Home Dưỡng Linh Đức Tin – Phần 9: Đức Tin Bền Bỉ – Một Lối Tư Duy Đời Đời

Đức Tin – Phần 9: Đức Tin Bền Bỉ – Một Lối Tư Duy Đời Đời

by AdrianChua
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/34HiKk8KkiA

Hê-bơ-rơ 11:8-16 – “Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp…. Bởi đức tin, ông cư trú trong đất hứa như trên đất ngoại quốc, ở trong các trại với Y-sác và Gia-cốp, là những người đồng thừa kế một lời hứa như ông. Vì ông chờ đợi một thành có nền móng do Đức Chúa Trời thiết kế và xây dựng…. Tất cả những người ấy đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều đã hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đằng xa, xưng mình là kiều dân và lữ khách trên đất…. họ mong ước một quê hương tốt hơn, tức là quê hương trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành.

Áp-ra-ham, Sa-ra, Y-sác, Rê-bê-ca, Gia-cốp, Ra-chên, Lê-a, và cả gia đình của họ, đã chết mà chưa nhận lãnh được những điều đã hứa cho mình. Trên thực tế, con cháu Áp-ra-ham vẫn chưa hưởng được phần đất đáng kể nào từ xứ Ca-na-an cho đến khi Y-sơ-ra-ên trở lại dưới sự lãnh đạo của Giô-suê sau thời gian làm nô lệ ở Ai Cập.

Kinh Thánh có ý gì khi nói rằng họ “chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đằng xa…”? Từ “chào mừng” ở đây có thể được dịch theo nghĩa đen là “ôm ấp” dựa trên văn bản gốc. Dù đức tin không thể nhìn thấy được bằng con mắt xác thịt; Tuy nhiên đức tin là một điều thực hữu. Vì vậy, bởi đức tin, các tổ phụ đã cắt đứt những dây ràng buộc cột trói họ với thế giới hiện tại mà họ đang sống và phó chính mình cho điều mà Đức Chúa Trời phán là sẽ thuộc về họ và con cháu họ trong các thế hệ mai sau.

Giống như các tổ phụ, chúng ta nên buông bỏ những thứ thuộc về thế giới sa ngã này và “ôm chặt” Vương-quốc đời đời cũng như sẵn sàng sống như “kiều dân” và “lữ khách” trong thế giới hiện tại mà mọi người khác gọi là “nhà”.

Ga-la-ti 6:14 – “Còn với tôi, tôi chẳng khoe về điều gì ngoài thập tự giá của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhờ thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy.

Phi-líp 3:8 – “Hơn thế, tôi cũng xem tất cả mọi sự như là lỗ, vì sự nhận biết Đấng Christ Giê-xu, Chúa tôi, là quý hơn hết. Vì Ngài, tôi đành chịu lỗ tất cả, và xem những điều đó như rác rưởi, để được Đấng Christ…

Nếu chúng ta muốn bước đi như ‘kiều dân’ và ‘lữ khách’, chúng ta không được để tấm lòng mình bị ràng buộc với đất này. Phao-lô đã bị đóng đinh vào thập tự giá đối với thế gian và coi mọi sự mà ông có được như là “lỗ” và “rác rưởi” để có được lời hứa của Đấng Christ.  Nhận thức của ông tạo ra quan điểm của ông. Ông tin rằng Chúa sẽ đảm bảo cho tương lai của mình và điều này đã tạo nên sự khác biệt sâu sắc trong thế giới quan của ông.

Khi chúng ta có một “quan điểm về cõi đời đời”, nó cho phép chúng ta đưa ra các quyết định “tạm thời” dưới ánh sáng của cõi đời đời và giúp chúng ta lưu tâm đặt “những điều mà sẽ tồn tại mãi mãi” lên hàng đầu!

C. S. Lewis đã nói về điều đó một cách khéo léo trong cuốn sách “Mere Christian” and “The Joyful Christian”(tạm dịch là ‘Cơ-đốc giáo đơn thuần’ và ‘Cơ-đốc nhân vui vẻ’) của mình:  

“Nếu bạn đọc lịch sử, bạn sẽ thấy rằng những Cơ-đốc nhân có đóng góp nhiều nhất cho thế giới hiện tại chỉ đơn giản là những người thường xuyên nghĩ về một thế giới khác…. Chính vì các Cơ-đốc nhân đã không còn nghĩ đến thế giới bên kia nên họ đã trở nên bất lực trong thế giới này.” 

“Hãy nhắm vào Thiên Đàng thì bạn sẽ ‘được’ cả Đất: còn khi chỉ nhắm vào những điều trên Đất thì bạn sẽ không nhận được gì cả. ”

Nói cách khác, những người có quan điểm đời đời như trong Kinh Thánh sẽ làm được những điều tốt đẹp nhất trong và cho thế giới tạm này. Nguyện chúng ta cũng được tiếp thêm năng lượng với một lối tư duy đời đời!  

Phi-líp 1:21-24 – “Vì đối với tôi, sống là Đấng Christ, còn chết là ích lợi. Nhưng nếu tôi còn sống trong thân xác mà công việc tôi vẫn kết quả thì tôi không biết phải chọn điều nào. Tôi bị giằng co giữa hai đàng: Tôi muốn ra đi và về ở với Đấng Christ là điều tốt hơn rất nhiều. Nhưng tôi còn ở lại trong thân xác, ấy là điều cần thiết hơn cho anh em.

Phao-lô nói rằng nếu được lựa chọn, ông sẽ chọn bị xử tử, vì ông rất khao khát được ở với Chúa Giê-xu, nhưng, nếu ông được tha sống, thì ông có thể sản sinh nhiều bông trái hơn cho Đấng Christ mặc dù thật khó cho ông khi phải lựa chọn giữa hai điều này. Niềm tin cứu rỗi đích thực thay đổi mong muốn và giá trị của chúng ta – cách chúng ta sống trong đời này và tìm kiếm sự thỏa lòng sẽ trở nên hoàn toàn mới mẻ không giống với kiểu của thế gian. Chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời nắm chặt đến nỗi không điều gì trên đất này có thể làm thỏa mãn chúng ta được.

Ngài không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của chúng ta.

Điều gì khiến Chúa không hổ thẹn khi xưng mình là Đức Chúa Trời của họ? Và chúng ta phải làm gì để Chúa cũng  không hổ thẹn khi xưng Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta? Đó phải chăng là thành công của chúng ta trên đất này hay một kỳ công lớn lao nào đó mà chúng ta có thể tự hào, hay thành tích đạo đức cao của chúng ta, v.v.? Câu trả lời đơn giản, nhưng cũng vô cùng ấn tượng là thế này: mong muốn những điều Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta. Kinh Thánh nói rằng, “họ mong ước một quê hương tốt hơn, tức là quê hương trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành.

Từ “mong muốn/mong ước” trong câu này biểu thị “sự vươn mình ra hoặc hướng tới một điều gì đó”. Nó giống như một đứa trẻ dang tay về phía cha mẹ khi muốn được bế. Đó là lý do tại sao các tổ phụ có thể sống như những người khách lạ sống lưu vong – họ không muốn sống mãi mãi trong xứ Ca-na-an. Thay vào đó, họ khao khát một đất nước tốt đẹp hơn và dang rộng “cánh tay” của tâm trí và tấm lòng mình để tìm kiếm Đức Chúa Trời, nhận biết Ngài và vâng lời Ngài, đồng thời kiên định và bền chí trong đức tin. 

Chúng ta cũng nên khao khát thành trên trời ấy hơn là thành phố được xây dựng bởi con người. Chúng ta không nên để mình bị ám ảnh bởi tiêu chuẩn sống trên đất này. Hãy học cách quản lý tất cả tài sản trên đất của chúng ta một cách có ý thức. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta thế giới này để chăm sóc và tận hưởng, nhưng chúng ta không nên bị nó chi phối, quyến rũ hoặc làm cho phân tâm đến mức chúng ta bỏ bê sự vĩnh hằng. Nếu Đức Chúa Trời đã ban phước cho chúng ta bằng của cải và vật chất, thì Ngài muốn chúng ta sử dụng những thứ đó để mang lại vinh hiển cho Ngài và truyền bá Phúc Âm của Ngài. Đức tin khao khát Đức Chúa Trời và thành mà Đức Chúa Trời đã dựng lên cho dân Ngài hơn là những gì mà thế gian này có thể ban tặng. Đức tin nơi Đức Chúa Trời mong muốn sự vĩnh cửu hơn là những điều tạm bợ.

Đã nhận hay chưa nhận được điều đã hứa cho mình

Hê-bơ-rơ 11:13 – “Tất cả những người ấy đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều đã hứa cho mình

Hê-bơ-rơ 6:15 – “Áp-ra-ham đã kiên nhẫn đợi chờ như vậy, nên mới nhận được điều đã hứa

Hê-bơ-rơ 11:17 – “Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử nghiệm. Ông sẵn sàng hiến dâng đứa con một đã nhận được theo lời hứa

Các câu Kinh Thánh trên dường như mâu thuẫn với nhau. Vậy, các tổ phụ đã nhận được hay chưa nhận được những lời hứa?

Các tổ phụ đã không nhận được toàn bộ lời hứa của Đức Chúa Trời trong đời của mình, họ chỉ được nếm trước một phần nào sự tốt lành của những lời hứa đó. Áp-ra-ham và Sa-ra nhận được con trai của lời hứa, nhưng họ đã qua đời và chỉ có hai người thừa kế là Y-sác và Gia-cốp, chứ không phải là vô số các dân với “dòng dõi như sao trên trời và như cát trên bờ biển” như đã hứa trong Sáng-thế Ký 12 và 22.

Nhiều người không có đức tin bền bỉ vì bản chất của niềm hy vọng không được phát triển đúng cách trong họ. Khi thử thách và hoạn nạn xảy đến, chúng ta thường dễ dàng vứt bỏ niềm hy vọng (những lời hứa trong Kinh Thánh), chúng ta thỏa hiệp và chọn một lối thoát dễ dàng.

Sách Hê-bơ-rơ nói về một dân có đức tin và hy vọng. Những tổ phụ này, những anh hùng đức tin đã đi trước chúng ta là những người có đức tin vì họ tin vào Đức Chúa Trời và những lời hứa của Ngài. Họ là những con người của hy vọng bởi vì họ không sống cho những gì họ có thể nhìn thấy, nhưng cho những gì sắp xảy ra. Họ không bận tâm rằng họ bị khinh thường, bị áp bức và bị ruồng bỏ trong thế gian này. Họ không ngại khi chỉ là kiều dân và lữ khách. Họ không ngại tất cả những gì họ phải trải qua vì họ không sống cho “những điều trước mắt”. Lối tư duy đời đời của họ đã neo giữ tâm hồn họ giữa những giông tố của cuộc đời trần thế.

Nếu chúng ta muốn nuôi dưỡng hy vọng, trước tiên chúng ta cần phải trau dồi tính kiên nhẫn và sự bền bỉ!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like