Home Dưỡng Linh Tình Yêu Của Chúa – Phần 14 và hết: Tình Yêu Của Chúa Trong Sự Sửa Phạt

Tình Yêu Của Chúa – Phần 14 và hết: Tình Yêu Của Chúa Trong Sự Sửa Phạt

by AdrianChua
30 đọc

Sự bền vững của tình yêu Chúa không có nghĩa là chúng ta không bao giờ gặp phải nghịch cảnh. Ngược lại, tác giả sách Hê-bơ-rơ bảo đảm với chúng ta rằng sự sửa phạt trên thực tế là bằng chứng về tình yêu của Ngài.

Hê-bơ-rơ 12:5-11 – “Hỡi con ta, chớ xem thường sự sửa phạt của Chúa, và khi Chúa khiển trách, chớ ngã lòng. Vì Chúa sửa phạt người Ngài yêu thương, những ai được nhận làm con thì Ngài cho roi cho vọt. Anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đối đãi anh em như con; vì có người con nào mà cha không sửa phạt? Nhưng nếu anh em không chịu sửa phạt như mọi người con đều phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chứ không phải con thật. Hơn nữa, cha về phần xác sửa phạt mà chúng ta còn kính sợ, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta lại chẳng thuận phục bội phần hơn để được sống hay sao? Vì cha về phần xác theo ý mình sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích lợi cho chúng ta mà sửa phạt, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài. Tất cả sự sửa phạt lúc nầy dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy.

Đời sống Cơ-đốc nhân có lúc được nghỉ yên có lúc phải vật lộn. Để trở thành một người chiến thắng, chúng ta phải hiểu Kinh Thánh dạy gì về sự sửa phạt đầy yêu thương của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta chịu khó nhìn lại qua hình ảnh phản chiếu những trải nghiệm trong đời sống của mình, chúng ta có thể sẽ nhận thấy rằng hầu hết những bài học quý giá mà ta học được, giúp làm phong phú và nâng cao đời sống của chúng ta, thì có được qua hoạn nạn nhiều hơn là những lúc thuận lợi. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều phải vật lộn để hiểu được làm sao mà Đức Chúa Trời có thể vừa tốt lành và toàn năng, mà vẫn có thể cho phép đau khổ xảy ra cho chúng ta. Chúng ta đã quên rằng Chúa đã kêu gọi chúng ta để “kiên trì chạy xong cuộc đua đã đặt ra cho chúng ta” (Hê-bơ-rơ 12:1) và học cách phản ứng lại với sự sửa phạt đầy yêu thương của Đức Chúa Trời cũng như tăng trưởng trong sự thánh khiết qua đó. Cuộc đua nào cũng có những gian nan vất vả và đau khổ vì đau khổ sẽ tôi luyện chúng ta và giúp chúng ta trưởng thành.

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những lời hứa tuyệt vời trong Lời của Ngài, rằng mặc dù Ngài sửa phạt chúng ta, nhưng tình yêu bền vững của Ngài sẽ không lìa khỏi chúng ta.

2 Sa-mu-ên 7:14-15 – “Ta sẽ làm Cha nó, và nó sẽ làm con Ta. Nếu nó phạm tội ác, Ta sẽ sửa phạt nó như loài người dùng roi đòn răn dạy con. Nhưng tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó … ” 

Đức tin chân chính đến trong hoàn cảnh mà chúng ta tưởng chừng như bị bỏ rơi nhưng vẫn tin vào sự quan phòng và quyền tể trị thiên thượng của Ngài. Chúng ta hãy xem xét một số lý do tại sao chúng ta nên học cách vâng phục sự sửa phạt yêu thương của Ngài.

   1)     Đó là một khía cạnh thiết yếu của mối quan hệ Cha-con (Hê-bơ-rơ 12:7-8)

Sự sửa phạt là một dấu hiệu của tình cha con chân chính. Kinh Thánh nói rõ ràng rằng nếu chúng ta thiếu sự sửa phạt, chúng ta không phải là con thật của Đức Chúa Trời, mà là con hoang và con ngoài giá thú không có quyền thừa kế. Nếu chúng ta là con thật của Ngài, thì những thử thách là bằng chứng về tình yêu thương của Ngài, chứ không phải là sự bỏ rơi hay khước từ,

Châm-ngôn 3:11-12 – “Hỡi con ta, chớ khinh sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va, đừng buồn lòng khi Ngài quở trách. Vì Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì trách phạt nấy. Như một người cha đối với con trai yêu dấu của mình.

2)   Để chúng ta có thể sản sinh bông trái bình an của sự công bình và dự phần trong sự thánh khiết của Ngài (Hê-bơ-rơ 12:9-11)

Cha thiên thượng của chúng ta biết rõ từng người một trong chúng ta một cách thấu đáo và trọn vẹn, bao gồm mọi suy nghĩ và động cơ của chúng ta. Do đó, Ngài biết chính xác cách ‘điều chỉnh’ chúng ta, để chúng ta có thể lớn lên giống Chúa Giê-xu Christ và trở thành người dự phần vào sự thánh khiết của Ngài.

Đôi khi chúng ta không nhận thức được tội lỗi hoặc khuyết điểm của mình cho đến khi Đức Chúa Trời mang đến những thử thách để phơi bày chúng. Như tác giả thi thiên đã làm chứng, “Trước khi bị hoạn nạn thì con lầm lạc nhưng bây giờ con vâng giữ lời Chúa” (Thi-thiên 119:67). Không có dấu hiệu nào cho thấy ông đã lầm lạc trước khi bị hoạn nạn. Có thể cơn hoạn nạn đã khiến ông ý thức được tội lỗi giấu kín của mình. Sự sửa phạt của Chúa là sức mạnh bảo vệ trong đời sống của chúng ta, mục đích của nó là để bảo toàn mạng sống của chúng ta.

Đức tin chân chính là phục tùng quyền tể trị của Ngài trên chúng ta và tin tưởng rằng Ngài sẽ quản trị nó một cách hoàn hảo vì lợi ích cao nhất của chúng ta và chuẩn bị chúng ta cho mục đích trong cõi đời đời của Ngài. Nếu chúng ta chống lại và cứng lòng, chúng ta sẽ bỏ lỡ mục đích của sự sửa phạt. Nếu chúng ta ghi nhớ những gì Đức Chúa Trời đang làm dưới ánh sáng của cõi đời đời, thì chúng ta có thể chịu đựng sự sửa phạt của Ngài với niềm vui và sự bình an nội tại, điều này cuối cùng sẽ mang lại bông trái công chính và bình an.

Gióp 5:17-18 – “Phước cho người được Đức Chúa Trời khiển trách! Vậy anh chớ coi thường sự sửa phạt của Đấng Toàn Năng. Vì Ngài làm cho bị thương, nhưng Ngài băng bó lại; Ngài đánh đau, nhưng tay Ngài lại chữa lành.

Chúa luôn làm việc trong những nghịch cảnh của chúng ta. Ngài không bao giờ cho phép bất kỳ nghịch cảnh nào đến trong đời sống của chúng ta mà cuối cùng không mang lại lợi ích gì cho chúng ta. Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy hoặc phân biệt được điều tốt lành thiêng liêng mà một nghịch cảnh cụ thể có thể mang lại, nhưng Đức Chúa Trời đang biến đổi chúng ta để trở nên những người đẹp lòng Ngài.

Không có thành phần nào trong một chiếc bánh mà tự bản thân nó có vị ngon. Tuy nhiên, sau khi chúng được trộn chung với nhau một cách khéo léo theo đúng tỷ lệ và được nướng trong lò, chúng sẽ có hương vị thơm ngon. Tương tự như vậy, tất cả những nghịch cảnh trong đời sống tự bản thân chúng không tốt cho chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời đã khéo léo trộn chúng lại với nhau vì lợi ích của chúng ta (Rô-ma 8:28).

Liệu chúng ta có chấp nhận sự mầu nhiệm về sự quan phòng của Đức Chúa Trời trong những thời khắc đau đớn của cuộc đời mình, và được nó trui rèn cho lợi ích tốt lành, bình an, thánh khiết, công bình và sự sống của chúng ta chăng? Hay trong những mùa đau khổ chúng ta sẽ đòi hỏi rằng Đức Chúa Trời phải đưa ra một lời giải thích rõ ràng cho những khổ nạn của chúng ta?

Tấm lòng như một người mẹ của Đức Chúa Trời

Ê-sai 49:14-15 – “Nhưng Si-ôn từng nói rằng: “Đức Giê-hô-va đã từ bỏ tôi; Chúa tôi đã quên tôi.” Người mẹ có thể nào quên cho con mình bú, hoặc không thương đến con ruột của mình chăng? Dù người mẹ quên con mình, ta vẫn không bao giờ quên con.

Đức Chúa Trời dùng hình ảnh người mẹ đang cho con bú để minh họa cho tình yêu của Ngài. Với thế gian, đây là bức tranh về tình yêu vĩ đại nhất. Tuy nhiên, những người mẹ cũng đầy tội lỗi và đôi khi tình yêu tự nhiên của họ có thể bị khuất phục bởi tính ích kỷ của chính họ. Tình yêu vĩ đại nhất của con người đôi khi có thể thất bại, nhưng tình yêu của Đức Chúa Trời không bao giờ thất bại. Y-sơ-ra-ên, ngay cả khi còn trong sâu thẳm tội lỗi, vẫn không bị cắt đứt khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã sửa phạt dân tộc này một cách nghiêm khắc, nhưng Ngài không ngừng yêu thương dân Y-sơ-ra-ên. Đừng bao giờ rời mắt khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like