Home Chuyên Đề TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN V)

TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN V)

by Hong An
30 đọc

Phần V: NGUỒN GỐC THUỘC LINH CỦA GIÊ-RU-SA-LEM

Có gì đặc biệt về Giê-ru-sa-lem? Đâu là nguồn gốc thuộc linh của thành phố này? Để trả lời hai câu hỏi này, chúng ta phải quay trở lại với Áp-ra-ham, tổ phụ của “chủng tộc” Do Thái, dân Y-sơ-ra-ên. Nếu nói về vấn đề đó, ông cũng là cha đẻ của dân Ả Rập. Chúng ta bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình bằng cách tham khảo một số nguồn tư liệu Cơ Đốc và Do Thái.

Từ Điển Bách Khoa Kinh Thánh

Từ điển Bách khoa Kinh thánh do Kok, Kampen, người Hà Lan xuất bản lần thứ 5, cho chúng ta biết rằng: ‘Giê-ru-sa-lem là thành phố thánh của người Do Thái và Cơ Đốc nhân (Ê-sai 48:2; 52:1 và những nơi khác) và là thành phố thánh thứ ba của người Hồi, sau Mecca và Medina. Trong Cựu Ước, tên của nó là Jérusalém, mà người Masoretes phát âm là Jérushalaim, và cho đến ngày nay, thành phố này được gọi bằng tên đó. Ý nghĩa của tên này có lẽ có nguồn gốc từ Ca-na-an, rất khó hiểu; đôi khi nó được giải thích là một “thành phố” hoặc “nơi ở” của (vị thần) Salem. Người Giê-bu-sít, sống ở đó trước dân Y-sơ-ra-ên, và có lẽ cũng chưa phải là những cư dân đầu tiên ở đó, đã gọi thành phố này là Giê-bu (Các Quan Xét 19:10 và I Sử ký 11: 4). Trong Sáng Thế Ký 14:18Thi Thiên 76:3, thành phố này được gọi là Sa-lem. Một cái tên nổi tiếng khác cho Giê-ru-sa-lem là Si-ôn. Ban đầu, cái tên này được dùng để chỉ ngọn đồi nơi tọa lạc thành phố của người Giê-bu-sít hoặc để chỉ những thành trì kiên cố của thành phố (II Sa-mu-ên 5:7). Về sau, cái tên này đã được sử dụng cho toàn bộ thành phố, cũng trong Thi Thiên 132:13 và trong Tân Ước, Hê-bơ-rơ 12:22, Khải huyền 14: 1.’

Do đó, theo Từ điển Bách khoa Kinh thánh, cái tên Giê-ru-sa-lem, có thể có nghĩa là ‘nơi của sự hòa bình’, xuất hiện hơn 800 lần trong Cựu Ước và Tân Ước. Cái tên ‘Si-ôn’ được tìm thấy hơn 150 lần và dường như có ba ý nghĩa, theo Hugh Kitson trong cuốn sách ‘Giê-ru-sa-lem, Thành Phố Giao Ước’ (ISBN: 1 874367 93 0, Hatikvah Ltd, PO Box 2025, Steyning, West Sussex BN44 3QW, Vương quốc Anh).

Thứ nhất, tên ‘Si-ôn’ chỉ THÀNH PHỐ Giê-ru-sa-lem như trong Thi Thiên 87:2-3: “…Đức Giê-hô-va yêu mến các cổng Si-ôn hơn những nơi ở của Gia-cốp. Hỡi thành của Đức Chúa Trời, người ta đã nói về vẻ vinh quang của ngươi…. ” Và trong Thi Thiên 48:1-2 “…Đức Giê-hô-va thật vĩ đại, rất đáng được ca ngợi trong thành của Đức Chúa Trời chúng ta và trên núi thánh Ngài. Núi Si-ôn cao vút và đẹp đẽ là niềm vui của cả trái đất. Là đỉnh cao nhất của Xa-phôn, là thành của Vua vĩ đại…”

Thứ hai, tên ‘Si-ôn’ được dùng để chỉ VÙNG ĐẤT của Y-sơ-ra-ên, như trong Ê-sai 51:3: “…Vì Đức Giê-hô-va an ủi Si-ôn; Ngài an ủi mọi nơi đổ nát của nó. Ngài khiến hoang mạc trở nên vườn Ê-đen, đồng hoang trở nên vườn của Đức Giê-hô-va…”

Và cuối cùng, từ ‘Si-ôn’ được dùng để chỉ DÂN TỘC Do Thái, như trong Ê-sai 51:16: “…Ta đã đặt lời Ta trong miệng ngươi, và cho ngươi núp dưới bóng bàn tay Ta, trong khi dựng các tầng trời, đặt nên móng quả đất, và nói với Si-ôn rằng: ‘Ngươi là dân Ta.’…”

Do đó, Giê-ru-sa-lem là thành phố độc nhất vô nhị, bởi vì nó là thành phố duy nhất trên thế giới mà Chúa đã tuyên bố thuộc riêng về Ngài. Thi Thiên 132:13-18: “…Vì Đức Giê-hô-va đã chọn Si-ôn; Ngài ước ao Si-ôn làm nơi ngự của Ngài; Ngài phán: “Đây là nơi an nghỉ của Ta đời đời; Ta sẽ ngự ở đây vì Ta ước ao như thế. Ta sẽ ban phước cho Si-ôn được lương thực dư dật, cho những kẻ nghèo của thành ấy được ăn bánh no nê. Ta cũng sẽ mặc cho các thầy tế lễ thành ấy sự cứu rỗi, và những người tin kính của nó sẽ reo mừng. Tại đó, Ta sẽ khiến sừng Đa-vít vươn lên; Ta đã chuẩn bị ngọn đèn cho người Được Xức Dầu của Ta. Ta sẽ lấy sự xấu hổ mặc cho kẻ thù người; nhưng vương miện trên đầu người sẽ sáng rực rỡ’…”

Từ ‘Được Xức Dầu’ trong phần trích dẫn trên từ Thi Thiên 132 là từ ngữ Do Thái có nghĩa là ‘Đấng Mê-si’. Thi Thiên 2 xác định Đấng Mê-si này là vua của Y-sơ-ra-ên: “…Vì sao các nước náo loạn? Và các dân mưu tính chuyện hư không? Các vua thế gian nổi dậy, các lãnh tụ câu kết với nhau chống lại Đức Giê-hô-va và Đấng Được Xức Dầu của Ngài. Chúng bảo: “Hãy bẻ gãy gông cùm của họ, và quăng xa xiềng xích khỏi chúng ta.” Đấng ngự trên trời sẽ cười, Chúa sẽ chế nhạo chúng. Bấy giờ trong cơn thịnh nộ, Ngài quở trách chúng, trong cơn giận dữ, Ngài khiến chúng kinh hoàng. Ngài phán: “Chính Ta, Ta đã lập Vua mà Ta đã chọn trên Si-ôn, là núi thánh Ta” Ta sẽ công bố mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va: Ngài phán với Ta: “Con là Con Ta; ngày nay Ta đã sinh ra Con. Hãy cầu xin Ta, Ta sẽ ban cho Con các nước làm cơ nghiệp, và khắp cõi địa cầu làm tài sản. Con sẽ dùng gậy sắt mà đập vỡ chúng, làm cho chúng bể ra như bình gốm tan tành.”  Vì vậy hỡi các vua, hãy khôn ngoan! Hỡi các thẩm phán thế gian, hãy nghe lời cảnh báo! Hãy phục vụ Đức Giê-hô-va với lòng kính sợ, hãy vui mừng với lòng run rẩy. Hãy hôn Con, kẻo Người nổi giận và các ngươi sẽ bị hủy diệt trong đường lối mình, vì cơn thịnh nộ của Người sẽ nhanh chóng bùng lên. Phước cho những ai nương náu mình nơi Người…”

Nét tương đồng giữa Sa-lem, Giê-ru-sa-lem và Si-ôn được tìm thấy trong Thi Thiên 76:1-3: “…Trong Giu-đa người ta biết Đức Chúa Trời, Danh Ngài thật vĩ đại giữa Y-sơ-ra-ên. Đền Tạm của Ngài ở Sa-lem, và nơi ngự của Ngài tại Si-ôn. Tại nơi ấy, Ngài đã bẻ gãy những mũi tên lửa, cái khiên, thanh gươm và vũ khí chiến tranh…”


(Còn tiếp…)

Giáo sĩ Willem J. J. Glashouwer
Chủ tịch Cơ Đốc Nhân vì Israel Quốc tế
Chủ tịch danh dự Liên Minh Châu Âu vì Israel
Biên Dịch Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế

Bình Luận:

You may also like