Home Chuyên Đề Xứ Đượm Sữa Và Mật

Xứ Đượm Sữa Và Mật

by Oneforisrael.org
30 đọc

“Ta hứa rằng Ta sẽ đưa các con ra khỏi cảnh khổ đau tại Ai Cập và đem các con vào đất của dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít, là vùng đất đượm sữa và mật.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:17)

Đức Chúa Trời nói cho Môi-se biết về kế hoạch của Ngài và một đích đến đầy vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên – một vùng đất đượm sữa và mật. Nhưng kế hoạch này không phải là mới chớm nở. Đức Chúa Trời đã ban nó cho Áp-ra-ham trước đó cả bốn thế kỷ, nói cho bạn của Ngài biết ông có thể tin tưởng rằng những điều này chắc sẽ xảy ra:

“Con phải biết chắc rằng dòng dõi con sẽ làm kiều dân nơi đất khách, phải phục dịch cho dân bản xứ, và bị chúng áp bức trong bốn trăm năm. Nhưng Ta sẽ phán xét dân tộc đã bắt dòng dõi con phục dịch, và sau đó họ sẽ ra khỏi đất đó với rất nhiều của cải. Về phần con, con sẽ hưởng tuổi già hạnh phúc, rồi bình an trở về với tổ phụ mình trong mồ yên mả đẹp. Đến thế hệ thứ tư, dòng dõi con sẽ trở lại đây, vì tội ác của dân A-mô-rít hiện chưa đến cực độ.” (Sáng-thế Ký 15:13-16)

Chúa không vội vàng. Một cách đầy nhân từ, Ngài để cho dân Ca-na-an tiếp tục phạm tội cho đến khi tội lỗi của họ trở nên đầy dẫy trước khi đưa ra phán xét trên họ qua dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời tôn trọng mong muốn và tự do của chúng ta, bao gồm cả quyền tự do phạm tội, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Bốn trăm năm được tự do sống trong tội lỗi đã là một sợi xích khá dài, nhưng cuối cùng, vào khoảng năm 1400 TCN, chuyện gì tới cũng phải tới. Dân Y-sơ-ra-ên tiến thẳng vào chiếm xứ Ca-na-an.

Đức Chúa Trời thực hiện những lời hứa của Ngài

Trong bốn trăm năm dài đằng đẵng đó, anh em của Giô-sép từ Y-sơ-ra-ên đến Ai Cập để tránh nạn đói giờ đã trở thành một dân lớn, một dân hùng mạnh với dân số vài triệu người. Và, hóa ra, hành trình về Xứ Hứa lại khá dài và quanh co… chưa kể đầy những cuộc mạo hiểm. Nhưng trong suốt thời gian đó, họ vẫn nắm lấy giấc mơ này – đích đến chắc chắn của họ – vùng đất đượm sữa và mật cùng mọi điều tốt đẹp.

“Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt tươi, có nhiều khe, suối, nước sâu phun lên trong trũng và trên núi; xứ có lúa mì, lúa mạch, dây nho, cây vả, cây lựu; dầu ô-li-ve và mật.” (Phục-truyền Luât-lệ Ký 8:7-8)

Bảy thứ được liệt kê ở trên là đề cập đến mật (nhựa) từ trái cây chứ không phải mật ong, nhưng như chúng ta biết từ những chỗ khác trong Kinh Thánh, chẳng hạn như câu đố về tổ ong trong xác sư tử của Sam-sôn (Các Quan Xét 14:9) hay câu chuyện Giô-na-than đã phá vỡ lời thề kiêng ăn của cha mình khi bắt gặp mật ong trong rừng (1 Sa-mu-ên 14:29) – cũng như từ chế độ ăn uống khác thường của Giăng Báp-tít – thì mật được lấy từ tổ ong cũng có rất nhiều ở Y-sơ-ra-ên.

Chúa luôn ban những thứ tốt đẹp cho con cái của Ngài. Cụm từ cụ thể “xứ đượm sữa và mật” xuất hiện 22 lần trong Kinh Thánh khi đề cập đến Xứ Hứa – đó là lời hứa mà Đức Chúa Trời đã nhắc đi nhắc lại. Đó là một lời hứa mà con dân Ngài có thể tin tưởng.

Tại sao lại là sữa và mật?

Tôi đã từng nghe một lời giải thích như thế này và nó rất có ý nghĩa đối với tôi, rằng sữa và mật là những dấu hiệu cơ bản của một vùng đất tươi tốt và màu mỡ. Tại sao lại như vậy? Bởi vì gia súc có thể vui vẻ gặm cỏ và tận hưởng thảm thực vật, từ đó cho nhiều sữa, trong khi đó ong bướm có thể vui vẻ hút mật từ những khóm hoa để sản xuất ra mật ong. Cả hai hình ảnh này đều cho thấy một quang cảnh xanh tươi và trù phú.

Nếu bạn hỏi một người Y-sơ-ra-ên rằng lễ Shavuot (Lễ Các Tuần) nói về điều gì, thì câu trả lời của họ có thể là dịp kỷ niệm kinh Torah được ban cho dân Chúa tại núi Si-nai và cũng bao gồm các sản phẩm từ sữa. Vào ngày này, người Y-sơ-ra-ên sẽ thức cả đêm để nghiên cứu kinh Torah, và cụ thể là ăn bánh pho mát! Lời Chúa thường được ví như mật ong trong Kinh Thánh, và sữa tượng trưng cho sự trù phú của vùng đất, đó là những gì mà lễ Shavuot nói đến.

“Shavuot ư? Đó là lễ hội pho mát ”, một người Nga mới nhập cư giải thích như vậy qua điện thoại cho một người họ hàng ở quê nhà. Đúng là ý nghĩa của các ngày lễ trong Kinh Thánh thường bị mất đi trong truyền thống hiện đại, giống như ngày kỷ niệm Ngôi Lời nhập thể thì lại ngập tràn những cây thông Nô-en và Thập Tự Giá thì thành trứng Phục Sinh vậy. Nhưng sự liên quan mật thiết của lễ Shavuot với sữa không hoàn toàn chỉ là ngẫu nhiên. Một số người tin rằng nó được kết nối với một câu trong phân đoạn nói về các kỳ lễ, về việc chớ nên nấu dê con trong sữa mẹ nó, chính điều này đã khơi nguồn cho mọi luật lệ về chế độ ăn uống của người Do Thái [còn gọi là luật kosher] (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:19). Những người khác thì coi sữa là đề cập đến chính kinh Torah – nguồn dinh dưỡng và thực phẩm cho tâm linh của chúng ta. Tương tự, mật ong là thành phần quan trọng trên bàn tiệc của người Do Thái vào mùa thu, cùng với tất cả những món ngọt khác.

Có vẻ như đạo Do Thái hơn những đạo khác ở chỗ nó đánh giá cao và tán dương những niềm vui thuộc thể trong đời sống của con người. Đức Chúa Trời nhìn xem trái đất mà Ngài đã tạo ra, và tuyên bố rằng nó là TỐT LÀNH! Thức ăn ngon, tiếng cười, những mối quan hệ, những cánh đồng cò bay thẳng cánh, cùng vắt sữa bò và làm bánh mì – tất cả đều là một phần trong thiết kế tuyệt vời của Chúa, được tạo ra để mang lại niềm vui. Sữa và mật ong là biểu tượng của sự thật rằng Đức Chúa Trời thực sự ban phước cho chúng ta với những điều tốt lành về mặt thuộc thể ngay tại đây trên đất. Đó không chỉ là lý thuyết suông hay kiểu được cái này thì mất cái kia mà là cả hai/ trong mọi hoàn cảnh: chúng ta có thể tận hưởng những điều tốt lành mà Đức Chúa Trời đã tạo ra cho chúng ta ngay tại đây trên đất, cũng như nhận được mọi phước lành thuộc linh trong Đấng Mê-si.

Sữa và mật: sự giàu có dư dật trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời

Đa-vít đã tuyên bố trong Thi-thiên 119:103:

“Lời Chúa ngọt họng con dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng con!” 

Phép so sánh này xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Lời của Đức Chúa Trời giống như mật ong, nhưng nó cũng được ví như sữa sau này trong Tân Ước – chất nuôi dưỡng thiết yếu cho tâm hồn chúng ta, như trẻ sơ sinh cần sữa. Tương tự, cụm từ này cũng xuất hiện trong đoạn 4 của sách Nhã-ca:

“Cô dâu của anh ơi, môi em nhỏ từng giọt mật, Dưới lưỡi em giấu mật ong và sữa.”

Các thầy dạy đạo truyền thống coi sữa và mật ong ở đây trong câu này là chỉ kinh Torah, vì Nhã-ca được xem như một sự so sánh về mối quan hệ yêu thương giữa Chúa và dân Ngài. Chắc chắn rằng lời của Đức Chúa Trời vừa ngọt ngào vừa bền vững đối với tất cả những ai biết ngài và yêu mến ngài.

Bạn đã bao giờ kinh nghiệm nhận được một câu Kinh Thánh phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của bạn và thực sự nói trúng trọng điểm của những gì đang xảy ra cho bạn chưa? Thật tuyệt vời, phải không? Lời Chúa xuất hiện đúng thời điểm có thể cho chúng ta sự khích lệ và sức mạnh để bước tiếp. “Hãy xem, nhờ nếm chút mật nầy mà mắt tôi đã sáng dường nào,”Giô-na-than nói với các bạn mình (1 Sa-mu-ên 14:29). Lời Chúa có thể tiếp thêm sinh lực cho chúng ta khi chúng ta mệt mõi, giống như mật ong đã làm tươi mới lại con người đang đói khát đó.

Kinh Thánh thường dùng những điều thuộc thể để báo trước một thực tế thuộc linh lớn hơn hầu đến. Xứ Hứa thực sự đã từng là một vùng đất đượm sữa và mật trong thời Kinh Thánh – và một lần nữa trong thời đại của chúng ta! Nhưng nó cũng chỉ ra một thực tế lớn hơn về sự phong phú và ngọt ngào của một đời sống trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời, điều mà mọi dân, mọi nước, mọi nơi trên thế giới đều có thể tận hưởng. Tuy nhiên, thậm chí còn nhiều hơn thế nữa những gì đang chờ đợi chúng ta ở Miền Đất Hứa cuối cùng – chúng ta sẽ hoàn toàn hiệp nhất với Đức Chúa Trời trong trời mới đất mới, trong thế giới hầu đến. Điều gì đang chờ chúng ta ở đó? Một bữa tiệc, tất nhiên rồi! Chúng ta được hứa là sẽ có một bữa tiệc để kết thúc tất cả các bữa tiệc! Có thể trên bàn tiệc lúc đó cũng sẽ có sữa và mật; bạn có nghĩ như vậy không?

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like