Home Chuyên Đề Mối Liên Hệ Thú Vị Giữa Lễ Vượt Qua Và Đại Dịch Covid

Mối Liên Hệ Thú Vị Giữa Lễ Vượt Qua Và Đại Dịch Covid

by Oneforisrael.org
30 đọc

Ở Israel, việc chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua hàng năm bắt đầu từ rất sớm. Kinh Thánh cho chúng ta biết phải dọn sạch tất cả men trong nhà để kịp cho Lễ Bánh Không Men. Các sản phẩm tẩy rửa thường được bán nhiều vào thời điểm này, sẵn sàng cho nhu cầu tiêu dùng trong mùa lễ khi các hộ gia đình Israel bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa. Đó là một cuộc tổng vệ sinh hàng năm.

Trong khi đó, trên toàn cầu, người ta cũng đang ra sức rửa tay và vệ sinh các bề mặt, biết rằng làm như vậy sẽ giữ cho bản thân được an toàn. Chúng ta đã nhận thức sâu sắc về việc dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng và gây ra hậu quả khủng khiếp như thế nào.

Và sự kết hợp thú vị của đại dịch Covid cùng Lễ Vượt Qua không chỉ kết thúc ở đó…

Gột rửa và thanh tẩy

Chúa Giê-xu nói cho chúng ta biết rằng một chút men cũng làm cho cả đống bột dậy lên. Ngài bảo các môn đồ “hãy giữ mình cẩn thận về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê” (Ma-thi-ơ 16:6), và men thường được dùng trong Kinh Thánh như một ẩn dụ về tội lỗi hay sự tin cậy vào xác thịt cách kiêu ngạo. Dưới đây là những chỉ dẫn cho Lễ Vượt Qua của Đức Chúa Trời:

“Ngày ấy sẽ là một kỷ niệm cho các con. Qua mọi thế hệ các con hãy giữ nó như một ngày lễ cho Đức Giê-hô-va, tức là một luật phải tuân giữ đời đời. Trong bảy ngày các con phải ăn bánh không men. Ngay trong ngày thứ nhất, các con phải loại bỏ men khỏi nhà mình; vì nếu ai ăn bánh có men từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy thì sẽ bị loại trừ khỏi Y-sơ-ra-ên. Ngày thứ nhất, các con sẽ có cuộc nhóm họp thánh; đến ngày thứ bảy các con cũng sẽ có cuộc nhóm họp thánh nữa. Trong những ngày ấy, các con không nên làm việc gì cả, chỉ lo chuẩn bị thức ăn cần thiết cho mỗi người mà thôi. Vậy các con hãy giữ lễ Bánh Không Men vì trong chính ngày đó Ta đã đem đạo quân các con ra khỏi Ai Cập. Vì vậy, qua mọi thế hệ các con phải giữ ngày nầy như một luật đời đời. Từ buổi chiều ngày mười bốn tháng giêng các con sẽ ăn bánh không men cho đến chiều ngày hai mươi mốt tháng đó. Trong bảy ngày, không nên để men trong nhà; vì dù là người ngoại bang hay là người bản xứ, nếu ai ăn bánh có men sẽ bị loại trừ khỏi hội chúng Y-sơ-ra-ên. Chớ nên ăn thức ăn gì có men. Dù ở đâu các con cũng phải ăn bánh không men.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:14-20)

Mọi dấu vết của men đều phải được loại bỏ. Người Do Thái coi men là tính kiêu căng, và thói hay “lên mình”. Chúng ta cũng có thể thấy điều này trong bức thư đầu tiên của Phao-lô gửi cho các tín hữu người Cô-rinh-tô, khi ông cảnh báo họ về sự kiêu căng và thói hay khoe mình trong đoạn 5:6-8:

“Sự kiêu căng của anh em chẳng có gì tốt đẹp cả. Anh em không biết rằng một chút men đủ làm dậy cả đống bột sao? Hãy làm sạch men cũ đi, để anh em có thể trở thành một đống bột mới không men, như anh em thật sự là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ, Chiên Con lễ Vượt Qua của chúng ta đã được dâng làm sinh tế rồi. Vậy, chúng ta hãy kỷ niệm lễ Vượt Qua, chớ dùng men cũ, là men hiểm độc và gian ác, mà hãy dùng bánh không men của sự thành thật và chân lý.” (1 Cô-rinh-tô 5:6-8)

Tất nhiên, chúng ta không thể tự mình loại bỏ tội lỗi – chúng ta cần Đấng đã chiến thắng tội lỗi để cất sự vi phạm của chúng ta đi như thể là phương đông xa cách phương tây vậy. Chỉ có sự hy sinh của Ngài mới làm được điều đó. Nhưng quá trình dọn dẹp là thời điểm thích hợp để phản ánh việc làm sạch đời sống của chúng ta. Hãy suy ngẫm về tội lỗi có thể tích tụ, mưng mủ và thậm chí gây tử vong nếu chúng ta không giải quyết chúng.

Để một vật trở nên sạch sẽ, một vật khác phải bị vấy bẩn

Nếu bạn lau sàn bẩn bằng một miếng vải sạch, thì cuối cùng sàn nhà của bạn có thể sạch, nhưng miếng vải sẽ rất bẩn. Đấng Mê-si của chúng ta đã gánh lấy cái mớ hỗn độn mà chúng ta gây ra, cũng như tội lỗi, sự xấu hổ và gian ác của chúng ta lên chính mình Ngài. Đổi lại, chúng ta được làm cho tinh sạch và công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Đây giống như một vụ trao đổi vậy.

Chúng ta cần phải xưng nhận với Ngài sự thật về tội lỗi của chúng ta, và tin cậy rằng Ngài sẽ làm cho chúng ta được sạch. Đây là lời hứa trong 1 Giăng 1:9:

Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (1 Giăng 1:9)

Bầu không khí sợ hãi và bất lực đang giúp thế giới nhận ra rằng họ không nắm quyền kiểm soát – và họ chưa bao giờ là người nắm quyền kiểm soát. Dường như Chúa đang sử dụng đại dịch khủng khiếp này để giúp mọi người nhớ đến Ngài một cách tỉnh táo và học cách…nhìn lên. Một người nào đó đã viết rằng cảm giác như thể chúng ta bị nhốt vào phòng của mình để suy nghĩ về những gì chúng ta đã làm! Nhiều người đang để Chúa chỉ ra tội lỗi trong đời sống của họ, hoặc phản ánh tội lỗi của một quốc gia. Đó là thời gian suy ngẫm, cáo trách và ăn năn.

Một người đàn ông Israel thậm chí đã đi xa đến mức trả lại một kho báu khảo cổ mà ông ta đã đánh cắp mười lăm năm trước, dưới sức nặng của sự cáo trách mà ông cảm thấy trong thời gian này. Ông ấy quay sang Moshe Manies, người này giải thích:

“Anh ấy nhìn thấy kho báu đó trong khi dọn dẹp cho Lễ Vượt Qua, cùng với cảm giác như sắp tận thế đến nơi mà đại dịch Covid mang lại, anh ấy cảm thấy đã đến lúc để làm sạch lương tâm của mình và anh ấy đã yêu cầu tôi giúp anh ấy trả lại vật ấy cho Cơ-quan Quản-lý Cổ-vật Israel.”

Đại dịch Covid và quá trình thanh tẩy nói rất rõ ràng về việc loại bỏ tội lỗi trong đời sống của chúng ta. Chúng phải bị loại bỏ!

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi các tội nhân, hãy rửa sạch tay mình; hỡi kẻ hai lòng, hãy thanh tẩy lòng mình đi!” (Gia-cơ 4:8)

Việc kiểm tra các khung cửa và sự cứu chuộc sắp tới

Không khó để nhận thấy những điểm tương đồng giữa hoàn cảnh hiện tại của chúng ta và những tai họa ở Ai Cập. Với đàn châu chấu tràn ngập khắp Ai Cập và mười quốc gia khác xung quanh Vịnh Ả Rập, gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từng thấy trong nhiều thập kỷ, những trận động đất khủng khiếp, hỏa hoạn tàn phá và giờ đây là loại vi-rút chết người này, tất cả đều giống như Kinh Thánh đã miêu tả.

Câu chuyện Lễ Vượt Qua là một câu chuyện về sự cứu chuộc, như cả người Do Thái và Cơ-đốc nhân đều khẳng định, rằng điều này chỉ ra sự đến của Đấng Mê-si. Những ai yêu mến Chúa Giê-xu sẽ nói rằng sự tương đồng giữa Lễ Vượt Qua và sự đóng đinh của Chúa Giê-xu là đáng kinh ngạc cả về chiều sâu và chi tiết, đó là thiết kế của một Đức Chúa Trời toàn năng đã sắp đặt nó ngay từ đầu. Nhiều người Do Thái không chấp nhận Chúa Giê-xu cũng sẽ xem câu chuyện này là điềm báo cuối cùng về sự cứu chuộc sắp đến.

Thật vậy, có một số gợi ý cho thấy Lễ Vượt Qua không chỉ nói về những gì đã xảy ra trên đồi Sọ mà còn dành cho đỉnh điểm cao trào của thời kỳ này. Khải-huyền 16 mô tả những tai họa rất giống với những tai họa trong Xuất Ê-díp-tô Ký: nước hóa ra máu, bóng tối dày đặc, mưa đá với những tảng đá khổng lồ và những vết lở loét, thậm chí cả châu chấu và ếch nhái. Sau đó, tất nhiên là nỗi kinh hoàng của cái chết cuối cùng.

Trận dịch cuối cùng và chết chóc nhất trong số mười tai họa của Lễ Vượt Qua không ảnh hưởng đến các hộ gia đình có huyết bôi trên khung cửa. Đó là một khía cạnh quan trọng của câu chuyện cần được xem xét: Kẻ hủy diệt đã không dừng lại để kiểm tra sự công bình của những người trong nhà – mà chỉ xem có vết máu bôi trên khung cửa hay không. Đó là yếu tố quyết định duy nhất.

Việc kỷ niệm Lễ Vượt Qua hàng năm là một cách tuyệt vời để lưu giữ câu chuyện và ý nghĩa sâu sắc của nó, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó khiến chúng ta trông cậy vào Đức Chúa Trời, Đấng có thể bảo vệ chúng ta khỏi mọi bệnh dịch, cứu chuộc chúng ta khỏi ách nô lệ, và thậm chí là giải cứu chúng ta khỏi chính sự chết. Chúng ta được bảo vệ bởi huyết của Đấng Mê-si – Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian.

“Hãy giữ lễ nầy như một luật đời đời cho anh em và con cháu anh em. Khi nào anh em vào đất mà Đức Giê-hô-va sẽ ban cho, như lời Ngài đã hứa, thì hãy giữ lễ nầy. Khi con cháu anh em hỏi: ‘Lễ nầy nghĩa là gì?’ Hãy trả lời: ‘Ấy là lễ dâng sinh tế Vượt Qua của Đức Giê-hô-va. Vì khi hành hại người Ai Cập, Ngài đã vượt qua các nhà của dân Y-sơ-ra-ên và dung tha nhà chúng ta.’

Nghe xong, dân Y-sơ-ra-ên cúi đầu thờ phượng.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:24-28)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like