Tóm lược: Hiện nay, các Cơ-đốc nhân đang sống trong một sự căng thẳng lớn về mặt thần học: chúng ra đã hưởng mọi ơn phước thuộc linh trong Đấng Christ, nhưng chúng ta chưa kinh nghiệm được sự đầy trọn của những ơn phước ấy. Hay nói đúng hơn, chúng ta đã được nhận làm con, đã được chuộc, được biệt riêng ra thánh, và đã được cứu; nhưng mặt khác, những kinh nghiệm này chưa hoàn toàn thuộc về chúng ta. Phía sau sự căng thẳng về thần học cũng như về mặt thực tiễn là hai lần giáng lâm của Đấng Christ. Trong lần đến đầu tiên, Ngài đã thiết lập những ngày sau rốt; trong lần tái lâm sắp tới đây, Ngài sẽ làm trọn việc ấy. Trong khi đó, chúng ta hiện đang sống trong “sự chồng chéo của các thời đại.”
Tôi và nhà tôi đã cưới nhau được mười sáu năm, nhưng tôi cứ ngỡ lễ đính hôn của chúng tôi như chỉ mới hôm qua. Đó là một khoảng thời gian đính ước kéo dài đến nỗi không cần thiết – chính xác là 1 năm 7 ngày. Nhưng tôi không có ai để than vãn về chuyện này mà chỉ có thể giữ trong lòng. Chiếc nhẫn đính hôn đã làm tôi cháy túi.
Tôi nhanh chóng hỏi cưới cô ấy trước khi đáp ứng được những yêu cầu của bố vợ: phải có bằng đại học trong tay, công việc ổn định, và 5000 đô-la trong ngân hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian đính hôn sẽ dài hơn. Tôi đã rất nôn nóng bởi vì tôi biết bản thân mình muốn sống chung với cô ấy cả đời còn lại. Nhưng khi sự phấn khởi vì đã được đính hôn với người mình yêu qua đi, tôi ngày càng mất kiên nhẫn.
Nhìn thì có vẻ như chúng tôi đã kết hôn, chiếc nhẫn ấy tượng trưng cho sự kết ước lâu dài. Tuy nhiên, thực tế được biểu tượng bằng chiếc nhẫn vẫn chưa phải là hiện thực. Nó là một hy vọng chắc chắn cho một tương lai còn ở rất xa phía trước.
Đời sống Cơ-đốc nhân cũng giống như vậy. Nó là sự tồn tại của những thứ “đã xảy ra rồi những vẫn chưa hoàn tất,” các tín hữu bị cuốn vào thứ mà Oscar Cullmann gọi là “phép biện chứng của hiện tại và tương lai.” (1)
Đã xảy ra, nhưng chưa hoàn tất
Ý tôi là gì? Theo Kinh Thánh, những người tin Chúa
- đã được nhận làm con nuôi trong Đấng Christ (Rô-ma 8:15), nhưng vẫn đang trông đợi sự ấy (Rô-ma 8:23)
- đã được cứu chuộc trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:7), nhưng vẫn chưa đến ngày để được cứu chuộc (Ê-phê-sô 4:30)
- đã được làm cho nên thánh trong Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 1:2), nhưng vẫn chưa được nên thánh trọn vẹn (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24)
- đã được cứu trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:8), nhưng vẫn chưa được an toàn [vì vẫn còn đang sống trong thế gian] (Rô-ma 5:9)
- đã được sống lại với Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:6), nhưng vẫn chưa được kinh nghiệm sự đó trong xác thịt (I Cô-rinh-tô 15:52).
Chúng ta đang sống trong sự căng thẳng về mặt thần học. Bởi đức tin trong Đấng Christ, tất cả những phước hạnh thiêng liêng này đã là của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa được vui hưởng trọn vẹn những ơn phước ấy. Đó là đời sống bởi đức tin: “sự xác quyết về những điều mình đang hy vọng” trong tương lai và “bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy” ở hiện tại (Hê-bơ-rơ 11:1). Đây là cuộc sống của những người đang sống giữa các thời đại.
Bên dưới sự căng thẳng thần học này là cấu trúc thần học: đã-xảy-ra-rồi-nhưng-vẫn-chưa-hoàn tất. Theo Cullman, đó là “sự tiền giả định thầm lặng nằm sau những điều mà [Tân Ước] đề cập đến.” (2) Các tác giả Tân Ước đã suy nghĩ, viết và sống theo khuôn khổ cũng như lối tư duy theo Kinh Thánh này. Nó quyết định cách họ nói về những công việc của Đức Chúa Trời cho thế giới ở hiện tại trong ánh sáng của thế giới sắp tới.
Nếu chúng ta không hiểu lối tư duy này, thì sự căng thẳng thần học mà chúng ta đang sống trong đó sẽ trở thành thảm họa thần học. Chúng ta chắc chắn sẽ hiểu sai Kinh Thánh. Và khi chúng ta hiểu sai Kinh Thánh, chúng ta sẽ sống lệch lạc. Thử cho một ví dụ, việc không hiểu về khái niệm đã-rồi-nhưng-chưa, có thể khiến một người nghĩ rằng có hai cách để được cứu rỗi. Sự cứu rỗi ban đầu phụ thuộc hoàn toàn vào Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:8), nhưng sự cứu rỗi sau cùng lại hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta (Rô-ma 5:9), mối nguy hiểm thực tiễn ấy trở nên lối tư duy theo chủ nghĩa luật pháp, bỏ qua Lời Chúa (không dựa trên nền tảng của Phúc Âm).
Thần học và đời sống tín hữu không phải như nước gặp dầu; chúng phải gắn kết cách hữu cơ như hạt giống và cây. Vì vậy, nếu chúng ta khao khát để biết được suy nghĩa của Đức Chúa Trời và sống cho Ngài, thì chúng ta phải đi theo cách của các sứ đồ đã được Chúa soi dẫn về mặt thần học và đời sống thực tiễn. Những điều tiếp theo đây không phải chỉ đơn thuần là một bài viết về thần học. Tâm trí cần nắm bắt thông tin, nhưng quan trọng vẫn là tấm lòng và đời sống của chúng ta phải được biến đổi. Chúng tôi muốn thấy khái niệm thần học này trở nên thực tế một cách sâu sắc cho các Cơ-đốc nhân đang sống trong thời điểm giao thoa giữa các thời đại này.
Bốn trụ cột nền tảng
Để nắm bắt được lối tư duy đã-xảy-ra-rồi-nhưng-vẫn-chưa-hoàn tất của Tân Ước, chúng ta cần bắt đầu với bốn trụ cột nền tảng:thuyết mạt thế (quan điểm thần học về ngày tận thế; còn gọi là Thế-mạt luận hoặc Chung-thời học), thần học Cơ-đốc giáo, thần học về Chúa Cứu Thế (giáo lý về sự cứu rỗi), và lịch sử cứu chuộc.
Có thể bạn đang nghĩ, “Thuyết mạt thế à? Cái đó không phải để giải đáp về thời kỳ sau rốt sao?” Đúng là như vậy. Thuyết mạt thế nghĩa là “nghiên cứu về những điều sau rốt”. Nhưng trong Tân Ước, thuyết mạt thế phần lớn không đề cập đến những quan điểm về thời kỳ một ngàn năm hòa bình trên đất (Thiên Hy Niên) hay thời gian xảy ra đại nạn. Thuyết mạt thế tập trung vào cách mà tương lai gắn kết với hiện tại. Điều này đặc biệt đúng với thuyết mạt thế trong các thư tín của Phao-lô, đây sẽ là trọng tâm chính của chúng ta (mặc dù không phải là duy nhất). (3)
Thuyết mạt thế Pauline có liên quan mật thiết với thần học Cơ-đốc giáo (“nghiên cứu về Đấng Christ”). Hai thuyết này gắn kết chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Như Herman Riddenbos đã nói, “‘thuyết mạt thế’ của Phao-lô cũng là ‘thuyết thế mạt của Đấng Christ’”(4). Thần học Cơ-đốc giáo định nghĩa lại cách đầy đủ về điều chúng ta đề cập ở thuyết mạt thế, và ngược lại. Đối với Phao-lô, sự nhập thể, sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ là chuỗi những sự kiện thuộc thuyết mạt thếđã hoàn tất trong lịch sử. Đó là những sự kiện thuộc lịch sử cứu chuộc – những hành động thiên thượng mà qua đó Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài qua lời nói và hành động, vượt qua cả không gian và thời gian – những sự kiện lịch sử cứu chuộc ấy giúp kết nối hiện tại với tương lai, hoặc thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa khi chúng đưa “đời sau” vào trong “đời này” (5).
Ví dụ, sự tuôn đổ Thánh Linh đề cập trong Giô-ên 2 được cho là sự kiện của kỳ sau rốt, nhưng sự kiện này lại xảy ra sau sự thăng thiên của Đấng Christ, vào ngày Lễ Ngũ Tuần trong Công-vụ 2. Việc của tương lai được thể hiện trong hiện tại qua thân vị và công việc của Đấng Christ. Điều này thường được gọi là thuyết mạt thế đã xảy ra hay đã được hiện thực hóa (một lý thuyết cho rằng các lời tiên tri trong Tân Ước không đề cập đến tương lai, hay đúng hơn là chúng đề cập đến chức vụ của Chúa Giê-xu (từ lúc sinh ra, cho đến khi chết đi và sống lại) cũng như ảnh hưởng lâu dài của công việc Ngài trong Hội-thánh).
Thế nhưng sự nhập thể, sự chết và sự sống lại của Đấng Christ không chỉ đơn thuần là những sự kiện thuộc thuyết mạt thế. Mà chúng còn là những sự kiện cứu chuộc. Thần học Cơ-đốc giáo và thần học về Chúa Cứu Thế (giáo lý về sự cứu rỗi) được đan xen không thể tách rời với thuyết mạt thế (6). Cho nên thuyết mạt thế của Phao-lô không chỉ mang tương lai lồng vào hiện tại, mà còn lấy hiện tại để xác định tương lai. Sự cứu rỗi mà Đấng Christ đã hoàn tất và sự ban cho của Đức Thánh Linh có ý nghĩa ở hiện tại và cả tương lai đối với các tín hữu. Điều này làm nổi bật lợi ích thực tế của khuôn khổ đã-xảy-ra-rồi-nhưng-vẫn-chưa-hoàn tất, tuy nhiên chúng ta sẽ quay lại những hàm ý này sau
Những trụ cột nền tảng – thuyết mạt thế, thần học Cơ-đốc giáo, thần học về Chúa Cứu Thế, và lịch sử cứu chuộc – hỗ trợ khuôn khổ thuyết mạt thế của Phao-lô (và của Tân Ước). Tuy nhiên, chúng ta nên dừng lại để xem xét sự khác biệt đáng kể của khuôn khổ này và khuôn khổ mà Phao-lô đã khẳng định trước khi cải đạo trên đường đi đến thành Đa-mách. Sự so sánh giữa hai điều này tiết lộ chính xác cách mà thân vị và công việc của Đấng Christ đã sắp đặt lại toàn bộ thời gian.
Đặt lại thời gian
Trước khi bị mù trên đường đến Đa-mách, khái niệm “đời này” và “đời sẽ đến” của Phao-lô rất khác nhau.
Ông nghĩ rằng lịch sử cứu chuộc được chia ra thành hai thời kỳ bao gồm đời này và đời sẽ đến, cũng như có một điểm giữa để phân tách hai thời kỳ này ra với nhau (7). Điểm giữa của lịch sử cứu chuộc theo quan điểm của Cựu Ước là sự đến của Đấng Mê-si thuộc dòng dõi Vua Đa-vít theo thuyết mạt thế (8), sự tuôn đổ Thánh Linh vào ngày sau cuối, (9) và sự sống lại đồng loạt của những người đã chết (10). Đây là một số sự kiện chính báo hiệu “những ngày sau rốt” (11) và đánh dấu bước ngoặt tận thế chuyển giao từ đời này sang các đời sẽ đến.
Tuy nhiên, suy nghĩ của Phao-lô đã hoàn toàn thay đổi sau khi nhìn thấy ánh sáng Phúc Âm của Đức Chúa Trời (Công-vụ 9:1-19; II Cô-rinh-tô 4:4, 6). Giờ đây ông có thể nhìn thấy rõ ràng dòng lịch sử cứu chuộc được định hình lại theo cách thiên thượng. Thời gian đã được đặt lại.
Đấng Mê-sikhông còn là Đấng-sẽ-đến nữa mà là Đấng-đã-đến-và-sẽ trở lại. Chúa Giê-xu là Đấng đã đến, qua sự chết và sự sống lại của Ngài, đã trở nên “trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (I Cô-rinh-tô 15:20). Sự phục sinh của Đấng Christ đã hoàn toàn xác định lại mong đợi của Phao-lô (theo quan điểm của người Do Thái) về sự sống lại của tất cả những người đã chết.
Chúng ta thấy sự thay đổi này một cách cụ thể trong sách Công-vụ. Lu-ca ghi nhận sự sống lại là trung tâm trong chức vụ của Phao-lô (12). Hết lần này đến lần khác, Phao-lô đứng trước các thẩm phán, bị kết tội vì đã rao giảng về sự sống lại. Như khi ông giải thích với Phê-lít, “Chính vì sự sống lại của kẻ chết mà hôm nay tôi bị xử đoán trước mặt các ông” (Công-vụ 24:21). Sau đó, tại Rô-ma, ông nói “chính vì niềm hy vọng của dân Y-sơ-ra-ên mà tôi mang xiềng xích nầy” (Công-vụ 28:20).
Niềm hy vọng của dân Y-sơ-ra-ênlà gì? Nó được nói đến trong Công-vụ 24:15: “…có cùng một hy vọng nơi Đức Chúa Trời… tức là sẽ có sự sống lại của cả người công chính lẫn người bất nghĩa.” Niềm hy vọng của dân Y-sơ-ra-ên ấy là sự sống lại của tất cả những người đã chết – một sự kiện lớn của kỳ sau rốt mở ra thời đại mới.
Nhưng Phao-lô nói rõ rằng niềm hy vọng của dân Y-sơ-ra-ên về sự sống lại và sự cứu rỗi dựa trên sự phục sinh của Chúa Giê-xu Christ “…tôi đứng đây làm chứng cho người lớn kẻ nhỏ, không nói gì khác hơn là điều các nhà tiên tri và Môi-se đã báo trước phải xảy ra: tức là Đấng Christ phải chịu thương khó, và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để rao truyền ánh sáng cho dân Do Thái cũng như các dân ngoại” (Công-vụ 26:22-23).
Brandon Crowe viết, “Rõ ràng sự sống lại không đơn giản chỉ là một sự kiện trong nhiều sự kiện nhưng nó còn là cách thức mà Kinh Thánh được ứng nghiệm và là phương tiện chứng tỏ Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si, là Chúa của tất cả mọi người. Nói tóm lại, sự sống lại là ‘niềm hy vọng của dân Y-sơ-ra-ên”, và niềm hy vọng này đã đi vào lịch sử qua Chúa Giê-xu người Na-xa-rét.” (13)
Trong khi sự sống lại của tất cả những kẻ chết từng được cho là bước ngoặt quyết định của thời đại, thì giờ đây Phao-lô lại cho rằng sự sống lại của Chúa Giê-xu chính là bước ngoặt vĩ đại, (14) đưa chúng ta từ thời đại này vào giai đoạn chồng-chéo-giữa-các-thời-đại mà chúng ta hiện đang trải qua để bước vào thời đại sắp tới. (15) Do đó, điểm trung chuyển của lịch sử cứu chuộc được mở rộng, được gắn kết bởi sự đến lần thứ nhất và sự tái lâm của Đấng Christ. Đây là “thời điểm” ở giữa mà chúng ta đang sống.
Kỳ-sẽ-đến đã đến trong hiện tại. Đó là lý do tại sao Phao-lô mô tả các Cơ-đốc nhân là “những người đang sống ở cuối các thời đại” (I Cô-rinh-tô 10:11). Và chính Phi-e-rơ sau khi chứng kiến sự tuôn đổ Thánh Linh, đã thêm cụm từ “trong những ngày sau rốt” (Công-vụ 2:17) vào phần trích dẫn trực tiếp Giô-ên 2:28-32. (16) Đây là lý do tại sao Phi-e-rơ cũng tuyên bố rằng Đấng Christ đã chết và sống lại “vào thời kỳ cuối cùng này” (I Phi-e-rơ 1:19-21 Bản Hiệu Đính). Và đây là lý do tác giả sách Hê-bơ-rơ làm nổi bật lời phán dạy của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Con “trong những ngày cuối cùng này” (Hê-bơ-rơ 1:2), là Đấng “hiện ra một lần đủ cả vào cuối các thời đại để dâng mình làm sinh tế cất tội lỗi đi” (Hê-bơ-rơ 9:26).
Cullmann viết, “Đây đã là kỳ cuối rồi, nhưng nó chưa phải là sau rốt.” (17) Lần đến đầu tiên của Đấng Christ đánh dấu sự mở đầu cho những ngày sau rốt. Sự đến lần hai của Ngài sẽ kết thúc những ngày cuối cùng. Và các Cơ-đốc hiện đang sống trong những ngày sau rốt, (18) trong sự chồng chéo giữa các thời đại, nơi mà sự cứu rỗi đã thuộc về chúng ta rồi nhưng vẫn chưa trọn vẹn. (19)
Anthony Hoekema đã đưa ra một tóm tắt hữu ích như sau:
Bản chất của thuyết mạt thế theo Tân Ước có thể được tóm lượt dưới ba góc độ sau đây: (1) sự kiện lớn của thuyết mạt thế (tức là sự sống lại) được dự ngôn trong Cựu Ước đã xảy ra rồi; (2) Những tác giả Cựu Ước dường như đã miêu tả sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn: kỳ hiện tại và kỳ tương lai; và (3) mối liên hệ giữa hai giai đoạn mạt thế này là những ơn phước của kỳ hiện tại cũng là những cam kết đảm bảo cho những phước hạnh lớn hơn sẽ đến. (20)
Sống giữa các thời đại
Làm thế nào để khuôn khổ đã-rồi-nhưng-chưa chỉ ra cách thức để chúng ta sống trong sự căng thẳng giữa sự đến lần đầu tiên và lần tái lâm sắp tới đây của Đấng Christ? Có nhiều khía cạnh nổi bật ở đây, nhưng tôi muốn tập trung vào bốn cách mà sự phục sinh vinh hiển của Đấng Christ – sự kiện thay đổi trật tự thời gian trong lịch sử cứu chuộc – có liên quan đến đời sống thực tiễn của Cơ-đốc nhân chúng ta.
(Còn tiếp)
Dịch: Hữu Đức Bùi
Nguồn: Desiringgod.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com