Khía cạnh quan trọng nhất của sự tăng trưởng thuộc linh trong đời sống cá nhân của chúng ta là lớn lên trong tình yêu của Chúa – yêu Chúa và yêu người. Nhưng chúng ta thường có xu hướng tập trung vào ‘làm gì và làm như thế nào’ để thực hiện chức vụ hiệu quả hơn mà không lưu ý rằng câu hỏi ‘tại sao phải làm như vậy’ mới thực sự quyết định thành công và tác động lâu dài của chức vụ chúng ta.
Kinh Thánh cảnh báo chúng ta rằng một người có thể thi hành chức vụ mà không có động cơ trong sạch là tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời ngay cả khi chia sẻ Tin Lành cho người khác.
Phi-líp 1:15-17 – “Thật, có vài người rao giảng Đấng Christ vì ganh tị và tranh cạnh, nhưng cũng có những người vì ý tốt mà rao giảng. Những người nầy rao giảng vì lòng yêu thương… còn những người kia rao giảng Đấng Christ vì ích kỷ, không thành thật và tưởng rằng như thế sẽ gây đau khổ thêm cho sự xiềng xích của tôi.”
Chúng ta cũng được cảnh báo rằng mọi điều gì chúng ta làm mà không xuất phát từ động cơ yêu thương sẽ bị thiêu đốt trong ánh sáng của cõi đời đời (1Cô-rinh-tô 3:1-3; 3:12-15). Không ai trong chúng ta muốn lãng phí thời gian của mình để làm điều gì đó trong nhiều năm rồi nhận ra trong cõi đời đời rằng tất cả những việc làm đó được coi là hư không bởi vì động cơ của chúng ta chỉ là để mang lại vinh hiển cho bản thân mình, vì lợi ích của cá nhân mình mà thôi, v.v.
Nếu chúng ta cảm thấy bực bội, khó chịu, kiệt sức và chán nản trong chức vụ, thì có điều gì đó không đúng ở đây. Có lẽ chúng ta đã mất đi trạng thái cân bằng và cách duy nhất để khôi phục nó là quay trở lại với tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
Tăng trưởng trong tình yêu thương bằng cách cho đi tình yêu thương
Giăng 15:1-6 – “Ta là cây nho thật, Cha Ta là người trồng nho. Bất cứ cành nào trong Ta không kết quả thì Ngài chặt đi, còn những cành nào kết quả thì Ngài tỉa sửa để được nhiều quả hơn… Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các con. Như cành nho, nếu không ở trong cây nho thì tự nó không thể ra quả được. Nếu các con không cứ ở trong Ta thì cũng như vậy. Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được. Nếu ai không cứ ở trong Ta thì bị ném ra ngoài như cành nho và bị héo, người ta nhặt lấy, ném vào lửa thì nó cháy.”
Khi nghĩ về sự phán xét, chúng ta thường liên tưởng nó với tội lỗi. Tuy nhiên, trong phân đoạn này, chúng ta được cảnh báo rằng sự phán xét có thể đến ngay cả khi một đời sống không có lợi ích chi hết. Tuy nhiên, tin tốt là, việc sản sinh bông trái không phải là trách nhiệm của chúng ta, mà trách nhiệm của chúng ta là cứ ở trong Ngài. Trong phân đoạn này, Chúa Giê-xu cung cấp cho chúng ta phương pháp để mọi điều răn đều được làm trọn trong Ngài. Trên thực tế, tất cả các điều răn của Đấng Christ và các nguyên tắc công bình của Kinh Thánh chỉ có thể thực hiện được theo cách sau:
1. Chúng ta phải ở trong Ngài – Nhận lãnh
2. Chúng ta phải lớn lên trong Ngài – Ở trong Chúa
3. Chúng ta phải kết quả trong Ngài – Ban cho
Sự “hiện hữu” đến trước sự “tăng trưởng”, sau đó sẽ dẫn đến “việc làm”; và mọi thứ phải được thực hiện trong Ngài. Chúng ta phải ở trong tình yêu của Ngài, lớn lên trong tình yêu của Ngài trước khi chúng ta có thể yêu như Ngài đã yêu. Chúng ta phải ở trong sự sống của Ngài, lớn lên trong sự sống của Ngài trước khi chúng ta có thể giúp đỡ người khác thông qua Ngài. Vì vậy, tiến trình sẽ luôn theo chu kỳ ở trong Ngài—lớn lên—và phục vụ.
Chúa Giê-xu đã ban cho chúng ta điều răn “hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta” bởi vì đây là mục đích cuối cùng của việc nhận được tình yêu và sự sống của Ngài. Chúng ta, những người đã khám phá ra tình yêu của Ngài qua ân điển không được dừng lại ở mức độ tiếp nhận, mà chúng ta phải lớn lên và không ngừng tăng trưởng cho đến khi chúng ta được đầy dẫy tình yêu thương của Ngài đến mức chúng ta bắt đầu ban phát tình yêu thương của Ngài qua đời sống của chúng ta.
Việc cho đi tình yêu thương có thể bắt đầu bằng những cách nhỏ nhặt qua sự quan tâm và phục vụ của chúng ta. Khi chúng ta trung tín làm việc này, sự cho đi của chúng ta sẽ tăng lên cho đến khi mọi ý nghĩ, mọi nguồn cảm hứng, mọi mục đích trong đời sống của chúng ta hoàn toàn chỉ chứa đầy những ước muốn và ý định để ngày càng tìm ra nhiều cách hơn nữa để phó sự sống mình cho người khác.
Công-vụ 20:35 – “… nhớ lại lời chính Đức Chúa Giê-xu có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.”
Thế gian đo lường thành công bằng số tiền chúng ta kiếm được và có được, nhưng Chúa đo lường thành công bằng số tiền chúng ta cho đi. Vì lý do đó, người đàn bà góa nghèo khó có thể được phước hơn những người Pha-ri-si giàu có vì bà đã cho đi nhiều hơn (tính theo tỷ lệ phần trăm).
Nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho vấn tài chính mà nó còn áp dụng cho mọi lĩnh vực của đời sống. Khi chúng ta tha thứ, chúng ta nhận được sự tha thứ. Khi chúng ta yêu, chúng ta kinh nghiệm tình yêu. Khi chúng ta giúp đỡ, chúng ta nhận được sự giúp đỡ. Khi chúng ta dạy dỗ, chúng ta được Chúa dạy dỗ. Khi chúng ta chúc phước cho người khác, chúng ta được ban phước. Chúng ta thậm chí có thể đi xa hơn khi nói rằng yêu thì có phước hơn là được yêu – vì được yêu là giống như con cái của Đức Chúa Trời nhưng yêu là giống như chính Đức Chúa Trời vậy. Và chúng ta không bao giờ có thể cho đi nhiều hơn Chúa cho, và yêu nhiều hơn Chúa yêu; vì khi chúng ta yêu, tình yêu sẽ luôn được đong đầy cho chúng ta và chúng ta không bao giờ cạn kiệt yêu thương.
Với thước đo mà bạn sẵn sàng phó thác đời sống mình, thì đó sẽ là thước đo mà Ngài sẽ sử dụng đời sống của bạn và đổ đầy tình yêu của Ngài vào bạn. Vì vậy, nếu chúng ta muốn trưởng thành hơn ở trong Ngài, chúng ta sẽ phải phó mình nhiều hơn cho Ngài và cho người khác qua tình yêu thương của Ngài. Càng cho đi bản thân mình, chúng ta sẽ càng tăng trưởng và lớn lên trong Ngài.
Tuy nhiên, đừng làm quá sức và vượt quá những gì mà lương tâm của chúng ta mách bảo hay lượng đức tin của chúng ta cho phép, nhưng hãy tăng dần việc cho đi tình yêu và đời sống của chúng ta, từng chút từng chút một.
1 Ti-mô-thê 1:19 – “giữ vững đức tin và lương tâm trong sáng. Có người vì đã chối bỏ lương tâm đó mà sụp đổ đức tin…”
Đừng quá ép mình mà hãy giống như nhánh nho bám vào cây nho, chỉ cần phát triển đều đặn theo từng mùa ra quả và chịu cắt tỉa. Sự tăng trưởng diễn ra từng bước. Hãy nhớ rằng, việc làm của chúng ta là kết quả của việc nhận lãnh từ Chúa và ở trong Ngài.
Nguyện chúng ta luôn nhớ về tình yêu hy sinh của Ngài dành cho chúng ta.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com