bên cạnh canh chừng. Rồi ông còn kể thêm “Tôi đã đem nó cho môn đồ Chúa, nhưng chữa không được” (câu 16). Người cha này dường như tuyệt vọng trước tình trạng đau đớn của con mình, vì các môn đồ cũng bất lực trước tình trạng của đứa trẻ.    Đến lúc này, Chúa Giê-xu bèn đáp “Hỡi dòng dõi không tin và gian tà kia, ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào? Ta sẽ nhịn nhục các ngươi cho đến khi nào?” (câu 17) Không rõ Ngài quở trách ai, sứ đồ Ma-thi-ơ không ghi rõ đối tượng nhưng dựa vào phần ký thuật câu chuyện này trong sách Mác, chúng ta có thể thấy rằng có thể có ba đối tượng ở đây.    Thứ nhất, có thể là những thầy thông giáo, như trong sách Mác ghi “mấy thầy thông giáo đương cãi lẽ với các môn đồ ấy”(9:14). Có nhiều chỗ khác Chúa cũng đã quở trách họ với từ ngữ “dòng dõi không tin và gian tà” như trong 16:4 họ đã đến đòi Chúa làm phép lạ. Rõ ràng là các thầy thông giáo này đang lợi dụng sự thất bại của các môn đồ của Chúa Giê-xu khi họ không đuổi được quỷ ra khỏi đứa bé. Những người này đã vô tín, không những không tin Chúa Giê-xu mà họ còn tìm cách chỉ trích, lên án để hạ uy tín của các môn đồ trước đám đông hầu cho đám đông này hoài nghi về chính Chúa Giê-xu.    Thứ hai, lời trách này có thể là Chúa đang nói với đám đông và cha đứa bé. Đám đông này đã nhiều lần chứng kiến phép lạ Chúa làm nhưng giờ đây họ vẫn chưa tin và hoài nghi vào quyền của Chúa Giê-xu. Họ là đại diện cho những người tò mò, hiếu kỳ chỉ thích xem phép lạ nhưng lòng vẫn cứng cỏi, không chịu khuất phục trước Đấng Năng Quyền. Còn cha đứa bé thì có một chỗ trong Mác 9:22 chép rằng: “nếu thầy làm được việc gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho”. Câu nói này cho thấy người cha không có đức tin tuyệt đối nơi Chúa, ông chỉ đặt vấn đề là “nếu” Chúa làm được gì cho con của ông thì xin Ngài giúp đỡ. Câu này thể hiện của đức tin còn nửa vời, hoài nghi.    Thứ ba, có thể lời trách này là đối với các môn đồ khi Ngài nói “Ta sẽ ở với ngươi cho đến chừng nào?” Ngài đã ở với họ, trong ba năm họ đã nghe sự dạy dỗ của Chúa và thấy được năng quyền đuổi quỷ, chữa bệnh của Ngài. Chúa cũng đã sai 12 môn đồ ra đi, Ngài đã trao thẩm quyền cho các môn đổ để rao giảng, để đuổi quỷ, chữa lành nhưng giờ đây đứng trước đứa trẻ này, khi không có Chúa ở cùng thì họ bối rối, bất lực, thiếu năng quyền. Lời Chúa nói rằng “Ta sẽ ở với ngươi cho đến chừng nào?” cho thấy Ngài không còn nhiều thời gian để đồng hành với họ, theo chương trình của Đức Chúa Cha thì Ngài không còn ở với họ được bao lâu nữa.    Nhưng trước sự vô tín, hoài nghi, bất lực của con người, Đức Chúa Trời vẫn hành động. Chúa Giê-xu bảo “Hãy đem con đến cho ta”. Chúa Giê-xu không bao giờ bỏ qua nỗi khổ đau của con người dù trên thân xác hay trong tinh thần và tâm linh. Hễ ai tìm kiếm Chúa, kêu cầu Ngài thì Chúa luôn giải quyết mọi nan đề, bế tắc, tuyệt vọng và ban cho họ sự bình an của Ngài.
Bài học áp dụng:    Tình trạng của con người ngày nay cũng không khác gì với tình trạng của những con người mà Chúa Giê-xu đã quở trách trong phần Kinh Thánh hôm nay. Người ta biết Chúa, thấy việc năng quyền của Ngài đã bày tỏ trên con dân Chúa nhưng lòng họ vẫn cứng cỏi, vô tín không tiếp nhận Ngài như đáng phải như vậy. Hoặc có những người cũng đã tin Chúa nhưng đức tin vẫn còn nửa vời, chưa trọn vẹn, vẫn hoài nghi về chính Ngài, vẫn đòi hỏi Chúa làm phép lạ mặc dù nhiều lần đã kinh nghiệm được tình yêu và năng quyền biến đổi của Ngài. Cũng có những con người đặt lòng tin vào Chúa hết lòng như các môn đồ của Ngài, có đức tin mạnh mẽ vào những điều đã kinh nghiệm trong quá khứ, nhưng lúc cần lưu xuất năng quyền từ Chúa để đáp ứng nhu cầu của con người thì lại bị phân tán với những tiếng nói, sự dèm pha, sự khích bác bên ngoài mà thiếu sự tập trung để tìm biết ý Chúa, tìm kiếm sự hướng dẫn từ nơi Ngài. Ngày nay nhiều tôi tớ, con cái Chúa cũng đang mắc sai lầm là ra sức để vận hành quyền năng của chính mình để phục vụ Chúa chứ không phải nhận quyền phép từ Ngài. Đây là câu hỏi dành cho  chính tôi và bạn: chúng ta có đang trong tình trạng vô tín và hoài nghi như vậy không?
Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin thương xót chúng con vì sự vô tín, hoài nghi, thiếu nương cậy nơi Ngài của chúng con. Xin cho chúng con nhận thức rằng không có Chúa Giê-xu trong lòng thì chúng con không làm được việc gì hết. Dù trong tình trạng nào thì chúng con cũng luôn cần Ngài hơn bao giờ hết. Xin cho chúng con biết đầu phục Chúa và nhận lấy năng quyền từ Ngài.Trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like