Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 115: Sự Yên Lặng Của Chúa

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 115: Sự Yên Lặng Của Chúa

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/3O2f3DtkUII

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 15:21-28
21Đức Chúa Jêsus đi từ đó, vào bờ cõi thành Ty-rơ và thành Si-đôn. 22 Xảy có một người đàn bà xứ Ca-na-an, từ xứ ấy đến, mà kêu lên rằng: Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỉ ám, khốn cực lắm. 23 Nhưng Ngài chẳng đáp một lời. Môn đồ bèn đến gần, cố nài xin rằng: Xin thầy truyền cho đàn bà ấy về, vì người kêu van ở đằng sau chúng ta. 24 Ngài đáp rằng: Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi. 25 Song người đàn bà lại gần, lạy Ngài mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng! 26 Ngài đáp rằng: Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn. 27 Người đàn bà lại thưa rằng: Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống. 28 Ngài bèn phán rằng: Hỡi đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn! Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành.

Lời ngỏ:
Bây giờ, tôi biết lặng im
Như con sông chảy, im lìm ngoài kia
Lặng im, khi buổi chiều về
Phù sa lắng đọng, bốn bề tâm tư.
Tôi nào đâu dám thờ ơ
Trước bao la những bến bờ con sông
Lặng im, cây lúa làm đòng.
Lặng im, đến với mênh mông mùa vàng.
Một đời im lặng nuôi con
Lặng im vạt áo nâu sồng mẹ tôi.
Bao nhiêu năm học nói, cười
Hôm nay tôi học được lời: Lặng im!

Trên đây là bài thơ của Dương Kỳ Anh với chủ đề “Lặng im” rất có ý nghĩa, và bài học này có giá trị liên quan đến sự “yên lặng”. Đó là giá trị mà cha mẹ đã nhẫn nại để rồi sau này con cái mới nhận biết và khâm phục. 
Thế nhưng, đối với Đức Chúa Trời thì sự yên lặng còn có giá trị và bài học quý báu biết bao. Chúng ta cùng xem xét trong bài học hôm nay nhé!

1. Giai đoạn Chúa Giê-xu giữ sự yên lặng để chuẩn bị tinh thần trước khi bước lên thập tự giá
    Phân đoạn Kinh thánh này bày tỏ cơ hội duy nhất của Chúa Giê-xu đi ra ngoài xứ Palestine và vùng lãnh thổ Do thái để đến xứ thuộc về dân ngoại. Đó là điều bày tỏ Chúa cũng có chương trình dành cho cả thế giới; nhưng trọng trách của Ngài chính là việc chịu đóng đinh, chịu chết để chuộc tội nhân loại. Nhất là, giai đoạn hiện tại trong phân đoạn Kinh thánh này bày tỏ, đó là thời gian Ngài có chủ ý lánh ra riêng, để có giờ yên tĩnh, tâm tình và dạy dỗ đặc biệt cho các môn đồ của Ngài, vì họ cần phải hiểu đúng về Ngài, và Chúa cũng chuẩn bị tinh thần cho chính mình trước khi bước đi con đường khổ nạn, bước lên thập tự giá.  Nhưng nếu Chúa ở trong đất Do thái thì Ngài không thể yên ổn được, vì dân chúng sẽ tìm kiếm Ngài, và những kẻ ghét Chúa cũng theo đó mà phản bác Ngài, khiến Chúa không thể tập trung vào vai trò quan trọng sắp đến. Do đó, Ngài đi thẳng về phía Bắc vượt qua xứ Ga-li-lê, vào tận đất ngoại bang nơi dân Phê-ni-xi sống trong thành phố Ty-rơ và Si-đôn. Không phải vì sợ phải đối diện và sự quấy rầy của người Pha-ri-si, thầy thông giáo hay dân chúng mà Ngài chạy trốn; nhưng Ngài cần phải chuẩn bị một chiến trường cẩn thận trước trận chiến thuộc linh quyết liệt cuối cùng đang đến gần.

2. Sự yên lặng của Chúa thách thức đức tin của người nữ ngoại bang, từ sự tìm cầu Chúa theo tin đồn đến niềm tin chân thật 
    Tuy nhiên, ngay trong đất ngoại bang này thì Chúa Giê-xu cũng không thoát khỏi những người ngoại bang đang có nhu cầu. Một người nữ ngoại bang có một đứa con bị quỷ ám rất nặng, mà các thầy phù thuỷ của xứ đó phải bó tay. Bà này đã nghe đồn về những việc lạ lùng mà Chúa Giê-xu đã làm trong xứ Do thái. Cho nên, vì thương con mà bà âm thầm tìm hiểu về gốc gác, thân phận của Chúa Giê-xu. Và bà đã kêu cầu Chúa theo cách suy nghĩ của bà: “Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỷ ám, khốn cực lắm.” Trong lúc này Chúa Giê-xu cố ý giữ sự yên lặng và không đáp lời nào. Nhưng người nữ này không vì thế mà bỏ cuộc, bà đi theo Chúa Giê-xu để tiếp tục kêu cầu như là một sự thỉnh cầu. Điều đó khiến cho các môn đồ bực mình. Họ bực mình về hai việc. Một là người đàn bà này cứ bám theo họ rất lâu với một câu nói ấy như cứ “lải nhải” bên tai. Hai là Chúa Giê-xu cứ giữ yên lặng không nói một lời nào, đó là điều mà họ chưa thấy Ngài có thái độ như vậy bao giờ. Họ đến với Chúa để đề nghị Ngài lên tiếng, dù là tiếng nói từ chối thẳng thừng không chữa lành cho con của người nữ ngoại bang này, để người này không còn theo bám nữa; bởi họ thấy bị quấy rầy, bị phiền phức. Đáp lại lời thỉnh cầu của các môn đồ muốn Chúa trả lời cho sự cầu xin của người đàn bà Ca-na-an ngoại bang kia, thì Chúa Giê-xu đã trả lời theo cách mà người này xưng Chúa là “con cháu vua Đa-vít” rằng: “Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi.” Vì đức tin của người nữ này dựa theo tin đồn về Ngài là con cháu vua Đa-vít, thuộc dân Do thái thì Ngài bày tỏ vậy. Nếu  chỉ là con cháu vua Đa-vít thì chỉ có bổn phận lo cho bầy chiên thuộc dân Do thái mà thôi, chứ đâu thể lo cho dân xứ ngoại bang được. Thế nhưng, qua đó cũng có thể ngầm hiểu rằng vấn đề nan giải của người nữ này không phải là khó giải quyết đối với Chúa, nhưng vì đức tin của bà chưa đúng nên chưa giải quyết được.
    Người nữ này hoàn toàn bất ngờ trước câu trả lời chính xác của Chúa Giê-xu, nhưng rất đúng với tình trạng thuộc linh của bà. Nên lập tức bà quyết định chuyển đổi tình trạng niềm tin từ một người nghe theo tin đồn sang đức tin chân thành từ trong lòng mình. Bà can đảm khi tiến từ phía sau đến trước mặt Chúa Giê-xu mà quỳ gối xuống để thờ lạy Ngài với lòng tin Ngài thật là Cứu Chúa cho mình và con cái mình.  Bà quỳ gối thờ phượng Chúa và cầu xin: “Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng!” Đây là một sự thờ phượng và một sự cầu xin đúng đắn.
    Chúa Giê-xu thật đã cảm động và muốn tỏ lòng thương xót người nữ và đứa con của bà trước đức tin mà bà bày tỏ. Nhưng Ngài đã không vội vàng để đáp lời chữa lành ngay. Ngài muốn thử thách đức tin của bà có có thật sự đến mức độ nào. Ngài phán tiếp: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn.” Mới nghe câu trả lời thì đối với người không có đức tin hay đức tin giả hiệu, chỉ nhằm giải quyết nan đề cho con cái mình thì sẽ bị sốc và bị tự ái; nhưng tại đây Ngài ví sánh bà như là “chó con” là thú cưng trong nhà, nó xứng đáng và có phần tốt mà Chúa chuẩn bị cho. Và người nữ ngoại bang đã bày tỏ lòng cảm động trước mặt Chúa: “Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống.” Bà thừa nhận mình được làm “chó con” ấy để vui lòng nhận những chiếc bánh vụn trên bàn chủ rớt xuống. Bà thật vui lòng đón nhận những ơn phước và ân điển thừa thãi mà những người con cái Chúa trong dân Do thái làm rơi rớt cũng thỏa lòng rồi. Quả thật, đây là một đức tin chân thành cùng với lòng khiêm nhường và sẵn sàng ở trong ân điển của Chúa để được sự cứu rỗi và chữa lành. Ngay câu nói đầy lòng tin ấy thì Chúa Giê-xu tuyên bố là “Hỡi đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn! Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành.”

Kết luận:
Các bạn thân mến, trong cuộc đời chúng ta theo Chúa Giê-xu, có những chặng đường, có những thời gian dường như Chúa yên lặng trước sự cầu xin, khẩn nài của chúng ta. Có thể Ngài cố tình giữ yên lặng, nhưng cũng có thể Ngài cho chúng ta cơ hội để thách thức đức tin của chúng ta. Chúng ta cầu khẩn Chúa là để nhằm mục tiêu giải quyết vấn đề nan giải mà thôi, hay chúng ta thật lòng tin yêu Chúa và hết lòng hạ mình xuống thờ phượng Ngài là Cứu Chúa của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta chỉ lợi dùng lòng thương xót của Chúa để giải quyết nan đề, khi nan đề giải quyết xong thì chúng ta cũng từ chối Chúa và bỏ Ngài. Nhưng nếu chúng ta thật lòng tin kính Chúa và thờ phượng Ngài thì nan đề giải quyết xong nhưng long lòng yêu Chúa của chúng ta càng gia tăng và chúng ta trung tín để trọn đời theo Ngài.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin vùa giúp chúng con nhận biết sai lầm của mình và hạ mình ăn năn để thờ phượng Chúa, và tin rằng Chúa không chỉ vùa giúp chúng con giải quyết những vấn đề hiện tại mà thôi, nhưng những vấn đề trong cuộc đời còn lại của chúng con nữa.
Cầu xin Chúa cho chúng con can đảm để đối diện với Chúa, để bày tỏ từ đức tin đến đức tin, từ đức tin theo tin đồn đến đức tin thực nghiệm. Và chúng con được Chúa đụng chạm vào tâm linh để giải phóng tội lỗi, chữa lành bệnh tâm linh lẫn những nan giải trong trong cuộc sống thuộc thể nữa.
Cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like