Home Chuyên Đề Ý Nghĩa Của Từ ‘Cát” Trong Tiếng Hê-bơ-rơ

Ý Nghĩa Của Từ ‘Cát” Trong Tiếng Hê-bơ-rơ

by Oneforisrael.org
30 đọc

Ở nhiều nơi trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Chúa Trời thường biệt riêng ra cho Ngài những vật thánh. Nhưng ngược lại, từ חול (chol) có nghĩa là ‘cát’ trong tiếng Hê-bơ-rơ, cũng giống như từ “thế tục” hoặc “tầm thường” – là thứ mà không được biệt riêng ra hay không được cho là thánh. Một lớp bụi cát dày đặc có thể lơ lửng trong không khí nhiều ngày liền, tạo ra một môi trường kỳ quái và khó chịu cho đến khi không khí trong lành trở lại và bầu trời trở nên quang đãng. Nhiều năm trước, chúng ta đã có một trận bão cát trong khoảng thời gian của “Mười Ngày Kinh Hoàng” (hay ‘Mười Ngày Của Sự Ăn Năn’) giữa Lễ Thổi Kèn (Rosh HaShanah) và Lễ Chuộc Tội, ngày linh thiêng nhất theo lịch của người Do Thái, và đây là một số suy ngẫm về ‘cát’ có liên quan đến đời sống của chính chúng ta.

Cát và Bụi Đất tượng trưng cho Thế Gian/Chủ Nghĩa Thế Tục

Theo truyền thống thì trong thời gian Mười Ngày Kinh Hoàng, người Do Thái sẽ có thời gian xem xét lại chính mình, cầu xin sự tha thứ từ Đức Chúa Trời và từ người khác về những điều sai trái mà họ đã làm. Đó là thời gian để tập chú vào Đức Chúa Trời và thoát khỏi thứ gọi là “tội lỗi dễ vấn vương”, như Phao-lô đã nói rất rõ. Lớp cát bụi dày đặc bao phủ Israel là một lời nhắc nhở tốt về cách mà tội lỗi và thế gian vận hành:

  • Nó làm lu mờ khải tượng của chúng ta và mang lại sự thiển cận
  • Nó khiến đời sống ta nghẹt ngòi và ngột ngạt
  • Nó gây khó khăn cho việc tăng trưởng và bước đi của chúng ta

Trong trận bão cát, hàng trăm người đã phải nhập viện vì khó thở, và đài phát thanh cảnh báo tất cả chúng tôi không được mạo hiểm ra ngoài trừ khi thật cần thiết. Những gì thường ngày có thể nhìn thấy rõ ràng đã bị bao phủ trong một đám mây bụi ngột ngạt và một trong những sân bay của Israel đã tạm thời đóng cửa do tầm nhìn bị hạn chế. Chúng tôi đã không đi đâu cả. Theo cách tương tự, thế gian kềm hãm chúng ta và làm mờ tầm nhìn của chúng ta.

Thật thú vị, Tel Aviv, thành phố theo chủ nghĩa khoái lạc của Israel lại được xây dựng trên cát! Nó được biết đến như một thành phố tiệc tùng, và là một trong những thủ đô của người đồng tính trên thế giới. Nền tảng của nó được xây dựng trên חול -chol (cát) và những điều thế tục.

Hãy chỗi dậy, giũ bụi bặm đi!”

“Hỡi Si-ôn, hãy thức dậy, thức dậy, mặc lấy sức mạnh ngươi! Hỡi Giê-ru-sa-lem, là thành thánh… hãy chỗi dậy, giũ bụi bặm đi, và ngồi lên; hỡi con gái Si-ôn, là kẻ phu tù, hãy cởi trói nơi cổ ngươi.” (Ê-sai 52:1-2)

Khi chúng ta chờ cho “cát bụi lắng xuống”, chúng ta không đi đâu được hết; chúng ta đã trở nên bằng lòng với một tình huống kém hơn mức tốt nhất của Chúa. Thật dễ dàng để mắc kẹt trong một lối mòn và cuối cùng đứng yên trong một cuộc dạo chơi năng động với Chúa – thậm chí là một cuộc đua! Chúng ta luôn phải hướng về phía trước và tăng trưởng trong Ngài. Thật dễ để trở nên trì trệ trong một môi trường và điều kiện thoải mái, nhưng Chúa luôn ra hiệu cho chúng ta đi tiếp – hãy tấn tới và bước đi với Ngài một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Điều này đòi hỏi lòng can đảm và đức tin, nhưng giải pháp thay thế vẫn còn trong tình trạng bị giam cầm. Chúng ta đã được tự do, và giống như dân Y-sơ-ra-ên khi xưa được giải phóng khỏi xứ Ai Cập, Đức Chúa Trời luôn kêu gọi chúng ta tiếp tục cuộc phiêu lưu cùng Ngài, và bỏ lại quá khứ nô lệ sau lưng chúng ta. Điều này bắt đầu trong tâm trí, và tuôn đổ ra phần còn lại của cuộc đời chúng ta.

Vào ngày Rosh haShanah, Lễ Thổi Kèn – những chiếc kèn được thổi lên để báo hiệu thời điểm dỡ trại. Đã đến lúc rũ bỏ bụi bặm và tiến về phía trước. Chúng ta không muốn để bụi đất đọng lại, nhưng giống như Chúa Giê-xu đã nói với các môn đồ của mình khi gặp phải sự chống đối, hãy “phủi bụi nơi chân mình” và bước tiếp. Hãy đóng gói những thứ thuộc về thế gian và gạt chúng sang một bên. Chúng ta được kêu gọi để trở thành dân sự của Đức Chúa Trời – một dân thánh, một nước thầy tế lễ, thuộc về Đức Chúa Trời và “được biệt riêng” cho ngài. Không giống như ‘cát’.

“Hãy đi ra, hãy đi ra, hãy ra khỏi chỗ đó! Đừng đụng đến đồ ô uế, hãy ra khỏi nó. Các ngươi là người mang vật dụng thờ phượng Đức Giê-hô-va, hãy thanh tẩy chính mình!…Đức Giê-hô-va sẽ đi trước các ngươi, và Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đi sau bảo vệ các ngươi.” (Ê-sai 52:11-12)

Ngày nay chúng ta là những khí dụng thánh của Đức Chúa Trời

Trái ngược với חול (chol) – ‘cát’ là קדוש (kadosh) – thánh, hoặc biệt riêng cho Chúa. Thân thể chúng ta là đền thờ của Ngài, và đời sống của chúng ta nên bày tỏ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể sử dụng đời sống mình cho những mục đích tầm thường của thế gian. Chúng ta được kêu gọi trở thành những kênh dẫn phước hạnh và lẽ thật của Đức Chúa Trời cho những người xung quanh. Y-sơ-ra-ên cũng được gọi là một kênh dẫn phước của Đức Chúa Trời cho các dân tộc – mang đến cho chúng ta Kinh Thánh, Lời của Đức Chúa Trời, chính câu chuyện về dân tộc Y-sơ-ra-ên là một bản xem trước về sự thành tín của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua  hành động, và tất nhiên, từ chính dân này đã mang đến cho chúng ta Đấng Mê-si. Giờ đây đến lượt các dân tộc trở thành những bình chứa đựng lòng thương xót của Đức Chúa Trời, mang lại Tin Lành về Đấng Mê-si và sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu!

Cũng từ Ê-sai 52, chúng ta thấy mô tả này về những người rao giảng Tin Lành:

“Những kẻ đem tin tốt, rao sự bình an, đem tin tốt về phước lành, rao sự cứu chuộc, bảo Si-ôn rằng: Đức Chúa Trời ngươi trị vì, chân của những kẻ ấy trên các núi xinh đẹp là dường nào!” (câu 7)

Đức Chúa Trời của chúng ta đang trị vì. Dường như Chúa đã lên kế hoạch để các dân tộc sẽ trở lại với dân của Ngài và nói với họ rằng, Đức Chúa Trời của anh chị em đang trị vì! Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện rằng lớp cát bụi che phủ của chủ nghĩa thế tục ở Y-sơ-ra-ên sẽ tan đi, để ngày càng có nhiều người Do Thái thấy rõ Chúa Giê-xu thực sự là ai.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like