“Thật vậy, sự mê tham tiền bạc là căn nguyên của mọi điều ác. Một số người vì ham mê tiền bạc đã mất đức tin và chuốc lấy cho mình biết bao điều đau khổ.” (1 Ti-mô-thê 6:10, BD2011).
Phao-lô cảnh báo Ti-mô-thê về mối tương quan giữa tiền bạc và điều ác. Những thứ đắt tiền và hào nhoáng thường khiến con người ta thèm muốn nhiều thứ hơn nữa như một lẽ tự nhiên, nhưng không biết bao nhiêu là cho đủ.
Mặc dù chúng ta có thể tự do tận hưởng những phước hạnh mà Chúa ban trên đất này, nhưng tiền bạc có thể dẫn đến ghen tị, tranh cạnh, trộm cắp, gian lận, nói dối và đủ mọi điều ác. Cuốn chú giải Kinh Thánh của Expositor (Expositor’s Bible Commentary) chia sẻ thế này, “Sự mê tham tiền bạc có thể dẫn dắt con người ta đến với mọi điều ác, một khi nó bắt đầu kiểm soát cuộc sống của họ.” Hãy dành một chút thời gian để học xem Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì về tiền bạc và làm thế nào mà nó có thể dẫn chúng ta đến điều ác.
Câu Kinh Thánh này có nghĩa là gì?
“Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:21).
Có hai trường phái tư tưởng trong Kinh thánh liên quan đến vấn đề tiền bạc. Một số bản dịch Kinh Thánh hiện đại cho rằng chỉ có lòng tham tiền bạc mới là xấu, chứ không phải bản thân tiền bạc là xấu xa. Tuy nhiên những người khác thì hiểu câu Kinh Thánh này theo nghĩa đen. Bất kể điều gì chúng ta tôn thờ (hoặc coi trọng, hoặc chú trọng, v.v.) hơn Chúa thì đều là thần tượng. Mục-sư John Piper viết thế này, “Có thể khi Phao-lô viết những lời này, ông ấy hoàn toàn ý thức được rằng chúng sẽ gặp thử thách như thế nào, và rồi ông ấy vẫn viết xuống như thế vì ông ấy thấy rằng lòng ham mê tiền bạc thực sự là cội rễ của mọi điều ác – xin nhấn mạnh ở đây là mọi điều ác! Và ông ấy muốn Ti-mô-thê (và chúng ta) suy nghĩ đủ sâu để thấy được điều đó.”
Đức Chúa Trời đảm bảo cho chúng ta sự chu cấp của Ngài, nhưng chúng ta thường cố gắng tự mình kiếm tiền để mưu sinh. Tiền kiếm được không biết bao nhiêu cho đủ để có thể thỏa mãn linh hồn của chúng ta. Bất kể chúng ta đang tìm kiếm của cải hay thứ gì trên đất, chúng ta được tạo ra để khao khát Đấng Tạo Hóa của mình nhiều hơn. Sự mê tham tiền bạc là xấu xa bởi vì chúng ta được lệnh là không được có thần nào khác ngoài một Đấng duy nhất là Đức Chúa Trời chân thật.
Tác giả của sách Hê-bơ-rơ viết, “Chớ tham tiền, hãy hài lòng với những gì mình có, vì chính Đức Chúa Trời có phán: “Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu.”” (Hê-bơ-rơ 13:5).
Tình yêu là tất cả những gì chúng ta cần. Chúa là tình yêu. Ngài là Đấng chu cấp, Đấng duy trì sự sống, Đấng chữa lành, Đấng sáng tạo và là A-ba Cha của chúng ta.
Tại sao biết được lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác lại quan trọng?
Truyền-đạo 5:10 nói rằng, “Kẻ ham tiền bạc chẳng bao giờ thỏa mãn về tiền bạc; Kẻ ham của cải chẳng bao giờ thỏa mãn về lợi nhuận. Điều nầy cũng là hư không.” Kinh Thánh bảo chúng ta hãy chăm xem Chúa Giê-xu, Đấng là cội rễ và cuối cùng của đức tin chúng ta. Chính Chúa Giê-xu đã nói rằng hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa.
Chúa ra lệnh cho chúng ta phải đóng tiền phần mười như một sự bày tỏ lòng trung thành, chứ nó không phải là một con số để đánh dấu vào danh sách những việc cần làm của chúng ta theo kiểu tôn giáo. Chúa biết khuynh hướng của tấm lòng chúng ta và sự cám dỗ của chúng ta trong việc muốn nắm giữ tiền bạc của mình. Bằng cách cho đi, chúng ta sẽ giữ cho lòng tham tiền bạc không lại gần mình, và để cho Đức Chúa Trời ngự trên ngôi lòng chúng ta. Khi sẵn sàng từ bỏ, chúng ta học cách tin tưởng rằng Ngài sẽ chu cấp cho chúng ta, chứ không phải khả năng kiếm tiền sắc sảo của mình. “Tiền bạc không phải là gốc rễ của mọi điều ác, mà là ‘lòng mê tham tiền bạc’,” cuốn Expositor’s Bible Commentary giải thích.
Câu Kinh Thánh này KHÔNG có ý gì?
“Đức Chúa Giê-xu đáp: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi, bán những gì mình có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời; rồi hãy đến theo Ta.”” (Ma-thi-ơ 19:21).
Người nam mà Chúa Giê-xu đã nói chuyện không thể làm những gì mà Đấng Cứu Rỗi của anh ta yêu cầu. Đáng buồn thay, tài sản của anh đã ngự trên ngôi vốn thuộc về Đức Chúa Trời. Đây là điều Chúa cảnh báo chúng ta. Ngài không ghét sự giàu có.
Ngài cho chúng ta biết kế hoạch của Ngài dành để chúng ta được sống dư dật hơn cả những gì chúng ta có thể cầu xin hay suy tưởng. Phước lành của Ngài luôn tươi mới mỗi ngày. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, và chúng ta là một phần của gia đình Ngài. Cha của chúng ta có những kế hoạch tốt lành cho đời sống của chúng ta – Ngài làm cho chúng ta trở nên thịnh vượng!
Chúa ghét bất cứ điều gì mà chúng ta yêu mến hơn Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời kỵ tà (hay ghen tương)! Ma-thi-ơ 6:24 nói, “Không ai có thể làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa phục vụ tiền tài (Ma-môn) nữa.”
Bối cảnh của 1 Ti-mô-thê 6
“Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn. Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được; vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng. Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất. Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.” (1 Ti-mô-thê 6:6-10, Bản Hiệu Đính).
Phao-lô viết thư này cho Ti-mô-thê, một trong những bạn hữu thân nhất và cũng là người anh em trong đức tin của ông, tuy nhiên, ông dự định để cho Hội-thánh tại Ê-phê-sô (mà ông đã ủy thác cho Ti-mô-thê trông nom) cũng nghe được nội dung của bức thư này nữa. Jamie Rohrbaugh viết cho iBelieve.com, “Trong phân đoạn này, Sứ-đồ Phao-lô nói với chúng ta rằng hãy khao khát Đức Chúa Trời và mọi sự của Đức Chúa Trời. Ông hướng dẫn chúng ta theo đuổi những điều thánh thiện với niềm đam mê lớn lao, thay vì đặt tấm lòng và tình cảm của mình vào sự giàu sang phú quý của đời này.”
Cả đoạn 6 đề cập đến Hội-thánh tại Ê-phê-sô và khuynh hướng xa rời cốt lõi thực sự của Cơ-đốc giáo. Không có Kinh Thánh để mang theo như chúng ta ngày nay, họ dễ bị lung lay bởi nhiều tín ngưỡng khác nhau, cũng như giữa luật pháp Do Thái và thói quen xã hội của họ.
Phao-lô viết về sự vâng lời Đức Chúa Trời, sự thỏa lòng vì được đâm rễ trong Chúa, về sự đánh trận tốt lành của đức tin, về việc Đức Chúa Trời là đấng chu cấp cho chúng ta, cũng như sự hiểu biết sai trật. Ông xây dựng sứ điệp của mình lên rồi sau đó thu nhỏ nó lại để loại bỏ tận gốc lòng mê tham tiền bạc xấu xa và lệch lạc của họ, nhắc nhở họ rằng chính trong Đấng Christ, chúng ta tìm thấy sự thỏa lòng thực sự và Đức Chúa Trời chu cấp cho chúng ta – không chỉ những gì chúng ta cần thôi đâu, nhưng Ngài ban phước cho chúng ta còn nhiều hơn thế nữa.
Trong cuốn chú giải Kinh Thánh Zondervan Illustrated Bible Backgrounds Commentary có giải thích như vầy, “Độc giả đương đại khi đọc về những nhân vật 2300 năm tuổi với đầy khiếm khuyết này sẽ tìm thấy nhiều chủ đề quen thuộc và xác chứng cho tuyên bố của Phao-lô về việc tiền bạc là căn nguyên của tình bạn tan vỡ, hôn nhân đổ vỡ, danh tiếng xấu và mọi điều xấu xa.”
Phải chăng những người giàu thường có nhiều rủi ro từ bỏ đức tin hơn?
“Hãy bán của cải các ngươi mà lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Hãy sắm cho mình những túi tiền không cũ mòn hư lủng, một kho tàng không vơi cạn trên thiên đàng, nơi không kẻ trộm nào đến gần và không mối mọt nào phá hoại ” (Lu-ca 12:33, BD2011).
Một người không cần phải giàu có mới chịu khuất phục trước sự cám dỗ của lòng tham tiền bạc. Mục-sư John Piper giải thích, ““Lòng mê tham tiền bạc có tác dụng hủy diệt con người bằng cách dẫn dụ linh hồn từ bỏ đức tin. Đức tin là sự tin cậy thỏa lòng nơi Đấng Christ mà Phao-lô đã nói đến.” Những người nghèo, mồ côi, cơ nhỡ thì trông cậy vào những người có điều kiện hơn để chia sẻ với họ.
Phục-truyền 15:7 nhắc nhở chúng ta rằng, “Nếu giữa anh em có người anh em nghèo khó, sống trong các thành của xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em ban cho, thì chớ cứng lòng hoặc bo bo giữ của đối với những người lân cận nghèo khó của mình.” Cả thời gian và tiền bạc đều quan trọng, vì để tiếp cận những người cần Phúc Âm, nhu cầu vật chất tối thiểu nhất của họ phải được đáp ứng.
Marshal Segal viết cho Desiring God: “Ham muốn có thật nhiều tiền để mua thật nhiều thứ xa xỉ là một điều xấu, và trớ trêu thay, nó lại cướp và giết đi cuộc sống cũng như niềm hạnh phúc mà nó hứa hẹn.” Ngược lại, những người ít tiền lại có thể là những người thỏa lòng nhất, bởi vì họ biết bí quyết để sống thỏa lòng là sống trong tình yêu của Đấng Christ.
Cho dù chúng ta giàu sang, nghèo khó hay có cuộc sống bình thường, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự cám dỗ mà tiền bạc mang lại.
Làm thế nào để bảo vệ tấm lòng của chúng ta khỏi sự mê tham tiền bạc?
“Vì sự khôn ngoan bảo vệ người ta như tiền bạc bảo vệ người có nó, tuy nhiên lợi thế của tri thức là thế nầy: sự khôn ngoan giữ mạng sống của người có nó.” (Truyền-đạo 7:12, BD2011).
Chúng ta có thể bảo vệ tấm lòng của mình khỏi sự mê tham tiền bạc bằng cách đảm bảo rằng Chúa luôn ngồi trên ngôi lòng chúng ta. Hãy tỉnh thức và dành thời gian cầu nguyện với Ngài, ngay cả khi bạn không có nhiều thì giờ. Hãy điều chỉnh lịch trình và mục tiêu của bạn sao cho phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện và dành thời gian để đọc Lời Ngài (Kinh Thánh).
Một bài viết trên CBN giải thích thế này, “Tiền bạc đã trở nên quan trọng đến mức con người ta sẽ nói dối, lừa đảo, hối lộ, bôi nhọ và giết người để có được nó. Sự mê tham tiền bạc trở thành sự sùng bái thần tượng đến tột cùng. ” Lẽ thật và tình yêu của Ngài sẽ bảo vệ tấm lòng chúng ta khỏi sự mê tham tiền bạc. Và khi rơi vào cám dỗ, đừng bao giờ đi quá xa để quay về với Chúa, Đấng luôn chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở, để tha thứ và ôm chúng ta vào lòng.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com