Tôi thích nấu ăn! Tôi đã nhờ mẹ gửi cho tôi công thức làm món salad cà tím Rumani và ớt chua. Mẹ tôi có được công thức nấu ăn từ bà ngoại. Nhưng không phải từ nhà ngoại mà tôi được thừa hưởng niềm đam mê trong việc nấu nướng.
Khi tôi còn nhỏ, cứ sau mỗi buổi họp mặt ngày Sa-bát, bố tôi lại đến chỗ người bạn thân nhất của ông, người đó là đầu bếp của khách sạn Hilton gần đó, và ông ấy sẽ dạy bố tôi cách nấu những món đặc biệt. Sau đó bố tôi trở về nhà và cẩn thận làm theo công thức. Tôi sẽ ở đó để xem và học hỏi – tôi đã yêu thích nấu ăn từ đó.
Tôi nhớ có những ngày, bố tôi tự nhiên có cảm hứng không muốn làm theo công thức mà cố gắng sáng chế ra công thức của riêng mình. Bằng cách nào? Bằng cách thay thế một vài nguyên liệu hoặc không làm đúng như hướng dẫn mà tự làm theo ý mình. Bạn sẽ ngạc nhiên rằng mùi vị của một món ăn có thể khác đi như thế nào khi không làm theo đúng công thức. Đôi khi những “phát minh” của cha tôi tệ đến nỗi con chó của chúng tôi cũng không thèm ăn chúng!
Đời sống Cơ-đốc nhân của chúng ta cũng giống như việc nấu ăn vậy. Chúng ta biết Chúa đã ban cho chúng ta cuốn sách công thức hoàn hảo là Kinh Thánh, nhưng đôi khi chúng ta vẫn chọn nghĩ ra những ý tưởng mới để xào nấu cuộc đời mình, thay vì làm theo những công thức mà Chúa đã ban cho chúng ta.
Một cuốn sách dạy nấu ăn cho chúng ta biết từng bước cách chuẩn bị một bữa ăn ngon. Kinh Thánh dạy chúng ta từng bước một, cách sống một đời sống làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Nó dạy chúng ta cách hành động và cách đưa ra quyết định tốt nhất. Nếu chúng ta làm theo cuốn sách, thì từng bước một, chúng ta sẽ học được cách sống một cuộc đời tỏa ngát hương thơm cho Chúa.
Những lời hứa và điều răn trong Kinh Thánh là công thức của Đức Chúa Trời cho đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thường không tuân theo cuốn sách này. Chúng ta thường tự đưa ra các giải pháp của riêng mình.
Ví dụ, nhiều Cơ-đốc nhân trẻ đã tạo ra công thức riêng của họ trong mối quan hệ với người khác giới. Một số người sẽ nói “Có vấn đề gì đâu khi hẹn hò với một người không tin Chúa?” Những người khác thì tin rằng họ nên sống thử với nhau trước khi kết hôn.
Một ví dụ khác là cách mà một số người giải quyết xung đột. Chúng ta có muốn trả thù và cố gắng hủy hoại đối thủ cạnh tranh của mình không? Hay chúng ta sẵn sàng tha thứ cho những người làm sai với chúng ta và bày tỏ tình yêu thương cũng như ân điển với những người đó theo công thức của Chúa?
Chuyện gì sẽ xảy ra khi ai đó thực sự làm bạn phiền lòng hết lần này đến lần khác, bạn vẫn tuân theo công thức tha thứ của Đức Chúa Trời hay bạn sẽ nói, “Đủ rồi nghen! Không có lần sau nữa đâu!” Bạn có tự chế ra công thức để giải quyết xung đột hay bạn tin tưởng vào các công thức của Chúa trong “quyển sách dạy nấu ăn dành cho cuộc đời” này của Ngài?
Bạn thích cái nào hơn? Tự mình nấu ra Giải Pháp theo Công Thức của riêng mình, hay làm theo Công Thức của Chúa?
Chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề giống nhau mà tất cả các tín hữu ở mọi thời đại đều gặp phải trước chúng ta. Hãy xem một ví dụ tuyệt vời từ Sáng-thế Ký 25:29-34.
Trong Sáng-thế Ký 25, chúng ta tìm thấy một câu chuyện ngắn nổi tiếng mà có lẽ ai cũng đã từng nghe qua. Trong các câu 29-34, Ê-sau đang bán quyền trưởng nam của mình cho Gia-cốp chỉ để đổi lấy một bát canh:
“Một hôm, khi Gia-cốp đang hầm một món súp thì Ê-sau từ ngoài đồng về, đói lả. Ê-sau nói với Gia-cốp: “Em cho anh ăn ngay món gì đo đỏ kia đi, vì anh đang đói lả người!” — Vì vậy, người ta gọi Ê-sau là Ê-đôm. Gia-cốp nói: “Anh bán quyền trưởng nam cho em trước đi.” Ê-sau bảo: “Sắp chết đến nơi rồi, anh còn dùng quyền trưởng nam làm gì nữa?” Gia-cốp nói: “Vậy thì anh hãy thề trước đi.” Ê-sau liền thề và bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp. Rồi Gia-cốp cho Ê-sau ăn bánh và súp đậu. Ăn uống xong, Ê-sau đứng dậy và đi. Ê-sau đã khinh rẻ quyền trưởng nam như thế đấy.”
Ê-sau và Gia-cốp sống trong một nền văn hóa truyền khẩu. Con người thời đó không đọc sách cũng như không xem truyền hình. Việc truyền đạt thông tin diễn ra bằng miệng – thông qua các câu chuyện kể. Hàng nghìn năm trước, các tổ phụ đã truyền lại những câu chuyện về Đức Chúa Trời, rằng Ngài là Đấng như thế nào từ thế hệ này sang thế hệ khác, và đó là cách mà họ biết về Chúa. Áp-ra-ham đã được nghe những câu chuyện tuyệt vời của A-đam và Ê-va.
Rồi một ngày nọ chính Đức Chúa Trời đã trực tiếp nói chuyện với ông.
Áp-ra-ham đã kể những câu chuyện và trải nghiệm của mình với Đức Chúa Trời cho gia đình mình. Y-sác lớn lên đã được nghe về những cuộc gặp gỡ của cha mình với Đức Chúa Trời. Sau đó, Y-sác kể lại cho các con trai mình những câu chuyện về Đức Chúa Trời và về những lời hứa tuyệt vời mà Ngài đã ban cho cha và ông của họ. Chúa không phán thường xuyên, nhưng khi Ngài phán, Ngài tiết lộ những điều rất quan trọng.
Một trong những lời hứa quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Áp-ra-ham là điều mà ngày nay chúng ta gọi là – “Giao ước Áp-ra-ham”. Đó là một giao ước đời đời và vô điều kiện bao gồm ba phần:
- Thứ nhất, vùng đất Ca-na-an sẽ là của họ đời đời.
- Thứ hai, dòng dõi của Áp-ra-ham sẽ trở nên một dân hùng mạnh, và Đấng Mê-si sẽ ra từ dòng dõi của ông.
- Thứ ba, ông sẽ được ban phước, và sẽ trở thành nguồn phước cho mọi dân tộc trên đất.
Chà! Hãy tưởng tượng Y-sác đang chia sẻ những câu chuyện tuyệt vời này với các con trai mình khi cả nhà đang quây quần cùng nhau quanh đống lửa trại…
“Cha ơi, hãy kể cho chúng con nghe câu chuyện về việc ông nội định dâng cha lên làm sinh tế, nhưng vào phút chót Đức Chúa Trời đã cung cấp một con chiên đực để thay thế như thế nào đi!”
Các con trai của Y-sác biết những câu chuyện, họ biết về những lời hứa…
Ngoài ra, họ cũng biết câu chuyện của Rê-bê-ca. Họ biết rằng Chúa cũng đã nói chuyện với mẹ của họ. Có lẽ lần đầu tiên bà kể câu chuyện này cho họ là khi bà đang nấu ăn trong lều. Có lẽ họ đang đánh nhau, và bà đã cang ngăn họ:
“Con trai, con trai, hai con lại đánh nhau nữa sao? Các con không nhớ là từ lúc còn trong bụng mẹ các con đã luôn gây sự với nhau và khiến mẹ đau đớn nhiều như thế nào hay sao? Các con đã đạp rồi đá làm mẹ đau không chịu nổi. Mẹ đau đớn đến nỗi trong cơn đau, mẹ đã khóc với Chúa. “Tại sao điều này lại xảy ra cho con?” Mẹ đã hỏi Ngài như vậy đấy.”
Các con có nhớ Ngài đã trả lời như thế nào không?
“Hai nước đang ở trong bụng con,
Và hai dân tộc từ bụng con sẽ phân rẽ;
Dân nầy mạnh hơn dân kia,
Và đứa lớn phải phục vụ đứa nhỏ.”
Các chàng trai có lẽ đã lớn lên và nghe câu chuyện đó nhiều lần, đến nỗi họ thuộc nằm lòng. Luôn ghi nhớ điều đó trong tâm trí họ, biết rằng phước lành sẽ thuộc về Gia-cốp.
Vậy, mọi người đều biết về “công thức” của Đức Chúa Trời cho cuộc sống của họ. Y-sác, Rê-bê-ca, Ê-sau và Gia-cốp đều biết rõ “công thức” của Đức Chúa Trời, nhưng thay vào đó, họ chọn nghĩ ra công thức của riêng mình. Y-sác thương Ê-sau hơn. Rê-bê-ca muốn “giúp” Chúa đẩy nhanh tiến độ. Gia-cốp đã gian lận. Ê-sau coi thường quyền trưởng nam của mình.
Hãy nhận biết Công Thức của Chúa , và Làm Theo Đó
Một lần nữa, biết về lời Chúa thôi là chưa đủ, chúng ta cần phải làm theo và tôn trọng lời đó trong những tình huống cụ thể của đời sống. Đừng tạo ra giải pháp của riêng bạn thay vì sử dụng những giải pháp hiện có mà Chúa đã tạo ra cho bạn.
Nếu chúng ta sử dụng các ví dụ trước đó, chẳng hạn như vấn đề hẹn hò trước hôn nhân, hãy chọn công thức của Chúa – gìn giữ sự trong trắng cho đến khi kết hôn. Hẹn hò và kết hôn với một Cơ-đốc nhân có kết ước. Hãy quyết định trước ngay bây giờ và hành động phù hợp khi thời điểm đến.
Hoặc, sử dụng ví dụ khác, giải quyết những xung đột không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Dựa trên công thức hoàn hảo của Chúa, bây giờ hãy quyết định rằng bạn sẽ yêu thương những người mà bạn sẽ xung đột ở nơi làm việc, trong gia đình và tại trường học của bạn. Biết về công thức tha thứ của Chúa thôi là chưa đủ – Bạn cũng cần phải đưa ra quyết định để thực sự tuân theo công thức đó trong các tình huống thực tế.
Hàng nghìn năm trước, giải pháp riêng của Gia-cốp là mua quyền trưởng nam. Ông biết những lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng ông đã đưa ra một giải pháp khó khăn để đạt được những gì Đức Chúa Trời đã hứa. Vâng, quyền trưởng nam là một thỏa thuận lớn. Nếu một người đàn ông có hai con trai, thì sau khi người đó chết, người ta sẽ chia gia tài của ông thành ba phần, và con trưởng nam được nhận hai phần. Con trai cả sẽ nhận được lời chúc phước của cha. Người sẽ trở thành chủ gia đình. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã hứa qua Rê-bê-ca rằng Ngài sẽ cho Gia-cốp trở thành người thừa kế của lời hứa. Gia-cốp, mặc dù là con trai thứ, nhưng lại được Đức Chúa Trời chọn để ban phước. Gia-cốp biết điều này vậy mà ông vẫn lên kế hoạch cho riêng mình. Đức Chúa Trời có cần sự giúp đỡ của Gia-cốp không? Có phải ý của Đức Chúa Trời là để cho Gia-cốp lừa Ê-sau không? Dĩ nhiên là không. Gia-cốp sợ rằng mình sẽ mất tất cả. Ông không tin tưởng vào những lời hứa mà ông đã biết, và ông đã tự mình đưa ra một giải pháp, một giải pháp gây ra rất nhiều rắc rối.
Còn Ê-sau thì sao? Điều gì sẽ xảy ra, nếu ông cư xử đúng mực? Có lẽ ông không chỉ nhớ mà còn tin vào lời hứa của Chúa với Rê-bê-ca. “… đứa lớn phải phục vụ đứa nhỏ…”. Nếu ông tin vào điều đó, thì chúng ta có thể hiểu được phần nào là tại sao ông lại có phản ứng như vậy. Nếu con trai lớn phải phục vụ con trai thứ, thì ông “…còn dùng quyền trưởng nam làm gì nữa?” như ông đã nói. Nghe có vẻ hợp lý, đúng không nào? Tôi không biết đáp án chính xác. Tôi chỉ biết rằng quyết định của ông là trái với ý muốn của Đức Chúa Trời. Ông đã coi thường kho báu quý giá nhất mà ông có thể có được, phước lành của cha mình. Ông nghe theo bản năng của mình. Cơn đói đã dồn ông đi đến quyết định thiếu khôn ngoan khi ông tự mình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình. Đức Chúa Trời có cần Ê-sau phải phạm lỗi thì mới có thể xúc tiến công việc mà Ngài đã định theo ý Ngài từ trước không? Không. Đức Chúa Trời là thánh, Ngài không cần bất cứ ai phải phạm tội để tiến hành kế hoạch của Ngài. Nhưng Ê-sau coi trọng những thỏa mãn tạm thời về mặt xác thịt hơn là những lời hứa của Đức Chúa Trời cho tương lai.
Còn Bạn Thì Sao?
Sứ điệp này không phải là một bài học lịch sử về các giải pháp được đúc kết của một nhóm người cổ đại. Sứ điệp này là một bài học cho đời sống hôm nay và cho tương lai mai sau của bạn. Đừng thay thế các công thức của Đức Chúa Trời cho cuộc sống của bạn bằng các giải pháp của riêng bạn. Thế gian này có rất nhiều cám dỗ. Thế gian, xác thịt và ma quỷ đều muốn bạn tự đúc kết ra các giải pháp của riêng mình, thay vì tôn trọng và tin tưởng các công thức của Đức Chúa Trời cho đời sống bạn. Đừng thay thế công thức của Đức Chúa Trời bằng những công thức tự chế. Thế gian muốn bạn trở nên giàu có, nổi tiếng, đẹp trai xinh gái và được yêu mến. Thế gian muốn bạn yêu bản thân mình hơn bất kỳ ai khác. Đó là công thức thành công của thế gian. Nhưng công thức thành công của Chúa thì ngược lại: Yêu thương và phục vụ người khác trước khi nghĩ đến bản thân.
Đừng để nỗi sợ hãi, ngờ vực hoặc bản năng khiến bạn phải tự nung nấu các giải pháp để thay thế công thức của Đức Chúa Trời cho cuộc đời của bạn. Ê-sau bị bản năng thúc đẩy và coi thường sự ban cho của Đức Chúa Trời. Xác thịt và bản năng của bạn thường gợi ý một công thức khác với công thức của Chúa. Đối với bạn, nó có thể không phải là thức ăn, đối với một số người, nó có thể là ham muốn. Tranh ảnh khỏa thân và những thứ vô đạo đức xuất hiện nhan nhản trên các tạp chí, phim ảnh, quảng cáo và các trang web. Đừng để bản năng xác thịt khiến bạn phải nung nấu các giải pháp và phạm tội. Hãy tin tưởng vào công thức của Đức Chúa Trời cho sự thánh khiết.
Những công thức nấu nướng của bạn lúc đầu có thể ngon nhưng cuối cùng sẽ tệ hơn nhiều so với công thức của Chúa.
Tất cả các bạn đều biết phần còn lại của câu chuyện, cuối cùng thì Ê-sau ghét Gia-cốp, người đã một lần nữa lừa dối ông và sau đó thì muốn giết Gia-cốp. Gia-cốp phải chạy trốn đến nhà La-ban, bị La-ban lừa rồi sau đó lừa lại La-ban, …cứ lẩn quẩn như thế cho đến khi cuối cùng Đức Chúa Trời đặt cho ông một cái tên mới, Y-sơ-ra-ên. Có phải cái vòng lẩn quẩn gian lận và tội lỗi này là ý muốn của Đức Chúa Trời không? Không, tất nhiên là không rồi. Chúa không bao giờ muốn ai phạm tội. Ngài là thánh. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, trong sự khôn ngoan tối thượng của Ngài, Đức Chúa Trời đã xoay chuyển tất cả những việc xấu xa này để dẫn đến kết quả theo như mục đích tốt đẹp của Ngài. Cuối cùng, Gia-cốp, sau nhiều đau khổ đã trở thành người được thừa hưởng những lời hứa. Nhưng ông đã phải trả giá. Trong nhiều thập kỷ, Gia-cốp đã thử hết giải pháp này đến giải pháp khác. Tuy nhiên, mặc dù Gia-cốp đã làm theo ý mình, nhưng Đức Chúa Trời vẫn khiến mọi chuyện tiến hành theo đúng kế hoạch của Ngài. Thử nghĩ mà xem câu chuyện của Gia-cốp sẽ ít phức tạp hơn như thế nào, nếu ông chịu tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời, và làm theo công thức của Ngài.
Điều này làm tôi nhớ đến một minh họa tuyệt vời. Năm ngoái khi tôi đến Hà Lan, tôi được đón từ một địa điểm này để đi đến một địa điểm khác vào lúc tối muộn. Theo GPS, thì sẽ mất một tiếng rưỡi lái xe. Nhưng người tài xế cứ phớt lờ sự chỉ dẫn, không chú ý đến GPS và bỏ lỡ những ngã rẽ quan trọng. GPS đã tính toán một tuyến đường mới cho người tài xế mỗi lần anh rẽ sai để chúng tôi vẫn sẽ đến đích, nhưng thay vì một tiếng rưỡi, nó đã khiến chúng tôi mất hai tiếng rưỡi mới đến được nơi!
Đối với Chúa cũng giống như vậy, chúng ta phạm sai lầm, nhưng Ngài vẫn tể trị!
Dư Vị Đắng Cay
Bạn có thể tự tạo ra các giải pháp của riêng mình, chúng sẽ không cản trở kế hoạch của Đức Chúa Trời, nhưng chúng sẽ để lại dư vị đắng cay trong miệng bạn. Bạn có thể làm tổn thương chính mình và những người khác, bạn có thể phải gánh chịu hậu quả của những quyết định phớt lờ những lời hứa và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Hãy quay trở lại với công thức của Đức Chúa Trời cho đời sống của bạn. Ngài có thể và sẽ sửa lại các công thức tự chế của bạn. Gia-cốp tự chuẩn bị một bữa ăn và cùng với đó, ông đã mua quyền trưởng nam của Ê-sau. Kết quả là ông phải gánh chịu hậu quả suốt 20 năm.
Bạn có thể đang tự mình tìm ra một số giải pháp tồi tệ cho cuộc sống của mình, dù biết những lời hứa và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời nhưng lại phớt lờ chúng. Hãy quay trở lại với công thức của Đức Chúa Trời cho đời sống của bạn. Dù bạn có nghĩ tình hình của mình tồi tệ đến đâu đi nữa, bạn luôn có thể quay lại với công thức của Chúa.
Tin tốt là Đức Chúa Trời không chỉ là đầu bếp giỏi nhất, mà Ngài còn biết cách biến những công thức nấu ăn tồi tệ thành những công thức tuyệt vời. Ngài làm điều đó nhiều lần trong đời sống của tất cả chúng ta.
Hãy xem xét câu chuyện nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại – Nếu Đức Chúa Trời có thể lấy sự khước từ của nhân loại dành cho Đấng Mê-si và biến đó thành sự cứu rỗi cho toàn thế giới, thì Ngài còn có thể làm được bao nhiêu nữa cho cuộc đời của bạn?
Chúng ta hãy thử tưởng tượng một chút xem điều gì sẽ xảy ra nếu cả Gia-cốp và Ê-sau đều nghiêm túc tin cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời và làm theo công thức của Ngài.
Câu chuyện lúc đó sẽ thành như thế này: Một hôm, khi Gia-cốp đang hầm một món súp thì Ê-sau từ ngoài đồng về, đói lả. Ê-sau nói với Gia-cốp: “Em cho anh ăn ngay món gì đo đỏ kia đi, vì anh đang đói lả người!”
Gia-cốp trả lời, “Đừng ngại! Anh muốn ăn bao nhiêu tùy thích.”
Ê-sau nói, “Anh đói sắp chết rồi đây; Cảm ơn vì đã đối xử tốt với anh! ”
Gia-cốp nói, “Tất nhiên rồi! Chúng ta là người nhà mà! Cần gì anh cứ nói với em! ”
Rồi Gia-cốp cho Ê-sau ăn bánh và súp đậu. Ăn uống xong, Ê-sau đứng dậy và đi. Từ đó, Ê-sau bắt đầu có cảm tình với em trai mình. Nhiều năm trôi qua, ông không ngừng ngạc nhiên, khi biết em trai đối xử với mình tốt như thế nào. Lòng tốt của Gia-cốp đã giành được trái tim của người anh. Cả hai đều kết hôn với các cô gái tin kính từ nhà mẹ của họ. Gia-cốp trở thành một hoàng tử hùng mạnh, Ê-sau trở thành một chiến binh dũng mãnh, người đã hỗ trợ và bảo vệ người em trai được Chúa chọn của mình.
Các bạn ơi, tôi mong các bạn hôm nay không chỉ biết về các công thức của Đức Chúa Trời – mà hãy học theo các công thức đó, đặc biệt là trong những tình huống khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Khi bạn đối mặt với thử thách, đừng thay thế công thức của Chúa bằng các giải pháp tự chế của riêng bạn. Hãy tin cậy nơi Ngài ngay cả khi bạn không thấy kết quả tức thì và biết rằng Ngài đang nắm quyền kiểm soát.
Khi bạn nhận ra mình đã làm sai, hãy quay lại với công thức của Chúa ngay lập tức. Ngài luôn có thể lấy bất cứ món nào mà bạn đã làm hỏng và biến nó thành một bữa ăn tuyệt vời!
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: oneforisrael.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com