Home Chuyên Đề Như Lễ Vượt Qua Đầu Tiên

Như Lễ Vượt Qua Đầu Tiên

by Oneforisrael.org
30 đọc

Ở một số nơi, người ta đang tự nhốt mình trong nhà, chờ dịch bệnh qua đi… điều này gợi nhớ đến Lễ Vượt Qua đầu tiên cách đây ba nghìn năm trăm năm, khi đó dân Chúa cũng đã đóng cửa và ở trong nhà chờ cho tai họa qua đi.

Lúc bấy giờ, Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng để thoát khỏi tai họa chết chóc này, mỗi gia đình phải giết một con chiên con và lấy huyết bôi lên cửa, như một dấu hiệu để thiên sứ hủy diệt không giết các con đầu lòng. Những gia đình “chọn nghe theo” chỉ dẫn đó và có đức tin vào huyết chiên con đã có thể thoát khỏi thảm họa diệt vong trong gang tấc. Người Do Thái đã biến đổi từ một nhóm dân nhỏ thành một cộng đồng đức tin lớn của những người tin Chúa và hành động theo những gì Chúa phán dạy.

CÁC KỲ LỄ VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG NGÀY NAY

Các kỳ lễ trong Kinh Thánh thật hấp dẫn. Tất cả đều được Đức Chúa Trời thiết kế để trở thành một trải nghiệm học tập đa giác quan cho dân sự của Ngài. Mỗi kỳ lễ đều chỉ về Đấng Mê-si theo những cách tuyệt vời nhất. Chiên Con của Lễ Vượt Qua là hình bóng của Chúa Giê-xu, Chiên Con của Đức Chúa Trời, mà sự hy sinh của Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Huyết bôi trên hai trụ cửa (thanh dọc và thanh ngang) là huyết bôi lên gỗ, giống như huyết của Chúa đã đổ ra trên cây thập tự, vốn cũng là từ hai mảnh gỗ ghép lại. Có rất nhiều điểm tương đồng khác nằm rải rác trong câu chuyện mà chúng ta có thể tìm thấy.

Mỗi năm, khi các gia đình Do Thái hồi tưởng và kể lại câu chuyện này, họ sẽ trải nghiệm lại phép lạ của cuộc Xuất Hành. Chúa đã thiết kế nó theo cách này, để nó có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có những thứ để nhìn, đọc, nghe, nếm và chạm. Có vị mặn của nước biển để gợi nhớ về những giọt nước mắt đã rơi vì sự tàn bạo trong thời kỳ nô lệ của họ, những loại rau đắng gợi nhớ lại sự cay đắng của Ai Cập, rượu để nhớ vị ngọt của sự tự do và bánh không men để nhớ tình cảnh vội vã lúc đó.

Năm nay, giữa thời kỳ mà vi-rút Corona đã cướp đi rất nhiều sinh mạng, chúng ta đang sống lại câu chuyện dụ ngôn đó nhưng với nhiều màu sắc hơn. Mỗi hộ gia đình phải ở trong nhà, giống như người Y-sơ-ra-ên đã làm khi đó, trong khi có một mối đe dọa chết chóc rất thực đang rình rập bên ngoài kia.

Có một kẻ hủy diệt đang nổi cơn thịnh nộ.

Có một sự im lặng đáng sợ.

Có những chỉ dẫn được đưa ra.

Một sự chờ đợi đáng ngại, với hy vọng.

Lễ Vượt Qua năm nay sẽ thực hơn. Chúa đang nhắc nhở chúng ta về câu chuyện ban đầu. Ngài đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của chúng ta.

BỮA ĂN TỐI CUỐI CÙNG LÀ BỮA ĂN CỦA LỄ VƯỢT QUA

Không phải ngẫu nhiên, bữa ăn tối cuối cùng mà Chúa Giê-xu dùng cùng với các môn đồ cũng là bữa ăn của Lễ Vượt Qua. Ngài đã ăn bánh không men, và uống bốn chén của Lễ Vượt Qua cùng với họ. Ngài không chỉ tái hiện lại câu chuyện, Ngài là sự ứng nghiệm của câu chuyện đó.

Đến giờ, Ngài ngồi vào bàn và các sứ đồ cùng ngồi với Ngài. Ngài phán với họ: “Ta rất muốn ăn lễ Vượt Qua nầy với các con trước khi Ta chịu đau đớn. Vì Ta bảo các con, Ta sẽ không ăn lễ nầy nữa cho đến khi lễ ấy được hoàn tất trong vương quốc Đức Chúa Trời.” Ngài cầm chén, tạ ơn rồi phán: “Hãy lấy và phân phát cho nhau. Vì Ta nói cùng các con, từ nay Ta sẽ không uống nước nho nầy nữa cho tới khi vương quốc Đức Chúa Trời đến.” Rồi Ngài lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, phân phát cho các môn đồ và phán: “Nầy là thân thể Ta vì các con mà phó cho. Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta.” Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén trao cho các môn đồ và phán: “Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta vì các con mà đổ ra.”(Luke 22:14-20)

Có vẻ như Chúa Giê-xu đã uống ba chén đầu tiên trong bốn chén theo truyền thống của Lễ Vượt Qua, nhưng dừng lại ở chén thứ ba – chén của sự cứu chuộc. Như Ma-thi-ơ ghi lại trong Phúc Âm của mình, Chúa Giê-xu phán:

Ta bảo các con, Ta sẽ không uống nước nho nầy nữa, cho đến ngày Ta sẽ cùng các con uống nước nho mới trong vương quốc của Cha Ta.” (Ma-thi-ơ 26:26-29)

Sách Phúc Âm Giăng rất tập trung vào các bữa tiệc hay kỳ lễ, Sứ-đồ Giăng đã vẽ ra một điểm tương đồng khác cho chúng ta. Chúa Giê-xu thường đề cập đến “chén” đau khổ mà Ngài phải uống. “Chén” này được dâng lên Chúa dưới hình thức là giấm, được thấm vào một miếng bọt biển rồi nâng lên trên một nhánh cây kinh giới (hay cành bài hương), và cũng chính chùm kinh giới này mà dân Y-sơ-ra-ên đã dùng để nhúng vào huyết rồi bôi lên khung cửa trong Xuất Ê-díp-tô Ký.

Sau đó, Đức Chúa Giê-xu biết mọi việc đã hoàn tất, và để cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm thì nói: “Ta khát.” Tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm nên họ lấy một miếng bọt biển nhúng đầy giấm, buộc vào cành bài hương, rồi đưa đến miệng Đức Chúa Giê-xu. Khi đã nhận lấy giấm, Đức Chúa Giê-xu nói: “Mọi việc đã hoàn tất!” Rồi Ngài gục đầu xuống, trút linh hồn.” (John 19:28-30)

Ngài đã uống chén ly biệt ấy và bị chia cách khỏi Đức Chúa Cha để chúng ta không bao giờ phải uống chén đó nữa.

Chúa Giê-xu là Chiên Con của Lễ Vượt Qua của chúng ta. Huyết của Ngài là thứ mà chúng ta cần cho đời sống mình và cho ngôi nhà của chúng ta.

Rồi chúng ta sẽ được cùng uống nước ép từ trái nho mới với Ngài trong Nước Trời, khi Ngài tái lâm trong sự vinh hiển.

TỪ LỄ VƯỢT QUA ĐẾN NGÀY SA-BÁT

Chúng ta có thể phải đóng cửa và ở trong nhà trong suốt “Lễ Vượt Qua này”, bị tách biệt khỏi bạn bè và gia đình, nhưng chúng ta vẫn có vô số những điều quý báu khác để có để tận hưởng khi chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa của thời gian này. Chúa đang phán với chúng ta.

Giống như việc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giê-Xu bị đóng đinh trùng với ngày Sa-bát, thì đại dịch Corona này cũng giống như một cú đúp của sự kiện Lễ Vượt Qua ngoài đời thực và một ngày Sa-bát được thi hành một cách hợp pháp. Nhân tiện, từ Sa-bát trong tiếng Do Thái cũng được viết giống như chữ “ngồi”. Chúng ta phải ngồi xuống và suy ngẫm.

Chúng ta bị giới hạn trong căn nhà của mình với một cơ hội tuyệt vời để suy ngẫm và suy ngẫm… Chúng ta có nhiều thời gian hơn để trải qua một kỳ nghỉ ý nghĩa cùng với những người thân trong gia đình mình và để suy nghĩ về Chúa. Đây là lý do mà ngày Sa-bát được ban cho chúng ta: để chúng ta biết mình chỉ là con người, ở trong mối quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời, có trách nhiệm với trái đất này và với nhau.  Đức Chúa Trời đã biến ngày đó thành một phần trong trật tự được tạo dựng của Ngài từ buổi sáng thế, và Ngài đã làm cho ngày đó nên ngày thánh … nhưng loài người đã coi thường nó ngay từ đầu. Bây giờ chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi yên và nghỉ ngơi! Cũng giống như dân Y-sơ-ra-ên bị bắt đi lưu đày, để cho xứ được nghỉ ngơi trong 70 năm Sa-bát vậy, chúng ta đang phải nghỉ bù cho rất nhiều ngày Sa-bát đã bị bỏ lỡ.

Những ký ức về các câu chuyện trong Kinh Thánh đang được đẩy mạnh trở lại trong ý thức của chúng ta với tất cả những điểm tương đồng kỳ lạ. Chúa đang vẽ ra các điểm tương đồng này. Và…Ngài đang phán…các con cần huyết của Ta để bảo vệ chính mình. Các con cần sự cứu rỗi của Ta. Các con cần nghỉ ngơi. Các con cần phải có đức tin. Và tuân theo các chỉ dẫn của Ta.

Bạn có nghe thấy không?

Chúa là Đức Giê-hô-va, Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên phán: “Nhờ quay trở lại và yên nghỉ, các ngươi sẽ được giải cứu; Nhờ yên lặng và tin cậy, các ngươi sẽ được sức mạnh….”” (Ê-sai 30:15)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like